ĐỂ CÓ THỂ NÓI VỀ HÀI NHI
Cũng vào lúc ấy, bà [Anna] tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. (Lc 2, 38).
Suy niệm: “Một Hài Nhi sinh hạ cho chúng ta, một trẻ thơ ban tặng cho chúng ta” (Is 9,5). Đấng Cứu Thế được các ngôn sứ loan báo, là món quà tặng quý báu nhất Thiên Chúa ban cho loài người, thế nhưng khi Ngài sinh ra làm người, Ngài lại bị từ chối ngay tại sinh quán của mình. Trái lại, như một hạt cát không được nhận biết giữa sa mạc thế giới, Chúa Hài Nhi lại được nhận biết và được nói đến bởi những người đơn sơ nghèo hèn, trong đó là một goá phụ, một “nữ ngôn sứ”, bà Anna. Bà đã chọn sống một lối sống “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2,37). Phải chăng đó chính là những phẩm chất cần để có thể gặp gỡ, nhận biết, và để có thể “nói về Hài Nhi” cho anh chị em mình?
Mời Bạn: Ta không thể tìm gặp Chúa trong sự ồn ào náo động của những lo toan vật chất hay những đam mê trần tục, mà chỉ trong kinh nguyện hằng ngày, trong cuộc sống bình dị đơn sơ, để trong việc chu toàn những công việc bổn phận tầm thường hằng ngày, như hạt giống lớn dần, như nắm men từ từ làm dậy cả khối bột. Từ đó ta mới có thể nói về Hài Nhi một cách thuyết phục bằng chứng từ của cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Trung thành thực hiện những việc thờ phượng Chúa tại gia đình cũng như với cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, “vì loài người chúng con và để cứu rỗi chúng con, Chúa đã từ trời xuống thế.” Xin cho chúng con sẵn sàng làm mọi việc vì Chúa và để cứu rỗi các linh hồn.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Ca nhập lễ
Lúc vạn vật đắm chìm trong thinh lặng và khi đêm tối đã về khuya, Thì lạy Chúa, từ ngai vàng thiên quốc, Lời toàn năng của Ngài đến trần gian.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, vì công ơn Con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, vừa sinh xuống giữa lòng nhân loại, xin Chúa thương giải thoát chúng con khỏi gông cùm nô lệ tội lỗi. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: 1 Ga 2, 12-17
“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì tồn tại muôn đời”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Hỡi các con, ta viết cho các con, vì tội lỗi các con được tha vì danh Người.
Hỡi các phụ huynh, ta viết cho các con, vì các con đã nhận biết Ðấng vẫn có từ ban đầu.
Hỡi các thiếu niên, ta viết cho các con, vì các con đã chiến thắng quỷ dữ.
Hỡi các trẻ nhỏ, ta viết cho các con, vì các con đã nhận biết Chúa Cha.
Hỡi các thanh niên, ta viết cho các con, vì các con dũng cảm, và lời Thiên Chúa vẫn ở trong các con, và các con đã chiến thắng quỷ dữ.
Các con đừng yêu mến thế gian và những điều thuộc về thế gian. Nếu ai yêu mến thế gian thì lòng mến của Chúa Cha không có trong kẻ ấy. Vì mọi sự ở trong thế gian là đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt, và kiêu căng vì của cải, những điều đó không phải bởi Chúa Cha, nhưng bởi thế gian mà ra. Và thế gian qua đi với đam mê của nó. Còn ai thực hiện thánh ý Thiên Chúa, thì tồn tại muôn đời.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 7-8a. 8b-9. 10
Ðáp: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan!
Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang; hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người.
Xướng: Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa, mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan.
Xướng: Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người dựng vững địa cầu cho nó khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 2, 36-40
“Bà đã nói về Người với tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả chúng con đang hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Giáng Sinh
Ca hiệp lễ
Do sự sung mãn của Người mà hết thảy chúng ta đã nhận được từ ơn này đến ơn khác
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, khi cho chúng con dự tiệc Mình và Máu Ðức Kitô, Chúa đã thân hành đến gặp con cái Chúa. Xin cho bí tích kỳ diệu này sinh hoa kết quả trong lòng chúng con, để hồng ân Chúa vừa ban tặng giúp chúng con sẵn sàng lãnh nhận những hồng ân khác nữa. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
CẦN TRỞ VỀ VỚI NỘI TÂM (Lc 2, 36 – 40)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Chúng ta vừa đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh với những tổ chức sinh hoạt rầm rộ và những trang hoàng hoành tráng bên ngoài làm toát lên vẻ huy hoàng, cao trọng của biến cố có một không hai trong lịch sử cứu độ qua việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người.
Tuy nhiên, những sinh hoạt bên ngoài đó đôi khi làm cho chúng ta quên đi ý nghĩa và giá trị tinh thần của ngày lễ. Hơn nữa, chính Con Thiên Chúa giáng sinh trong cảnh nghèo nàn, nhẹ nhàng, êm đềm chứ không phải rầm rộ bên ngoài… Sự kiện Đức Giêsu giáng sinh thời đó rất âm thầm và Ngài muốn trở thành một người bình thường như mọi người.
Như vậy, muốn có được một mùa Giáng Sinh ý nghĩa và lắng đọng, có lẽ chúng ta phải trở về với cuộc sống nội tâm sâu xa thì mới đi được vào luồng tình yêu của Thiên Chúa, qua đó, sứ điệp giáng sinh mà Con Thiên Chúa mang đến cho nhân loại, trong đó có chúng ta mới thực sự có ý nghĩa trên và trong cuộc đời của mỗi người… Nếu không có yếu tố đó, đại lễ Giáng Sinh chỉ thuần túy là một lễ hội với những sự sầm uất bề ngoài.
Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta biết mẫu gương của một bà quả phụ đã sống điều đó trong cuộc đời của bà. Quả thật, bà là người nghèo của Thiên Chúa, bà chẳng có gì để dâng cho Chúa cả, bà chỉ có tấm lòng và đời sống lương thiện cũng như đạo đức.
Kinh Thánh diễn tả bà hết sức đơn sơ như: bà đã được 84 tuổi, goá bụa nghèo khó, trung thành với những bổn phận đạo đức, sống nơi đền thờ, phụng sự Thiên Chúa ngày đêm trong kinh nguyện và trong chay tịnh.
Qua cuộc đời của bà, chúng ta thấy toát lên một điều, đó là: bà đã lấy Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình, cho nên, mọi sinh hoạt đều hướng về Cái Tâm đó. Muốn đi vào tương quan với Thiên Chúa cách thân tình như vậy, hẳn bà phải có tình yêu thúc đẩy.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, mỗi lần chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu bọc tã nằm trong máng cỏ, chúng ta hãy có tâm tình đơn sơ như bà Anna. Sống tinh thần khó nghèo, phó thác để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại qua việc trao ban Đức Giêsu, quà tặng vô giá cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã nêu gương cho chúng con về tinh thần nghèo khó. Chỉ những ai có được tinh thần như thế, mới được gọi là con Thiên Chúa thực sự. Xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng con biết noi gương bà Anna trong bài Tin Mừng hôm nay, ngõ hầu được sống trong tình yêu của Chúa. Amen.
THEO TỪNG GIAI ĐOẠN
(Ngày 30/12 – Lc 2,36-40) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Bản tường thuật của thánh sử Luca về việc Mẹ Maria và thánh Giuse sau khi làm lễ cắt bì và đặt tên cho Hài Nhi thì đến ngày lễ thanh tẩy đã tiến dâng Hài Nhi cho Chúa theo luật dạy. Sau khi hai ông bà đã thi hành mọi việc như Luật Chúa truyền thì trở về định cư tại Nagiarét. Và Tin Mừng kết thúc giai đoạn ấu thơ của Hài Nhi bằng câu: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). Sau đó khi tường thuật chuyện Chúa Giêsu bước vào thời niên thiếu với biến cố Người ở lại đền thờ Giêrusalem để học hỏi Kinh Thánh thì thánh sử cũng kết với câu tương tự: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).
Chúng ta nhìn nhận công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Tuy nhiên công ơn và cách thế giáo dục của các Ngài thật đáng cho chúng ta nghĩ suy và học hỏi. Cả hai Đấng đã vuông tròn bổn phận “đặt tên” là giáo dục Con Trẻ. Qua các dữ liệu Tin Mừng tường thuật chúng ta nhận ra cách thế giáo dục của các Ngài, cách riêng Mẹ Maria, theo từng giai đoạn phát triển của Con Trẻ.
1. Thời thơ ấu: Đã từng có bạn trẻ hỏi tôi rằng sao bố mẹ Công giáo không đợi con cái trưởng thành rồi mới để nó quyết định theo đạo hay không mà lại xin cử hành bí tích Thánh Tẩy (vào đạo) cho nó khi nó còn bé? Làm như vậy có vẻ không tôn trọng sự tự do của chúng? Tôi trả lời thẳng thừng rằng khi con cái còn nhỏ không ai hỏi chúng thích dùng sữa mẹ hay sữa bò, thích mặc áo này hay áo kia. Nếu hỏi trẻ bé có thích đi học không thì nhà trường đóng cửa hết! Con cái còn bé thì bố mẹ không hành xử trên chúng dựa vào sự tự do của chúng mà dựa vào tình yêu, tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết của mình. Thương con, thấy điều gì tốt nhất thì bố mẹ làm cho con cái, thế thôi. Các việc làm của Mẹ Maria và thánh cả Giuse cho Hài Nhi thời thơ ấu cũng vậy. Hai ông bà đã làm tất cả những gì tốt nhất cho Con Trẻ theo luật Chúa dạy.
2. Thời niên thiếu: Dạy bảo con cái nhưng vẫn để cho con cái một chút khoảng tự do để con cái tự thân vận động và phát triển. Câu chuyện cả gia đình lên Giêrusalem dự Lễ là một đan cử. Để con có chút tự do nhưng không xa vòng tay của bố mẹ. Sau một ngày thất lạc con, hai ông bà đã trở lại Giêrusalem kiếm tìm. Việc sửa dạy là chuyện đương nhiên phải có vì con cái đang còn tuổi thiếu niên. Mẹ Maria đã phiền trách Con Trẻ, nhưng rồi khi nghe Con Trẻ trả lời thì Mẹ đã biết lắng nghe để tìm hiểu con hơn. Tuy nhiên khi Tin Mừng tường thuật rằng Con Trẻ ở tuổi thiếu niên hằng luôn vâng phục bố mẹ nói lên nghĩa vụ giáo dục của các bậc phụ huynh luôn mang tính quyết định khi con cái chưa đến tuổi trưởng thành.
3. Thời trưởng thành: Tin Mừng không tường thuật dữ liệu nào khi Chúa Giêsu bước vào tuổi trưởng thành, tức là 18 tuổi trở lên. Dù khác nhau vể văn hóa nhưng đa số các nước trên thế giới đều nhìn nhận rằng vào tuổi này, con cái có quyền tự quyết định rất nhiều việc liên quan đến chúng mà nhiều khi cha mẹ phải tôn trọng. Tin Mừng tường thuật khi Chúa Giêsu trạc ba mươi tuổi, Người ra đi rao giảng Tin Mừng (x.Lc 3,23). Vào thời kỳ này, có lẽ thánh Giuse đã qua đời. Còn Mẹ Maria thì chúng ta thấy Mẹ vẫn luôn theo sát bước chân của con nhưng lại ẩn mình đi.
Khi con cái lập thân, lập nghiệp thì bố mẹ phải dừng chân, ẩn mình đi để con cái lập thân và tự trách nhiệm với sự nghiệp của mình. Đây như là quy luật tất nhiên của việc giáo dục. Ba năm rao giảng của Chúa Giêsu không thấy Mẹ Maria trực tiếp “xía tay” vào công việc của Con mình, duy chỉ một lần lúc khởi đầu sứ vụ của Chúa tại Cana, Mẹ đã tế nhị xin Người cứu giúp gia đình đôi tân hôn (Ga 2,1-12). Tin Mừng có ghi chuyện Mẹ và các anh em đôi lần muốn gặp Chúa, nhưng Mẹ lại không trực tiếp ra mặt (x.Mc 3,31-35).
Khi con cái hay người cộng tác đến độ tuổi nào đó, chẳng hạn tuổi ba mươi mà bố mẹ hay bề trên cứ mãi hành xử kiểu “cầm tay chỉ việc” thì quả là phản giáo dục. Giáo hội Công giáo khẳng định tầm quan trọng của “Nguyên tắc bổ trợ” (Subsidiarity) trong các tương quan xã hội cũng như gia đình (HTXHCG số 185-188). Không tuân giữ nguyên tắc này thì chúng ta dễ rơi vào tình trạng chuyên quyền, độc đoán, quan liêu, bao cấp. Nguyên tắc này giúp cấp trên biết tôn trọng cấp dưới và tạo điều kiện để cấp dưới thêm trưởng thành và phát huy khả năng cũng như tinh thần trách nhiệm của mình.
Chúng ta dễ nhận ra hiện tượng này nơi các xã hội độc tài, toàn trị, chuyên chế. Trong các tập thể tôn giáo thì cũng tồn tại dưới nhiều hình thức, ngay cả trong Công giáo. Phải chăng vì quá đề cao đức vâng phục cách “triệt để”, “cũ kỹ” và có khi là “ấu trĩ” mà còn đó tình trạng các nam nữ tu sĩ, linh mục tuổi đời đã quá ba mươi mà vẫn còn thi hành sứ vụ kiểu “sai đâu đánh đó”, “biểu gì làm nấy”? Cũng thật đáng buồn trong tình hình đại dịch đang diễn ra thì có đó không ít giáo phận bề trên lại ra văn thư cho các linh mục với những hướng dẫn, quy định quá chi tiết, cụ thể kiểu “cầm tay chỉ việc”!
Hãy để cho con cái, cho người thuộc quyền ở độ tuổi lập thân có điều kiện phát huy khả năng và đồng thời phải chịu trách nhiệm với việc mình làm. Nếu được vậy thì chắc chắn sẽ không còn cảnh một vài giáo phận trên thế giới phải “khai phá sản” (bankruptcy). Bố mẹ mãi luôn đồng hành, liên đới với con cái nhưng phải để chúng trưởng thành. Mẹ Maria và thánh cả Giuse đã làm như vậy với Con Thiên Chúa làm người.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn