TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 01/11/2021 20:01 |   1292
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 33)

03.11.2021
THỨ TƯ TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
Thánh Martinô Porres, tu sĩ

 

t4 t31tnBf

Lc 14, 25-33

TỪ BỎ: ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 33)

Suy niệm: Nếu muốn hoạt động hiệu quả và tăng năng lực cạnh tranh, các công ty phải loại bỏ các máy móc thiết bị thuộc thứ công nghệ lỗi thời lạc hậu. Cũng vậy, nếu muốn đi theo Chúa Giêsu để cùng với Ngài xây dựng Nước Thiên Chúa, người môn đệ phải bỏ đi những “công nghệ” cũ kỹ không thích hợp của mình để đặt trọn niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa. Thiên Chúa tự do hành động theo cách thế riêng của Ngài. Ngài bày tỏ sức mạnh trong sự yếu đuối. Nếu họ còn bám víu vào quyền hành, tiền tài hay cậy dựa vào khả năng hay sức mạnh của mình, Thiên Chúa không thể tự do hoạt động nơi họ. Khi đó họ trở nên vật cản trở cho công việc của Chúa thay vì trở nên công cụ trong tay Ngài.

Mời Bạn: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” Chúa muốn môn đệ Chúa biết rõ sự yếu đuối của mình để không tự phụ, không cậy dựa vào bản thân nhưng đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa, lấy Chúa làm gia nghiệp của mình.

Chia sẻ: Chúng tôi đang đang bám víu vào thành kiến, quan điểm hay chủ trương nào làm cho chúng tôi không dám thay đổi? Cái gì cản trở chúng tôi không còn tự do làm điều Chúa muốn cho cộng đoàn chúng tôi?

Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm Chúa Giêsu sinh ra nghèo khó trong hang đá Bê lem, bị đóng đinh trên Thập giá, hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha để noi gương Chúa tìm thánh ý Chúa và từ bỏ ý riêng mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu. Xin Chúa giúp con nhận ra những gì con phải từ bỏ để ơn Chúa được tăng trưởng nơi con.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 13, 8-10

“Yêu thương là chu toàn trọn cả luật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn Lề luật. Ðó là: Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ mê tham, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 4-5. 9

Ðáp: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

Xướng: Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình.

Xướng: Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang.

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 2, 12-18

“Anh em hãy lo cho mình được ơn cứu độ; Thiên Chúa tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, như anh em vẫn luôn luôn vâng lời, không phải trong lúc tôi có mặt mà thôi, nhưng hơn nữa, cả lúc này là lúc tôi vắng mặt, anh em cũng phải kinh hãi run sợ mà lo cho mình được ơn cứu độ. Vì chưng, Thiên Chúa là Ðấng tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm theo sở định của Người.

Anh em hãy thi hành mọi việc, đừng kêu ca và nghi ngại, để anh em biến thành những người không có gì đáng chê trách, và trở nên những người con vẹn toàn không ai bắt lỗi được của Thiên Chúa ở giữa một thế hệ hư hốt và gian tà. Giữa những kẻ ấy, anh em hãy chiếu sáng ra như những vì sao trong vũ trụ, hãy tích trữ lời hằng sống, để làm sáng danh tôi trong ngày của Ðức Kitô, vì tôi đã không bôn tẩu cách hư luống và đã không uổng công lao nhọc.

Và nếu tôi phải đổ máu làm lễ vật tiến dâng vì đức tin anh em, tôi sẽ vui mừng và hân hoan với tất cả anh em. Và cả anh em nữa, anh em cũng sẽ được vui mừng và hân hoan với tôi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? 

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. 

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! 

Alleluia: Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 25-33

“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: “Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi”.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm

ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀM MÔN ĐỆ (Lc 14, 25-33)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

“Ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”; hay: “Bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta được”; : “Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được”.

Thoạt nghe, không ai trong chúng ta lại không cảm thấy “sốc” vì lời mời gọi này của Đức Giêsu xem ra có vẻ ngược đời và không thể chấp nhận được!

Tuy nhiên, dưới ánh sáng của mặc khải, chúng ta mới hiểu được thật chí lý khi Đức Giêsu đưa ra lời đề nghị này:

Trước tiên, Ngài muốn nói đến sự dứt khoát để đặt ý Thiên Chúa lên trên hết. Nếu vì lý do tình cảm mà mất ơn nghĩa hay hạnh phúc Nước Trời thì phải lựa chọn Chúa trước, còn mọi sự khác tính sau. Khi đã có tình yêu và được tình yêu của Chúa chi phối, hẳn sẽ bao trùm và định hướng tình cảm gia đình cũng như người thân…

Thứ hai, là sự thanh thoát. Đức Giêsu mời gọi những người muốn đi theo và làm môn đệ của Ngài, khi cần thiết phải từ bỏ ngay cả những gì là của mình, do mình làm ra và có khi phải từ bỏ ngay chính bản thân mình nữa… Bởi nếu không từ bỏ chính mình thì kể như những thứ ta bỏ trước trở thành vô ích, đây là điều khó khăn nhất đối với chúng ta!

Thứ ba, là phải vác thập giá mình mà theo. Đức Giêsu không bảo chúng ta vác thánh giá của Ngài, nhưng là thập giá của chính mình. Thập giá của chính mình là gì? Thưa có thể là người vợ lắm lời, ông chồng xay xỉn, bổn phận phải chu toàn… vác thập giá còn là từ bỏ ý riêng, là sống theo ý Chúa, tuân giữ luật Ngài trong lòng mến… Những thứ đó làm nên chất liệu quý và giá trị của người Kitô hữu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng theo Chúa trong vai trò là người môn đệ. Tức là từ bỏ mọi sự, kể cả thứ tình cảm riêng tư, và ngay cả bản thân của mình để theo Chúa cho trọn vẹn…

Sống siêu thoát là giúp mình khỏi vướng bận vào của cải trần gian để tâm hồn được thanh thản hầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng được tốt hơn.

Sẵn sàng vác thập giá của mình cách yêu mến, chứ không chỉ tôn thờ thánh giá của Chúa mà thôi. Luôn chu toàn bổn phận hằng ngày cách trung thành. Tránh tình trạng vác thập giá cả làng nhưng thập giá của mình thì lại đè đầu cưỡi cổ người khác và bắt họ vác thay. Bởi vì chính Đức Giêsu đã cứu chuộc chúng ta bằng thập giá, vì thế, đời môn đệ mà thiếu vắng thập giá, thì hẳn sẽ mất hương vị và không phải cuộc sống của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được thanh thoát, biết đặt ý Chúa và sứ vụ của Ngài lên trên ý riêng cũng như tình cảm tự nhiên, biết từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày theo chân Chúa đến cùng. Amen.
 

CÂN NHẮC – LƯỢNG SỨC THẾ NÀO?
(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXXI TN – Lc 14,25-33) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

tbd 311021b


Khi đi rao giảng Tin Mừng, có rất nhiều người theo, nhưng Chúa Giêsu chỉ chọn 72 người để làm môn đệ và 12 người được đặt làm Tông đồ. Đây là những cộng tác viên gần gũi và đặc biệt hơn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Bên cạnh niềm vinh dự to lớn thì có đó những đòi hỏi như là điều kiện tất yếu đi theo. Và Chúa Giêsu đã công khai nói rõ hai điều kiện đó là sự từ bỏ đến cùng và can đảm vác lấy thập giá mình.

Từ ngữ “từ bỏ” theo lối nói thời bấy giờ không phải là vất đi hay bỏ đi nhưng là một kiểu dạng so sánh trong sự chọn lựa điều tốt hơn. Gia đình vẫn còn đó, nhà cửa vẫn còn đó, lưới thuyền vẫn còn đó, nhưng chính thánh Phêrô đã minh nhiên nói rằng: “Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10,28). Từ bỏ là biết sống tự do với những thiện hảo của mình để ưu tiên cho Chúa và Tin Mừng. Khi Chúa cần thì trao thuyền cho Chúa sử dụng. Khi Chúa gọi lên đường đi rao giảng thì sẵn sàng xa cách gia đình một thời gian…

Điều kiện thứ nhất: từ bỏ là tiền đề để đáp ứng điều kiện thứ hai: vác thập giá. Sống tự do với nhiều điều tốt đẹp để rồi gặt hái thành quả tốt đẹp hơn là điều ai cũng mong. Trong sản xuất kinh doanh điều này được gọi là “đầu tư” (invest). Tự nguyện theo Thầy Giêsu các môn đệ, cách riêng các tông đồ đều ấp ủ mộng bá vương. Gặp được vị Thầy có quyền năng trong lời nói và hành động, các vị tin rằng Thầy sẽ khôi phục lại vương quốc Israel, thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma. Ngay cả khi Thầy từ cõi chết phục sinh thì cái mộng vương bá ấy vẫn còn trong tâm trí các vị (x.Cvtđ 1,6). Thế mà Thầy lại đưa ra một điều kiện như là viên đá gây cớ vấp phạm đó là “vác thập giá”. Vác thập giá là chấp nhận thất bại tủi nhục ư? Thập giá với dân ngoại là sự điên rồ, với người Do Thái thì đó là sự ô nhục (x.1Cr 1,23). Lúc bấy giờ làm sao các ngài hiểu được rằng có qua thập giá rồi mới đến vinh quang? (x.Lc 24,26).

Dù chưa hiểu và có thể là không hiểu nhưng tập thể tông đồ vẫn đi với Thầy mà không thoái chí, rút lui. Chắc chắn phải có cái gì đó để các ngài vẫn tiếp tục sát cánh với Thầy mình. Theo thiển ý thì đó là vì các vị đã từng chứng kiến quyền năng của Thầy không chỉ trên bệnh tật, các thần ô uế, trên gió trời, sóng biển mà còn thấy Thầy có thể tránh né, vượt qua các âm mưu hãm hại của người ta. Dân thành Nagiarét tìm cách xô Người xuống vực mà không được (x.Lc 4,16-30). Dân chúng lấy đá ném Người mà chẳng thể chạm vào Người một viên (x.Ga 8,59). Thế nhưng khi Thầy đưa tay chịu trói tại vườn cây dầu thì các vị thất vọng ngã lòng, bỏ Thầy, chạy thoát thân.

Thử hỏi rằng nhóm môn đệ thân tín mà Chúa Giêsu chọn gọi có khôn ngoan và lượng sức mình khi đi theo Người mà làm môn đệ không? Chắc chắn là không. Như thế phải khẳng định rằng chẳng một ai tự sức riêng mình có thể có đủ khả năng làm môn đệ Chúa Giêsu, nghĩa là chẳng một ai có thể đáp ứng được hai điều kiện mà Người đặt ra. Thế nhưng chính Người lại chọn các tập thể nhóm Mười Hai, tập thể nhóm Bảy Mươi Hai và rất nhiều người trong chúng ta nữa làm môn đệ của Người. “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em”(Ga 15,16). Vì Chúa Giêsu chọn môn đệ nên Người có trách nhiệm với sự chọn gọi của mình. Dĩ nhiên phần phía người được chọn cần phải có điều gì đó để đáp trả. Đó là sự thành tâm thiện ý và chút thiện chí bền lòng.

Dù rằng phải biết tự lượng sức mình, nhưng nếu đắn đo quá, cân nhắc quá, khôn ngoan theo kiểu loài người quá thì chẳng một ai có thể có đủ can đảm làm môn đệ Chúa Kitô. Là Kitô hữu chúng ta thảy đều được Chúa Giêsu mời gọi làm môn đệ của Người để loan báo Tin Mừng theo hoàn cảnh, khả năng và bậc sống của mình. Để đáp trả lời mời gọi của Chúa thì không gì hơn hãy biết gìn giữ và hun đúc lòng thành và ý thiện của mình. Bên cạnh đó đừng quên tập tành thêm sự bền chí. Trên đường theo Thầy chí thánh có lúc vững vàng tiến bước có khi dừng chân ngã quỵ. Không sao cả “ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta” (x.2Cr 12,9). Và xin đừng quên chúng ta không bao giờ là người “độc hành” vì Chúa Kitô đã hứa rằng Người mãi cùng đi với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây