TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đoàn Hành Hương GP.BMT Gặp Gỡ ĐTC Tại Thái Lan

Thứ bảy - 08/05/2021 00:25 |   778
Đoàn Hành Hương GP.BMT Gặp Gỡ ĐTC Tại Thái Lan

Đoàn Hành Hương Giáo Phận Ban Mê Thuột Gặp Gỡ Đức Thánh Cha Tại Thái Lan (1)

 
Chuyến tông du mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đất nước xứ sở Chùa Tháp Thái Lan là một cơ hội lớn cho mọi Kitô hữu Việt Nam đến để gặp gỡ, hiệp thông và cầu nguyện với vị đại diện của Chúa Kitô, cùng với mọi người dân Thái Lan ngợi khen Thiên Chúa với chủ đề “Môn đệ của Chúa, người môn đệ truyền giáo”. 
 
Đoàn hành hương giáo phận Ban Mê Thuột, có 27 người gồm các giáo xứ Thánh Tâm, Dũng Lạc, Phú Long, Thánh Linh và, một thành viên thuộc giáo phận Phan Thiết, đã nhanh chóng đăng ký để có thể nhìn thấy vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian bằng xương bằng thịt. Đây cũng là điều mong ước của mọi Kitô hữu trong cuộc đời: thăm Đất Thánh Israel, nơi Con Thiên Chúa đã sống trọn cuộc đời của mình, và diện kiến vị đại diện của Ngài tại trần gian.
 
Đoàn xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột, đêm 18 tháng 11 về sân bay Tân Sơn Nhất. Chiều 19 tháng 11 bay đến thủ đô Bangkok và đi về Pattaya.

 

 
Giáo Hội Thái Lan
 
Đây là chuyến viếng thăm thứ hai của Đức Giáo Hoàng đến Thái Lan trong 35 năm, sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1984. Khẩu hiệu của chuyến Tông du này là “Môn đệ của Chúa, Người môn đệ truyền giáo”, để cử hành 350 năm thành lập Giáo phận Tông tòa Thái, được bắt đầu từ năm 1669, mở ra trang sử Giáo Hội của đất nước này.
 
Tổng quát
 
Thái Lan (tiếng Thái: ประเทศไทย, Prathet Thai), trước gọi là Xiêm La, có tên chính thức là Vương quốc Thái Lan, là một quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, phía bắc giáp Lào và Myanmar, phía đông giáp Lào và Campuchia, phía nam giáp vịnh Thái Lan và Malaysia, phía tây giáp Myanmar và biển Andaman.
 
Lãnh hải Thái Lan phía đông nam giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía tây nam giáp với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ ở biển Andaman.
 
Thái Lan có diện tích 513,000 km2, lớn thứ 50 trên thế giới và dân số khoảng 67.8 triệu người đông thứ 20 trên thế giới. 75% dân số là người dân tộc Thái. Kế đó, 14% là người gốc Hoa và 3% là người Mã Lai, phần còn lại là những nhóm dân tộc thiểu số như Môn, Khmer và các bộ tộc khác. Hiện có khoảng 2.2 triệu người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp ở Thái Lan. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Thái.
 
93.6% trong tổng số 67.8 triệu dân Thái theo Phật giáo Nam Tông.

 

 
Giáo Hội Công Giáo tại Thái Lan
 
Trong tổng số 67.8 triệu người Thái, chỉ có 380,000 người theo đạo Công Giáo (Giáo phận Ban Mê Thuột, năm 2017, có 450.000 tín hữu). Giáo Hội Công Giáo tại Thái gồm hai giáo tỉnh là Giáo tỉnh Bangkok với Tổng giáo phận Bangkok và 5 giáo phận là các Giáo phận Chanthaburi, Chiang Mai, Nakhon Sawan, Ratchaburi, Surat Thani; Giáo tỉnh Thare – Nonseng với Tổng giáo phận Thare – Nonseng, và 3 giáo phận là Nakhon Ratchasima, Ubon Ratchathani và Udon Thani (Giáo Hội Việt Nam, năm 2019, có 3 giáo tỉnh với 27 giáo phận).
 
Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái Lan là Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam, 70 tuổi, người Nam Hàn.
 
Tổng giáo phận Bangkok được coi sóc bởi Đức Hồng Y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij, 70 tuổi.
 
Tổng cộng Giáo Hội tại Thái Lan có 502 giáo xứ, 566 trung tâm mục vụ, 16 giám mục, 835 linh mục, trong đó có 523 linh mục triều và 312 linh mục dòng, 1461 nữ tu và 123 nam tu không phải là linh mục, 221 thừa sai giáo dân và 1901 giáo lý viên.
 
Năm 1669, Miền truyền giáo Xiêm La được thành lập và được ủy thác cho các thừa sai của Hội Thừa sai Paris. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành 350 năm sự kiện này.
 
Hàng giáo phẩm Công giáo Thái Lan được thành lập năm 1965.
 
5 năm sau chuyến viếng thăm vào năm 1984, ngày 22.10.1989, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho 7 vị tử đạo người Thái: giáo lý viên Philip Siphong Onphitake, hai nữ tu và 4 giáo dân; họ bị giết vì sự thù ghét đức tin vào năm 1940 tại làng Songkhon, giáp biên giới với Lào. (https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2019-11/dtc-phanxico-vieng-tham-thai-lan.html)
 

 

 
Trưa ngày 21 tháng 11, đoàn trở lại thủ đô Bangkok.

Sau thời gian chờ đợi và kiểm tra an ninh, đoàn hành hương vào sân vận động T2, một sân vận động nhỏ nằm sát ngay Sân vận động Quốc gia Supachalasai ở Bangkok.
 
2 giờ, ổn định chỗ ngồi trước màn hình rộng để trực tiếp tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành. Giữa trưa nắng gắt, thời tiết oi bức làm cho nhiều người mệt mỏi. Nhưng ước mong gặp được vị đại diện của Chúa Kitô làm tiêu tan mọi mệt nhọc.
 
4 giờ, bầu trời dịu mát vì ánh mặt trời khuất sau những tòa nhà cao tầng. Đây cũng là thời gian trong sân vận động chính hát mừng Đức Thánh Cha. Trước giờ dâng thánh lễ, cộng đoàn làm việc kính Đức Mẹ với việc lần hạt Mân Côi. 50 kinh với 5 ngôn ngữ khác nhau. Thật bất ngờ, chục kinh thứ năm bằng tiếng Việt, làm cho tín hữu Việt Nam hân hoan và xúc động.
 
Ngồi ở sân vận động phụ, theo dõi những diễn tiến qua màn hình trực tiếp. Lòng buồn vời vợi. Không biết có được nhìn thấy Đức Thánh Cha bằng xương bằng thịt hay không? Hay lại chỉ nhìn thấy Ngài qua màn hình mà thôi!
 
Thật bất ngờ. Khoảng 5 giờ 30, Ngài xuất hiện trên chiếc xe mui trần, đi vòng quanh sân vận động để chào thăm mọi tín hữu trước khi vào Sân vận động Quốc gia Supachalasai để dâng thánh lễ.
 
Sân vận động này có sức chứa gần 20 ngàn người, nhưng đã có đến 40 ngàn tín hữu hiện diện trong Thánh lễ. Bên cạnh đó, khoảng 20 ngàn tín hữu phải tham dự Thánh lễ tại sân vận động bên cạnh.
 
Thánh lễ
 
Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh, với các bài Sách Thánh được công bố bằng tiếng Thái và kinh nguyện Thánh Thể được cử hành bằng tiếng Latinh. Bài đọc thứ nhất được trích từ sách ngôn sứ Dacaria: Hãy vui lên hỡi nữ tử Sion, vì này đây Ta đang đến. Đáp ca là lời kinh Magnificat Mẹ Maria ngợi khen Thiên Chúa: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, Đấng cứu độ tôi.
 
Đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu thuật lại sự kiện Mẹ Maria và các anh em của Chúa Giêsu đến tìm Người. Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi, “Ai là mẹ tôi và ai là anh em tôi?”.

Bài giảng
 
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc rằng rao giảng Tin Mừng là đi tìm kiếm những thành viên của gia đình Thiên Chúa mà chúng ta chưa biết, là mở các cánh cửa để sống và chia sẻ vòng tay ôm thương xót và chữa lành của Chúa Cha, Đấng làm cho chúng ta trở thành một gia đình.
 
- Tin Mừng là một lời mời gọi và một quyền lợi được ban nhưng không.
 
- Những câu hỏi Tin Mừng giúp canh tân cuộc sống chúng ta.
 
- Các nhà truyền giáo tiên khởi lên đường tìm những người mẹ, người anh em trong gia đình Thiên Chúa.
                            
- Không sợ đồng bàn với người tội lỗi.
 
- Đừng ngăn cản những người rốt cùng cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa.
 
- Tiếp tục theo gương các nhà truyền giáo đầu tiên.
 
Đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ có hai Hồng y và các Giám mục Thái, và một số Hồng y cùng Giám mục thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu, trong đó có 9 giám mục Việt Nam, các linh mục Thái Lan và các nước lân cận.
 
Thánh lễ kết thúc vào khoảng 20 giờ.
Trước khi ra về, mỗi người được tặng 1 quyển sách Pilgrim of Love.
Đoàn hành hương trở về khách sạn vào lúc 22 giờ 30.
 
Còn tiếp ...
 

11.2019
Gb. Nguyễn Thái Hùng

 



 

 
Phụ lục 1
 

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại sân vận động quốc gia Thái Lan

 

 “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” (Mt 12,48)

 

Với câu hỏi này, Chúa Giêsu đã thách đố đám đông thính giả của ngài suy ngẫm về một điều rất rõ ràng và hiển nhiên: Ai thuộc về gia đình của chúng tôi, ai là người thân và người yêu thương của chúng tôi? Sau khi dành thời gian cho sự tự vấn, Chúa Giêsu trả lời, “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (câu 50). Qua đó, Ngài không chỉ phá đổ những xác tín về tôn giáo và pháp lý thời đó, mà còn phá đổ mọi đòi hỏi không chính đáng của những người nghĩ họ ở trên Ngài. Tin Mừng là một lời mời gọi và cũng là một quyền được ban tự do cho tất cả những ai muốn nghe.
 
Thật đáng ngạc nhiên khi thấy Tin Mừng có đầy những câu hỏi làm xáo trộn và khuấy động con tim của các tông đồ, mời họ lên đường để khám phá sự thật có khả năng ban phát và kiến tạo sự sống. Những câu hỏi thách đố chúng ta mở rộng trái tim và khối óc để gặp gỡ một điều mới mẻ, đẹp hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Những câu hỏi của Thầy Chí Thánh Giêsu luôn nhằm đổi mới cuộc sống của chúng ta và của những người xung quanh chúng ta với niềm vui không gì sánh được (Evangelii Gaudium, 11).
 
Đó là trường hợp của những nhà thừa sai lần đầu tiên đặt chân lên những vùng đất này. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và đáp lại những đòi hỏi của Lời Chúa, họ nhận ra rằng họ thuộc về một gia đình lớn hơn bất kỳ gia đình nào dựa trên dòng máu, văn hóa, địa giới hoặc sắc tộc. Được sức mạnh của Thần Khí thúc đẩy, và với những chiếc túi chứa đầy niềm hy vọng do những tin tốt lành của Tin Mừng mang đến, họ lên đường tìm kiếm những thành viên trong gia đình mà họ chưa biết. Họ lên đường tìm kiếm những khuôn mặt của những người ấy. Trái tim họ phải được mở ra cho một lối suy nghĩ mới có khả năng vượt qua “các tính từ” vốn gây nên chia rẽ; điều này thúc đẩy họ khám phá ra “nhiều bà mẹ và nhiều anh chị em” vẫn còn vắng mặt trong bàn tiệc ngày Chúa Nhật của họ. Không chỉ để chia sẻ với họ mọi thứ mà bản thân họ có thể cung cấp, mà còn để nhận được những gì họ cần để lớn lên trong đức tin và sự hiểu biết về Kinh thánh (x. Dei Verbum, 8).
 
Nếu không có cuộc gặp gỡ trên đây, Kitô giáo sẽ thiếu khuôn mặt của các bạn. Nó sẽ thiếu những bài hát và điệu nhảy miêu tả nụ cười của người Thái, là điều rất đặc trưng cho vùng đất của các bạn. Các nhà thừa sai đã hiểu đầy đủ hơn về kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, một kế hoạch không chỉ giới hạn trong một vài điều được chọn hoặc một vài nền văn hóa cụ thể, nhưng nó lớn hơn tất cả các tính toán và dự đoán của con người chúng ta. Một nhà thừa sai không phải là một lính đánh thuê của đức tin hay một nhà chiêu dụ cải đạo, mà là một vị khất sĩ khiêm nhường cảm thấy sự vắng mặt của những anh chị em và người mẹ để chia sẻ với họ món quà hòa giải mà Chúa Giêsu ban cho tất cả. “Này, bữa tiệc tôi đã chuẩn bị sẵn rồi; vậy hãy đi ra các ngả đường và tất cả những ai các ngươi gặp, hãy mời họ vào dự tiệc cưới” (xem Mt 22, 4-9). Đối với chúng ta, lời mời này là nguồn vui, lòng biết ơn và hạnh phúc to lớn, vì nó làm cho chúng ta “được Thiên Chúa đưa vượt qua chính mình để đạt tới sự thật đầy đủ nhất về hiện hữu của mình. Ở đó, chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nỗ lực loan báo tin mừng của chúng ta.” (Evangelii Gaudium, 8).
 
Năm nay là năm kỷ niệm 350 năm thành lập Đại Diện Tông Tòa Xiêm (1669-2019), một dấu hiệu của vòng tay huynh đệ được đưa ra trên những vùng đất này. Chỉ với hai nhà thừa sai đến gieo hạt giống từ thời xa xưa, mà hạt giống ấy đã nảy mầm và lớn lên mạnh mẽ với một loạt các sáng kiến tông đồ, đóng góp tốt đẹp cho cuộc sống của đất nước chúng ta. Kỷ niệm này không phải là một kỷ niệm của nỗi nhớ về quá khứ, mà là một ngọn lửa hy vọng cho phép chúng ta, ở đây và bây giờ, hành động với quyết tâm, sức mạnh và sự tự tin như các vị thừa sai. Một kỷ niệm mang tính lễ hội và biết ơn giúp chúng ta vui vẻ ra đi để chia sẻ cuộc sống mới được sinh ra từ Tin Mừng cùng với tất cả các thành viên trong đại gia đình mà chúng ta chưa biết.
 
Tất cả chúng ta trở thành những nhà thừa sai khi chúng ta chọn trở thành một phần sống động trong đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta làm điều này bằng cách chia sẻ với những người khác như Chúa Giêsu đã làm. Ngài ăn uống với những kẻ tội lỗi, bảo đảm với họ rằng họ cũng có một vị trí trong bàn tiệc của Chúa Cha và bàn tiệc của thế giới này; Ngài chạm vào những người bị coi là ô uế và khi để cho họ chạm vào mình, Ngài giúp họ nhận ra rằng Thiên Chúa gần gũi với họ và hiểu rằng họ được Thiên Chúa chúc phúc (x. Ecclesia in Asia, 11).
 
Ở điểm này, tôi nghĩ đến những trẻ em và phụ nữ là nạn nhân của mại dâm và buôn người, bị sỉ nhục trong nhân phẩm chân thực nhất của họ. Tôi nghĩ về những người trẻ bị nô lệ bởi nghiện ma túy và thiếu ý nghĩa cuộc đời, khiến họ chán nản và phá hủy giấc mơ của họ. Tôi nghĩ về những người di cư, bị mất nhà cửa và gia đình, và rất nhiều người khác, những người như họ có thể cảm thấy mồ côi, bị bỏ rơi, “không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi được sinh ra từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và một mục tiêu trong cuộc sống” (Evangelii Gaudium, 49). Tôi cũng nghĩ về những tội nhân bị bóc lột và những người ăn xin trên đường.
 
Tất cả họ đều là một phần của gia đình chúng ta. Họ là mẹ của chúng ta, là anh chị em của chúng ta. Chúng ta đừng làm cho các cộng đoàn của chúng ta không nhìn ra khuôn mặt của họ, vết thương của họ, nụ cười và cuộc sống của họ. Chúng ta đừng ngăn cản họ trải nghiệm dầu thương xót của tình yêu Thiên Chúa – dầu  chữa lành vết thương và nỗi đau của họ. Một môn đệ thừa sai biết rằng loan báo tin mừng không phải là để có thêm thành viên hay để thêm quyền lực bên ngoài. Nhưng là mở các cánh cửa để trải nghiệm và chia sẻ vòng tay thương xót và chữa lành của Thiên Chúa là Cha, và điều đó cũng làm cho chúng ta nên một gia đình.
 
Các cộng đoàn Thái Lan thân mến, chúng ta hãy tiếp tục đi theo bước chân của những nhà thừa sai đầu tiên, để gặp gỡ, khám phá và nhận ra niềm vui trên khuôn mặt của tất cả những người mẹ và những người cha ấy, những người anh chị em ấy, là những người mà Chúa muốn ban cho chúng ta và họ đang còn vắng mặt trong bàn tiệc ngày Chúa Nhật của chúng ta.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
 
(https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-cua-duc-thanh-cha-trong-thanh-le-tai-san-van-dong-quoc-gia-thai-lan-36598)
 

Đoàn Hành Hương Giáo Phận Ban Mê Thuột Gặp Gỡ Đức Thánh Cha Tại Thái Lan (2)

 
Sau một đêm bình an và hạnh phúc, đoàn hành hương lên đường từ 5 giờ sáng để đến Nhà thờ Giáo xứ Thánh Phêrô thuộc huyện Sam Phran, tỉnh Nakhon Pathom. Tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên; và đối diện là Đền thánh Chân phước Nicolas Bunkerd Kitbamrung, tại đây Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ với các Giám mục Thái Lan và các Giám Mục thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu.
 
Nhà thờ Giáo xứ Thánh Phêrô
 
Giáo xứ Thánh Phêrô được thành lập vào năm 1840. Lúc đầu được làm bằng tre, sau đó được trùng tu lại nhiều lần, lần cuối cùng vào năm 1989.

 

 
Vào lúc 9 giờ 30, Đức Thánh Cha đến giáo xứ thánh Phêrô. Trước khi vào nhà thờ, Đức Thánh Cha đi thăm tất các các tín hữu có mặt tại giáo xứ thánh Phêrô. Để được tận mắt nhìn thấy vị đại diện Chúa Kitô bằng xương bằng thịt với cự ly gần nhất, đoàn hành hương giáo phận Ban Mê Thuột, đã vào vị trí của mình rất sớm, ngồi sát hàng rào danh dự để đón chờ Đức Thánh Cha. Thật là hạnh phúc, đoàn là một số rất ít trong khoảng 7000 tín hữu Việt Nam sang Thái Lan được vào giáo xứ thánh Phêrô.
 
Khi bước chân vào khu vực G5 của người Việt Nam, mỗi người được trao 2 lá cờ để chào đón Đức Thánh Cha, được trao một gói quà sáng gồm: 1 chai nước suối, 1 cái bánh ngọt và 1 gói xôi thịt cùng 1 cuốn sách Pilgrim of Companionship and Fraternity.
 
Sau khi chào thăm mọi tín hữu, Đức Thánh Cha vào nhà thờ. Tại bàn thờ, một linh mục, một nữ tu, một chủng sinh và một giáo lý viên dâng hoa cho Ngài. Ngài đặt hoa dưới chân tượng Thánh Phêrô và thinh lặng cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể.
 
Gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên
 
- Lòng biết ơn
 
Trong buổi nói chuyện với các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tu sĩ không được quên cám ơn mỗi ngày về ơn gọi của mình: “Nghĩ đến lịch sử ơn gọi của mỗi người, giúp chúng ta khám phá và nhận ra ngọn lửa của Thánh Linh. Thật là đẹp và quan trọng khi biết tạ ơn. Lòng biết ơn luôn là một ‘vũ khí mạnh mẽ’. Chỉ khi chúng ta suy gẫm và cám ơn một cách cụ thể, Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta làn gió tươi mát, làm mới lại đời sống và ơn gọi của chúng ta”.
 
- Đánh thức cái đẹp
 
Khi một nữ tu làm chứng về việc theo đạo của mình nhờ nét đẹp dịu dàng của Mẹ Maria, một Trinh Nữ. Ngài nói: “Sơ Bernadetta nói với chúng ta về cách Chúa thu hút anh chị em qua cái đẹp, nét đẹp của một hình ảnh Trinh Nữ. Cái nhìn đặc biệt của Trinh Nữ đã đi vào tâm hồn của anh chị em và khơi dậy ước muốn được biết thêm Trinh Nữ. Người phụ nữ này là ai? Đây không phải là lời nói, ý tưởng trừu tượng hay lý luận lạnh lùng. Tất cả bắt đầu bằng một cái nhìn đẹp khiến anh chị em say mê. Hãy đánh thức cái đẹp, vì nó có thể mở ra những chân trời mới và đưa ra những câu hỏi mới. Một cuộc đời tận hiến không thể mở ra cho sự ngạc nhiên thì nó chỉ là một cuộc sống nữa vời”.
 
- Sứ vụ cho thế giới
 
Từ cuộc sống cá nhân của người tận hiến, Đức Thánh Cha đề cập đến sứ vụ cho anh chị em: “Chúa không kêu gọi chúng ta, sai chúng ta vào thế giới để làm cho gánh nặng của anh chị em trở nên nặng nề hơn, nhưng để chia sẻ một niềm vui, một chân trời mới, đẹp và đáng ngạc nhiên. Chính điều này thúc đẩy chúng ta không ngại tìm kiếm những biểu tượng và hình ảnh mới, một thứ âm nhạc đặc biệt giúp người dân Thái Lan đánh thức kỳ quan mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Chúng ta không được sợ làm cho Tin Mừng ngày càng được hội nhập vào văn hóa. Cần phải tìm kiếm những hình thức mới để loan truyền Lời có khả năng rung chuyển và đánh thức ước muốn biết Chúa. Hãy can đảm tìm cách rao giảng đức tin “theo tiếng địa phương”, theo cách của một người mẹ hát ru con mình”.
 
- Cầu nguyện
 
Về đời sống cầu nguyện, một yếu tố vô cùng quan trọng của đời thánh hiến, Ngài khẳng định rằng: Thành quả tông đồ được duy trì nhờ cầu nguyện. Suy ngẫm trong hành động, cho phép Thiên Chúa đi vào những điều nhỏ nhặt mỗi ngày. Không có cầu nguyện, cả cuộc đời và sứ mệnh của chúng ta sẽ mất đi ý nghĩa, sức mạnh và lòng nhiệt thành. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói: một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của việc loan báo Tin Mừng là thiếu lòng nhiệt thành (Eveachii Nuntiandi, 80). Và lòng nhiệt thành đối với tu sĩ, linh mục và giáo lý viên được nuôi dưỡng trong cuộc gặp gỡ kép này: với Chúa và với anh chị em.
 
Kết thúc bài nói chuyện, ĐTC khuyên các tu sĩ đừng để mình bị rơi vào cám dỗ nghĩ rằng mình chỉ là số ít; nhưng hãy nghĩ mình là những dụng cụ bé nhỏ trong bàn tay sáng tạo của Chúa. Ngài sẽ viết trên đó những trang đẹp nhất trong lịch sử cứu độ ở những vùng đất này.
 
Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cùng cầu nguyện với cộng đoàn và ban phép lành cho tất cả. (3)
 
Kế đến, lúc 11g, Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám mục Thái Lan và các Giám Mục thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Đền thánh Chân phước Nicholas Boonkerd Kitbamrung.
 
Chân phước Nicolas Bunkerd Kitbamrung
 
Đền thánh Chân phước Nicolas Bunkerd Kitbamrung được xây dựng gần nơi Chân phước được sinh ra. Ngày 13 tháng 01 năm 2001, ĐHY Michael Michai Kitbunchu đã dâng kính Đền thánh cho vị linh mục tử đạo Thái Lan đầu tiên. Việc xây dựng được hoàn thành vào tháng 5 năm 2003.

 

 
Nicolas Bunkerd Kitbamrung sinh ngày 31.01.1898 tại huyện Nakhon Chaisri thuộc tỉnh Nakhon Pathom, bấy giờ thuộc Bangkok, cách thủ đô 30 cây số. Thân phụ ngài là Ông Joseph Poxang, thành hôn với Agnès Thiang ngày 20.11.1893, và Bunkerd là con đầu lòng được cha René Perros, thuộc Hội thừa sai rửa tội với tên thánh là Benedictus, nhưng luôn được gọi là Nicolas.
 
Bunkerd có 5 người em và tất cả đều được giáo dục trong tinh thần Công Giáo nhờ tiếp xúc với các thừa sai. Khi còn nhỏ, Nicolas Bunkerd thường giúp lễ và tỏ ra có tính tình nhút nhát, và xa tránh các bạn xấu. Năm 13 tuổi, cậu Bunkerd được gửi vào tiểu chủng viện Bang Xang, và trong những năm tại đây, cậu cũng sinh hoạt mục vụ với giới trẻ. Lên đại chủng viện Penang ở Malaysia vào năm 1920, bấy giờ là trung tâm quốc tế đào tạo các linh mục cho vùng Đông Nam Á.
 
Thầy Bunkerd Kitbunchu có trí khôn thông minh, tính tình cương quyết, sức khỏe và hạnh kiểm tốt, kết quả các kỳ thi có điểm rất cao. Tính tình mạnh mẽ khiến cho thầy ban đầu có vẻ tự phụ, nhạy cảm, dễ nổi giận và hơi cứng đầu, nhưng khi các bề trên cảnh giác, thì thầy quyết tâm cải tiến, sửa chữa và xin các bề trên tiếp tục khuyên bảo.
 
Hoạt động tông đồ
 
Ngày 24.01.1926, thầy Nicolas Bunkerd thụ phong linh mục cùng với 4 thầy bạn tại Nhà thờ chính tòa Bangkok. Và bắt đầu hoạt động mục vụ và truyền giáo, trước hết làm cha phó tại Bang-Nok-Khnuek, của cha Durand, thuộc Hội thừa sai Paris.
 
Ngày 01.01.1928, cha Nicolas Bunkerd được cử làm cha phó tại Phisatnulok dưới sự hướng dẫn của cha thừa sai Mirabel người Pháp. Cha làm việc trong xứ đạo và học tiếng Hoa. Từ năm 1930 đến 1937, cha được gửi đi làm việc truyền giáo tại miền Bắc Thái. Đây là một công việc rất phức tạp: phục hồi các tín hữu Công Giáo, vì nghèo đói nên đã lơ là việc hành đạo, những cuộc du hành ở những miền hiểm trở, đường đi khó khăn và chưa được khai phá ở biên giới Lào. Tại Chiang Mai, một nhà nguyện được thiết lập như trung tâm hoạt động tông đồ. Từ đó, cha Nicolas Bunkerd mở các chuyến đi truyền giáo cho đến tận Miến Điện, vượt qua những con đường núi hiểm trở, qua những con sông nước chảy xiết.
 
Thay đổi nhiệm sở
 
Năm 1937, Cha Bunkerd lại đổi nhiệm sở lần thứ tư và được gửi tới huyện Khorat với nhiệm vụ cha sở. Lúc ấy cha đã 42 tuổi và đạt được những thành quả rất tốt trong việc hồi phục các tín hữu Công Giáo đã đi trệch đường. Cha tổ chức các lớp giáo lý cho người ngoại đạo, cho người dự tòng; cha cũng kiêm nhiệm thêm giáo xứ lân cận Non-Kaew từ năm 1938 đến 1941. Trong lúc đó, chiến tranh bùng nổ tại Đông Dương và Thái Lan cũng bị can dự. Cha bị tố cáo là làm gián điệp cho Pháp nên bị bắt ngày 12.01.1941 và giam tại nhà tù ở địa phương, rồi 40 ngày sau giải tới nhà tù quân sự ở thủ đô. Tại đây, cha bị xét xử và lên án 15 năm tù, nhưng vì bị bệnh lao phổi, cha qua đời ngày 12.01.1944, sau bao nhiêu ngược đãi và hành hạ, lao lực trong tù.
 
Con đường tử đạo
 
Vụ cha Bunkerd bị bắt và những lý do khiến cha bị kết án nằm trong khuôn khổ cuộc bách hại chống Công Giáo tại Thái Lan, trong các năm 1930 và đầu thập niên 1940. Cha Nicolas Bunkerd bị kết án vì một số nhóm bài người nước ngoài, các chính trị gia bài Công Giáo ghét luôn cả các tín hữu Công Giáo thời đó, và nhất là nếu đó là một linh mục Công Giáo.
 
Sau 3 năm bị cầm tù, vị Tôi Tớ Chúa chết vì bệnh lao, mắc phải trong tù, và không được săn sóc. Cha đã dạy giáo lý và rửa tội cho 68 tù nhân. Cha sống những năm tù gay go và bất công với tinh thần bình thản, chấp nhận số phận và lòng bác ái Kitô trung thành, chấp nhận hoàn cảnh, không kêu than, và coi đó như ý Chúa: Cha tha thứ cho những kẻ vu khống và bách hại cha.
 
Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước tại Roma ngày 05 tháng 03 Năm Thánh 2000.
 
Cha Nicolas Bunkerd Kitbamrung thật là một mẫu gương quan trọng cho các Linh Mục tại các xứ truyền giáo ngày nay thường bị bách hại. Cha cũng giúp tái đẩy mạnh linh đạo linh mục triều trong Ngàn Năm Thứ Ba. (4)
 
Gặp gỡ các Giám mục Thái Lan và Liên hội đồng Giám mục Châu Á
 
Sau khi gặp các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên, tại giáo xứ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đến đền thánh chân phước Chân phước Nicholas Bunkerd Kitbamrung ở đối diện. Tại đây, Đức Thánh Cha có buổi nói chuyện với các Giám mục Thái Lan và Liên hội đồng Giám mục Châu Á, để nói với các ngài rằng Giáo Hội đang đối diện với nhiều thách đố, nhưng gương sáng các nhà truyền giáo tiên khởi của Thái Lan và Châu Á, có thể mang đến cho chúng ta niềm hy vọng và sức mạnh.
 
Đôi nét về Liên Hội đồng Giám mục Á châu
 
Liên Hội đồng Giám mục Á châu (LHĐGMAC) (The Federation of Asian Bishop’ Conferences / FABC), là một tổ chức được Tòa thánh phê chuẩn, có tính xuyên quốc gia, nhằm liên kết các Hội đồng Giám mục các Giáo Hội Công giáo địa phương ở châu Á lại với nhau trong tình hữu nghị và hợp tác.
 
LHĐGMAC được hình thành từ cuộc gặp gỡ của 180 giám mục từ khắp châu Á, tại Hội nghị các giám mục Á châu (ABM: Asian Bishops’ Meeting), ở Manila (Philippines) vào tháng 11 năm 1970, nhân dịp Đức giáo hoàng Phaolô VI viếng thăm nước này.
 
Hiện nay, LHĐGMAC có 18 thành viên chính thức: (1) Bangladesh, (2) Indonesia, (3) Nhật, (4) Kazakhstan, (5) Hàn Quốc, (6) Lào–Cambodia, (7) Malaysia–Singapore–Brunei, (8) Myanmar, (9) Pakistan, (10) Philippines, (11) Sri Lanka, (12) Taiwan, (13) Thái Lan (14) Việt Nam và Ấn độ [gồm: (15) CBCI (Catholic Bishop’s Conference of India): Hội đồng giám mục Ấn Độ, (16) CCBI (Conference of the Catholic Bishops of India): Hội đồng Giám mục Ấn độ lễ chế Latinh, (17) SMBS (Syro–Malabar Bishops’ Synod): Thượng Hội đồng Giám mục lễ chế Syro–Malabar và (18) Syro–Malankara (Holy Episcopal Synod): Thượng Hội đồng giám mục lễ chế Syro–Malankara.
 
Ngoài ra, LHĐGMAC còn có 13 thành viên không chính thức (thành viên “liên kết”): (1) Giáo phận Baucau (Timor–Leste), (2) Giáo phận Dili (Timor–Leste), (3) Giáo phận Maliana (Timor–Leste), (4) Giáo phận Hồng Kông (Trung Quốc), (5) Giáo phận Ma cao (Trung Quốc), (6) Mông Cổ, (7) Nepal, (8) Giáo phận thánh Giuse (Irkutsk, Siberia), (9) Giáo phận Chúa Hiển dung (Novosibirsk, Siberia), (10) Kyrgyzstan, (11) Tajikistan, (12) Turkmenistan và (13) Uzbekistan (xem Mạnh Hữu, WHĐ).
 
Chức năng của LHĐGMAC
 
LHĐGMAC không phải là một “Hội đồng Giám mục cấp cao” bao trùm lên trên các Hội đồng Giám mục thành viên. LHĐGMAC tôn trọng quyền tự chủ của mỗi giám mục, của từng HĐGM thành viên, và của từng Hội nghị miền trong LHĐGMAC. LHĐGMAC là một “Hiệp hội tự nguyện của các Hội đồng Giám mục ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á và Trung Á”. Là một “hiệp hội tự nguyện”, các quyết nghị cũng như khuyến nghị của LHĐGMAC không có tính “ràng buộc pháp lý”. Mục đích chính của LHĐGMAC, như được giới thiệu, là củng cố tình liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên vì lợi ích của Giáo Hội và của xã hội tại châu Á.
 
*    Nghiên cứu các cách thức và phương tiện để thúc đẩy công việc tông đồ, đặc biệt dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II và các văn kiện chính thức hậu công đồng và theo các đòi hỏi của châu Á.
 
*    Hoạt động cho việc tăng triển sự hiện diện năng động của Giáo Hội trong sự phát triển toàn diện của các dân tộc châu Á.
 
*    Giúp việc học hỏi các vấn đề của mối quan tâm chung của Giáo Hội tại châu Á và tìm ra các khả năng đi đến các kết luận và giải đáp cũng như hành động phối hợp.
 
*   Tạo sự thông tin và hợp tác giữa các Giáo Hội địa phương và các giám mục tại châu Á.
 
*    Phục vụ các Hội đồng Giám mục châu Á nhằm giúp các ngài đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của Dân Chúa.
 
*   Củng cố một sự phát triển có tổ chức hơn các tổ chức và phong trào trong Giáo Hội ở tầm mức quốc tế.
 
*   Củng cố sự trao đổi và hợp tác đại kết và liên tôn. (5)
 
 
Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc đến mẫu gương hy sinh dâng hiến cả cuộc đời của Chân phước Nicolás Bunkerd Kitbamrung, cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý, đào tạo các môn đệ của Chúa tại Thái Lan, cũng như một phần Việt Nam và dọc biên giới với Lào, và được phúc tử đạo. Đức Thánh Cha  mời gọi các Giám mục đặt cuộc gặp gỡ này dưới cái nhìn của Chân phước, để mẫu gương của Chân phước gia tăng lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho các Giáo hội châu Á.
 
Liên quan tới việc năm 2020 Liên hội đồng Giám mục Á châu sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng đây là một cơ hội tốt để trở về thăm những “nơi thánh thiêng”, nơi gìn giữ cội rễ truyền giáo và để Chúa Thánh Thần thúc đẩy theo bước chân của tình yêu đầu tiên.

 

 
- Hiện trạng xã hội Á châu, vai trò của các vị mục tử
 
Đi vào thực tế xã hội Á châu, Đức Thánh Cha nhận định rằng đây là một lục địa đa văn hóa và đa tôn giáo, điều này là tốt đẹp và phong phú. Nhưng bên cạnh đó tiến bộ công nghệ làm cho cuộc sống được mở ra, nhưng cũng làm cho chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng tăng, dẫn đến bất bình đẳng về kinh tế và xã hội tồn tại giữa người giàu và người nghèo. Đứng trước hiện trạng này, các vị mục tử cùng đấu tranh với dân tộc mình. Điều cần thiết là nhớ đến các vị truyền giáo đầu tiên để “học từ các ngài cách các ngài đối diện với những khó khăn của thời đại của các ngài” (Evangelii Gaudium, 263), giúp chúng ta tháo bỏ mọi thứ đã “bám chặt vào chúng ta”, làm cho hành trình trở nên nặng nề.
 
- Vai trò của Chúa Thánh Thần
 
Một điều quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng đối đó là tin tưởng, biết rằng chính Chúa Thánh Thần là Đấng đầu tiên đi trước và kêu gọi. Chúa Thánh Thần đến trước nhà truyền giáo và ở lại với họ. Chúa Thánh Thần nâng đỡ và thúc đẩy các Tông đồ và nhiều nhà truyền giáo không bỏ qua bất kỳ vùng đất, con người, văn hóa hay hoàn cảnh nào.
 
- Một phần của dân tộc mình
 
Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám mục hãy nhớ rằng chúng ta cũng là một phần của dân tộc này; chúng ta được chọn như những người phục vụ, không phải là ông chủ. Chúng ta phải đồng hành những người mà chúng ta phục vụ với sự kiên nhẫn và dịu dàng, lắng nghe, tôn trọng phẩm giá của họ, luôn khuyến khích và đánh giá các sáng kiến tông đồ của họ.
 
- Tương quan với các linh mục
 
Trong tương quan với linh mục, Ngài nói: “Tôi mời gọi anh em luôn luôn mở cửa cho các linh mục của anh em. Chúng ta đừng quên rằng người thân cận gần gũi nhất của giám mục là linh mục. Hãy gần gũi, lắng nghe, nâng đỡ các linh mục trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt khi anh em thấy các linh mục nản lòng hoặc thờ ơ, đó là điều tồi tệ nhất trong những cám dỗ của ma quỷ. Và anh em làm điều đó không phải với tư cách là thẩm phán, mà là những người cha, không phải là những người quản lý sử dụng các linh mục, mà như những người anh cả. Tạo ra một bầu không khí tin tưởng, thúc đẩy cuộc đối thoại chân thành và cởi mở, tìm kiếm và xin ân sủng để có sự kiên nhẫn như Chúa có với mỗi chúng ta, điều đó thực sự tuyệt vời!”
 
Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha động viên: Mặc dù trong tương lai không thiếu những vấn đề chúng ta phải đối diện, nhưng tin tưởng chính Chúa là người đến với sức mạnh Phục sinh biến mọi tai ương, mọi vết thương thành nguồn sống. Chúng ta nhìn về tương lai và xác tín rằng chúng ta không đi một mình, Chúa đang chờ đợi và mời chúng ta nhận ra Ngài, trước hết trong việc bẻ bánh.(6)
 
Đức Thánh Cha Phanxicô rời khỏi giáo xứ thánh Phêrô vào lúc 12 giờ.
 
Khi đoàn hành hương đến Thái Lan để gặp Đức Thánh Cha, mọi người vui mừng và hân hoan. Nhất là được tiếp đón chu đáo, nồng hậu và nhiệt tình. Chính Đức Thánh Cha cũng kinh ngạc trước sự tiếp đón Ngài bởi một một cộng đoàn tín hữu nhỏ bé ở Thái Lan. Sự nhiệt tình của nhân dân Thái đới với Đức Thánh Cha và với mọi người đã để lại một dấu ấn đẹp trong tâm hồn mọi khách hành hương.
 
Ước mong một ngày không xa, người dân Việt không phải đi qua những nước láng giềng để được gặp vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian, mà có thể đón tiếp ngài ngay chính trên quê hương Việt Nam yêu dấu của mình.
 
11.2019
Gb. Nguyễn Thái Hùng
 
         
+++++++++++++++++++++++++
 
 
(1) (https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2019-11/dtc-phanxico-vieng-tham-thai-lan.html
(2) https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-cua-duc-thanh-cha-trong-thanh-le-tai-san-van-dong-quoc-gia-thai-lan-36598)
 
(3)(https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-gap-linh-muc-tu-si-chung-sinh-glv.html)
 
(4) (http://vietnamese.rvasia.org/g%Cc-nicolas-bunkerd-kitbamrung-th%C3%A1i-lan)
 
(5)(http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/PhucAmHoa/GiaoHoiAChau/GiaoHoiAC/06DoiNetLHDGMAC.htm)
 
(6) (https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-gap-gm-thai-lan-hdgm-chau-a.html)
 
 
 
Phụ lục 2
 

Bài phát biểu của Đức Thánh Cha
trong cuộc gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên

 
tại Giáo xứ Thánh Phêrô, Thái Lan
lúc 10h00, ngày 22-11-2019
 

 
Xin chào anh chị em thân mến!
 
Tôi cảm ơn Đức cha Joseph [Pradhan Sridarunil] đại diện anh chị em chào mừng tôi. Tôi rất vui khi gặp anh chị em, để lắng nghe anh chị em, để chia sẻ niềm vui với anh chị em và để cảm nhận hoạt động của Thần Khí giữa chúng ta. Tôi cảm ơn tất cả các giáo lý viên, linh mục, tu sĩ, và chủng sinh, vì ân ban gặp gỡ với nhau hôm nay.
 
Tôi cũng cảm ơn Benedetta vì đã chia sẻ về cuộc sống và chứng từ của mình. Khi tôi lắng nghe thì trong tôi dâng lên lòng biết ơn đối với tất cả các nhà thừa sai, cả nam lẫn nữ, những người đã để lại dấu ấn vì cuộc đời phục vụ của mình. Benedetta, con đã nói với chúng tôi về dòng “Con gái của lòng bác ái - the Daughters of Charity”. Trước tiên, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người sống đời tận hiến đã làm nảy sinh những thành quả to lớn bởi việc tử đạo thầm lặng qua sự trung thành và tận tụy hàng ngày. Tôi không biết liệu họ có thể hiểu được tầm quan trọng hay nếm thử được thành quả của sự tận tụy của họ hay không, nhưng chắc chắn cuộc sống của họ đã mang lại rất nhiều điều tốt đẹp. Họ là một lời hứa của hy vọng. Vì lý do này, khi bắt đầu cuộc gặp gỡ của chúng ta, tôi xin anh chị em đặc biệt ghi nhớ tất cả những giáo lý viên và những người nam nữ sống đời tận hiến đã đưa chúng ta vào tình yêu và tình bạn với Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy cảm ơn họ và các thành viên cao tuổi trong cộng đồng của chúng ta, những người không thể có mặt ngày hôm nay. Nói với họ rằng Đức Giáo hoàng gửi cho họ một phước lành lòng biết ơn, và lần lượt xin họ ban phước.
 
Tôi tin rằng hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta được ghi dấu ấn bởi bởi những người đã giúp chúng ta khám phá và nhận ra ngọn lửa của Thần Khí. Thật là tốt và cũng rất quan trọng để biết ơn. Lòng biết ơn luôn luôn là vũ khí mạnh mẽ. Chỉ khi chúng ta có thể suy ngẫm và cảm nhận lòng biết ơn thực sự đối với tất cả những cách mà chúng ta đã cảm nghiệm tình yêu, sự rộng lượng, liên đới và tin tưởng của Thiên Chúa, cũng như sự tha thứ, kiên nhẫn, chịu đựng và lòng trắc ẩn của Ngài, thì chúng ta mới để cho Thần Khí Chúa ban cho chúng ta sự tươi mới, một sự tươi mới thật (và không đơn giản là vá lại) trong cuộc sống và nhiệm vụ của chúng ta (Thư gửi các linh mục, ngày 4 tháng 8 năm 2019). Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ về họ với lòng biết ơn, và, nhờ họ, chúng ta cũng có thể cảm nhận được lời mời gọi để trở thành những người mang lại đời sống mới mà Chúa ban cho chúng ta. Như những người được kêu gọi để sinh hoa trái tông đồ, để đấu tranh dũng cảm cho những điều mà Chúa yêu thương và mà Ngài đã hiến mạng sống của Ngài, chúng ta hãy xin ân sủng để trái tim chúng ta cùng chung nhịp đập với ngài. Tôi thậm chí sẽ xin anh chị em sẵn sàng chịu tổn thương cho tình yêu đó, để cùng chịu đau khổ cho Chúa Giêsu và cho vương quốc của Ngài.
 
Ở đây chúng ta có thể tự hỏi, làm thế nào để chúng ta làm trổ sinh hoa trái của việc tông đồ?
 
Benedetta, con đã nói về việc Chúa thu hút con trước bằng vẽ đẹp của Ngài như thế nào. Đó là vẻ đẹp của một hình ảnh về Đức Mẹ, với ánh mắt đặc biệt nhìn xuyên qua trái tim con và khiến con muốn hiểu rõ hơn về Đức Mẹ. Người nữ đó là ai? Điều đó không diễn tả được bằng lời nói, ý tưởng trừu tượng hay tam đoạn luận lạnh lùng. Tất cả bắt đầu với một cái nhìn đẹp làm say đắm con. Sự khôn ngoan tuyệt vời đã được ẩn giấu trong lời nói của con. Chúng ta hãy chú ý tới cái đẹp, đến một cảm giác tuyệt vời có khả năng mở ra những chân trời mới và đưa ra những vấn nạn mới.
 
Một cuộc sống tận hiến không có khả năng cởi mở trước những bất ngờ chỉ là một cuộc đời nửa vời. Chúa đã kêu gọi chúng ta và đưa chúng ta vào thế giới này không phải để áp đặt lên chúng ta nghĩa vụ với mọi người, hoặc đặt nhiều gánh nặng lên chúng ta, nhưng là để chia sẻ niềm vui, một chân trời mới tươi đẹp và đầy ngạc nhiên. Tôi thực sự thích những lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, những lời mà tôi cho rằng không chỉ đúng mà còn là những lời tiên tri cho thời đại chúng ta, Giáo hội không phát triển bằng cách chiêu dụ mà bằng sự hấp dẫn. “Rao giảng Đức Kitô có nghĩa là cho thấy rằng: tin Ngài và theo Ngài không chỉ là điều đúng và chính đáng, mà còn là một cái gì đẹp, có khả năng đổ đầy đời sống bằng sự rực rỡ mới mẻ và niềm vui sâu xa, ngay cả giữa những hoàn cảnh khó khăn” (Evangelii Gaudium, 167). Điều này có nghĩa là chúng ta không ngại tìm kiếm những biểu tượng và hình ảnh mới, ví dụ âm nhạc đặc biệt có thể giúp đánh thức trong người dân Thái Lan sự kinh ngạc mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Chúng ta đừng sợ tiếp tục đi gieo hạt giống Tin Mừng. Chúng ta cần tìm kiếm những cách mới để thông truyền Lời Chúa, những cách có khả năng huy động và thức tỉnh một khao khát muốn tìm biết Chúa. Chúa là ai? Đấng chịu đóng đinh mà những người này đang tin theo là ai?
 
Khi tôi chuẩn bị cho cuộc họp này, tôi đã đọc, với một nỗi đau, rằng đối với nhiều người, Kitô giáo là một đức tin ngoại quốc, một tôn giáo dành cho người nước ngoài. Điều này sẽ thúc đẩy chúng ta tìm cách nói về đức tin trong chính ngôn ngữ bản địa “phương ngữ”, giống như một người mẹ hát những bài hát ru cho con mình. Với sự thân mật tương tự, chúng ta hãy khoác cho đức tin một khuôn mặt và xác thịt Thái Lan, điều này quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ biên dịch. Hãy để Tin Mừng bỏ đi trang phục nước ngoài; hãy để cho Tin Mừng “hát” cách đơn giản với âm nhạc bản địa của vùng đất này và truyền cảm hứng cho những trái tim của anh chị em chúng ta với cùng một vẻ đẹp khiến trái tim chúng ta rực cháy. Tôi khuyến khích anh chị em cầu nguyện với Đức Mẹ, đấng đã làm say đắm Benedetta bằng vẻ đẹp của mình, và cầu nguyện tự tin đơn sơ như một đứa trẻ rằng: “giờ đây, hãy ban cho chúng con một sự nhiệt thành mới, được sinh ra từ sự phục sinh, mà chúng con có thể mang đến cho tất cả mọi người Tin Mừng về sự sống chiến thắng cái chết. Hãy cho chúng con một lòng can đảm thiêng liêng để tìm kiếm những con đường mới, hầu món quà về vẻ đẹp không phai mờ có thể đến với mọi người” (Evangelii Gaudium, 288).
 
Cái nhìn Đức Mẹ thúc đẩy chúng ta nhìn vào nơi Đức Mẹ nhìn, hướng mắt Chúa Giêsu và làm bất cứ điều gì Ngài nói với chúng ta (x. Ga 21-12). Chúa Giêsu là một ánh mắt quyến rũ bởi vì ánh mắt ấy có thể thâm nhập vào bên trong để tìm và tôn vinh vẻ đẹp đích thực hiện diện trong mỗi người. Đó là một cái nhìn mà như Tin Mừng dạy chúng ta, phá vỡ mọi định mệnh, chủ nghĩa số phận và giai cấp. Khi nhiều người chỉ nhìn thấy một tội nhân, một kẻ phạm thượng, một người thu thuế, một kẻ bất lương hay thậm chí là một kẻ phản bội, thì Chúa Giêsu lại có thể nhận ra đó là những tông đồ. Đó là vẻ đẹp mà ánh mắt của Ngài mời chúng ta loan báo, một ánh mắt biến đổi và phát huy những điều tốt nhất ở người khác.
 
Đối với những đánh động đầu tiên trong ơn gọi của anh chị em, nhiều người trong những năm đầu tham gia vào các hoạt động của những người trẻ, những người muốn đưa Tin Mừng vào thực tế và đi ra khỏi thành phố để thăm những người túng thiếu, bị bỏ rơi và thậm chí bị coi thường, trẻ mồ côi và người già. Chắc chắn nhiều người trong số anh chị em đã lần lượt được Chúa đến thăm, Ngài đã khiến anh chị em thấy rằng: Ngài đang kêu gọi anh chị em từ bỏ tất cả, từ bỏ chính mình trong từng giây phút để tìm lại chính mình. Trong khuôn mặt của những người chúng ta bắt gặp trên đường phố, chúng ta có thể khám phá vẻ đẹp khi coi nhau như anh chị em. Chúng ta thấy họ không còn là trẻ mồ côi, vô chủ, bị ruồng bỏ hay bị coi thường. Bây giờ mỗi người trong số họ có khuôn mặt của “một anh chị em được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Đó là những gì làm nên một Kitô hữu đích thực! Sự thánh thiện, cách nào đó, có thể được hiểu từ ngoài sự công nhận sống động này về phẩm giá của mỗi con người” (Gaudete et Exsultate, 98). Tôi muốn khuyến khích tất cả anh chị em, những người hàng ngày dành cả cuộc đời phục vụ Chúa Giêsu trong anh chị em mình, như Đức cha Joseph tự hào chỉ ra khi giới thiệu về anh chị em. Rất nhiều anh chị em đang nhìn thấy vẻ đẹp nơi những người, mà người khác chỉ nhìn thấy sự khinh miệt, từ bỏ hoặc một đối tượng của sự thỏa mãn tình dục. Theo cách này, anh chị em là một dấu chỉ cụ thể về lòng thương xót của Chúa, anh chị em đang sống và thi hành việc xức dầu của Đấng Thánh trên vùng đất này.
 
Việc xức dầu như vậy cần việc cầu nguyện. Thành quả việc tông đồ đòi hỏi và được duy trì bởi lòng trung thành với lời cầu nguyện sâu sắc. Cầu nguyện sâu sắc như những người cao tuổi không ngừng cầu nguyện Mân côi. Có bao nhiêu người trong chúng ta đã nhận được đức tin từ ông bà của chúng ta, từ việc nhìn thấy họ làm việc nhà với chuỗi tràng hạt trong tay, để thánh hóa ngày sống của họ. Đây là sự suy ngẫm trong hành động, làm cho Thiên Chúa trở thành một phần của những điều nhỏ nhặt mỗi ngày. Điều quan trọng là Giáo hội ngày nay có thể loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, trong mọi dịp, không do dự và không sợ hãi (x. Evangelii Gaudium, 23); như một người mà mỗi buổi sáng, trò chuyện với Chúa, rồi được sai đi lần nữa. Không có cầu nguyện, cuộc sống và sứ mệnh của chúng ta sẽ mất tất cả ý nghĩa, sức mạnh và lòng nhiệt thành.
 
Thánh Phaolô VI nói rằng một trong những trở ngại tồi tệ nhất đối với việc truyền giáo là thiếu lòng nhiệt thành (x. Evangelii Nuntiandi, 80). Đối với tu sĩ, linh mục và giáo lý viên, lòng nhiệt thành đó được nuôi dưỡng bằng một cuộc gặp gỡ sóng đôi: vừa với Chúa, và vừa với anh chị em. Chúng ta cũng cần tìm không gian để có thể trở về nguồn và uống nước hằng sống. Đắm chìm trong vô số trách nhiệm, chúng ta cần tìm kiếm nơi yên tĩnh để cầu nguyện và nhớ rằng Chúa đã cứu thế giới và chúng ta được mời gọi, kết hợp với Ngài, để mọi người cảm thấy sự cứu rỗi ấy.
 
Một lần nữa, tôi cảm ơn anh chị em vì cuộc sống của anh chị em, vì chứng tá và sự dấn thân quảng đại của anh chị em. Tôi xin anh chị em, vui lòng, không bị cám dỗ nghĩ rằng anh chị em là số ít. Nhưng thay vào đó, hãy nghĩ về bản thân anh chị em như những công cụ nhỏ bé trong bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa. Ngài sẽ viết cho cuộc đời của anh chị em những trang đẹp nhất về lịch sử cứu độ ở vùng đất này.

Hãy nhớ cầu nguyện cho tôi, và yêu cầu những người khác cũng làm như vậy.
 
Cảm ơn anh chị em.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
 
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-phat-bieu-cua-duc-thanh-cha-trong-cuoc-gap-go-cac-linh-muc-tu-si-chung-sinh-va-giao-ly-vien-36606
 
+++++++++++++++++++++
 
 
Phụ lục 3
 

Bài nói chuyện của Đức Phanxicô
với hàng Giám Mục Thái Lan và Á Châu

 
Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij vì những lời giới thiệu và chào mừng tốt đẹp của ngài. Tôi rất vui khi được ở bên các hiền huynh và chia sẻ, dù ngắn gọn, những niềm vui và hy vọng của các hiền huynh, những dự án và ước mơ của các hiền huynh, nhưng cũng là những thách thức mà các hiền huynh phải đối mặt với tư cách là mục tử của dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa. Cảm ơn các hiền huynh vì cuộc nghinh đón huynh đệ của các hiền huynh.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay diễn ra tại Đền thờ Chân phúc Nicholas Bunkerd Kitbamrung, người đã hiến cả cuộc đời của ngài để truyền giảng tin mừng và dạy giáo lý, đào tạo các môn đệ của Chúa, chủ yếu ở đây tại Thái Lan và cũng là một phần của Việt Nam và dọc biên giới với Lào, và đã đội triều thiên cho việc làm chứng cho Chúa Kitô của mình bằng phúc tử đạo. Chúng ta hãy đặt cuộc gặp gỡ của chúng ta dưới ánh mắt quan tâm của ngài, để tấm gương của ngài truyền cảm hứng cho chúng ta với lòng nhiệt thành tuyệt vời cho công việc truyền giảng tin mừng trong mọi Giáo hội địa phương của Châu Á, để chúng ta ngày càng trở thành các môn đệ truyền giáo của Chúa, giúp Tin mừng của Người lan rộng như dầu thơm tỏa khắp lục địa vĩ đại và xinh đẹp này.

Tôi nhận ra rằng các hiền huynh đang lên kế hoạch cho Đại hội đồng Liên đoàn các Giám mục Châu Á năm 2020, một đại hội sẽ đánh dấu lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. Đây là một dịp thích hợp để viếng thăm lại “những ngôi đền” đó, nơi những gốc rễ truyền giáo, vốn để lại dấu ấn của chúng trên những vùng đất này, đã được bảo tồn, một dịp để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn theo các bước chân của tình yêu ban đầu của chúng ta, và là một dịp để chào đón một cách can đảm, một cách dũng cảm, một tương lai mà chính các hiền huynh phải giúp khai triển và tạo ra. Nhờ cách này, cả Giáo hội lẫn xã hội ở Châu Á sẽ được hưởng lợi ích từ việc nối vòng tay lớn truyền giáo đổi mới và chia sẻ. Trong tình yêu với Chúa Kitô và khả năng đem người khác đến chung chia cùng một tình yêu đó.

Các hiền huynh đang sống giữa một lục địa đa văn hóa và đa tôn giáo, với vẻ đẹp và sự phong phú tuyệt vời, nhưng đồng thời cũng gặp khó khăn bởi nghèo đói và bóc lột ở nhiều bình diện khác nhau. Những tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng có thể mở ra những khả thể to lớn giúp cuộc sống dễ dàng hơn nhưng có thể dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa tiêu thụ và duy vật chất, nhất là nơi giới trẻ. Các hiền huynh đã tự mang vào mình các mối quan tâm của dân tộc: tai họa của ma túy và buôn bán người, chăm sóc số lượng lớn các di dân và người tị nạn, điều kiện làm việc tồi tệ và sự bóc lột nơi nhiều người lao động, cũng như sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội giữa người giàu và người nghèo.

Giữa những căng thẳng này là người mục tử biết tranh đấu và làm môi giới với nhân dân và cho nhân dân mình. Ký ức về các nhà truyền giáo đầu tiên từng đi trước chúng ta một cách can đảm, hân hoan và sức chịu đựng phi thường có thể giúp chúng ta nắm vững tình hình và nhiệm vụ hiện tại của chúng ta từ một quan điểm có tính biến đổi rộng lớn hơn nhiều. Đầu tiên, ký ức đó giải phóng chúng ta khỏi niềm tin cho rằng thời đã qua luôn thuận lợi hoặc tốt hơn cho việc loan báo Tin Mừng. Nó cũng giúp chúng ta tránh việc núp phía sau những cuộc thảo luận vô bổ và những cách suy nghĩ cuối cùng khiến chúng ta tự quay vào chính mình, làm tê liệt bất cứ loại hành động nào. “Chúng ta hãy học hỏi từ các vị thánh đã đi trước chúng ta, những vị đã đương đầu với các khó khăn trong thời của các ngài” (Evangelii Gaudium, 263). Chúng ta hãy gạt sang một bên tất cả những thứ gì “bám chặt” vào chúng ta trên đường đi và làm chúng ta khó tiến về phía trước. Chúng ta biết rằng một số cơ cấu và não trạng giáo hội có thể cản trở các nỗ lực truyền giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, ngay cả các cơ cấu tốt lành cũng chỉ hữu ích khi có một cuộc sống liên tục thúc đẩy, duy trì và đánh giá cao chúng. Cuối cùng, nếu không có cuộc sống mới và tinh thần Tin Mừng, không có lòng “trung thành của Giáo hội với ơn gọi riêng của mình, bất cứ cơ cấu mới nào cũng sẽ sớm chứng tỏ là không hữu hiệu (x. Ibid., 26) và làm ta sao lãng thừa tác vụ quan trọng là cầu nguyện và cầu bầu của chúng ta. Đôi khi điều này có thể giúp chúng ta một quan điểm khi xử lý các phương pháp năng nổ mặc dù không khôn ngoan bề ngoài có vẻ thành công đấy, nhưng cung cấp rất ít về cách sống.

Khi chúng ta suy ngẫm về sự tiến bộ truyền giáo ở những vùng đất này, một trong những bài học đầu tiên chúng ta học được là tin vào việc biết rằng chính Chúa Thánh Thần đi trước chúng ta và tập hợp chúng ta lại với nhau. Chúa Thánh Thần là người đầu tiên mời Giáo hội đi đến tất cả những nơi hình thành ra những câu chuyện và mô hình mới, đem lời của Chúa Giêsu vào tận đáy linh hồn các thành phố và nền văn hóa của chúng ta (x. Evangelii Gaudium, 74). Chúng ta đừng quên rằng Chúa Thánh Thần đến trước các nhà truyền giáo và ở lại với họ. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ và thúc đẩy các Tông đồ và vô số nhà truyền giáo không coi thường bất cứ vùng đất, con người, nền văn hóa hay tình huống nào. Họ không tìm những nơi “bảo đảm thành công”; ngược lại, “bảo đảm” của họ hệ ở việc chắc chắn rằng không ai hay nền văn hóa nào là tiên thiên không thể nhận được hạt giống của sự sống, của hạnh phúc và trên hết của tình bạn, mà Chúa muốn gieo nơi họ. Họ không mong đợi một nền văn hóa xa lạ để dễ dàng tiếp nhận Tin Mừng; đúng hơn, họ lao đầu vào những thực tại mới mẻ này, tin chắc vào vẻ đẹp mà họ là người mang theo. Mọi sự sống đều có giá trị trong tầm mắt của Thầy Chí Thánh. Họ đã táo bạo và can đảm vì họ biết rằng đầu tiên, Tin Mừng là một quà phúc để chia sẻ với mọi người: chia sẻ giữa mọi người, các luật sĩ, các tội nhân, người thu thuế, gái mãi dâm. Với và cho mọi tội nhân, lúc đó và bây giờ. Tôi thích nhận xét rằng, ngay cả trước khi sự việc cần được làm hoặc dự án cần được thực hiện, truyền giáo đòi hỏi phải trau dồi ánh mắt và khứu giác. Truyền giáo kêu gọi phải có mối quan tâm của người cha và người mẹ bởi vì con chiên chỉ bị mất khi người chăn để mặc nó bị mất, chứ không trước đó. Ba tháng trước đây, tôi có tiếp một nhà truyền giáo người Pháp tới thăm; vị này đã làm việc bốn mươi năm ở phía bắc Thái Lan, giữa các bộ lạc. Ngài đi cùng một nhóm gồm hai mươi hoặc hai mươi lăm người, tất cả đều là các bà mẹ, và ông bố, những người trẻ, không quá hai mươi lăm tuổi. Chính ngài đã rửa tội cho họ, thế hệ đầu tiên, và bây giờ ngài rửa tội cho con cái của họ. Người ta có thể nghĩ: ông đã hiến cuộc sống của ông cho năm mươi hoặc một trăm người. Nhưng đó là hạt giống, và Thiên Chúa ban cho ngài niềm an ủi được rửa tội cho con cái của những người đầu tiên ngài rửa tội. Nói một cách đơn giản, ngài cảm nghiệm những người bản địa từ phía bắc Thái Lan ấy như một nguồn của cải để truyền giảng Tin Mừng. Ngài không bỏ cuộc đối với những con chiên đó; ngài nhận họ vào trách nhiệm của ngài.

Một trong những khía cạnh tuyệt vời nhất của việc truyền giảng Tin Mừng là chúng ta nhận ra rằng sứ mạng được Giáo hội giao phó cho chúng ta không chỉ hệ ở việc loan báo Tin Mừng mà còn ở việc học cách tin vào Tin Mừng. Có bao nhiêu người - đôi khi chúng ta công bố, trong những giờ phút bị cám dỗ - công bố Tin Mừng, nhưng chúng ta không tin Tin Mừng, không để cho mình được nó nắm giữ và biến đổi. Điều này có nghĩa phải sống và bước đi trong ánh sáng của lời Chúa, lời mà chúng ta có trách nhiệm công bố. Chúng ta nên ghi nhớ lời lẽ của Thánh Phaolô VI: “Giáo Hội là một nhà truyền giảng Tin Mừng, nhưng Giáo Hội bắt đầu bằng việc tự truyền giảng Tin Mừng cho mình. Giáo Hội là cộng đồng của những người tin, cộng đồng của niềm hy vọng được sống và được truyền đạt, cộng đồng của tình yêu anh em, và Giáo Hội cần lắng nghe không ngừng những gì Giáo Hội phải tin, các lý do khiến Giáo Hội hy vọng, điều răn mới phải yêu thương” (Evangelii Nuntiandi, 15). Nhờ cách này, Giáo hội đi vào cuộc hoán cải - công bố đầy năng động đòi hỏi nơi từng môn đệ. Được Chúa thanh tẩy, Giáo Hội trở nên nhân chứng do ơn gọi. Một Giáo hội lên đường, không ngại ra đường phố và giáp mặt với cuộc sống của những người được giao phó cho mình chăm sóc, là một Giáo hội có thể mở lòng ra với Chúa một cách khiêm nhường. Với Chúa, Giáo Hội có thể cảm nghiệm sự kỳ diệu, sự lạ lùng, của cuộc phiêu lưu truyền giáo mà không cần, có ý thức hay vô thức, trước nhất tìm kiếm hoặc chiếm giữ bất cứ vị trí ưu tú nào có thể. Chúng tôi đã có thể học hỏi đến bao nhiêu từ các hiền huynh, những người chỉ là thiểu số ở nhiều quốc gia hoặc khu vực của các hiền huynh, và đôi khi bị làm ngơ hoặc bị cản trở hoặc bị bách hại, nhưng vẫn không để mình bị cuốn hút hoặc sa đọa bởi mặc cảm tự ti hoặc phàn nàn rằng các hiền huynh không được nhìn nhận thích đáng! Hãy tiến lên phía trước: hãy công bố, gieo hạt, cầu nguyện và chờ đợi. Và các hiền huynh sẽ không đánh mất niềm vui của các hiền huynh!

Các hiền huynh thân mến, “trong hợp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm những gì Người tìm kiếm và chúng ta yêu những gì Người yêu thương” (Evangelii Gaudium, 267). Chúng ta đừng ngại biến các ưu tiên của Người thành ưu tiên của chúng ta. Các hiền huynh nhận thức rõ rằng Giáo Hội của các hiền huynh là một Giáo hội nhỏ bé về số lượng và tài nguyên, nhưng đầy nhiệt huyết và háo hức muốn trở thành khí cụ sống động cho mối quan tâm yêu thương của Chúa đối với tất cả người dân trong thị trấn và thành phố của các hiền huynh (x. Lumen Gentium, 1). Cam kết của các hiền huynh để thúc đẩy tính sinh hoa trái của Tin Mừng bằng cách công bố sơ truyền (kerygma) bằng việc làm và lời nói trong các lĩnh vực khác nhau nơi các Kitô hữu có mặt là một hình thức làm chứng nổi bật.

Một Giáo hội truyền giáo biết rằng thông điệp tốt nhất của nó là sự sẵn sàng để được biến đổi bởi lời ban sự sống, làm cho việc phục vụ trở thành dấu ấn của nó. Chúng ta không phải là những người điều khiển việc truyền giáo, và càng không phải là những người làm chủ các kế hoạch và chiến lược của chúng ta. Chúa Thánh Thần là nhân vật chủ đạo thực sự; Người thúc đẩy chúng ta, như những tội nhân đã được tha thứ; Người liên tục sai chúng ta ra đi để chia sẻ kho báu đựng trong các bình bằng đất (xem 2 Cr 4: 7). Chúng ta đã được Chúa Thánh Thần biến đổi để biến đổi bất cứ nơi nào chúng ta được đặt vào. Phúc tử đạo của cam kết hàng ngày và thường im lặng sẽ mang lại những hoa trái mà dân tộc các hiền huynh đang cần.

Điều này thúc đẩy chúng ta khai triển một nền linh đạo chuyên biệt. Mục tử là người, trước nhất, yêu thương dân mình cách sâu sắc và biết những phong cách riêng, điểm yếu và điểm mạnh của họ. Truyền giáo vừa là một niềm đam mê đối với Chúa Giêsu Kitô vừa là một niềm đam mê đối với dân tộc của mình. Khi chúng ta đứng trước Chúa Giêsu bị đóng đinh, chúng ta thấy chiều sâu của tình yêu của Người, một tình yêu nâng cao và nâng đỡ chúng ta, nhưng đồng thời, trừ khi chúng ta mù, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng ánh mắt của Chúa Giêsu, bừng cháy yêu thương, mở rộng để ôm lấy toàn thể Dân Người (x. Evangelii Gaudium, 268).

Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta cũng là một phần của dân này; chúng ta không phải là chủ nhân ông, chúng ta là một phần của dân; chúng ta được chọn làm người đầy tớ, không phải là chủ nhân ông hay quản trị viên. Điều này có nghĩa chúng ta phải đồng hành với những người chúng ta phục vụ một cách kiên nhẫn và nhân từ, lắng nghe họ, tôn trọng phẩm giá của họ, luôn cổ vũ và qúy giá các sáng kiến tông đồ của họ. Chúng ta đừng quên sự kiện này nhiều vùng đất của các hiền huynh đã được truyền giảng tin mừng bởi các tín hữu giáo dân.

Chúng ta đừng giáo sĩ hóa việc truyền giáo của chúng ta, xin vui lòng đừng, và càng không nên giáo sĩ hóa hàng ngũ giáo dân. Những giáo dân này đã có thể nói được thổ ngữ của dân tộc họ, một việc thực thi đơn giản và trực tiếp việc hội nhập văn hóa, không phải là lý thuyết hay ý thức hệ, mà là kết quả của lòng nhiệt thành muốn chia sẻ Chúa Kitô của họ. Dân thánh và trung thành của Thiên Chúa sở hữu việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, điều mà chúng ta được mời gọi phải nhìn nhận, quý trọng và mở rộng. Chúng ta đừng bao giờ đánh mất ân sủng biết nhìn thấy Chúa đang làm việc giữa dân của Người, như Người đã làm trong quá khứ, cũng như Người đang làm bây giờ và còn tiếp tục làm như thế mãi. Một hình ảnh xuất hiện trong đầu không có trong chương trình của chúng ta, nhưng...: cậu bé Samuel thức dậy vào ban đêm. Chúa kính trọng vị linh mục cao tuổi, có tính nết hơi yếu đuối, Người để cụ tiếp tục nhiệm vụ, nhưng Người không nói chuyện với cụ. Người nói chuyện với một cậu bé, một người trong dân.

Một cách đặc biệt, tôi khuyến khích chư huynh luôn mở rộng cửa cho các linh mục của chư huynh. Cánh cửa và trái tim. Xin cho chúng ta luôn nhớ rằng người hàng xóm gần nhất của giám mục là linh mục. Hãy gần gũi với các linh mục của chư huynh, lắng nghe họ và tìm cách đồng hành với họ trong mọi tình huống, nhất là khi chư huynh thấy họ nản lòng hoặc tờ ơ, vốn là điều tồi tệ nhất trong những cám dỗ của ma quỷ. Sự thờ ơ, tuyệt vọng. Hãy làm như vậy không phải với tư cách phán quan mà như những người cha, không như những quản trị viên triển khai họ, mà như những người anh em lớn tuổi thực thụ. Hãy tạo bầu không khí tin cậy để đối thoại trung thực, đối thoại cởi mở; hãy tìm kiếm và cầu xin ân sủng để tỏ bầy cùng một lòng kiên nhẫn với họ mà Chúa, người có lòng kiên nhẫn rất lớn, đã tỏ bầy với mỗi chúng ta, và đó là mộtviệc tuyệt vời, rất tuyệt vời.

Các chư huynh thân mến, tôi biết rằng có nhiều vấn đề chư huynh phải đối diện trong cộng đồng của chư huynh, cả hàng ngày lẫn khi chư huynh nhìn về tương lai. Xin cho chúng ta không bao giờ quên sự kiện này trong một tương lai thường không chắc chắn đó, chính Chúa là Đấng sẽ tới mang theo sức mạnh phục sinh để biến mọi vết thương thành một suối nguồn sự sống. Chúng ta hãy nhìn về tương lai với sự tin chắc rằng chúng ta không cô đơn, chúng ta không hành trình một mình; Chúa ở đó, chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta nhận ra Người trên hết trong việc bẻ bánh.

Chúng ta hãy xin sự bầu cử của Chân phước Nicholas và của tất cả các vị thánh truyền giáo, để dân chúng ta có thể được đổi mới với cùng một sự xức dầu đó.

Vì sự hiện diện của nhiều Giám mục từ Châu Á, tôi mượn cơ hội này để mở rộng phước lành và tình âu yếm của tôi đến tất cả các cộng đồng của chư huynh và, một cách đặc biệt, đến người bệnh và tất cả những ai đang gặp khó khăn. Cầu xin Chúa ban phước, chăm sóc và luôn đồng hành cùng anh chị em. Và chư huynh, xin Người nắm tay chư huynh; và xin chư huynh để cho mình được Chúa nắm tay, và đừng tìm kiếm những bàn tay khác.

Và xin vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi và yêu cầu các cộng đồng của chư huynh cũng làm như vậy, vì mọi điều tôi nói với chư huynh, tôi cũng cần nói với chính mình.

Cảm ơn chư huynh nhiều.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
 
http://vietcatholic.org/News/Home/Archive?date=2019-11-22
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây