GIÁO XỨ VINH ĐỨC
Năm thành lập: 1956 Bổn mạng Giáo xứ: Đức Mẹ Vô Nhiễm Phần I. Đặc Điểm Đặc Trưng Của Giáo xứ: 1. Tên Xứ, Giáo Hạt: Giáo xứ Vinh Đức, Giáo hạt Buôn Hô - Bổn mạng, Ngày kính: Mẹ Maria Vô Nhiễm, Mừng kính 08/12 - Địa chỉ: 1495 Hùng Vương, Phường Thống Nhất, TX. Buôn Hồ, Tỉnh Đắk Lắk 2. Ngày thành lập Giáo xứ: 06/06/1956 - Nhà thờ gỗ đầu tiên 1956 - Chất liệu: Tôn, Gỗ, gồm 10 gian 3. Linh mục Thành Lập: Phêrô Nguyễn Văn Hóa 4. Linh mục Tiên Khởi: Phêrô Nguyễn Văn Hóa 5. Giáo xứ hiện nay: - Số giáo dân kinh: 10782 - Số giáo dân các sắc tộc: Ê Đê, Banar, Sedang, Tày, Nùng: 1012 - Linh mục Quản xứ đương nhiệm: Phêrô Nguyễn Văn Thái - Số người đi tu: + Linh mục: 38 - Đại chủng sinh: 6 + Tu sĩ nam: 27 - + Tu sĩ nữ: 147 6. Tên Giáo họ biệt lập: Vinh Phúc, Tổng số giáo dân: 758 Phần II: I. Lược sử hình thành và phát triển Giáo xứ: Sau hiệp định Geneve, dân chúng được tự do chọn nơi cư trú, hàng triệu người di dời, tìm về phương nam lập nghiệp. Trong đó có một số người định cử ở trại Tân Bình, trại Dài (Nha Trang) Mường mán (Phan Thiết),… đã đến vùng đất đỏ Cao Nguyên lập nghiệp, ở trại định cư Hà Lan A, lập nên Giáo xứ Vinh Đức. Theo suy luận có cơ sở: Từ ‘Vinh’ là biểu thị giáo dân gốc Địa phận Vinh - Từ ‘Đức’ là tên của Đức Cha Trần Hữu Đức (Giám mục Giáo phận Vinh). Trước 1975, Giáo xứ Vinh Đức thuộc xã Hà Lan, Quận Buôn Hô, Tỉnh Darlac. Nay thuộc Phường Thống Nhất, Thị Xã Buôn Hồ, Tỉnh Đắk Lắk. Sinh hoạt tôn giáo thuộc Hạt Buôn Hô – Giáo phận Ban Mê Thuột. Xét thấy nhu cầu tôn giáo của trại định cư Hà Lan A, cuối tháng 6/1956 trại định cư Hà Lan A được thành lập Giáo xứ. Tiếp nối truyền thống sùng kính Đức Maria của Giáo phận Mẹ, Giáo xứ chọn lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội mừng vào ngày 8/12 hằng năm làm bổn mạng, Giáo xứ đã khởi công xây dựng Nhà thờ bằng gỗ đầu tiên vào cuối tháng 6/1956 và hoàn thành vào cuối năm 1956, Nhà thờ dài 30m, rộng 12m, gồm 10 gian. Tính đến tháng 12/1956: Giáo xứ có 400 gia đình, với số nhân danh tương đương 1800 nhân danh. Số giáo dân này đều là Giáo dân của hai Tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh Giáo phận Vinh. Sau khi đến trại định cư Hà Lan A vào cuối tháng 3/1956, Cha Lễ từ Sài Gòn giúp công tác mục vụ khoảng 10 ngày, sau đó Cha Trương Văn Hiếu về giúp khoảng trên dưới 1 tháng, hiện Ngài đang nghỉ hưu ở Giáo phận Phan Thiết. Cuối tháng 6, Cha Phêrô Maria Nguyễn Văn Hóa nhận bài sai của Đức Cha Kon Tum Paul Seitz về làm Cha Quản xứ tiên khởi (1956 – 1960). Vạn sự khởi đầu nan, bao gian nan vất vả của vị khai hoang, lập ấp, Cha tân Quản xứ đã bao quát mọi vấn đề từ sức khỏe, ăn uống, đất ở, kinh tế, tôn giáo… của những người lạ cái, lạ nước mới đến. Ở đây xin đơn cử một số công việc đáng nhớ: - Ngài chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân sự cho niên học 1956-1957 - Ồn định đời sống dân cư, phân lô đất thổ cư, lương thực… - Kiện toàn các đoàn thể trong Giáo xứ - Chọn khu trung tâm Giáo xứ, vì khi mới đến trại định cư có Nhà thờ tạm và trường ở khu Giáo họ Cầu rầm. Ngài quyết định di dời ra ở mặt tiền quốc lộ 14, khu trung tâm nằm ở giữa Giáo họ Tam Đa và Xã Đoài, diện tích trên 1ha. Đây là khuôn viên thánh đường Giáo xứ hiện nay. - Thành lập và xây dựng Nhà thờ mới bằng gỗ, Nhà thờ gồm có 3 gian 6 phòng - Xây dựng trường tiểu học Ngô Đình Khả, nhà nội trú học sinh. Sau đó cho xây trường lầu 1 có 3 gian 6 phòng đưa vào sử dụng năm học 1958-1959: tiếp liền cho xây dựng công trình trường lầu 2 gồm 5 gian 10 phòng. Tất cả kinh phí đều do Cha tự xoay sở. Công trình tầng lầu 2 gần hoàn tất, Cha nhận bài sai nhận nhiệm sở mới (1960) sau đó Cha Giuse Phan Đình Cư về tạm quyền coi sóc Giáo xứ (1960 – 1961), Ngài chỉ tiếp tục công việc cũ của Cha Hóa. Tháng 8/1961 Ngài về Đức Minh hưu dưỡng. Cha Phan Đình Cư ra đi, Giáo xứ đón nhận Cha Antôn Phạm Quang Tạo (1961-1967) về làm Quản xứ. Thời kỳ này có các Cha phó và thầy giảng như sau: 1961-1963 Cha Gioachim Nguyễn Đức Oánh 1963-1966 Cha Antôn Vũ Thanh Lịch 1966-1967 Cha Antôn Trương Trọng Tài 1961-1963 Thầy Đominico Phạm Bá Tòng 1963-1964 Thầy Anrê Lê Trần Bảo 1964-1967 Thầy Giuse Phạm Văn Kính Giữa năm 1962 Ngài cho xây dựng Đài Đức Mẹ Lộ Đức Năm 1963 xây đồi Can-vê làm tháp chuông tạm Cuối năm 1963 Ngài cho lên kế hoạch, bản vẽ và dự trù kinh phí xây dựng Nhà thờ mới, cuối năm 1966-1967 Ngài cho tháo gỡ 2 cánh Thánh giá gỗ để bắt đầu đào móng xây Nhà thờ mới, cũng xin mở ngoặc giai đoạn 1963-1967 Giáo xứ đã có trường trung, tiểu học Vinh Đức do sự năng nổ của Cha Vũ Thanh Lịch. Công việc xây Nhà thờ vừa bắt đầu, Ngài có lệnh thay đổi nhiệm sở. Ngày 26/04/1967. Cha Phêrô Trấn Anh Kim về nhận Quản xứ Vinh Đức (1967-1974). Thời kỳ này có các Cha phó: - Cha Antôn Trương Trọng Tài tiếp tục ở lại làm cha Phó - Cha Đa Minh Vũ Đức Hậu (1967-1968) - Cha Giuse Bùi Trung Phong (1969) - Cha Giuse Trần Mạnh Cường (1969-1972) - Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Kim Long (1972-1975) Thầy giảng gồm có: Thầy Nguyễn Công Ninh (1967-1968), Thầy Nguyễn Đức Phú (1968 1969). Giai đoạn này Cha phó Bùi Trung Phong cho thành lập liên đoàn Hùng-Tâm-Dũng-Chí thay Đoàn Thiếu Nhi. Cha tân Quản xứ với cái nhìn tinh tế và thực tiễn, Ngài cho thay đổi bản vẽ, cấu trúc Nhà thờ mới: Tất cả chuẩn bị và xây dựng Nhà thờ mới (Ngôi Thánh đường hiện nay). Nhà thờ mới khởi công vào tháng 10 năm 1968 và hoàn tất vào cuối tháng 11/1970. Ngôi thánh đường có hình Thánh Giá nằm. Mặt bằng tổng thể dài 56m rộng 28m. Thân và hành lang dài 49m rộng 22m. Mặt phẳng sử dụng lòng dài 52m, rộng 16m hai cánh mỗi cánh dài 12m rộng 8m, đỉnh nóc Nhà thờ cao 15m, đỉnh cao mặt tiền 20m Tháng 04/ 1972, Ngài cho xây tháp chuông mới theo mô hình tam giác đều, mỗi cạnh 4m, cao 28m, thánh giá cao 2m ,với 3 quả chuông khi rung 3 quả thì nghe hợp âm đô trưởng rất thánh thót. Đầu năm 1974,Ngài cho xây Nhà xứ mới, gồm 5 phòng như hiện nay. Công việc gần hoàn thành, giữa 06/1974 Ngài rời Vinh Đức đến Giáo xứ Vinh An làm cha Quản xứ, Cũng trong năm này Giáo họ Vinh Phước, Giáo xứ Vinh Đức được nâng nên Giáo xứ (tức Giáo xứ Vinh Phước ngày nay). Ngày 13/06/1974, Cha Antôn Trương Trọng Tài về làm Cha Quản xứ (1974-1976), giai đoạn này Cha Long vẫn tiếp tục làm cha Phó thêm 1 năm và có 2 Thầy giảng Sơn và Minh tu hội Lâm Bích giúp Xứ. Vừa về xứ, Cha tiếp tục hoàn thành Nhà xứ mới mà Cha Kim Quản xứ đã thực hiện dở dang. Một tháng sau Nhà xứ mới hoàn thành. Ngày 18/06/1974, Ngài cho họp đại hội và quyết định mở trường cấp III (THPT) năm 1974-1975 đã có lớp 10 đầu tiên, ở một vùng nông thôn. Ngày 04/01/1976, Ngài cho lập nghĩa trang mới (nghĩa trang hiện tại) ngày 05/02/1976 ngài đi học tập cải tạo… Tám tháng Giáo xứ vắng bóng Linh Mục, Tháng 10/1976, Cha Micae Trần Kim Chinh về tạm quyền coi sóc Giáo xứ, đầu tháng 2/1977 ngài rời Giáo xứ. Đầu tháng 3/1977, Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ về nhận Giáo xứ (1977-1980) đây là một vị Linh mục tính tình bộc trực, thẳng thắn nhưng một lòng yêu thương giáo dân chân thành, Ngài chủ trương không xây cất. Về tiền bạc chỉ lo đủ chi phí phụng tự, không thu tiền hoặc đóng góp. Chính Ngài ra quyết định về độ tuổi kết hôn, nam tròn 20 tuổi, nữ tròn 18 tuổi. Do nhu cầu lần đầu tiên ngài xin phép cho Giáo xứ có những thừa tác viên ngoại lệ, đồng thời cho lập Ban Phụng Vụ. Ngày 27/04/1980 cha rời Giáo xứ, đi nhiệm sở mới. Đầu tháng 5/1980, cha Giuse Đặng Sĩ Bình về làm Cha Quản xứ Vinh Đức (1980-1988). Đây là giai đoạn cởi mở, Ngài luôn động viên giáo dân phát triển kinh tế bằng cây cà phê và hồ tiêu. Các lễ Noel mang tính lễ hội. Có lẽ nhiều người khó quên hình ảnh vị mục tử đặc biệt quan tâm đến kẻ liệt, người già và kẻ quá cố. Đầu năm 1983, Ngài kêu gọi quy tập các phần mộ rải rác ở nghĩa trang cũ về nghĩa trang mới, quy hoạch phần mộ và quy cách thống nhất như bây giờ. Cũng trong thời gian Ngài làm Quản xứ, Giáo xứ đã tổ chức năm Thánh Mẫu tốt đẹp trên nhiều mặt, đặc biệt là hòa giải. Chính nhờ Cha Quản xứ, Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang có mặt tại Giáo xứ Vinh Đức từ năm 1980 cho đến nay. Tháng 1/1988, Cha rời Giáo xứ về làm Quản xứ Thánh Linh. Sau đó cha Đaminh Hà Duy Khâm về làm Quản xứ Vinh Đức đầu tháng 2/1988-1991. Thời gian này, sinh hoạt các đoàn thể sôi nổi, linh hoạt. Một số đoàn do hoàn cảnh phải tạm vắng bóng, nay được Cha khôi phục và hoạt động có hiệu quả. Chính Ngài đã đưa huynh đoàn Giáo Dân Đa Minh lần đầu tiên có mặt và sinh hoạt ở Giáo xứ. Ngày 14/3/1991, Cha Antôn Vũ Thanh Lịch về nhận Quản xứ Vinh Đức (1991-1997) đây là giai đoạn đất nước đổi mới có nhiều hướng thuận lợi. Ngài cùng HĐGX đã xây dựng nhiều công trình ích lợi như: Làm móng phụ xung quanh Nhà thờ, nâng cấp nhà sinh hoạt cũ, lợp lại mái Nhà xứ, quy tập phần mộ ở nghĩa trang cũ về nghĩa trang mới, làm sân khấu lộ thiên, xây dựng hội trường mới, làm đường nhựa từ quốc lộ 14 vào nghĩa trang, xây đài Đức Mẹ mới, nâng cấp cung Thánh Nhà thờ, nhà vĩnh biệt… Ngày 22/8/1996, Đức Giám mục Giáo phận về dâng lễ Tạ ơn làm phép tượng đài và bàn thờ. Thời kỳ này, hội đoàn, ca đoàn hoạt động rộng mở được củng cố và có nhiều sáng tạo. Tháng 5/1997 Cha Phaolô Lê Thanh Thiên về Giáo xứ Vinh Đức làm Quản xứ thay cho Cha Antôn Vũ Thanh Lịch. Làm Quản xứ được một thời gian ngắn thì thầy phó tế Phêrô Lưu Thọ về giúp xứ. Tháng 3/1998, Thầy lãnh thừa tác vụ Linh mục và làm Phó xứ. Giai đoạn này, Cha và HĐGX đã nề xung quanh sân Nhà thờ (1100m2), tiếp tục cải tạo nghĩa trang, di dời phần mộ thiếu nhi trước nhà vĩnh biệt ra phía sau, xây dựng đài Micae, xây 5 phòng học giáo lý, mua sắm 1 bộ kèn đồng. Năm 2000, Nhà thờ Vinh Đức được chọn làm điểm hành hương Năm Thánh. Từ tháng 2/2001, Cha về Tòa Giám mục dưỡng bệnh. Cha Phêrô Lưu Thọ quản nhiệm cho đến 26/02/2007. Giai đoạn này Cha và HĐGX đã thực hiện một số công trình: Xây dựng sân chơi, hoa viên, tổ chức Ban giáo lý chính thức. Cũng trong giai đoạn 2005-2006, Giáo xứ chuẩn bị Đón mừng Kim Khánh. Tất cả đã chuẩn bị kỹ lưỡng bên trong và bên ngoài. Về cơ sở vật chất, đã xây thêm một dãy Nhà xứ mới cấp 3, rải đá và lắp đặt hệ thống chiếu sáng ở nghĩa trang, sơn sửa lại toàn bộ công trình Nhà thờ, thay tôn, toàn bộ cơ sở vật chất trong khuôn viên Nhà thờ đều được sơn lại, đánh bóng PU bàn quì, ráp nệm, làm lại phòng truyền thống nay là phòng triển lãm, xây hệ thống WC công cộng, thay dàn âm thanh tầng đờn, văn nghệ, biên tập Kỷ Yếu Giáo xứ… Ngày 6/6/2006, Giáo xứ tổ chức Kim Khánh trong tâm tình “Vui mừng và Hy Vọng”. Ngày 28/2/2007, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Quế rời Giáo xứ Thọ Thành về nhận Quản xứ Vinh Đức. Từ lúc Cha Quản xứ về cho đến nay. Ngài đã ổn định thay đổi, xây dựng Giáo xứ rất nhiều. Không chỉ xây dựng kiến thiết cơ sở vật chất, mà còn chính là tạo ra chiều sâu đạo đức của giáo dân Vinh Đức. Mỗi ngày 2 thánh lễ, có đông giáo dân dự lễ và rước lễ, sinh hoạt phụng vụ được thực hiện theo đúng hướng của Công đồng Vatican II. Mang tính cộng đồng và rất tích cực. Các công trình xây dựng tiêu biểu có thể nêu ra: - Xây dựng nhà máy nước sạch, phục vụ giáo dân - Xây hội trường thánh gia, sửa lại cung thánh, lát lại nền Nhà thờ, chỉnh trang lại đài Đức Mẹ. - Xây mới tượng đài Thánh Giuse, xây cổng và nhà vĩnh biệt mới tại nghĩa trang – làm lại mới bờ rào và cổng khuôn viên thánh đường. - Xây tượng đài các thánh tử đạo Việt Nam, Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh - Xây thêm 1 lầu ở khu vực Nhà xứ mới và nay đang tiến hành xây dựng nhà giáo lý đa năng. Không chỉ thế, có lẽ điều ghi dấu ấn nhất là sau nhiều cố gắng nỗ lực, nay Cha Quản xứ đã thành lập đuợc Giáo họ Vinh Ân tức là (Buôn Dlung cũ) trực thuộc Giáo xứ Vinh Đức có trên 1000 Giáo dân Ê Đê, số giáo dân này sinh hoạt tôn giáo tương đối đều và tốt. Tiến về phía đông của Giáo xứ khoảng 9km là Giáo họ biệt lập Vinh Phúc, thuộc địa bàn xã Ea Siên – Thị xã Buôn Hồ. Đa phần giáo dân kinh tế chưa ổn định một phần vì có nhiều đồng bào Ê Đê, SeĐăng, Banar. Tuy nhiên Cha Quản xứ đã nỗ lực quyên góp giúp đỡ từ nhiều nguồn, để đến hôm nay ngôi Thánh Đường mới chuẩn bị hoàn thành. II. Vài nét tiêu biểu của Giáo xứ Vinh Đức - Nôi của ơn gọi Linh mục và Tu Sĩ: Có thể nói Giáo xứ Vinh Đức là vườn ươm trồng ơn gọi, đây là truyền thống tốt đẹp được nối dài từ ngày thành lập ấp, khai hoang. Chỉ trong khoảng thời gian đất nước chưa “Mở cửa” ơn gọi đi tu có phần hạn chế, tiếc nhất là nhiều người vì hoàn cảnh đã đứt gánh dọc đường. Đến thời đất nước mở cửa ơn gọi đi tu ngày càng nhiều và phong phú. Bởi số lượng không chỉ tu triều mà còn rất nhiều dòng, hội dòng Nam – Nữ. Từ nơi đất mẹ Vinh Đức đã có rất nhiều người con là Linh mục, Tu sĩ, hơn thế nữa còn cống hiến cho giáo hội Canada một Giám mục Chánh tòa Kamloops… Chúa lên tiếng kêu mời, và nhiều người con Vinh Đức đã lên tiếng đáp trả cách tự nguyện và đầy tin yêu. - Vinh Đức một mô hình truyền giáo có hiệu quả: Năm 1985 giáo điểm Buôn Dlung – Nay là Giáo họ Vinh Ân thuộc Giáo xứ Vinh Đức lúc đó chỉ có 3 giáo dân được rửa tội do Cha Nguyễn Thanh Thiện. Năm 1990 – 1991 Giáo xứ lập Ban truyền giáo vỏn vẹn chỉ do các anh em trong LĐTN tự nguyện. Đến năm 2006 có 508 giáo dân, đến nay 2016 có 1012 giáo dân sắc tộc Ê Đê được sự hướng dẫn quan tâm mục vụ của Cha xứ, nay đã Giáo họ Vinh ân đã có đất hợp pháp để tiến hành thủ tục xin xây nhà nguyện. Không chỉ thế giáo điểm Ea Siên nay là Giáo họ biệt lập Vinh Phúc nơi đa số giáo dân là đồng bào Ê Đê, SêĐăng, Bana, anh em di dân từ bắc vào lập nghiệp, đang hoàn thành Ngôi Nhà thờ mới thay cho nhà nguyện tạm thời, hàng tuần có Linh mục từ Giáo xứ Vinh Đức vào mục vụ bí tích… Số giáo dân đang tăng nhanh, công khó của Cha Quản xứ đương nhiệm, sự nhiệt tình hy sinh của giáo dân, đặc biệt là anh em trong Ban truyền giáo đang làm cho “Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”. III. Một Số Hình Ảnh Về Giáo xứ Vinh Đức |