TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

 Sự phong phú của Bí tích Thánh Thể

Thứ năm - 16/06/2022 21:17 |   1012
Bí tích Thánh Thể là gì? Điều gì xảy ra khi chúng ta quy tụ để mừng kính nghi thức mà Chúa Giêsu đã truyền ở bữa Tiệc ly và xin chúng ta tiếp tục làm cho đến khi Ngài trở lại?
 Sự phong phú của Bí tích Thánh Thể

 

 
 
 Sự phong phú của Bí tích Thánh Thể

 Sự phong phú của Bí tích Thánh Thể

Ronald Rolheiser,  

Bí tích Thánh Thể là gì? Điều gì xảy ra khi chúng ta quy tụ để mừng kính nghi thức mà Chúa Giêsu đã truyền ở bữa Tiệc ly và xin chúng ta tiếp tục làm cho đến khi Ngài trở lại? Bí tích Thánh Thể là bữa ăn gia đình hay tái hiện lại cái chết hiến mình của Chúa Giêsu? Bí tích Thánh Thể phải theo nghi thức La Tinh cũ hay theo nghi thức chúng ta thấy trong hầu hết nhà thờ hiện nay?

Không có câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi này, bởi vì không có thần học tổng thể nào về Bí tích Thánh Thể, kể cả trong Tân Ước. Đúng hơn là có nhiều thần học về Bí tích Thánh Thể bổ túc cho nhau, nhưng mỗi cái lại nêu bật một khía cạnh khác nhau của một hiện thực quá đỗi phong phú để có thể gói gọn trong một khái niệm duy nhất. Bí tích Thánh Thể là gì?

Về căn bản, Bí tích Thánh Thể là một hiện thực với nhiều chiều kích đan xen vào nhau.

  1. Bí tích thánh thể là vòng ôm thể lý của Thiên Chúa với chúng ta. Như Andre Dubus đã nói, không có Phép Thánh Thể thì Thiên Chúa trở thành vai độc thoại. Bí tích Thánh Thể là lúc Thiên Chúa chạm đến chúng ta một cách thể lý. Đó là lúc Thiên Chúa vẫn mang lấy xác thịt hữu hình.
  2. Bí tích Thánh Thể là bữa ăn chúng ta chia sẻ với nhau. Bữa Tiệc ly mang nhiều ý nghĩa, nhưng cũng là một bữa ăn, thời gian tương tác, tiệc mừng trên bàn ăn. Thế nên, Bí tích Thánh Thể, giữa nhiều ý nghĩa, cũng là chiếc bàn ăn để gia đình quy tụ, nơi chia sẻ niềm vui và bộc bạch nỗi buồn.
  3. Bí tích Thánh Thể là tăng cường sự hiệp nhất của chúng ta với nhau trong Thân thể Chúa Kitô. Là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta cũng cấu thành Thân thể Chúa Kitô. Trong Bí tích Thánh Thể, không chỉ bánh và rượu được thay đổi thành mình và máu Chúa Kitô, mà cả chúng ta cũng thế. Chính vì vậy mà Thánh Âugutinô khi trao Mình Thánh Chúa, ngài thường nói, “Hãy lãnh nhận chính mình”.
  4. Bí tích Thánh Thể là một hy lễ. Là chúng ta làm lễ tưởng niệm (Zikkaron) sự kiện cứu rỗi là cái chết của Chúa Giêsu. Nói ngắn gọn, đó là bữa tối Vượt qua của kitô giáo. Lời nguyện Thánh Thể không chỉ xin Thiên Chúa biến đổi bánh và rượu thành mình và máu Chúa Kitô, mà còn xin Thiên Chúa cho chúng ta được dự phần vào sự kiện cứu rỗi nhờ cái chết của Chúa Kitô ngay trong chính ngày hôm nay.
  5. Bí tích Thánh Thể là manna mới. Như Thiên Chúa đã nuôi dân Ngài trong hoang mạc bằng manna mỗi ngày, thì bây giờ, mỗi ngày, Thiên Chúa nuôi dân Ngài với bánh từ trời này. (Mô thức này đặc biệt được nêu bật trong Phúc âm thánh Gioan).
  6. Bí tích Thánh Thể là một hoạt động canh thức. Chúa Giêsu đã bảo chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể để chờ đợi Ngài trở lại. Chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể như một lễ canh thức. Như Gerhard Lohfink đã nói: “Không thể hiểu về các cộng đồng tông đồ tiên khởi mà không liên quan đến sự kỳ vọng lớn lao này. Đó là các cộng đồng háo hức chờ đợi Chúa Kitô trở lại. Ngoài những lý do khác, họ quy tụ với nhau trong Bí tích Thánh Thể để vun đắp và giữ gìn ý thức rằng họ đang sống trong chờ đợi, chờ Chúa Kitô trở lại”. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ nhau trong một lễ canh thức chờ Chúa Giêsu trở lại.
  7. Bí tích Thánh Thể là hành động rửa chân cho nhau. Phúc âm thánh Gioan không nhắc đến bánh và rượu trong bữa Tiệc ly, thay chỗ cho nghi thức bánh và rượu thành mình máu Chúa vốn được các thánh sử và thánh Phaolô nêu bật, thánh Gioan lại nêu bật chậu rửa và chiếc khăn. Tại sao lại thế? Một trong nhiều lý do, là để dạy rằng hành động khiêm nhường, rửa chân cho nhau, là một trong những ý nghĩa lớn nhất của Bí tích Thánh Thể.
  8. Bí tích Thánh Thể là lời cầu nguyện cho thế giới, tạo nên của ăn của Chúa Kitô nuôi sống thế giới. Đây là lời cầu nguyện xin Thiên Chúa giúp cho toàn thế giới. Cũng gần giống với “Nghi thức Thinh lặng của phái Quaker”, nó đưa sự bất lực của thế giới đến trước Thiên Chúa và xin Ngài cho thế giới bình an và công lý mà thế giới không tự đem lại cho mình được.
  9. Bí tích Thánh Thể là một bí tích hòa giải và tha thứ. Chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể để được tha tội, để là những tội nhân được ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu.
  10. Cuối cùng, Bí tích Thánh Thể là nghi lễ tôn giáo tột cùng, mà qua đó chúng ta gìn giữ mình trong đức tin, cương vị môn đệ và cộng đoàn. Chúng ta quy tụ để cử hành Bí tích Thánh Thể để được sống động. Buổi quy tụ cử hành Bí tích Thánh Thể cũng tương tự như buổi họp của Hội cai nghiện ẩn danh (AA). Chúng ta quy tụ bởi vì không có sự quy tụ nghi thức đều đặn này, thì đức tin, cương vị môn đệ và cộng đoàn của chúng ta sẽ sụp đổ. Nói theo lời Ronald Knox, Bí tích Thánh Thể là một trong những hành động trung tín nhất của chúng ta với Chúa Giêsu. Đúng thật, chúng ta đều không thật sự trung thành với Phúc âm, chúng ta đâu yêu thương kẻ thù và đâu chìa má phải cho người ta đánh, nhưng chúng ta trung thành theo một cách thức quan trọng, là tiếp tục cử hành Bí tích Thánh Thể, và hành động đó sẽ cứu rỗi chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch

 

http://phanxico.vn/2021/08/18/su-phong-phu-cua-bi-tich-thanh-the/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây