TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một học thuyết kỳ lạ về giới tính

Thứ bảy - 29/05/2021 00:57 | Tác giả bài viết: Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm |   1153
Một học thuyết kỳ lạ về giới tính

Gender Theory, một học thuyết kỳ lạ về giới tính

Đây là một thuyết kỳ lạ về giới tính (Gender theory). Nó xuất hiện tại Hoa Kỳ trong thập niên 70 thế kỷ trước, dưới ảnh hưởng của những nhà tư tưởng Pháp như Michel Foucault và Jacques Derrida, và đã được sử dụng như công cụ ý thức hệ cho một phong trào đấu tranh quá khích cho nữ quyền.

Thuyết này chủ trương gì?

Thuyết này phủ nhận sự khác biệt giới tính “tự nhiên” giữa nam và nữ. Khi sinh ra, trừ trường hợp “khác thường”, mỗi người là trai hay gái, nam hay nữ; sự phân biệt đó, dĩ nhiên là căn cứ trên cơ sở sinh học; cha mẹ cũng dựa vào đó để làm khai sinh cho con mình. Nhưng nay người ta phủ nhận sự khác biệt sinh học đó và cho rằng sự khác biệt nam nữ chỉ là kết quả của văn hoá, nó là một cấu trúc xã hội; nam giới và nữ giới chẳng qua chỉ là những vai trò (rôles) xã hội-văn hoá khác nhau mà xã hội tuỳ tiện đề ra (rồi được đưa vào trong ngôn ngữ), và do đó có thể phá đổ. Thiên nhiên (hay tự nhiên) chẳng liên quan gì tới đây cả. Do đó, người ta cũng bảo rằng không hề có xu hướng tự nhiên đẩy người nam và người nữ đến với nhau. Xu hướng này cũng chỉ lệ thuộc vào những điều kiện xã hội.

Hẳn là những người chủ trương thuyết mới lạ này cũng phải nhìn nhận có một giới tính sinh học; chẳng hạn về mặt di truyền học, người nam người nữ có những nhiễm sắc thể giới tính khác nhau (XX và XY). Nhưng theo họ, sự khác biệt này không có vai trò nào trong việc hình thành “căn tính giới tính” (identité sexuelle) của mỗi người. Làm người nam hay làm người nữ tuỳ thuộc vào một chọn lựa chủ quan của từng cá nhân. Mình nhìn căn tính giới tính của mình thế nào, mình nhìn xu hướng giới tính hay tính dục (orientation sexuelle) của mình như thế nào –ví dụ đồng tính, khác tính hay lưỡng tính– thì là thế ấy. Không có quy chiếu khách quan nào làm chuẩn cả.

Tại sao có một thuyết kỳ lạ như thế?

Người ta đưa ra học thuyết này trước tiên để phục vụ phong trào đấu tranh cho nữ quyền. Nó nhằm chống lại sự bất bình đẳng nam nữ. Nhân danh việc cấm phân biệt đối xử giữa nam và nữ giới, người ta phủ nhận luôn nền tảng sinh học của giới tính. Trong lịch sử, sự bất bình đẳng nam nữ phát sinh chủ yếu từ văn hoá, điều đó là hiển nhiên. Nhưng chắc chắn ở đây văn hoá cũng đã dựa trên sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ, như sức mạnh thể lý, cơ bắp, nước da, giọng nói, cấu trúc cơ thể, v.v... Và nếu thế thì, theo họ, cơ sở cho bất bình đẳng và kỳ thị sẽ vẫn luôn luôn tồn tại. Chắc hẳn vì thế mà lý thuyết mới về “giới” (hay giống) chối bỏ luôn cả những sự khác biệt vốn được coi là “tự nhiên” đó.

Lúc đầu người ta còn phân biệt “phái tính” hay “giới tính” (sex trong tiếng Anh, sexe trong tiếng Pháp) với “giống” (gender/genre): nghĩa là phái tính (nam hay nữ) chỉ một sự khác biệt căn cứ trên thể lý/sinh học, còn giống (đực hay cái) chỉ là một quy ước của ngôn ngữ (như trong tiếng Pháp, danh từ la maison=cái nhà là giống cái, còn danh từ le tableau=cái bảng là giống đực). Rồi về sau, khi nói về con người, người ta đã tiến tới chỗ chỉ còn sử dụng danh từ “giống” (gender/genre) và loại bỏ mọi quy chiếu về phạm trù giới tính/phái tính (liên quan đến sex như đã xác định trên). Đó là chủ trương của học thuyết về “giới” hiện nay vì, như đã nói, nó coi những khác biệt giữa nam và nữ chỉ là do văn hoá và xã hội tạo ra mà thôi.

Lý thuyết này nhìn mối liên hệ giữa nam và nữ luôn luôn như một liên hệ đối kháng; nó cho rằng người đàn ông đã luôn thống trị người đàn bà; nó phủ nhận tính liên đới, tính bổ sung cho nhau giữa hai phái mà ngay những đặc điểm thể lý đã cho thấy rồi. Do ảnh hưởng của nó, có nơi nhà cầm quyền đã loại ra khỏi bộ Luật dân sự những cách gọi truyền thống: cha, mẹ và thay vào đó cách gọi kỳ quái là “người cung cấp những năng lực di truyền học” (pourvoyeur de forces génétiques). Làm sao một chuyện lạ đời như thế có thể xảy ra trong một thế giới Tây phương đã đạt tới những tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa từng có? Phải chăng người ta chỉ “duy lý” khi cần phải duy lý và “bất nhất” khi thấy cần phải bất nhất?

Những hậu quả tai hại

Vài nhận xét sơ khởi trên đây cũng đã có thể cho thấy học thuyết này không mang tính khoa học mà chỉ là một ý thức hệ, nghĩa là một lý thuyết không căn cứ trên nền tảng khách quan vững chắc và phổ quát nào, mà chủ yếu gắn liền vào những chọn lựa, những chủ trương nào đó nhằm phục vụ những lợi ích mang tính “phe nhóm”. Căn cứ vào những chọn lựa ấy, nó phủ nhận những điều khách quan hiển nhiên. Bởi thế nó là một ý thức hệ hết sức tai hại đối với xã hội và con người. Chối bỏ căn tính nam hay nữ như một thực tại nội tại của mỗi con người, là chối bỏ một nền tảng quan trọng từ đó mỗi người xây dựng căn tính và nhân cách riêng của mình. Sự chối bỏ đó còn là một cuộc tấn công vào định chế hôn nhân, gia đình, tấn công vào thiên chức làm cha, làm mẹ và sự truyền sinh. Khi một xã hội phủ nhận sự khác biệt giới tính trong luật lệ của mình, nó mặc nhiên đặt ngang hàng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ (vốn là nền tảng khách quan của xã hội) với cuộc sống chung giữa hai người đồng tính/giới, đồng thời nó “biệt đãi” các xu hướng giới tính hay tính dục (xu hướng đồng tính, khác tính, lưỡng tính) được coi là có giá trị như nhau. Nhưng làm sao có thể đặt các xu hướng giới tính trên hay dù chỉ là ngang hàng với căn tính giới tính (tự nhiên) được, bởi lẽ chỉ có sự phối hợp nam nữ mới sinh ra con cái, tức những thành viên của xã hội, những công dân của một nước? Nếu bất chấp sự thật hiển nhiên này, thì rõ ràng là cố ý tìm lợi ích của những phe nhóm nhất định, hay thậm chí tìm thoả mãn nhưng nhu cầu riêng của những nhóm người nào đó, với bất cứ giá nào. Quả thực, đây là một nét khá nổi bật, dù không hợp lý, của nền văn hoá Tây phương hiện đại.

Kitô giáo nói gì?

Giáo lý Công giáo về con người là hết sức rõ ràng và nhất quán. Xin tóm tắt mấy điểm then chốt.

Ngay những trang đầu, Kinh Thánh Cựu Ước đã cho thấy phẩm giá vô song của con người vì con người được “Thiên Chúa sáng tạo nên theo hình ảnh của Người”, có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Dựng mình, được Người đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất (x. St 1,26-28 và Hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng (VMVHV) của Công Đồng Vaticanô II, số 12, #3). Rồi liền ngay sau khi dạy rằng Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình, bài Kinh Thánh viết: “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Đã nói “con người” thì phải có nam có nữ. Người nam và người nữ –Ađam và Eva– có cùng một bản tính, một phẩm giá như nhau, và họ liên kết với nhau “thành một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người”. Sự liên kết này phát sinh từ chính “bản tính thâm sâu của họ” bởi vì “con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng mình” (Hiến chế VMVHV, số đã dẫn). Trình thuật về việc sáng tạo con người chưa dừng lại trước khi nói về sự kết hợp nam nữ thành vợ chồng. Theo kiểu nói hình tượng quen thuộc, sách Sáng Thế kể: Khi đối diện với người đàn bà được Thiên Chúa tạo dựng từ xương sườn của mình, “con người” (Ađam) nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”. Và Sách Thánh bình luận: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,23-24). Như vậy, hôn nhân và gia đình cũng phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa, do đó là những định chế thánh thiện (x. Mt 19,1-8. Có thể đọc thêm Hiến chế VMVHV, các số 48-50).

Vài nhận định kết thúc

Thuyết về Giới đã công khai bước lên sân khấu thế giới tại Hội nghị quốc tế về Phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995; ngày nay nó được những văn phòng Liên Hiệp Quốc và Quốc Hội châu Âu ủng hộ; nó cũng được vài nước châu Âu đưa vào chương trình giáo dục. Có phải đó là bằng chứng rằng đó là một thuyết nghiêm túc không?

Thông thường có thể kết luận được như vậy, nhưng ở đây không phải như thế. Có biết bao ý thức hệ được nhóm này nhóm kia, tổ chức này tổ chức nọ, thậm chí nước này nuớc khác coi là “chân lý” mà chỉ là chân lý đối với họ mà thôi. Làm sao có thể coi là đúng khi, chẳng hạn, người ta coi cuộc sống chung của hai người khác phái vốn chỉ “phục vụ” lợi ích hẹp hòi của hai cá nhân trong cuộc, cũng ngang với một cuộc hôn phối đích thực? Lương tri cho thấy ngay việc “đánh đồng” đó là sai, là hạ thấp và đe doạ định chế hôn nhân và gia đình nền tảng của xã hội. Hoặc, làm sao có thể coi là đúng khi người ta phủ nhận một điều hiển nhiên là mỗi người có một căn tính giới tính (tôi không nói căn tính người) được quy định bởi những yếu tố sinh học, chứ không phải chỉ do văn hoá và xã hội? Có gì là kỳ thị khi nói rằng người này người kia sinh ra là nam hay nữ? Sách giáo khoa môn sinh vật học của Pháp (nhà xuất bản Bordas năm 2011), để phổ biến thuyết về giới, vẫn khẳng định: Chỉ một mình bối cảnh văn hoá-xã hội đã đủ để giải thích tại sao mô hình tính dục khác giới (hétérosexuel) lấn át các mô hình khác (chứ không phải do cấu trúc sinh học của người nam và người nữ)! Thế thì xin hỏi, tác giả có biết trong lịch sử loài người có thời nào mô hình tính dục đồng giới hay lưỡng giới đã phổ biến ngang bằng hay lấn át mô hình khác giới như một chuyện “bình thường” không? Nếu không chứng minh được thì khẳng định của họ chỉ là võ đoán, tuỳ tiện mà thôi –một khẳng định mang tính ý thức hệ rõ rệt, không phải là khoa học. Mọi động vật xưa nay sinh ra đều có đực có cái, có trống có mái tuy cũng thuộc một loài như nhau, và chỉ có sự phối hợp hai cá thể khác giới tính mới sinh sản được những cá thể mới và duy trì được nòi giống. Đó là luật tự nhiên. Thiên chức cao quý làm mẹ được thiên nhiên chuẩn bị cho người phụ nữ đầy đủ về mặt sinh học, và thiên nhiên cũng làm như thế cho thiên chức làm cha của người nam. Qua lý thuyết về giới này, tôi hiểu thêm tại sao Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thường nói tính độc đoán của chủ nghĩa tuơng đối hiện đại. Có điều mâu thuẫn là một đàng người ta quả quyết không có chân lý nào khách quan phổ quát cho mọi người (tương đối!), đàng khác là cho rằng chỉ có mình là đúng và tìm cách áp đặt ý kiến của mình cho kẻ khác, –nhất là khi mình nắm quyền hành trong tay!

Thuyết mới về giới cũng là một minh hoạ tiêu biểu cho nền văn minh Tây phương hiện đại: Con nguời muốn tự định đoạt lấy cuộc sống mình, tự quyết cái gì là đúng cái gì là sai (chân), cái gì tốt cái gì xấu (thiện), khỏi cần những quy chiếu khách quan như Thượng Đế hay Thiên Nhiên, luật Thiên Chúa hay luật tự nhiên. Người không tin Chúa thì phủ nhận luật của Ngài cũng không sao, bởi vì họ còn có luật tự nhiên. Căn cứ vào đó, con người có lý trí vẫn có thể hành động đúng và tốt, và hoàn thiện chính mình được. Luật Chúa kiện toàn chứ không mẫu thuẫn hay hủy bỏ luật tự nhiên. Điều bi đát là con người hiện đại nhiều khi phủ nhận ngay cả luật thiên nhiên –thuyết về giới là một ví dụ– bởi họ sợ rằng vâng theo thiên nhiên, mình sẽ không còn là “chúa tể” của mình nữa, hoặc họ ngờ ngợ rằng nghe theo thiên nhiên thật ra là nghe theo Tạo Hoá. Nhưng chính vì thế mà thế giới ngày nay như bị “xào xáo”, mất phương hướng, rơi vào khủng hoảng về ý nghĩa, về giá trị và về đạo đức. Ngày nay những ý niệm như nhân phẩm, nhân quyền cũng không còn được đặt trên cơ sở “khách quan” nào vững chắc nữa. Tuy có người vẫn nói tới quyền tự nhiên, nhưng kỳ thực người ta chỉ chấp nhận với nhau những quy tắc thực tế cho cuộc sống và hành động chung với nhau mà thôi, chứ không nhìn nhận quyền nào thực sự là tự nhiên hay bất khả xâm phạm. Không ít nhóm người không muốn chấp nhận những quyền mà Tuyên Ngôn năm 1948 của Liên Hiệp Quốc công bố là quyền cơ bản của con người. Ngày nay (và thuyết về giới lại là một ví dụ), nhân danh nguyên tắc bất kỳ thị, người ta có khuynh hướng coi lợi ích hay nhu cầu của bất cứ nhóm nào đều là “quyền” cả. Nhưng khi cái gì cũng là quyền cả thì chẳng có gì là quyền nữa; khái niệm quyền trở nên trống rỗng, mất giá!

Từ nơi thâm sâu của những loại thuyết như thế này, phải chăng có một ý muốn chống lại Thiên Chúa và chống lại Kitô giáo?


Tham khảo:
Mgr Tony Anatrella, Théorie du Genre dans Caritas in Veritate. ZENIT.org, 8 juillet 2009 (interview).
– Idem, Théorie du Genre préoccupe les pères synodaux, ZENIT.org, 12 octobre 2009 (interview).
– Explications de la Fondation Lejeune, “La Théorie du gender au lycée: Un enseignement idéologique”, ZENIT.org, 29 aout 2011.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây