TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

 Nhập Thể Siêu Thăng Dã Sử

Thứ sáu - 24/12/2021 21:36 |   1033
Lễ Giáng sinh năm nay, tạp chí First Things cho đăng tải trong hai ngày liên tiếp 21 và 22 tháng 12 hai nhận định đáng lưu ý. Cả hai bài đều đề cập tới khía cạnh dã sử và lịch sử của biến cố Giáng Sinh.
 Nhập Thể Siêu Thăng Dã Sử

 Nhập Thể Siêu Thăng Dã Sử

Vũ Văn An
 
Lễ Giáng sinh năm nay, tạp chí First Things cho đăng tải trong hai ngày liên tiếp 21 và 22 tháng 12 hai nhận định đáng lưu ý. Một của E. J. Hutchinson, giáo sư Cổ Điển tại Cao Đẳng Hillsdale, (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2021/12/incarnation-transcends-myth) và một của George Weigel (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2021/12/the-sacred-earthiness-of-christmas). Cả hai bài đều đề cập tới khía cạnh dã sử và lịch sử của biến cố Giáng Sinh.



Nhập thể siêu thăng dã sử

C. S. Lewis vốn nói dã sử đem lại sức sống. Trong “Myth Became Fact” [dã sử trở thành sự kiện], ông mô tả đức tin Kitô giáo như sự ứng nghiệm của điều các dã sử vĩ đại ngoại giáo từng mò mẫm tìm kiếm. Nói cách khác, trình thuật Kitô giáo là dã sử đích thực, biến những điều người ngoại giáo tri nhận một cách lờ mờ và xa xôi thành cụ thể, rõ ràng và hiện thực. Lewis viết, “chúng ta không nên xấu hổ về việc tia sáng dã sử chiếu trên nền thần học của chúng ta. Chúng ta không nên hoảng sợ về ‘các song hành’ và ‘Chúa Kitô ngoại giáo’; chúng nên có ở đấy – sẽ là một trở ngại lớn lao nếu chúng không có ở đó”.

Lewis hoàn toàn đúng. Thánh Augustinô đôi khi giải thích các dã sử ngoại giáo cách này; các nhà hộ giáo như Minucius Felix và Justin Martyr, thậm chí cả Thánh Tông đồ Phaolô nữa cũng giải thích như thế. Các thi sĩ và triết gia ngoại giáo đã thoáng nhìn thấy sự thật. Bao lâu họ thu lượm được một chút sự thật, thì việc làm của họ thật đáng đánh giá cao. Bạn đọc nào sinh động với khả thể này sẽ tránh được thứ duy sử chỉ biết lo lắng tìm cách sử dụng “bối cảnh” để buộc bản văn phải khuất phục trì trệ. Thay vào đó, họ có thể coi các áng thơ và dã sử xưa như các thành phần đan xen nhau tạo thành câu truyện vĩ đại.

Tôi cho rằng Bài Thơ số 64 của Catullus cho ta một điển hình của điều Lewis mô tả. Được viết khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước Chúa Giáng Sinh, nó là một thứ “epyllion”, một thiên hùng ca rút ngắn. Thể tài của nó là đám cưới của Peleus và nàng Thetis thần thánh, mẹ tương lai của Achilles. Nhưng đoạn kết của bài thơ cho ta một khúc quanh thật ngạc nhiên. Nhà thơ cho chúng ta hay, các thần minh có thói quen trà trộn với những con người tử sinh nhưng những ngày đó đã qua hẳn rồi. Vì

Sau khi Trái đất ra ô uế với những tội ác khôn tả
Và mọi Công Lý bị xua khỏi tư tưởng tham lam của họ
Anh em đẫm máu anh em trên đôi tay
Con trai hết khóc than khi cha mẹ quá vãng
Cha cầu cho con trai chết lúc xuân chừng
Để tự do chiếm sắc hương nàng dâu mới cưới,
Mẹ, dối trá vô đạo với con trai ngu ngốc,
Dám vô đạo phạm tội chống Các Gia Thần.
Cái điên dại xấu xa lẫn lộn điều tốt với điều xấu
Khiến các các vị thần bỏ hết ý nghĩ thứ tha
Đến không còn đoái thăm những buổi tụ tập
Cũng không để ánh sáng hay mắt trần đụng tới


“Cái điên dại xấu xa... Khiến các các vị thần bỏ hết ý nghĩ thứ tha”. Ta cũng có thể đổi kiểu nói “ý nghĩ thứ tha” thành “tâm tư công chính hóa”. Ngôn từ của Catullus ở đây, justificam... mentem, quả hết sức đáng chú ý. Tôi không thể tìm được một tĩnh từ điển hình nào khác trong văn chương Latinh cho mãi tới triết gia thế kỷ 17 là Hugo Grotius. Trong văn chương cổ thời, đó là điều các nhà ngữ học gọi là hapax legomenon: một chữ chỉ xuất hiện trong một đoạn văn chứ không xuất hiện ở nơi nào khác. Tại sao Catullus sử dụng nó ở đây? Một cách mặc nhiên, ông tự hỏi: Làm thế nào các vị thần một lần nữa lại phải có “tâm tư công chính hóa” với những tạo vật xấu xa như thế? Làm thế nào Catullus lại có thể đến gần câu hỏi trung tâm của Luther “Ở đâu, tôi có thể tìm thấy một Thiên Chúa từ nhân?” Ai mà biết? Chắc chắn không phải Catullus.

Catullus mô tả một loại “Sa Ngã” nào đó khỏi trạng thái vô tội và hiệp thông nguyên sơ với thần linh. Huyền thoại học cổ thời có nhiều trình thuật khước từ đầy huyền bí. Ta tìm thấy chúng nơi Hesiod và Ovid, chẳng hạn. Câu truyện kể rằng có thời con người yêu lòng từ bi và thực hành công lý. Họ khiêm cung đi với các thần minh. Nhưng rồi một điều gì đó ra lệch lạc và con người mất đặc ân ấy. Chúng ta chưa bao giờ được giải thích đích thực “một điều gì đó” là điều gì. Chúng ta chỉ biết cái xấu xa của con người đã tách họ ra xa các thần minh, và sự tha thứ là điều bất khả.

Ở đây, chúng ta thấy người ngoại giáo thông tuệ xiết bao, nhưng họ thông tuệ một cách bi đát biết chừng nào. Việc tìm kiếm một Thiên Chúa từ nhân không hề có giải pháp cho một người như Catullus. Nhưng tuy thế chúng ta vẫn có thể thấy, khi từ sau nhìn về trước, rằng nhận xét của ông, một cách vô tình, đã dự ứng một biến cố tương lai sẽ trả lời được câu hỏi đặt ra ở trên. Dã sử Kitô giáo nối dài câu truyện và biến thảm kịch thành bi kịch.

Tội lỗi của con người khiến công chính trốn chạy khỏi mặt đất. Nhưng nhờ tình thương vĩ đại của Thiên Chúa dành cho con người, công chính đã trở lại. Paul Gerhardt, trong ca khúc Mùa Vọng tuyệt vời “O Lord, How Shall I Meet You [Lạy Chúa, Làm sao Con gặp được Chúa]”, đã viết:

Tình yêu khiến Chúa nhập thể;
Tình yêu đem Chúa xuống con.
Lòng Chúa thèm khát cứu con
Đem lại tự do cho con
.

Dĩ nhiên, trình thuật Kitô giáo về Cuộc Sa Ngã không y hệt như điều ta thấy nơi Catullus. Trước nhất, Kitô giáo có một giải thích cho cơn bệnh chết người là sự ác: tội lỗi đầu tiên của Ađam và Evà. Ở đấy, nhân loại để mất Thiên Đàng và Hoàng Kim Thời Đại. Thứ đến, Catullus đúng ở chỗ chúng ta đã ra ghẻ lạnh đối với Thiên Chúa, nhưng không phải Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Đúng hơn chính chúng ta bỏ rơi Thiên Chúa. Khi Ađam và Evà phạm tội, họ chạy trốn và ẩn núp khỏi Thiên Chúa. Nhan thánh Người không bao giờ lìa xa họ nhưng theo một nghĩa nào đó, vinh quang của Người quả có lìa xa họ. Hậu quả thực tế giống như Catullus đã mô tả. Như điệp khúc trong Sách Thủ Lãnh từng viết, “mọi người đều làm điều đúng dưới đôi mắt riêng của họ”.

Kết thúc Bài thơ 64 dường như cũng mò mẫm hướng tới trình thuật Kitô giáo. Catullus viết rằng các vị thần không “để ánh sáng hay mắt trần đụng tới”. “Ánh sáng hay mắt trần” trong tiếng Latinh chỉ là lumine claro. Ý nghĩa không chắc chắn, như bản dịch cho thấy.

Nhưng điều gì sẽ xẩy ra nếu là cả hai, hay đúng hơn, nếu Chúa Kitô là cả hai? Thánh Gioan cho ta hay Chúa Giêsu là ánh sáng thật xuống trần gian, và bài ca của Ông Dacaria trong Luca 1 gọi Người là “ánh sáng ban ngày từ trên cao”. Chính trong ánh sáng này chúng ta thấy ánh sáng (Tv 36:9)— nghĩa là chính Thiên Chúa. Trong các sách Tin Mừng, ánh sáng này thậm chí đã phục hồi thị lực thể lý cho con người. Viết về một trong các phép lạ này, việc chữa lành cho người mù và câm trong Mátthêu 12, thi sĩ Kitô giáo thế kỷ thứ 5 Sedulius viết:

Verbaque per verbum, per lumen lumina surgunt [Lời lẽ của con người trở lại nhờ Ngôi Lời, ánh sáng của họ nhờ Ánh Sáng].

Ngôi lời nhập thể và chịu đau khổ khiếm diện trong thần thoại học ngoại giáo, và đây là lý do để Catullus yếm thế. Đối với Catullus, các vị thần không thể “đoái thăm các cuộc tụ tập” của chúng ta. Nhưng theo Thánh Gioan, đây chính là điều Thiên Chúa làm khi “Ngôi Lời trở nên xác phàm và cắm lều giữa chúng ta”. Thấy sự xấu xa như Catullus mô tả, Chúa Kitô, qua việc Nhập thể, cái chết, và sự Phục sinh, đã làm điều nằm ngoài khả năng của con người. Người không những chạm tới và để mình bị xác phàm nhân đụng tới, mà còn mặc lấy nó ngõ hầu chữa lành nó. Lewis viết, “Giờ đây, như dã sử thăng hoa ý nghĩ, nhập thể quả thăng hoa dã sử. Trái tim Kitô giáo là một dã sử, một dã sử cũng là sự kiện”.

Tính đất thánh thiêng của Lễ Giáng Sinh

Một ngày sau, có lẽ sau khi đọc Hutchinson, cùng đề cập đến chuyện dã sử và lịch sử của Giáng Sinh, nhưng nhấn mạnh tới khía cạnh sau, George Weigel nói tới Tính Đất Thánh thiêng của Lễ Giáng Sinh [the sacred Earthiness of Christmas):

Một bộ sách khổng lồ 6 cuốn tựa là Hạnh Các Thánh, xuất bản lần đầu giữa các năm 1872 và 1877, cho tôi hay, ở đây, tại Kinh Thành Muôn Thuở, Lễ Giáng sinh lần đầu tiên trở thành ngày lễ tách biệt với lễ Hiển Linh xưa vào thế kỷ thứ tư, và thánh Gioan Kim Khẩu, một trong 4 Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội vốn ủng hộ ngai tòa (cathedra) trong tuyệt tác bằng đồng của Bernini, Bàn Thờ Ngai Tòa, trong Vương Cung Thánh Đường Vatican, “đã dùng mọi cố gắng tuyệt đỉnh của ngài” để cổ vũ việc cử hành Lễ Giáng sinh tại Phương Đông Kitô giáo. Tác giả, trong lối văn rườm rà đầy quyến rũ, văn phong thời Victoria, sau đó đã liệt kê các di tích Sinh Nhật, ở Rôma này và nhiều nơi khác:... trong Nhà thờ Đức Bà Cả có máng cỏ Bêlem, nạm bạc và nhiều trang trí phong phú do Philip III của Tây Ban Nha dâng tặng. Tã quấn của Chúa Hài Đồng mà ngày xưa được trưng bầy ở Constantinople, nhưng đã được di chuyển về Paris thế kỷ 13 và được Thánh Louis đặt tại Saint Chapelle.

Ngoài máng cỏ trong đó Chúa chúng ta nói là được ru ngủ, còn có máng cỏ bằng đá của hang Bêlem. Một trong những phiến đá này hiện được trưng bày tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả trên đồi Esquiline, tại bàn thờ ở hầm nhà nguyện Thánh Thể.

Một số tã quấn Chúa Giêsu cũng được trưng bầy để người Công Giáo tôn kính tại cùng một nhà nguyện. Tấm áo choàng mà Thánh Giuse dùng phủ máng cỏ để che lạnh cho Hài Nhi, thì đặt tại nhà thờ Thánh Anastasia ở Rôma. Vương Cung Thánh Đường Santa Croce in Gerusalemme ở Rôma cũng có diễm phúc sở hữu những lọn tóc đầu tiên của Chúa Hài Đồng.

Đánh giá theo các tiêu chuẩn của thế kỷ XXI, liệu có điều nào trong số trên có ý nghĩa lịch sử hay không? Có thể có một số, nhưng xác nhận pháp y về các hiện vật cổ không thực sự là trọng điểm ở đây. Vì đằng sau những chuyện cho là đạo đức và truyền thống như vậy, như chuyến viếng thăm Đất Thánh vào thế kỷ thứ tư của Thái hậu Helena (mẹ của Hoàng đế Constantinô) — một cuộc hành hương dài và nguy hiểm đã mang nhiều di tích thánh về phương Tây — là một xác tín quan trọng : niềm xác tín rằng Kitô giáo không phải là một huyền thoại đạo đức cũng không phải là một câu chuyện cổ tích.

Kitô giáo bắt đầu ở một địa điểm có thực, vào một thời điểm chuyên biệt, trong đó những người đàn ông và đàn bà có thực gặp một giáo sĩ Do Thái lưu động tên là Giêsu quê ở Nadarét — và sau điều mà họ nghĩ là thảm họa tột cùng về cái chết nhục nhã và đầy bạo lực của Người, đã gặp lại Người như Chúa Giêsu Phục Sinh. Cuộc sống của những người đàn ông và đàn bà có thực đó đã được biến đổi bởi những cuộc gặp gỡ này, đến nỗi họ đã ra đi và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mà Đấng Phục Sinh đã trao cho họ: “biến mọi dân tộc thành môn đệ” (Mt 28:19).

Tính đất của câu chuyện Giáng sinh — máng cỏ, chuồng bò, “tã quấn”, những con bò đực rắn chắc và những con bò cái nằm phủ phục, những người chăn chiên ngơ ngác nhưng tốt bụng, những đạo sĩ kỳ lạ đến từ phương Đông và những món quà của họ bằng vàng, nhũ hương, và mộc dược, phép cắt bì của đứa trẻ — làm nền cho niềm xác tín cốt lõi này của Kitô giáo: Ngôi Hai của Ba Ngôi Chí Thánh, “Ngôi Lời” mà nhờ đó “mọi vật được tạo thành” (Ga 1: 1, 3), đã đi vào lịch sử nhờ sự hợp tác của một cô gái Do Thái và nhờ việc cô được che phủ bởi Chúa Thánh Thần, và được sinh ra vào một thời điểm chính xác, tại một địa điểm chính xác. Liệu “những lọn tóc sơ sinh đầu tiên của Người” có thực sự ở Vương cung thánh đường Thánh giá của Giêrusalem ở Rôma hay không có thể nằm ngoài sự xác minh lịch sử; trọng điểm thực sự được đưa ra trong những tuyên bố như vậy là: Con Thiên Chúa nhập thể, vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của Người ở giữa chúng ta, đã là một em bé có mái tóc như em bé sơ sinh và tất cả những đặc điểm khác của một em bé yếu ớt, không có khả năng tự vệ.

Đã nói về “những chiếc tã”, cái nôi, chiếc áo choàng của Thánh Giuse, và v.v.. thế nào thì cũng nên nói: Đấng mà Kitô giáo tuyên bố là Chúa và là Đấng cứu thế, Đấng mạc khải trọn vẹn cả sự thật về Thiên Chúa lẫn sự thật về phẩm giá và số phận nhân loại của chúng ta, không phải là một nhân vật trong thực tại ảo “siêu thực” [metaverse] nào đó do Mark Zuckerberg xây dựng. Người đã ở đây, trên hành tinh thứ ba của thái dương hệ này. Và Người vẫn ở với chúng ta: trong lời Kinh thánh đã công bố, và trên hết là trong bánh thánh được bẻ ra và chia sẻ.

Khi thế giới hậu hiện đại không còn nắm được các chân lý căn bản nhất nữa (ngay cả những chân lý được ghi trong nhiễm sắc thể của chúng ta), thì tính đất của lễ Giáng sinh vẫn công bố và tôn vinh một vị cứu tinh nhập thể, thần linh, từng là một em bé sơ sinh, đấng cao thượng hóa và biến đổi mọi dữ kiện trong thân phận con người.

Tóm lại, Weigel dường như không muốn Giáng Sinh dây dưa gì tới chuyện dã sử. Nhưng như Vatican II từng nhấn mạnh, trong mọi nền văn hóa của nhân loại và nhất là những nền văn hóa lớn như Hy Lạp, La Mã luôn có những hạt giống Tin Mừng gieo vãi từ rất lâu. Không chỉ một dân tộc Do Thái biết chờ mong một Đấng Giải Thoát từ một người đàn bà sinh ra.

Không biết khi nói đến tính đất của lễ Giáng Sinh, Weigel có nghĩ đến bài giảng của Thánh Augustinô, “Chân lý mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao”, được trích dẫn trong phần Kinh Sách của ngày 24 tháng 12 trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh hay không?

Trong bài giảng trên, ba lần Thánh Augustinô nói đến “chân lý từ đất thấp” và mỗi lần giải thích lý do tuy hơi khác nhau mà nội dung vẫn chỉ là một: 1. “Thầy là Chân Lý sinh ra từ lòng Đức Trinh Nữ”, 2. “bởi vì Ngôi Lời đã làm người”, 3. “thân xác được sinh ra từ Đức Maria”.

 
Vietcatholic News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây