Cho em điểm tựa đầu đời
Nằm gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk), hơn 20 năm qua, Trường tiểu học tình thương Vinh Sơn (do Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn thành lập và điều hành) là nơi gieo mầm và vun đắp ước mơ của nhiều em nhỏ.
Chúng tôi đến trường vào một buổi chiều muộn những ngày cuối năm học. Dạo quanh một vòng, dì Anna Phạm Thị Bích Nga, phụ trách trường tình thương thoáng chốc lại chỉ tay và kể về hoàn cảnh của từng em: đứa là người dân tộc, đứa mồ côi cha mẹ, đứa khác gia đình khó khăn... Tất cả có một điểm chung là gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi việc học. Thay vì được đến trường như chúng bạn, chúng ngày ngày phải bươn chải kiếm sống và phụ gia đình với những công việc như nhặt ve chai, bán vé số, đánh giày…
Niềm vui của cô và trò trong buổi tổng kết năm học
Mỗi lớp học quy tụ học sinh đủ mọi hoàn cảnh, có cả những em lớn tuổi, cao lêu nghêu. Số này theo cha mẹ di cư làm ăn nay đây mai đó nên việc học cũng không được ổn định. Ngày trước, học xong buổi sáng, ban trưa các em về nhà, rồi chiều lại đến lớp. Về sau, do nhận ra một số bất tiện nên các nữ tu để các em nghỉ trưa luôn tại trường. Về tiền ăn, hằng tháng mỗi gia đình đóng vào 100.000đ, riêng việc học của các em được miễn phí hoàn toàn. Theo các dì, việc phụ tiền ăn chỉ là tượng trưng để phụ huynh có trách nhiệm cùng với nhà trường chăm sóc con em mình. Nhiều phụ huynh khi rảnh rỗi lại đến phụ chăm luống rau hay giúp dọn dẹp vệ sinh trường lớp.
Ngoài dạy các môn văn hóa theo chương trình, trường tình thương Vinh Sơn còn chú trọng đào tạo về đạo đức, nhân bản, lễ giáo bằng những tiết học riêng để giúp các em sống tốt, biết yêu thương nâng đỡ nhau, cùng chung tay bảo vệ môi trường. Dù nguồn kinh phí còn eo hẹp nhưng vào mỗi dịp lễ tết, nhà trường vẫn tổ chức cho các em vui chơi với nhiều hoạt động đa dạng cũng như các chương trình ẩm thực phong phú, những em cuối cấp còn được đi dã ngoại.
Được chăm sóc bằng tình thương, dạy dỗ với tất cả sự nhiệt tình nên học sinh ở trường rất cố gắng và chăm ngoan. Các em cũng được dạy rằng việc học tập là con đường giúp thăng tiến cho bản thân và gia đình. Nhà trường trở nên một nơi chốn thân thương, gắn bó nên nhiều đứa khi lên cấp hai vẫn thường xuyên về thăm trường. Trong hơn 20 năm, nơi đây đã nâng bước cho hàng ngàn học sinh, chỉ riêng năm học 2015 - 2016 có khoảng 200 học sinh theo học. Có em giờ đã thành đạt, cuộc sống ổn định.
Nơi gieo mầm con chữ cho con em gia đình nghèo trong vùng
Phần lớn giáo viên của trường đều là những người gắn bó lâu năm. Điều đáng quý là ngoài những người dạy học ăn lương, còn có các thầy cô, đa phần là giáo viên về hưu, sẵn sàng gác lại công việc cũng như những lời mời cộng tác với mức lương tương đối, đến đây dạy học miễn phí. Tất cả phát xuất từ tình thương. “Giúp các em được giáo dục đủ đầy, cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống, với chúng tôi, như vậy đã mãn nguyện”, cô Hà gắn bó với trường từ nhiều năm nay chia sẻ.
Buổi vui chơi của học sinh cuối khoá
Nói về những dự định trong tương lai, dì Nga bộc bạch, nếu đủ khả năng sẽ mở thêm một phòng vi tính để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập cho học sinh. Ngoài ra, mọi người cũng ưu tư về một phòng dạy may, giúp cho các em nữ lớn tuổi có được một nghề cho bản thân, nếu sau khi ra trường các em không đủ điều kiện để tiếp tục học lên.
Trường tình thương Vinh Sơn giống như một gia đình ấm cúng!
PHÚ THỊNH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn