TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhập thể sâu đậm – Một ý nghĩa khác của lễ Giáng Sinh

Thứ tư - 15/12/2021 08:00 |   1147
Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta không có gì cuối cùng là hư mất. Không một sợi tóc của một ai rơi, không một con chim sẻ nào rơi và biến mất mãi mãi, như thể nó chưa tồn tại.
Nhập thể sâu đậm – Một ý nghĩa khác của lễ Giáng Sinh

Nhập thể sâu đậm – Một ý nghĩa khác của lễ Giáng Sinh

Ronald Rolheiser, 2019-12-16

Cách đây vài năm, trong một buổi hội thảo tôn giáo, một người tiến đến gần máy vi âm, sau khi xin lỗi vì ông nghĩ đây là câu hỏi không phù hợp, ông hỏi: “Tôi mê con chó của tôi. Khi nó chết, nó có lên thiên đàng không? Động vật có đời sống vĩnh cửu không?”

Câu trả lời cho câu hỏi này có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng qua cái nhìn của đức tin kitô giáo, thì có, con chó có thể lên thiên đàng. Đó là một trong các ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Chúa xuống trần để cứu thế giới, không phải chỉ con người sống trên quả đất. Nhập thể có một ý nghĩa cho nhân loại, nhưng cũng có ý nghĩa cho toàn vũ trụ. Chính xác điều đó có nghĩa là gì, trí tưởng tượng của chúng ta không ở tầm mức hình dung ra được, nhưng, nhờ nhập thể, con chó cũng có thể lên thiên đàng. Có hoang tưỏng đây không? Không, đó là giảng dạy của Kinh Thánh.

Lễ Giáng Sinh là lễ mừng Chúa ra đời, chúng ta thấy trong sự ra đời của Ngài là khởi đầu mầu nhiệm nhập thể diễn ra trong lịch sử, mầu nhiệm Chúa mặc xác phàm để cứu nhân loại. Và với điều này, chúng ta có khuynh hướng đấu tranh, làm sao để hiểu Chúa cứu thế giới có nghĩa là gì. Hầu hết chúng ta xem điều này có nghĩa là Chúa Kitô xuống trần để cứu con người, những người trong chúng ta có ý thức về mình và những tâm hồn vĩnh cửu.

Điều đó đúng, nhưng đức tin cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng hành động cứu rỗi của Chúa trong Chúa Kitô trải rộng ra ngoài cả loài người, ngoài cả động vật và các sinh vật sống khác. Hành động của Chúa trong Chúa Kitô đạt đến mức sâu đậm đến mức có thể cứu được chính sự tạo dựng – đại dương, núi đồi, đất đai trồng trọt, cát trong sa mạc và chính quả đất. Chúa Kitô xuống trần cứu tất cả mọi sự, chứ không phải chỉ một mình loài người chúng ta.

Chúng ta có thể hỏi ở đâu Sách Thánh đã dạy những điều này? Điều này được dạy ở hầu hết mọi chỗ một cách ngầm mặc, nhưng nó được dạy một cách khá rõ ràng ở một số nơi khác nhau. Chẳng hạn trong Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma (8, 19-22), ngài viết: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.”

Điều này có thể làm chúng ta ngạc nhiên, vì cho đến gần đây, việc giảng dạy và giáo lý của chúng ta thường không làm điều này trở nên rõ ràng. Tuy nhiên ở đây Thánh Phaolô đã nói, chính sự tạo dựng thể lý, toàn vũ trụ, vào ngày tận thế, sẽ được biến đổi một cách vinh quang nào đó và được lên thiên đàng, tất cả cũng như loài người. Ngài cũng nói rằng, như chúng ta, cũng cảm nhận được sự chết và những rên siết để thoát khỏi các giới hạn hiện nay của mình.

Chúng ta cũng phải tự đặt cho mình câu hỏi này không? Chúng ta nghĩ gì sẽ xảy ra với tạo dựng thể lý vào cuối thời gian? Nó sẽ bi hủy hoại, đốt cháy, tiêu diệt? Hoặc đơn giản nó sẽ bị bỏ rơi, bỏ trống, bỏ hoang như cảnh sân khấu sau khi vở diễn kết thúc, trong khi chúng ta tiếp tục cuộc sống ở nơi khác? Sách Thánh chỉ dẫn cho chúng ta một cách khác, Sách Thánh nói với chúng ta chính tạo dựng thể lý, quả đất chúng ta sẽ được biến đổi (“không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát”) và sẽ lên thiên đàng với chúng ta. Làm thế nào điều này sẽ xảy ra? Chúng ta không thể hình dung được điều này, cũng như chúng ta không hình dung được trạng thái biến đổi của chính mình. Nhưng Sách Thánh bảo đảm với chúng ta điều này sẽ xảy ra, vì cũng như chúng ta, thế giới chúng ta, tạo dựng thể lý cũng được định sẵn để chết, và cũng như chúng ta, cảm nhận được sự chết và những rên siết để thoát khỏi các giới hạn của mình và trở thành bất tử.

Khoa học đồng ý. Nó cho chúng ta biết, tạo dựng thể lý là chết, mặt trời thiêu cháy, năng lượng từ từ giảm dần và quả đất như chúng ta biết sẽ có ngày chết. Trái đất cũng sinh tử như chúng ta, vì thế để có tương lai, trái đất phải được cứu bởi một cái gì đó hay bởi một ai đó bên ngoài. Cái Gì Đó và Ai Đó được mạc khải qua mầu nhiệm nhập thể, qua đó Chúa mặc xác phàm trong Chúa Kitô để cứu thế giới – và những gì Ngài cứu không phải chỉ có một mình chúng ta, những người sống trên quả đất nhưng đúng ra là “thế giới”, chính hành tinh và tất cả mọi thứ trên đó.

Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta không có gì cuối cùng là hư mất. Không một sợi tóc của một ai rơi, không một con chim sẻ nào rơi và biến mất mãi mãi, như thể nó chưa tồn tại. Thiên Chúa đã tạo dựng, yêu thương, chăm sóc và cuối cùng làm sống lại từng mảnh tạo dựng cho muôn đời kể cả con chó yêu quý.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2019/12/20/nhap-the-sau-dam-mot-y-nghia-khac-cua-le-giang-sinh/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây