TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Truyền thông Công Giáo với Facebook

Thứ hai - 31/05/2021 22:32 | Tác giả bài viết: Hàn Cư Sĩ |   963

Truyền thông Công Giáo với Facebook


Hàn Cư Sĩ

Truyền thông về đạo ở Việt Nam cơ bản vẫn là những Website chính thống của Giáo hội Công Giáo, nhưng sức mạnh lan truyền rộng rãi của nó lại nhờ mạng xã hội – Facebook (Fb). Thường mỗi Giáo phận, dòng tu, tu hội đều có Website riêng (27 Giáo phận, hơn 300 dòng tu), là những trang truyền thông chính thức trong Giáo hội (GH). Mỗi trang đều có Ban Truyền Thông mang tính chuyên hoặc bán chuyên nghiệp, tùy theo nhu cầu và tầm mức của nó.

VẤN ĐỀ TRUYỀN THÔNG

Giáo hội Công giáo VN có khoảng 7 triệu giáo dân (gần 8% dân số cả nước), trên 4.500 giáo xứ, với 307 dòng tu, tu đoàn, tu hội và hiệp hội, thuộc 27 Giáo phận (thống kê 2019). Mạng xã hội (Fb) thông dụng đến nỗi đa số mỗi giáo phận, dòng tu, giáo xứ, hội đoàn đều có Fanpage (trang tạo ra từ tài khoản Fb) để phổ biến thông tin, sự kiện, bài, ảnh, video…và những sinh hoạt trong địa bàn GH địa phương. Với hàng ngàn Fanpage, trang nhóm (Facebook group) và rất nhiều Fb của giáo dân thông tin về đạo, nhờ đó mà người giáo dân Việt Nam biết được mọi thông tin, từ GH địa phương cho đến GH hoàn vũ.

Khi cần kiểm chứng thông tin, người ta buộc phải dựa vào những trang chính thống của GH, và nếu thắc mắc cũng được giải đáp trên những trang đó, điển hình như Website của Dòng Tên (dongten.net), kênh YouTube (Truyền Thông Dòng Tên), Fanpage (Dòng Tên Việt Nam) luôn có hàng ngàn người theo dõi, cũng như Website của HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM (hdgmvietnam.com), là trang chính thống của Giáo hội VN. Ngoài ra còn có những trang của Tổng Giáo Phận như TGP Sài Gòn (tgpsaigon.net), các Giáo phận, các dòng tu, hoặc những trang Web độc lập có uy tín trong Giáo hội. Do đó với 7 triệu tín hữu, người giáo dân VN có quá đủ thông tin, và việc truyền bá Tin Mừng thật dồi dào trên phương tiện truyền thông đại chúng, mà không phải Giáo hội địa phương nước nào cũng có được như vậy.

Do Fb là mạng xã hội nên mọi cá nhân đều có thể lập cho mình một tài khoản riêng để đăng (post) những thông tin mà mình muốn, nó được ví như cái chợ tự do, ai cũng có thể mang hàng của mình ra để trưng bày, nên điểm yếu của Fb chính là có rất nhiều “món hàng độc hại” được ngụy trang mà người khác không biết, thật giả lẫn lộn. Nhất là đối với người VN, đa số không biết vi tính (computer), chỉ dùng điện thoại thông minh, nên việc đối chiếu và kiểm chứng thông tin rất khó, nhiều khi không thể được. Hơn nữa, người VN cảm tính nên dễ tin vào những gì mang chất cảm xúc, hiện tượng mới lạ, dễ thần thánh hóa những quy luật tự nhiên, gán những thuộc tính của con người cho Thiên Chúa. Vì vậy họ dễ tin vào những mạc khải đồng bóng, hoang tưởng, nên thường bị sai lạc nếu không biết tin tưởng và dựa vào GH.

Mặt trái của Fb có những nguy hại, do nó tiện lợi và có sức mạnh trên đại chúng, nên có một số giáo dân và một số người ngoài tôn giáo lợi dụng phương tiện này để xuyên tạc hoặc chống đối GH. Họ phổ biến những thông tin giả (Fake news), sứ điệp giả, video clip ngụy tạo, giải nghĩa những văn bản trong đạo sai lạc, những mạc khải hoang tưởng… Họ thổi phồng hoặc phóng rọi những khiếm khuyết trong GH, họ miệt thị và phê phán GH nặng nề, kết án cực đoan. Nói chung những người này luôn nghi ngờ, những canh tân trong GH đều bị họ phê phán, chống đối, bất tuân, ngay cả HĐGM, Giáo hoàng, cơ cấu GH họ cũng không tin và cho rằng các ngài sai lầm hoặc bị ma quỷ lừa bịp. Những điều này xảy ra khá phổ biến trên Fb những năm gần đây, thường họ tập trung thành nhóm ngầm hoặc bán công khai. Như mới đây (hot), Huynh đoàn Thánh Phêrô do linh mục Laurent Demets làm tuyên úy, đã làm giả“Sắc lệnh thành lập Cộng đoàn Huynh đoàn Thánh Phêrô tại Tổng giáo phận Sài Gòn” có chữ ký và đóng dấu đầy đủ, và sau đó còn có văn bản lên tiếng bất tuân Tòa TGM, chỉ tuân theo Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI mà thôi.

Dòng thời gian trên Fb cũng không thiếu những bài viết hoặc video sai lạc về tâm linh, nhiều khi do chính những người đạo đức đưa lên, như “sách sự thật” từ Sứ Điệp Từ Trời, bí mật thứ 3 Fatima giả, di chúc của thánh GH Gioan Phaolo II, những đặc sủng mới lạ, những “phép lạ và tiên tri” qua hiện tượng khác thường… Họ trích Kinh Thánh, nhặt một số câu tâm đắc, tách ra để phê phán cơ cấu GH, phê phán những khuyết điểm hoặc sa ngã của một số chủ chăn, và nghi ngờ tất cả đều như vậy. Lại có những người do muốn “nên thánh tốc hành” nên bắt chước lối tu hành của vị thánh nào đó trong lịch sử để noi theo một cách cực đoan, xem như mình được ơn đặc sủng, cảm thấy mình có bổn phận phải rao truyền đường lối của ơn soi sáng cho mọi người, và dùng Fb như cách “truyền giáo” hữu hiệu nhất. Từ đó họ thoát ly khỏi lối sống của bậc giáo dân, và chinh phục những người khác lập thành một nhóm để sinh hoạt tâm linh theo linh đạo mới.

Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy đa số những “trào lưu mạc khải” và “linh đạo” của nhiều nhóm mới đều mang nội dung tiên tri về sự dữ của thời đại và tinh thần của “Sứ Điệp Từ Trời”, họ luôn nghi ngờ và phê phán GH, cho mình là chân chính, ai không tin và ủng hộ là sai lầm. Có lẽ đây là sự biến tướng của nó.

Không ai có thể bơi ngược dòng sông, thời của “thế giới phẳng”, dù muốn hay không cũng phải hội nhập với thế giới, thế giới của internet, mà hình thức phổ biến nhất hiện nay là mỗi người lập cho mình một tài khoản Fb. Nhưng nó lại như con dao hai lưỡi, phục vụ hay đầu độc chính mình, điều mà mỗi người cần học hỏi, suy nghĩ và cân nhắc khi sử dụng mạng nói chung, Fb nói riêng. Thiên Chúa đã cho con người có phương tiện vượt trên mọi thời đại, con người sử dụng có đúng đắn và sinh ơn ích hay không là tùy ở mỗi cá nhân, nhưng trước hết cần học hỏi để biết và phát huy những mặt tích cực của nó.

MẶT TÍCH CỰC CỦA FACEBOOK

Facebook (Fb) là mạng xã hội thịnh hành nhất ở Việt Nam, nó có sức sống lan tỏa mạnh mẽ và là món ăn tinh thần không thể thiếu với cộng đồng xã hội, nhất là đối với lớp trẻ. Theo gso.gov.vn, tính đến tháng 06/2020, tại Việt Nam đã có hơn 69 triệu tài khoản Facebook, chiếm 2/3 dân số.

Fb như chiếc cầu nối để mọi người cùng trao đổi, chia sẻ, kết nối mọi thông tin trong đời sống thường ngày. Nó rất tiện lợi cho các thành viên kết bạn, liên lạc riêng tư (Private) qua thư thoại (Messenger), hoặc công khai (Public) với mọi người, trong đó tìm thấy một số bạn chung sở thích, chung suy nghĩ, nó là tường (wall) để tỏ bày, chia sẻ kinh nghiệm, những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, góp phần phong phú cho cuộc đời đỡ cô đơn và buồn tẻ, hơn nữa còn là nơi học hỏi được nhiều điều bổ ích, nhiều thông tin thú vị, kiến thức phổ thông phong phú và đa dạng.

Nhiều người, nhiều nhóm trong tổ chức xã hội cũng như tôn giáo sử dụng Fb hoặc trang nhóm (Fanpage) làm phương tiện đắc lực trong việc truyền thông, đăng bài (post), chia sẻ (share) những thông tin (news), câu chuyện (story), trạng thái (Status), thông điệp (Message), sự kiện (Event), đăng ảnh-video (up), gắn thẻ (Tag)… mà bạn bè hoặc nhiều người quan tâm, tạo được thành quả tốt lành cho xã hội và tôn giáo. Bởi vậy nó là một trong những phương tiện truyền thông đại chúng hiệu quả (lợi hại) nhất trong xã hội.

Ngày nay nhờ mạng xã hội, mỗi cá nhân hoặc một nhóm đều có thể thiết lập cho mình một trang riêng (Nick, Fanpage), giống như một trang báo nhỏ thật dễ dàng mà không tốn kém gì cả. Nhưng mỗi bạn trẻ nên “đầu tư’ chất xám để thể hiện nội dung trang của mình được giá trị, hữu ích và phong phú, vì nó không chỉ liên đới với những thành viên đã kết bạn, mà trang của mình còn lan rộng đến nhiều người khác. Ngoài những người đã sành sỏi, có những người mới làm quen hoặc chưa biết rõ “luật chơi” mạng xã hội này, họ tự tìm tòi hoặc nhờ người quen lập cho mình một trang Fb, đặc biệt những người lớn tuổi cũng được con cháu lập cho cái tài khoản để làm quen với mạng để hội nhập cho cuộc đời đỡ tẻ nhạt.

Khi vào trang Fb của ai, người ta có thể nhận ra giá trị, trình độ, tính khí, nhân cách, tâm tư, sở thích, khuynh hướng, mục đích… hay những lệch lạc trong nhận thức, hoặc biểu cảm ẩn chứa những trạng thái tâm thần (tự tôn, tự ti, ảo tưởng, khoe mẽ, bất mãn, uẩn ức, ham hố, tham vọng…) nơi người đó. Nó được thể hiện rõ trên Dòng Thời Gian (Timeline) Fb của người đó.

Thông thường “dòng thời gian” đăng (post) bài, ảnh, video mang tính thời sự (Current…) hay kỷ niệm (Memories), hoặc ảnh minh họa (illustration) ngắn gọn, vì giao diện (Interface) và mục đích của Fb chỉ cho phép hình thức như vậy, chứ không như một Website. Chỉ những người quen đọc sách và ham tìm hiểu mới ưa chuộng đọc những bài dài, nó hợp với người lớn tuổi hơn là với người trẻ.

Còn lỗi thường thấy trên “dòng thời gian” là trích đăng bài hoặc video clip không ghi nguồn, không chú thích hoặc giới thiệu không gian và thời gian (Where, When…), hoặc không ghi bút danh của tác giả, khiến người xem dễ thắc mắc, khó kiểm chứng, sinh hiểu lầm là “đạo văn, đạo thơ”, vì nếu không ghi tên tác giả tất nhiên phải hiểu chính tác giả là người đăng. Về ngôn ngữ tiếng Việt cần giữ cho trong sáng, chữ có dấu đầy đủ, vì tiếng Việt không dấu trông rất dị hợm, mang tính cẩu thả, người khác ngại đọc và còn đánh giá những điều không tốt. Hơn nữa bây giờ tràn lan thông tin giả (Fake news) mà qua điện thoại rất khó hoặc không thể đối chiếu và kiểm chứng. Như có nhiều trang Web đăng tin bài, hình ảnh, video thổi phồng, lèo lái, xuyên tạc, khiến thông tin bị nhũng nhiễu như mớ hổ lốn, không biết đâu là thật, đâu là giả.

Một trang Fb đầy đủ trước tiên cần phải có ảnh đại diện “Avatar”, ảnh bìa (cover photo), giới thiệu bản thân (Profile). Tuy nó linh động và tế nhị, nhưng cần phải đúng đắn để người muốn kết bạn hiểu rõ, một khi nó càng rõ ràng và đầy đủ thì càng đáng tin tưởng. Người được mời kết bạn khó chấp nhận (confirm) với tài khoản thiếu những phần này, vì họ có cảm tưởng như kết bạn với người trong bóng tối, hoặc như với bóng ma cuộc đời. Khi giấu giếm thì tự bản thân đã có vấn đề, dù chủ quan hay khách quan, nếu không có lý do chính đáng.

Ngoài ra còn có nút “thích” (like), bình luận (comment), trả lời (Reply), chia sẻ (Share) rất tiện cho các bạn tương tác bày tỏ. Đặc biệt là nút “like”, nhiều bạn như vô cảm, không bao giờ sử dụng, khiến người đăng có cảm tưởng rằng bạn đó ích kỷ, đôi khi bị hiểu lầm là cao ngạo. Nút “like” biểu hiện tình cảm của sự tương tác chứ chưa hẳn là cái giá trị thực của nội dung, mà bất cứ ai cũng muốn có sự tương tác hoặc đồng cảm nào đó, tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ. Như ai cũng biết, mỗi tài khoản có quyền và hoàn toàn chịu trách nhiệm trên trang của họ, nên người khác cần tôn trọng “mảnh đất canh tác” đó, không nên tự tiện đăng (Post) hoặc gắn thẻ (Tag) trên trang của họ, nếu không sẽ trở thành người không biết tôn trọng vì đã xâm phạm vào chủ quyền (Admin) của trang người khác, trừ phi họ cho phép hoặc đã được hiểu ngầm. Những điều này ít người dám nói ra, nhưng chắc chắn họ không hài lòng chút nào.

Về mặt tích cực và sự đúng đắn khi chơi Fb như vậy, nhưng thực ra nhiều người còn mày mò, vô tình hoặc chưa biết “luật chơi”, vẫn chưa ý thức đầy đủ hoặc vô tâm không chú trọng đến nó, đôi khi có những suy nghĩ cá nhân. Thiết nghĩ, những người đã am hiểu cũng nên suy nghĩ thông thoáng, không nên chấp nhất và cứng nhắc với người khác, cần chút cảm thông trong tinh thần xây dựng trên lãnh vực này, để mọi người có cơ hội tham gia vào cộng đồng mạng xã hội, góp phần làm cho xã hội tiến bộ, tôn giáo triển nở.

Mong rằng mặt tích cực của Facebook được phát huy, đẩy lùi mặt tiêu cực của nó như một “hội chứng tâm thần” làm suy nhược tinh thần con người và xã hội. Đặc biệt là để loan báo Tin Mừng, phổ biến truyền thống tâm linh tốt lành trong GH, yêu thương và phục vụ con người, bênh vực, hiệp nhất và yêu mến GH trong Đức Kitô.

 

Hàn Cư Sĩ
Nguồn: dongten.net (28.8.2020)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây