TRẺ EM VÀ MÀN HÌNH:
NHỮNG QUY TẮC TRONG GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO
WHĐ (20.04.2023) – Việc sử dụng màn hình đã trở thành đề tài tranh luận từ thời có Tivi. Tôi nhớ cô giáo lớp 6 của tôi, gọi nó là “chiếc hộp ngốc nghếch”. Hiện thời, tôi cũng thấy mình thường tận dụng cơ hội để nói với các học sinh lớp 6 của tôi là hãy tắt điện thoại của chúng, và đôi khi tôi cũng đã gọi điện thoại là “những chiếc hộp ngốc nghếch”.
Có sự khác biệt giữa cô giáo lớp 6 của tôi và tôi hiện nay chăng? Vấn đề đã gia tăng rất nhiều. Kể từ khi điện thoại thông minh ra đời, cuộc đối thoại liên quan đến mối tương quan của chúng ta với công nghệ đã chuyển sang một cuộc thảo luận công khai hơn. Hiện nay, với hàng nghìn cuốn sách, podcast, và ứng dụng dành riêng cho việc chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, có rất nhiều nghiên cứu trong lãnh vực từ khoa học đến triết học đề cập một cách chi tiết và rõ nét về việc chúng ta nên sử dụng màn hình như thế nào.
Nhưng những cuộc thảo luận này lại thiếu một chủ đề, mà lại là chủ đề quan trọng nhất: đời sống tâm linh.
Đối với người lớn, vấn đề được đưa ra rất đơn giản – chúng ta có những thiết bị có khả năng làm cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn, chúng ta có một đức tin Công giáo đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giúp cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc một cách trọn vẹn.
Vậy thì những thiết bị và đức tin của chúng ta gặp nhau ở đâu?
Đối với mỗi người, câu trả lời sẽ khác nhau dựa trên không chỉ trạng thái tinh thần mà cả việc làm, các mối tương quan, sở thích, mục tiêu của bạn, và mọi thứ khác làm cho bạn trở thành chính mình.
Cuốn sách của tôi Đừng lệ thuộc: Hãy đặt điện thoại của bạn vào vị trí của nó (Detached: Put Your Phone in Its Place) đề cập đến chính vấn đề này.
Sau khi nhiều cha mẹ đọc cuốn sách này, họ nhận thấy rằng màn hình đang gây hại hơn là có lợi đối với đời sống tâm linh của họ. Và rồi, họ thường liên hệ với tôi và chia sẻ những suy nghĩ của họ. Chẳng hạn như:
“Tôi đọc cuốn sách của bạn và yêu thích nó. Nhưng bây giờ tôi có một vấn đề nan giải. Trước đây, tôi không đặt ra giới hạn nào trong gia đình mình về việc sử dụng màn hình. Vì tôi luôn sử dụng chúng nên tôi cảm thấy mình giống như một kẻ đạo đức giả nếu ngăn cấm các con tôi sử dụng công nghệ. Giờ đây, tôi đã nhận ra bóng tối của việc các thiết bị chiếm hữu những người sở hữu chúng, và thực, tôi đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục các con tôi nhận ra điều đó. Tôi biết là mình cần phải thiết lập một số ranh giới, nhưng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và sẽ làm như thế nào. Bạn sẽ làm gì với bọn trẻ khi đề cập đến thời gian sử dụng màn hình?”
Thực lòng, không phải là tôi muốn quảng cáo, nhưng đây là một số quy tắc đối với việc sử dụng màn hình được áp dụng trong gia đình tôi:
- Quy tắc 1: Tất cả các thiết bị cá nhân như: máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động, v.v., chỉ được phép truy cập tại phòng chính của ngôi nhà, nghĩa là nơi người lớn có thể nhìn thấy bất cứ lúc nào.
- Quy tắc 2: Tất cả các thiết bị chung như tivi, máy chiếu chỉ được phép đặt ở nơi chung.
- Quy tắc 3: Thời gian sử dụng màn hình cá nhân cho việc giải trí được giới hạn trong 20 phút mỗi ngày. Nhưng để có được 20 phút này, trẻ phải dành ra 30 phút cho việc đọc sách và trẻ phải đảm bảo rằng phòng của chúng gọn gàng sạch sẽ trước khi truy cập màn hình.
- Quy tắc 4: Nếu cần sử dụng màn hình cho việc học hành thì cứ việc dùng cho tới khi xong việc.
- Quy tắc 5: Mọi người có thể xem Tivi chung với nhau sau giờ ăn tối khoảng hơn 1 tiếng, sau đó, sẽ đọc kinh tối chung, rồi đi ngủ.
Một số ghi chú:
- Nếu trong ngày, trẻ có hành vi không tốt thì sẽ không được sử dụng màn hình, ngoại trừ cho mục đích học hành cần thiết.
- Nếu trẻ nhìn thấy trong chương trình có những người mặc quần áo hở hang, sẽ thật đáng khen, nếu trẻ nói cho bố mẹ biết. (Sau đó, bố mẹ sẽ coi lại và tìm cách để chặn nguồn).
- Nếu trong chương trình có nhân vật dùng những lời lẽ thô tục hoặc không xứng hợp, thì trẻ lớn hơn có trách nhiệm thay đổi chương trình đang xem để bảo vệ những người em của mình.
***
Chắc chắn đây không phải là phương pháp hoàn hảo.
Không có nguyên tắc nào là tuyệt đối, nên cần phải thích nghi. Thật vậy, khi bọn trẻ lớn hơn và cần có điện thoại di động riêng, thì dù có đáp ứng như cầu của trẻ, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cảnh giác, lưu tâm, và thay đổi các quy tắc của mình dựa trên độ tuổi, sự trưởng thành và kỳ vọng của trẻ.
Nhưng dù làm gì, thì tất cả phải được bắt nguồn từ tình yêu thương.
Vì nếu những quy tắc này không bắt nguồn từ tình yêu thương thì chúng chỉ là sự cản trở đối với niềm vui thực tế, và do đó, rất có thể, bọn trẻ sẽ nổi loạn để chống lại. Nên, nếu những quy tắc này có hiệu quả thì đó là bởi vì chúng tôi đã giải thích cách rõ ràng và chân thành rằng chúng tôi yêu thương chúng lớn hơn nhiều việc chúng tôi giới hạn thời gian sử dụng thiết bị của chúng. Và nhất là, thế giới này còn có nhiều điều lớn lao hơn những cỗ máy đánh bạc gây nghiện và gây kích thích từ những tiếng “ping”, “ding”, và chuông điện thoại.
Bọn trẻ hiểu điều đó.
Và tôi cũng mong là những người lớn chúng ta cũng hiểu được như vậy.
T.J. Burdick
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (19. 4. 2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn