TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thứ tư - 29/12/2021 17:41 |   1163
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)

31/12/2021
THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Thánh Sylvestê I, Giáo hoàng

 

t6 BatnhatGS

Ga 1, 1-18

VÌ LOÀI NGƯỜI CHÚNG TA…

Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)

Suy niệm:Người đã ăn, uống, ngủ, thức; Ngài đã cảm thấy chán nản, biết buồn, biết vui. Ngài khóc, cười, đói, khát; Ngài đổ mồ hôi, Người vất vả, cầu nguyện, đến nỗi giữa Ngài với ta không có dị biệt nào, tuyệt nhiên không, ngoại trừ Ngài là Thiên Chúa và Ngài vô tội” (M. Luther). Con Thiên Chúa đã làm người trọn vẹn, Ngài cũng có một khuôn mặt nhân loại, một cái tên, một quê hương, và cuộc sống với tất cả vui buồn sướng khổ của kiếp người. Tuy nhiên, Ngài cũng là Ngôi Hai Thiên Chúa, ở với Thiên Chúa, nên có thể mạc khải cho con người biết về Thiên Chúa. Là Ngôi Hai Thiên Chúa, nơi Ngài tràn đầy sự sống và ân sủng, ánh sáng và sự thật, vinh quang và tình yêu. Tất cả nguồn sung mãn ấy được Ngài tuôn đổ trên tất cả ai tin và đón nhận Ngài.

Mời Bạn: Qua bài Tự ngôn mở đầu, thánh Gioan đưa ta tiếp cận với bản tính cao siêu mầu nhiệm của Chúa Giêsu, dẫn ta giáp mặt với Ngôi Hai vĩnh cửu, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Cũng như thánh nhân, càng có mối tương quan gắn bó, thân thiết và sâu sắc với Chúa Giêsu, bạn càng nhận ra sự phi thường, siêu phàm và cao cả của Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người này.

Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian mỗi ngày Chúa nhật để tìm hiểu về Chúa Giêsu qua sách giáo lý hay sách viết về Ngài, cũng như dành thời gian cầu nguyện với Ngài mỗi ngày.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể làm người, chúng con cảm tạ Chúa đã đưa chúng con đi vào gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin cho chúng con ngày càng thêm hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Ca nhập lễ

Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban cho chúng ta, hài nhi sẽ tiếp nhận quyền bính trên vai và thiên hạ sẽ gọi tên Người là Cố Vấn Kỳ Diệu

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ðức Kitô Con Một Chúa giáng sinh đã khởi sự và hoàn thành việc thờ phượng Chúa. Xin thương kể chúng con làm của riêng Người là Ðấng mang trong bản thân mình ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: 1 Ga 2, 18-21

“Các con được Ðấng Thánh xức dầu, và các con biết mọi sự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Hỡi các con, đây là giờ sau hết. Các con đã nghe biết là sẽ có Phản-Kitô đến, thì nay đã có nhiều Phản-Kitô xuất hiện, do đó chúng ta biết rằng đây là giờ sau hết. Họ ở giữa chúng ta mà ra, nhưng không thuộc về chúng ta, vì nếu họ thuộc về chúng ta, thì họ vẫn còn ở với chúng ta. Như vậy để chứng tỏ rằng không phải tất cả mọi người đều thuộc về chúng ta.

Còn các con, các con được Ðấng Thánh xức dầu, và các con biết mọi sự. Ta viết cho các con, không phải vì các con không biết sự thật, nhưng vì các con biết sự thật, và phàm là dối trá thì không (thể) do sự thật mà có.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2. 11-12. 13

Ðáp: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan (c. 11a).

Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người, ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. 

Xướng: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui, các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. 

Xướng: Trước nhan Thiên Chúa, vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh, và chư dân cách chân thành. 

Alleluia: Dt 1, 2

Alleluia, alleluia! – Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 1-18

“Ngôi Lời đã làm người”.

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”. Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác.

Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo, và ước chi tiệc thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Giáng Sinh

Ca hiệp lễ

Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến trong thế gian, để nhờ Người mà chúng ta được sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong suốt cuộc lữ hành dưới thế, cộng đoàn dân thánh Chúa đây cần được Chúa ban ơn trợ lực dồi dào, xin rộng tay ban phát hôm nay và mãi mãi; để khi được những của cải đời tạm này trợ giúp, chúng con càng tin tưởng tìm kiếm những phúc lộc vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY TẠ ƠN CHÚA VÌ CHÚA NHÂN TỪ (Ga 1, 1-18)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Theo lẽ tự nhiên, cuối năm, người ta thường hay ngồi lại để tính sổ, thanh toán với nhau những điều cần thiết. Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng cần phải ngồi lại để tính sổ với Chúa về những điều mình đã làm được, cũng như những điều mình chưa làm được, để tạ ơn và tạ lỗi; để chúc tụng và phó dâng…

Ngồi lại để suy nghĩ về ơn Chúa. Có lẽ đây là dịp để mỗi người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đã ủ ấp trên cuộc đời chúng ta quá nhiều! Tuy nhiên, tình yêu đó có được chúng ta khám phá và làm lan tỏa ra với người khác hay không? Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ…!

Mặt khác, thái độ tạ ơn phải luôn thường trực trong tâm hồn chúng ta, bởi vì: vui buồn, sướng khổ đều có Chúa đồng hành. Thành công, thất bại không nằm ngoài thánh ý Thiên Chúa. Chúa luôn yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là kẻ phản bội.

Tình yêu đó được ví như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, như người mẹ bao bọc che chở con mình. Cả những lúc ta đau buồn thất vọng, thì tình yêu đó càng quyết liệt, thắm thiết hơn. Lúc đó, Ngài thường vác chúng ta lên vai để chúng ta được an toàn.

Khi nhìn về quá khứ, chúng ta thấy tình yêu của Chúa tràn ngập trên chúng ta. Còn nhìn về viễn cảnh tương lai, chúng ta phó thác cho Chúa tất cả, vì: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”.

Mong sao, mỗi người chúng ta có được niềm tin vào tình thương của Chúa vì Ngài luôn lo lắng cho chúng ta.

Quả thật, người có niềm tin thì luôn cảm thấy: “Có Chúa chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người để tôi vào nghỉ. Bên dòng nước trong lành, dẫn tôi về bổ sức”.

Và:

“Dầu qua trong thung lũng âm u, tôi sợ gì nguy hại, vì có Chúa ở cùng, côn trượng Ngài sẵn đó, tôi vững dạ an tâm”.

Lạy Chúa, một năm đã qua và năm mới đang đến. Chúng con xin tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con cũng xin tạ lỗi với Chúa vì những bất xứng chúng con đã vô tình, tệ bạc mà quên ơn Chúa. Giờ đây, chúng con xin dâng năm sống mới lên Chúa, để xin Chúa tiếp tục yêu thương, gìn giữ và chúc lành cho chúng con. Amen.
 

AI LÀ PHẢN KITÔ (ANTICHRIST)?
 

tbd 291221a

(Ngày 31/12 – 1Ga 2,18-21 – Ga 1,1-18) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Với Kitô hữu và những người ảnh hưởng văn hóa Kitô giáo thì chủ đề “Phản Kitô” xem ra khá lôi cuốn không chỉ vì sự hiếu kỳ, thậm chí là tò mò mà còn vì có liên hệ đến ngày tận thế. Có người cho rằng “tên Phản Kitô” là một nhà độc tài vốn ghét dân tộc Do Thái như Hitler. Có người cho rằng đó là những vị nguyên thủ cường quốc nào đó hay là tác nhân của đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Kẻ Phản Kitô hay Kẻ chống Chúa Cứu Thế là một thuật ngữ lần đầu được Thánh Tông đồ Gioan nói trong thư thứ nhất của ngài: “Hỡi anh em là những người con thơ bé, đây là giờ cuối cùng. Anh em đã nghe biết là tên Phản Kitô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên Phản Kitô đã xuất hiện… Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta” (1Ga 2,18-19). Ngài nói rõ tên Phản Kitô là kẻ dối trá. Nó chối và nói rằng Đức Giêsu không phải là Đấng Kitô và như thế nó chối Chúa Cha và Chúa Con.

“Tên Phản Kitô” không phải là một mà là nhiều người và đã xuất hiện. Vậy đó là những ai mà thư thứ nhất thánh Gioan nói đến? Trước hết cần loại bỏ những người ngoài Kitô giáo vì tác giả nói “chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta”. Điều này thật dễ hiểu vì nếu anh chị em lương dân và bà con ngoài Kitô giáo không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (Kitô) vốn là chuyện bình thường không có gì đáng nói. Anh chị em Do Thái giáo đến nay cũng không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô và họ vẫn đang mong đợi Đấng Thiên Sai đến.

Chúng ta cũng cần loại bỏ các trường hợp “tên Phản Kitô” thuộc diện những người giả danh Kitô hữu hoặc gia nhập Kitô giáo theo cách “gián điệp”, “nằm vùng”. Những người ở ngoài được cài cắm vào trong một tập thể xã hội, chính trị hay tôn giáo nào đó thì không thể được gọi là “xuất thân từ hàng ngũ chúng ta” đúng nghĩa.

Chúng ta có thể phác họa chân dung “tên Phản Kitô” như sau: đó là những người Kitô hữu nhưng vì lý do nào đó đã tự tách biệt mình lên trên hay ra khỏi tập thể đoàn Dân Thiên Chúa. Tác giả Tin Mừng thứ tư trong Lời tựa đã nói: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,9-12). Quả thật có đó nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ tự tôn tự mãn về uy quyền cũng như sự hiểu biết của mình nên đã không đón nhận Chúa Giêsu và từ chối ánh sáng chân lý của Người. Thậm chí một số tự hào về “công lao đạo đức” của mình nên tự tách biệt mình khỏi đám đông dân chúng và vô tình hoặc hữu ý họ đã chối từ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Rất có thể có nhiều “Phản Kitô” trong Kitô giáo xưa lẫn nay. Khi tự tách biệt khỏi đoàn Dân Thiên Chúa bằng nhiều hình thức thì dễ bị cám dỗ cho mình đã nắm đủ đầy chân lý. Và thay vì quy về Chúa Kitô thì họ lại lấy mình làm điểm quy chiếu cho chân lý. Khi được xưng tụng là đại diện cho Chúa Kitô, là đấng thay mặt Chúa thì cũng dễ bị cám dỗ hành xử như mình là Chúa vậy. Khi được xem là “thầy dạy chân lý” thì cũng dễ bị cám dỗ cho rằng lời của mình là không bao giờ sai lầm. Khi được lãnh nhận chức tư tế thừa tác thì lại dễ bị cám dỗ đặt mình lên trên và tách khỏi đoàn chiên vì được xem như là đã “thay đổi bản tính”!

Khiêm nhu, biết lắng nghe nhau để nhận ra tiếng gió của Thần Khí Thiên Chúa, cùng nhau đồng hành về Giêrusalem trên trời là nỗ lực chống lại các hình thái “phản Kitô”. Theo thiển ý, qua Thượng Hội Đồng vừa mở ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội Công giáo cẩn trọng với động thái “Phản Kitô”. Ngài thường xuyên nhắc nhớ chúng ta, cách riêng hàng mục tử hãy hướng cái nhìn về Chúa Kitô thay vì chiêm ngắm chính mình. Phải chăng nhiều hình thức cho rằng mình “biết rồi”, “đủ rồi”, “đẹp rồi”… chính là hình thái “phản Kitô”?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây