TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Con nhà người ta

Thứ ba - 16/05/2023 22:32 | Tác giả bài viết: Thiên Di CND-CSA |   624
Khi ba mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng nơi con, khiến bản thân suy nghĩ lo âu dẫn đến căng thẳng (stress), có cách nào để giúp bớt căng thẳng và có hướng tốt cho bản thân không ạ?
Con nhà người ta

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
 

Bài 85: CON NHÀ NGƯỜI TA

 

Hỏi: Khi ba mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng nơi con, khiến bản thân suy nghĩ lo âu dẫn đến căng thẳng (stress), có cách nào để giúp bớt căng thẳng và có hướng tốt cho bản thân không ạ?

Trả lời: 5 tuổi tôi đã nhận thức được sự so sánh giữa tôi với con nhà người ta. Cụm từ “Con nhà người ta” đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Tôi rất sợ đối diện với cụm từ này. Mỗi khi nghe ba mẹ nói “con nhà người ta”… thì đầu óc tôi bốc hỏa, cơ thể tôi nóng ran lên, tai tôi chẳng còn nghe được gì ngoài những tiếng ù ù kéo dài, tôi cảm giác tim mình đang loạn nhịp. Tôi gằm mặt xuống đất muốn tìm một cái lỗ để chui vào. Dưới sức ép của cụm từ này tâm tính tôi trở nên cọc cằn nóng nảy, đôi khi lại trở nên sợ sệt mất tự chủ, chân tay thừa thãi luống cuống. Những lúc không kìm chế được cảm xúc tôi nắm bàn tay lại, ghì thật chặt, hai hàm răng xiết mạnh vào nhau, đầu tôi nghĩ “phải nện cho đứa được so sánh với mình một trận nên thân…”

Tất nhiên sự so sánh này là tôn vinh con nhà người ta, còn tôi thì như một thứ cặn bã mà ba mẹ tôi phải chịu đựng. Nó giỏi hơn tôi, tài năng hơn tôi, ngoan hơn tôi… mọi thứ đều hơn tôi. Tôi không biết ưu phẩm của tôi là gì, và có gia đình nào lôi tôi vào so sánh với con họ không?... Ba mẹ tôi có những câu nói kinh điển dành cho tôi:

- “Mày nhìn con nhà người ta cao to thế kia, còn nhìn mày thì “chán”…”

- “Cùng một thầy, con nhà người ta thì ngoan ngoãn học giỏi còn mày thì chả được tích sự gì?”

- v.v...

Nản chí với mọi thứ và bức xúc với sự so sánh của ba mẹ, tôi trở nên căm ghét những bạn bị so sánh với mình.

Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng với những lời so sánh, dòm ngó của ba mẹ với con nhà người ta. Tôi thấy mình bị kẹt ở giữa, giữa ước muốn của tôi và mong ước như con nhà người ta của ba mẹ. Tôi cố gắng để ba mẹ hài lòng nên ba mẹ nói học thêm gì tôi cũng ngoan ngoãn học hết. Tôi nghe lời ba mẹ như một chú cún con ngoan ngoãn nghe lời ông chủ - hi vọng cũng có ngày tôi được cải thiện bằng con nhà người ta. Ngoài giờ học 2 buổi trên trường, tôi còn đi học thêm Toán, Anh, Văn. Năng khiếu võ thuật, đàn Piano chẳng phải môn tôi thích nhưng ba mẹ thích tôi cũng được xếp lịch học luôn. Điểm tâm sáng, bữa lỡ buổi chiều trước khi đi học thêm là những bữa ăn trên xe máy sau lưng ba tôi.

Nói không ngoa thời gian tôi đi học nhiều hơn thời gian ba mẹ tôi đi làm. Thứ Bảy, Chúa Nhật ba mẹ còn được nghỉ, còn tôi thì hầu như không có thời gian xả hơi. Ba mẹ đầu tư cho tôi khá nhiều thời gian lẫn tiền của…, nhưng năng lực tiếp thu của tôi thì có hạn. Tôi cảm thấy mệt mỏi với sự kỳ vọng quá lớn của ba mẹ. Đại loại là ba mẹ muốn tôi “văn – võ song toàn” nhưng sức tôi không đủ chứa hết chúng nên chẳng môn nào tôi học cho ra hồn. Tôi cảm giác lưng mình đang gồng lên để gánh 50kg cát trong khi sức tôi chỉ có thể đỡ được 5kg gạo!

Sự kỳ vọng quá lớn làm tôi trở nên căng thẳng, tôi bắt đầu có những hành động tiêu cực với ba mẹ mình. Khi những lỗ lực đầu tư của ba mẹ bị đổ sông đổ biển ba mẹ la mắng tôi, điệp khúc con nhà người ta lại xuất hiện trong bầu khí ảm đạm của gia đình. Mỗi khi con nhà người ta xuất hiện tôi chạy vào phòng đóng cửa thật mạnh để tỏ thái độ không hài lòng của mình. Tôi đấm mạnh tay vào tường cho thật đau để nỗi đau thể xác lấn áp nỗi đau đang xé nát tim tôi. Lúc khác tôi cãi lại: “Ba mẹ thích thì bế con nhà người ta về nuôiiiiiii!” Tôi liền bị giáng một cái tát nảy đom đóm mắt. Tôi khóc tức tưởi trong sự ức chế. Có lúc tôi nghĩ có lẽ ba mẹ không phải là ba mẹ ruột của tôi. Nếu là ruột thịt ba mẹ sẽ trân trọng và yêu quý tôi hơn nhiều…

Khi ở nhà, tôi đối diện với bốn bức tường cùng với đống sách vở. Tôi không biết chia sẻ cùng ai và không ai lắng nghe tôi nói. Tôi trở nên lầm lì ít nói, tôi mất cảm xúc vui buồn trước áp lực kỳ vọng của người lớn dành cho mình. Tôi thích ở ngoài đường hơn là về nhà… Cứ vậy tôi sợ gặp ba mẹ, sợ ba mẹ hỏi đến chuyện học hành… và ý định bỏ nhà ra đi nảy sinh trong đầu khi tôi học lớp 7.

Lúc bình tĩnh, tôi cũng nghĩ suy tại sao ba mẹ lại so sánh mình? Phải chăng ba mẹ đang khích lệ để tôi được tốt hơn? Nhưng đưa con nhà người ta ra làm gương làm mẫu làm tôi bực bội lắm! Ba mẹ có biết giới hạn của tôi không? Tại sao ba mẹ không cho tôi là chính tôi, mà bắt tôi phải giống con nhà người ta?. Tôi muốn nói chuyện với ba mẹ mình nhưng không thể, vì trong căn nhà này con nhà người ta nó to thù lù và luôn xuất hiện mỗi khi ba mẹ “sờ gáy” tôi làm tôi khó chịu vô cùng. Tôi không oán trách gì ba mẹ, nhưng dằn vặt mình thì đúng hơn. Tôi đã không đón nhận hết sự yêu thương của ba mẹ và lãng phí những gì ba mẹ dành cho tôi. Tôi chán ghét bản thân, thấy mình vô dụng và không muốn mình trở thành gánh nặng của gia đình. “Tôi muốn mọi người quên tôi đi” – tôi nhủ thầm. 

Cũng thật may, cuối con đường của sự tuyệt vọng tôi gặp một giáo viên chủ nhiệm thật tâm lý và bao dung. Cô trân trọng từng học sinh trong lớp, lắng nghe từng người, cô chẳng bao giờ trách nóc, la phạt một học trò nào, mà chỉ ân cần dạy bảo, khuyên răn khi chúng tôi lầm lỗi. Ánh mắt sâu buồn của tôi đã thu hút cô, cô chủ động hẹn gặp tôi, ân cần trò chuyện. Cuối cùng tôi cũng chịu mở lòng, trút hết những ưu phiền đã kìm nén bao năm cho cô. Tôi ào khóc như một đứa con nít, tôi khóc rất lâu, một thằng con trai ủy mị trước một người phụ nữ nhân hậu.

Sau buổi gặp đó, cô giúp tôi viết tâm thư gởi ba mẹ và cô cũng chủ động xin gặp ba mẹ tôi trò chuyện. Cô đã giúp cho tôi và ba mẹ hiểu nhau hơn. Sau khoảng thời gian này, bầu khí gia đình tôi bớt cẳng thẳng hẳn, ba mẹ hiểu tôi hơn không còn đặt nặng đến thành tích học tập. Những chuyến dã ngoại cùng gia đình thường xuyên được tổ chức thay vì bắt anh em tôi đến các trung tâm học thêm học nhóm. Thật kỳ diệu việc học hành của tôi cũng cải thiện rất nhiều, tinh thần của tôi thoải mái nên việc tiếp thu bài vở của tôi cũng tốt hơn.

Tôi ghi nhớ lòng biết ơn với cô chủ nhiệm đã giúp tôi thăng bằng lại con người mình bằng sự yêu thương và tin tưởng của cô. Cô chia sẻ với tôi: “Tất cả chúng ta ai sinh ra trên đời này cũng có một giá trị riêng, không ai giống ai cả, con là một bản thể duy nhất, con được sinh ra bởi sự kết tinh tình yêu thương của cha mẹ, hơn cả kim cương, con là báu vật của ba mẹ mà ba mẹ con luôn luôn trân quý. Con hãy tỏa sáng và trân trọng những giá trị của bản thân con đang có… hãy tích cực sống con trai”. Cảm ơn Cô, người Thầy của con!

Kính thưa quý phụ huynh,

Ông bà ta có câu “con cái là của để dành của cha mẹ”, nên việc cha mẹ kỳ vọng, đặt tất cả tương lai vào con cái cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng kỳ thực, mỗi một đứa trẻ được sinh ra là duy nhất không có bản sao. Đứa trẻ sẽ tùy vào hoàn cảnh gia đình, đất nước, gen di truyền mà chúng được thụ hưởng những tố chất về thể lý, tinh thần khác nhau. Cũng từ đó chúng sẽ bọc lộ năng khiếu, thiên hướng nghề nghiệp trong tương lai. Chúng ta không thể ép con mình ăn một món mà trẻ bị dị ứng hay trẻ phát bệnh mỗi khi chúng nến thử. Trong việc học, chọn nghề nghiệp của con lại càng không nên ép con, vì vô tình cha mẹ đã tạo áp lực, gây căng thẳng cho con. Điều gì mới đem lại hạnh phúc thực sự cho con? Mỗi người chỉ có một cuộc đời, sao cha mẹ lại bắt con sống thay cho cha mẹ?

Những năm gần đây, tại Việt Nam đã có rất nhiều chuyện đau lòng xảy ra sau mỗi kỳ thi, đợt tuyển sinh kết thúc. Có những lá thư tuyệt mệnh đẫm nước mắt của cô cậu học trò trăng trối để lại cho gia đình: “Xin lỗi cha mẹ vì con đã không làm tròn ước mơ của cha mẹ…” Điều gì đã khiến các em rơi vào tuyệt vọng về chính mình? Phải chăng do sự kỳ vọng quá lớn của gia đình, người thân?   

Một thầy hiệu trưởng của một trường tại Singapore đã gởi cho phụ huynh trước kỳ thi, lá thư này đã được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Có đoạn viết: “Tôi biết quý vị đều lo lắng muốn con mình làm bài tốt nhưng hãy nhớ rằng: trong số các em làm bài thi có một em làm nghệ sĩ không phải hiểu môn toán; sẽ có một doanh nhân không quan tâm đến lịch sử hay văn học; sẽ có một nhạc sĩ thì điểm môn hóa sẽ chẳng thành vấn đề và đó chỉ là một bài thi…” Chúng ta đừng lấy đi sự tự tin và phẩm giá của con mình. Chẳng phải trường học là nơi nuôi dưỡng ước mơ của con trẻ và trách nhiệm của cha mẹ là ở bên cạnh con đỡ nâng con đứng dậy khi con bạn thất bại. Xin đừng dập tắt sự tự tin và tương lai của con em mình chỉ vì vài điểm số.

Bạn trẻ thân mến,

Tôi đồng cảm với tâm trạng và cảm xúc của bạn lúc này. Có lẽ điều đầu tiên lúc này bạn hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống. Hãy tạm gác những kỳ vọng của ba mẹ qua một bên và bắt đầu sống giây phút hiện tại. Hãy ngủ một giấc cho thật ngon, để tỉnh táo tinh thần sau những gì mệt mỏi, căng thẳng. Kế đến, bạn hãy bồi bổ cơ thể bằng một món ăn thức uống bổ dưỡng mà bạn thích. Điều này rất quan trọng giúp bạn lấy lại sức khỏe, phục hồi tinh thần và thể xác. Bạn có thể tập yoga, dạo công viên, đi nhà sách, thăm viếng mái ấm, nhà tình thương… Nếu bạn là người Công giáo thì đừng quên đến với Chúa qua Thánh lễ và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể nhé.

Sau đó, bạn hãy lên kế hoạch cho một chuyến đi hai - ba ngày đến một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và cầu nguyện (có thể đến một Đan viện nào đó?). Chúa Giêsu đã nói: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…” (Mt 11, 28). Nghỉ ngơi bên Chúa trong những khoảng lặng của cuộc đời, tôi tin bạn sẽ nghe được tiếng Chúa nói, cảm nhận sự nồng ấm nơi trái tim của Ngài. Đức Giêsu là người bạn tâm giao tuyệt với, Ngài biết rõ những khó khăn trăn trở của bạn. Hãy cùng Ngài ngụp lặn trong cuộc trò chuyện thiêng liêng để biết ý định của Thiên Chúa dành cho mình.

Bên cạnh đó, bạn rất nên có một người lớn đáng tin cậy để lắng nghe những chia sẻ của bạn và cho bạn những hướng dẫn, lời khuyên bổ ích. Sau những ngày nghỉ ngơi cầu nguyện, phân định, lúc này bạn rất cần một sự can đảm để trò chuyện với cha mẹ trong bầu khí an hòa. Bạn hãy nói lên ước mơ và dự định tương lai của mình, và không sợ bộc bạch những giới hạn của bản thân cho cha mẹ biết nhé. Ngoài ra bạn cũng đừng quên bày tỏ thái độ biết ơn với những gì cha mẹ đang kỳ vọng nơi mình. Hãy thuyết phục cha mẹ bằng một cuộc sống đáng để sống trên những gì bạn ước mơ. Theo thời gian những giá trị sống đẹp, sống tích cực, triển nở của bạn sẽ giúp ba mẹ cảm thấy an lòng vì đã cho bạn tự lựa chọn tương lai. Đừng bao giờ bỏ cuộc bạn nhé!

Trên đây là một vài gợi ý để giúp bạn vượt qua sự căng thẳng, mệt mỏi... Cầu chúc cho bạn sớm lấy lại sự quân bình trong cuộc sống. Chúc gia đình bạn luôn an vui. 

Thân ái!

Thiên Di CND-CSA
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (16.5.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây