TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 28/10/2021 18:24 |   1065
“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất…” (Lc 14, 8)

30/10/2021
THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

 

t7 t30 tnB

Lc 14, 1.7-11

NGỒI ĐÚNG CHỖ

Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất…” (Lc 14, 8)

Suy niệm: Thoạt nghe, Lời Chúa có vẻ như một lời hướng dẫn trong sách dạy nghệ thuật giao tiếp theo kiểu cuốn “Đắc Nhân Tâm” (tác phẩm của Dale Carnegie, Nguyễn Hiến Lê dịch). Và chúng ta hay áp dụng “mẹo” này như một đòn chiến thuật trong những trường hợp giao tiếp tương tự: ra vẻ khiêm tốn ngồi chỗ cuối để chờ được mời lên trên. Nhưng Chúa Giê-su đâu có ý làm một nhà tâm lý xã hội ứng dụng. Ngài muốn dạy chúng ta thái độ phải có đối với Thiên Chúa: xác định mối tương quan giữa mình với Ngài và nhờ đó tìm ra vị trí đích thực của mình trước nhan Ngài. Và tôi chẳng có gì, chẳng là gì khi đứng trước Thiên Chúa. Vì thế thái độ đúng đắn của tôi là hạ mình khiêm cung trước mặt Chúa, và vị trí đúng nhất của tôi chắc chắn là ở chỗ rốt hết trong phòng tiệc của Ngài – Ngài thương mời tôi đến dự tiệc của Ngài là đại hồng phúc cho tôi rồi!

Mời Bạn: Nếu như chúng ta ý thức được bản chất yếu đuối và vị trí hèn mọn của mình như thế, thì lẽ nào chúng ta lại dám lên mặt kênh kiệu, hống hách với anh em. Làm như thế thật là lố bịch, phải không bạn?

Chia sẻ: Nhiều người chúng ta đến nhà thờ thích chọn chỗ thật xa, ở mãi cuối, thậm chí ở ngoài nhà thờ, trong khi những hàng ghế đầu vẫn còn trống. Làm như thế có phải là sống khiêm tốn theo Lời Chúa dạy hôm nay không?

Sống Lời Chúa: Luôn nhắc mình ý thức vị trí hèn mọn của mình trước mặt Chúa, để nhờ đó cư xử khiêm tốn hoà đồng thân ái với anh chị em.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin dạy con biết phục vụ tha nhân như tôi tớ hèn mọn của Chúa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 11, 1-2a. 11-12. 25-29

“Nếu sự bỏ rơi người Do-thái là sự giao hoà của thế giới, thì đâu là cái lợi, nếu không phải là sự sống lại từ cõi chết?”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chớ thì Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Người rồi sao? Hẳn là không. Vì chính tôi cũng là người Israel, miêu duệ của Abraham, thuộc chi họ Bengiamin. Thiên Chúa không từ bỏ dân Người mà Người đã chiếu cố trước.

Vậy tôi xin hỏi: Chớ thì họ đã vấp chân đến nỗi ngã xuống rồi sao? Hẳn là không. Nhưng vì lỗi lầm của họ mà Dân ngoại được ơn cứu độ, để họ ganh đua với những kẻ ấy. Nếu lỗi lầm của họ làm cho thế giới nên giàu có, và sự thiếu thốn của họ làm cho Dân ngoại được phú túc, thì sự dư đầy của họ còn lợi nhiều hơn biết bao.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm này (để anh em không tự cho mình là những kẻ khôn ngoan): là một phần dân Israel cứng lòng mãi cho đến khi toàn thể Dân ngoại nhập giáo, và bấy giờ toàn thể Israel cũng sẽ được cứu độ, như có lời chép rằng: “Từ Sion có Ðấng Cứu độ sẽ đến mà cất sự vô đạo khỏi Giacóp. Và đó là giao ước Ta ký kết với họ, khi Ta xoá bỏ tội lỗi của họ”.

Xét theo Tin Mừng thì họ thật là kẻ thù nghịch vì anh em, nhưng xét theo kén chọn, thì họ là những người rất được yêu thương vì các tổ phụ. Bởi vì Thiên Chúa ban ân huệ và kêu gọi ai, Người không hề hối tiếc.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 93, 12-13a. 14-15. 17-18

Ðáp: Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa (c. 14a).

Xướng: Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ. 

Xướng: Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo.

Xướng: Nếu như Chúa chẳng phù trợ con, trong giây phút hồn con sẽ ở nơi yên lặng. Ðang lúc con nghĩ rằng “Chân con xiêu té”, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 1, 18b-26

“Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, miễn là Ðức Kitô vẫn được rao giảng, đó là điều làm tôi vui mừng, và tôi sẽ còn vui mừng mãi. Vì chưng tôi biết rằng nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ ơn Thánh Thần của Ðức Giêsu Kitô giúp sức, điều đó sẽ đưa tôi đến ơn cứu độ, theo sự tôi chờ đợi và hy vọng, tôi sẽ không hổ thẹn chút nào, trái lại tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng như mọi khi, và giờ đây, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi.

Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em.

Một khi tin tưởng điều đó, tôi biết rằng tôi sẽ còn ở lại và sẽ lưu lại với tất cả anh em, để anh em được tấn tới và được hân hoan trong niềm tin, ngõ hầu anh em vì tôi mà được tràn đầy hiên ngang trong Ðức Kitô, bởi tôi trở lại với anh em một lần nữa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3. 5bcd

Ðáp: Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống (c. 3a).

Xướng: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, ôi Chúa trời con! – Ðáp.

Xướng: Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào tôi được tìm về ra mắt Chúa Trời? – Ðáp.

Xướng: Tôi nhớ lúc xưa đi giữa muôn người, tôi đứng đầu đưa dân tiến vào nhà Ðức Chúa Trời, giữa muôn tiếng reo mừng, ca ngợi.

Alleluia: Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! – Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai Lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-11

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: “Xin ông nhường chỗ cho người này”, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: “Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên”, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc.

“Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.

Hoặc đọc:

Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG? (Lc 14, 1. 7-11)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có một lần, trên xe buýt có hai linh mục, hai giáo dân. Vị linh mục lớn tuổi hỏi một bác đang cùng lộ hành với ngài rằng: theo ông, thế nào được gọi là người khiêm nhường?

Tưởng rằng với tuổi đời khá cao và đã từng trải, mình sẽ trả lời “ngọt như đường mía lau”. Bác ta trả lời rằng: “Thưa cha, người khiêm nhường là người không có bon chen với ai; luôn nghe lời của người khác và làm theo; và người khiêm nhường là luôn cho mình bất xứng!”. Vị linh mục kia trả lời: “Không đúng! Vì nếu người khiêm nhường chỉ mong cho được bình yên thì họ thuộc về hạng người bị thụ động, mềm yếu; hay luôn làm theo ý người khác là người trốn tránh trách nhiệm, thiếu tự chủ, chứ thực chất không phải khiêm nhường; hoặc luôn coi mình là bất xứng thì không chừng, khiêm nhường kiểu này chẳng khác gì ‘một lần khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo’ vì họ có thể dùng chiêu thức này để người khác đề cao, khen ngợi và đánh giá mình đạo đức trước mặt mọi người”. Bác kia hỏi lại: “Vậy ai là người khiêm nhường thật?” Linh mục trả lời: “Người khiêm nhường là người sống đúng sự thật, biết nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật”.

Thật vậy, theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.

Nói chung, người khiêm nhường là người biết ý thức rằng: mọi sự mình có là do Chúa yêu thương. Vì thế, sống khiên nhường là luôn biết hạ mình trước mặt Chúa và tha nhân. Luôn biết sám hối, canh tân để được Thiên Chúa nâng lên trong ân sủng của Ngài, bởi vì: “… hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học được bài học khiêm nhường của Chúa để chúng con được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Amen.
 

BỊ BẮT GIÒ: CÀNG VUI
(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXX TN – Lc 14,1.7-11) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Nghe Chúa dạy khi được mời dự tiệc cưới đừng dành chỗ nhất vì có khi sẽ bị hố nặng và mất thể diện, nhưng hãy chọn chỗ cuối để được nở mặt nở mày khi người ta mời lên trên. Ôi lạy Chúa, con nghe thấy sao sao đó. Cái ông dự tiệc cưới cố tìm chỗ cuối để được oai phong khi người ta mời mình lên chỗ trên xem ra kiêu ngạo gấp ba lần ông thoạt ngồi trên bị mời xuống dưới. Đang khoái chí vì đã bắt giò được Chúa thì bỗng há miệng vì thấy Chúa Giêsu mỉm cười.

Người nhỏ nhẹ: “Con bắt giò Ta là đúng mục đích Ta nhắm. Qua thể văn ngoa ngữ, Ta muốn người nghe chú ý hơn trọng tâm điều muốn nói. Điều Ta lưu ý là hãy cẩn trọng với mọi hình thức tham danh. Vì đó là một hình thức của sự kiêu ngạo. Hãy biết sống khiêm nhu cách đích thực”. Vâng lời Chúa chỉ bảo chúng ta cùng xét xem đôi điều về sự khiêm nhu.

Khiêm nhu hay khiêm nhường được hiểu như là động thái hạ mình xuống để nhường phần hơn cho tha nhân. Tuy nhiên đây mới chỉ là khái niệm theo chiều kích nhân bản. Nó còn đó sự hạn chế, vì con người thường chỉ thấy các dữ kiện bên ngoài. “Sông sâu còn có kẻ dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng” (Ca dao). Trong cuộc sống, không thiếu gì những cách sống kiểu “khiêm nhường ống điếu” như chuyện người tìm chỗ cuối để rồi được mời lên chỗ trên cao.

Khiêm nhu đích thực dưới ánh sáng đức tin là chân thành, thẳng thắn sống như mình là, đặc biệt hơn cả là sống theo “cái là nền tảng” đó là “con người”. Là loài người thì cao trọng hơn hết các loài thụ tạo hữu hình được dựng nên. Nét cao trọng của loài người được tỏ lộ qua hai cơ năng của linh hồn đó là trí khôn biết suy tư phản tỉnh và sự tự do được chọn lựa. Bên cạnh nét cao trọng của loài người thì lịch sử cho thấy đã và đang tồn tại nhiều vết nhơ và cả sự tủi nhục của loài người, cũng xuất bởi hai cơ năng ấy. Khi thẳng thắn và chân thành nhìn nhận và chấp nhận hiện thực này thì chúng ta mới thực sự là khiêm nhu.

Một hiện tượng khá phổ biến trong sinh hoạt Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong các bữa tiệc nhân lễ khánh thành Nhà Thờ, nhà giáo lý hay lễ cử hành bí tích Thêm sức nào đó thì các linh mục thường né cái bàn của Đức giám mục ngồi ăn. Ban tổ chức tìm cách mời một số linh mục ngồi chung bàn với giám mục nhưng rồi chỗ bàn vẫn không lấp đầy. Cũng thế, khi có tiệc riêng tại giáo xứ thì ít có vị Hội Đồng giáo xứ hay Ban Hành giáo nào “dám” ngồi chung bàn với cha xứ. Tôi thường nghe quý cha nói với nhau: “Mình ngồi với nhau dưới này tự nhiên hơn”. Có đấng khôi hài: “Tránh voi chẳng hổ mặt nào”. Ngồi lên đó coi chừng bị xem là phường “chơi leo”. Các vị chức việc trong giáo xứ, giáo họ thì cũng nói những lời tương tự.

Chúa Giêsu đã từng mời gọi các môn đệ và dân chúng rằng: “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhượng” (Mt 11,28). Sự khiêm nhu của Đấng Cứu Thế không chỉ được tỏ hiện bằng lòng khoan dung, hiền hậu của Người cách đặc biệt với những người bé mọn mà còn được thể hiện bằng việc Người luôn tự xưng và sống như là “Con Người”. Dù được dân chúng xem như xuất thân từ làng quê nghèo Nagiarét, nơi không có gì đáng nói, nhưng Người vẫn cho dân chúng kinh ngạc vì Thiên Chúa đã ban cho con người nhiều quyền năng cao cả (x.Mt 9,8). Dù là Con chiên vẹn tuyền vô tì tích nhưng Người vẫn can đảm mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền và cả hậu quả của tội lỗi nhân gian vào chính bản thân mình (x.Mt 8,5-17).

Chính sự khiêm nhường đích thực của Chúa Giêsu đã khiến cho nhiều người tội lỗi công khai, nhiều người phung cùi, người khốn khổ, bất hạnh… không ngại ngần đến gần và đụng chạm đến Người. Người ta vốn dễ gần gũi thân mật với nhau khi cảm nhận có cái gì đó tương đồng, ngang hàng với nhau. Vào thăm các nhà dòng nam, tôi nhận thấy tại bàn cơm của cha Bề Trên Giám Tỉnh thì vẫn có đó bầu khí tự nhiên giữa các linh mục lớn bé trong dòng. Trái lại tại bàn cơm của một vài giáo phận ở Tòa Giám Mục, khi vắng Giám mục giáo phận thì quý cha nghỉ hưu và số đang làm việc tại Tòa nói chuyện rôm rả, thoải mái vui tươi. Nhưng khi có sự hiện diện của Đấng Bản Quyền thì dường như không khí bữa ăn trầm hẳn lại!

Chưa hẳn nhắc mình lên thì đã là kiêu ngạo. Cũng chưa hẳn hạ mình xuống thì đã là khiêm nhu. Hãy sống và hành xử như mình là, với cái là căn bản là con người, con cái của Thiên Chúa thì hầu chắc chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa. Vì khi ấy chúng ta cách nào đó là học trò, là môn đệ của Chúa Giêsu. Thưa Chúa Giêsu, con to gan bắt giò Chúa nhưng Chúa lại thấy vui hơn. Và nhờ đó con lại có dịp giác ngộ và hiểu hơn thế nào là khiêm nhường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây