TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lên đường

Thứ hai - 31/05/2021 05:19 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   840
Lên đường

Lên đường
Bài giảng của Đức cha Vũ Văn Thiên trong Chúa nhật 15 Thường niên


HẢI PHÒNG - Một khi được sai đi, người ngôn sứ không thể ù lỳ bất động, nhưng phải lên đường. Cuộc lên đường nào cũng đòi hỏi phải chấp nhận hy sinh, thoát ra khỏi vỏ bọc ích kỷ để đến với người khác.

Cuộc sống quanh ta muôn màu muôn vẻ. Mỗi ngày sống chỉ có ý nghĩa khi đem lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân. Cuộc sống cũng như dòng chảy, luôn mang theo sức sống đến với mọi người ta gặp gỡ và mọi nơi ta hiện diện. Thiếu niềm vui, cuộc sống sẽ trở nên nghèo nàn đơn điệu vô nghĩa. Cuộc sống cũng luôn là cuộc lên đường, mở rộng tầm nhìn, khám phá những điều kỳ diệu Thiên Chúa đang không ngừng thực hiện mỗi ngày, để ca tụng tôn vinh và loan báo tình thương của Ngài đối với nhân loại. Đối với người tin Chúa, mỗi ngày sống là một cuộc lên đường. Càng nhiệt thành lên đường, ta càng nhận ra cuộc đời này tươi đẹp.

Tiếp nối tư tưởng sứ mạng “ngôn sứ” được diễn giải trong Chúa nhật trước, Lời Chúa hôm nay muốn phác họa chân dung người ngôn sứ trong cuộc sống hiện tại. Ngôn sứ là người được sai đi nói lời của Chúa. Một khi được sai đi, người ngôn sứ không thể ù lỳ bất động, nhưng phải lên đường. Cuộc lên đường nào cũng đòi hỏi phải chấp nhận hy sinh, thoát ra khỏi vỏ bọc ích kỷ để đến với người khác. Đến với người khác là chấp nhận họ cùng với những khiếm khuyết và bất toàn của họ trong nhân cách cũng như mối tương giao.

Chẳng có ai sinh ra lập tức đã là ngôn sứ, nhưng phải rèn luyện bản thân và thiện chí học hỏi. Ngôn sứ Amos đã được Chúa gọi “bất thình lình” khi ông đang đi theo đàn chiên. Ông tự nhận mình không phải là một ngôn sứ cha truyền con nối. Nhưng một khi đã được Chúa gọi, ông làm hết sức mình để chuyển tải lời giáo huấn của Chúa cho dân (Bài đọc I). Chúa có quyền tự do chọn lựa và gọi những ai Ngài muốn. Tất cả đều có thể cộng tác với Ngài để thi hành nhiệm vụ ngôn sứ. Không có ai lấy cớ, sức khỏe, học vấn, địa vị xã hội… để khước từ sứ mạng cao quý này. Hiệu quả của nhiệm vụ ngôn sứ không đến từ sự khôn ngoan loài người, nhưng do Chúa làm nên. Ngôn sứ Giona đã lên đường với toan tính kiểu con người, tức là trốn tránh trách nhiệm Chúa trao vì quá nặng nề, nhưng kết cục, ông vẫn phải đến nơi Chúa muốn sai ông đến. Trong Cựu ước, có những vị ngôn sứ vì sợ cường quyền hoặc ham muốn bổng lộc, đã làm sai lệch ý Chúa. Những vị này đã phải chuốc lấy thất bại, vì tội bất trung.

Mỗi người tín hữu là một ngôn sứ được sai vào lòng đời. Thánh Máccô thuật lại việc Chúa Giêsu sai các môn đệ lên đường. Hành trang các ông mang theo trước hết là quyền năng và sức mạnh thần thiêng của Chúa. Nhờ quyền năng này, các ông có thể xua trừ ma quỷ, đẩy lui sự tấn công của thần ô uế và những mãnh lực tăm tối. Những người được sai đi không làm việc đơn lẻ, nhưng trong tình hiệp thông và liên kết với anh em mình. Đó là lý do tại sao Chúa sai “từng hai người đi”. Sự liên kết này vừa tạo sức mạnh trong việc loan báo, vừa là một chứng từ sống động để giúp người khác nhận ra sứ điệp của Chúa.

Nhờ bí tích Thanh tẩy, chúng ta trở nên những ngôn sứ của Giao ước mới. Thánh Phaolô khẳng định: Thiên Chúa đã chọn chúng ta từ trước khi tạo dựng thế gian, với mục đích để chúng ta nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài (Bài đọc II). Đây chính là vinh dự của người Kitô hữu. Vinh dự này đem lại cho chúng ta ân sủng và niềm vui. Ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương cũng thúc bách chúng ta hãy loan báo tình yêu thương ấy cho mọi người. Đó chính là nhiệm vụ ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận khi được thanh tẩy.
Nhiệm vụ ngôn sứ gắn liền với những khó khăn chống đối và thử thách trăm chiều. Chúa Giêsu là vị Ngôn sứ vĩ đại khôn ngoan, đã chấp nhận những phản đối từ phía đồng bào của Người và đã phải chết trên thập giá, do sự ghen tương thù nghịch của họ. Những ngôn sứ tiếp nối Chúa Giêsu không thể khước từ thập giá, vì thập giá là con đường Chúa đã đi, là phương tiện Chúa đã sử dụng và là phong cách Chúa qua đó Chúa thể hiện tình thương vô biên của Chúa Cha đối với nhân loại.

Thi hành nhiệm vụ ngôn sứ qua lời rao giảng. Đó là điều đương nhiên. Tuy vậy, người Kitô hữu còn phải thực hiện chức năng này qua chính cuộc sống hằng ngày. Sự thân thiện, cởi mở, bao dung, nhân hậu, hiếu hòa, độ lượng… đều là những chứng từ tuyệt vời khẳng định chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Khi cố gắng trau dồi những đức tính trên đây, mặc dù chúng ta chẳng đi đâu xa, nhưng vẫn đang lên đường mỗi ngày. Với thiện chí của bản thân và ân sủng của Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ đem lại những hoa trái và thành công.

 

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: Giáo phận Hải Phòng

 Tags: Lên đường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây