TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phỏng vấn sơ Cao Thị Trọng và LM Phạm Văn Nhân

Thứ tư - 28/04/2021 00:14 |   990
Phỏng vấn sơ Cao Thị Trọng và LM Phạm Văn Nhân

Phỏng vấn nữ tu Cao Thị Trọng và LM Phạm Văn Nhân

Ước gì những nhà hảo tâm được tận mắt nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh của anh chị em phong cùi thì dễ thương cảm và chia sẻ hơn. Em không thể nào lấy giấy bút hay dùng lời nói để diễn tả hết được nỗi đau khổ và nghèo đói của họ.

Bài THANH PHONG

FOUNTAIN VALLEY - Trong số hàng ngàn người tham dự Đại Nhạc Hội “Tạ Ơn Trên Người Vẫn Thương Người” do Hội Bạn Người Cùi tổ chức vào ngày 31 tháng 5, 2015 tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley, có nữ tu Clara Cao Thị Trọng và Linh mục Giuse Phạm Văn Nhân. Cả hai nhà tu hành này đều đang trực tiếp phục vụ các bệnh nhân phong tại cao nguyên Việt Nam. Họ đã dành cho Viễn Đông cuộc phỏng vấn sau đây.

Trước hết với nữ tu Clara Cao Thị Trọng. (Ở Hoa Kỳ các linh mục, tu sĩ trẻ thường xưng “con” với người lớn tuổi, nhưng ở VN, các nhà tu hành trẻ không xưng con mà xưng “em” với người lớn tuổi hơn mình).

Viễn Đông: Chào Soeur, trước hết xin Soeur cho độc giả Viễn Đông biết, Soeur thuộc Hội Dòng nào, ở đâu và sang Hoa Kỳ với mục đích gì?

Soeur Trọng: Em tên là Clara Cao Thị Trọng, thuộc hội dòng Nữ Vương Hòa Bình tại Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc, Việt Nam. Chúng em sang đây là do Hội Bạn Người Cùi mời sang tham dự Đại Nhạc Hội có tên là Tạ Ơn Trên, Người Vẫn Thương Người đang diễn ra ở đây, để thay mặt các người bệnh phong tạ ơn quý ân nhân hải ngoại.

VĐ: Ở quê nhà, Soeur là người trực tiếp săn sóc người bệnh phong?

Soeur Trọng: Vâng, em được Bề Trên giao cho nhiệm vụ giúp đỡ, lo cho các người bệnh phong ở trại phong Eana và 4 làng cùi Ma rắc, Êaleo, Pontinao và Cơ le tại Đắc Lắc, Đắc Nông và Kontum. Trại Eana có một số người Kinh, bốn làng cùi kia thì toàn người dân tộc thiểu số.

VĐ: Khi được Bề Trên giao nhiệm vụ, Soeur có cảm thấy lo sợ hay ái ngại điều gì không?

Soeur Trọng: Chúng em đi tu là phải khấn, hứa giữ đức vâng lời, nên bất cứ việc gì Bề Trên giao, chúng em đều vui vẻ nhận lời ngay. Hơn nữa, đối với em, được săn sóc người phong cùi là một hồng ân của Chúa, vì có săn sóc giúp đỡ những người như vậy mình mới cảm thấy mình được diễm phúc hơn nhiều người, có cơ hội đem tình thương của Chúa đến với họ, và đồng thời thông phần đau khổ với cuộc tử nạn của Chúa.

VĐ: Xin Soeur cho biết cụ thể việc Soeur làm cho người cùi như thế nào?

Soeur Trọng: Cái nhu cầu cần thiết nhất của người cùi là miếng ăn. Họ đói khổ lắm, vì họ không thể làm lao động được với chân tay bị rụng dần như vậy, thân thể đau đớn lở loét như vậy thì làm sao đi làm. Có một số ít cũng ráng đi làm, trồng khoai, trồng sắn nhưng chẳng ăn thua gì nên nhà Dòng chúng em cử em lo miếng ăn cho họ. Mỗi thứ Sáu đầu tháng, các chị em trong Dòng ăn chay, lấy tiền ăn đó trao cho em đi mua đồ ăn cho họ, nhưng quan trọng là được Hội Bạn Người Cùi giúp đỡ rất nhiều, cứ mỗi 6 tháng một lần Hội Bạn Người Cùi gửi tiền về. Thay vì đưa tiền cho họ, có khi họ uống rượu hay tiêu pha phung phí nên chúng em sử dụng tiền của Hội Bạn Người Cùi cũng như xin được của một số ân nhân trong nước, chúng em mua gạo, cá khô, nước mắm, quần áo, thuốc men cho họ để họ có bữa ăn hàng ngày và có thuốc men điều trị vết thương.

VĐ: Ngoài Soeur ra, có Soeur nào khác được cử làm việc như Soeur?
Soeur Trọng: Nhà Dòng chúng em hiện có trên 180 nữ tu đã khấn trọn, gần 400 em khấn lần đầu đến bây giờ. Dòng chúng em đang hoạt động tại 42 buôn làng, trong đó có 22 cộng đoàn dân tộc và người cùi trên vùng Tây Nguyên. Trại Eana có hai Soeur trực tiếp sống với người bệnh để săn sóc họ về tinh thần, chăm sóc, băng bó vết thương và lo bữa cơm tình thương cho họ còn các buôn làng cũng có các Soeur hiện diện để chăm sóc đời sống cho họ và dạy con em họ biết đọc, biết viết tiếng Việt.

VĐ: Soeur có điều gì muốn tâm tình với đồng hương Việt Nam tại hải ngoại?
Soeur Trọng: Trước hết, em xin thay mặt Hội Dòng, thay mặt các bệnh nhân phong cùi ở Việt Nam, cám ơn báo Viễn Đông đã cho em cơ hội tỏ bày lời cảm tạ của tất cả anh chị em phong tại quê nhà, họ không thể sang đây được, em sang đây để nói thay cho họ, nhưng biết nói gì hơn ngoài lời cảm tạ rất chân thành đến quý đồng hương khắp nơi, đến Hội Bạn Người Cùi. Ở bên nhà đôi khi có gia đình có mấy quả trứng gà bị bể họ gọi chúng em họ cho. Phải đạp xe đạp đi 10 cây số để lấy mấy quả trứng bể nhưng chúng em cũng vui vẻ đi ngay, vì thêm được chút đồ ăn cho người cùi.
Lần đầu tiên sang Mỹ, em thấy quý ông bà là những người rất may mắn, Thượng Đế thương ban cho nhiều ơn lành. Em thấy ở Mỹ cái gì cũng to, cũng lớn hơn VN, từ bát phở, chén cơm, tô canh đến đường xá. Em thấy nhiều người chỉ ăn một ít rồi đổ bỏ trong khi người phong cùi ở VN không dám nghĩ tới, nên em xin quý ông bà thương họ, giúp họ qua Hội Bạn Người Cùi hay trực tiếp gửi về nhà Dòng chúng em tại địa chỉ Hội Dòng Nữ Vương Hòa Bình số 254 đường Sô Viết Nghệ Tĩnh, Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc, Việt Nam, để chúng em thay quý ông bà lo cho những anh chị em bất hạnh, phong cùi. Xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả quý ân nhân không phân biệt tôn giáo.

Linh mục Giuse Phạm Văn Nhân (rất vui tính, cởi mở)

VĐ: Chào cha, xin cha cho biết quý danh và địa sở cha đang trông coi.
Cha Nhân: Tên đầy đủ của em là Giuse Phạm Văn Nhân, nếu bỏ chữ văn, em thành “Phạm Nhân.” Ngoài ra, ở địa phương chỗ em họ còn gọi em là “Hạt Nhân,” vì em vừa là cha xứ vừa là Quản Hạt (một Hạt có nhiều giáo xứ). Em đang coi sóc giáo dân tại giáo xứ Phong Ý, thôn Nghĩa Dũng, Cẩm Phong, Cẩm Thủy, Giáo phận Thanh Hóa Việt Nam. Giáo xứ Phong Ý trải rộng trên 5 huyện miền núi với chiều dài 250 km, có 7 dân tộc chung sống, đa số người dân tộc thiểu số.

VĐ: Cha tình nguyện đi giúp các người bệnh phong cùi hay Đức Giám Mục chỉ định?
Cha Nhân: Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo, một đất nước cũng rất nghèo. Trước đây em đã có nhiều đêm đi ngủ với cái bụng đói meo, bụng cồn cào không ngủ được, em rất sợ mùa Đông, vì không đủ quần áo, chăn, màn, không tài nào ngủ được. Em cũng trải qua những đêm dầm mưa, gió lạnh một mình lênh đênh trên dòng sông để đánh cá đổi lấy chén gạo nuôi gia đình và có tiền đi học. Em đã trải nghiệm về sự đói, nghèo. Tuy vết thương có thể lành nhưng ký ức về sự đau khổ không thể xóa được nên em đã nguyện với lòng, hứa với Chúa, nếu con đi tu, con trở thành Linh mục, con sẽ ao ước được phục vụ người nghèo đói và đau khổ, và nay em đã được toại nguyện, được Đức Giám Mục chấp thuận cho bài sai về coi sóc giáo xứ Phong Ý lần này là lần thứ hai.

VĐ: Trong phạm vi xứ đạo do cha coi sóc có nhiều trại hay buôn làng phong cùi không?
Cha Nhân: Có và có rất nhiều, Linh mục trao cho chúng tôi cuốn sách nhỏ, ngoài bìa đề là, “Hồ Sơ Những Người Có Hoàn Cảnh Đặc Biệt Khó Khăn” và cha nói, đó, bác xem trong đó em chỉ nêu lên 119 gia đình, trong đó có nhiều người đang mắc bệnh phong, tay chân đã mất dần, họ ở nhiều buôn làng khac nhau.

VĐ: Nhà cầm quyền VN có giúp gì cho những người này không, thưa cha?
Cha Nhân: Đa số trong họ mỗi tháng chính phủ cấp cho 180,000 đồng tiền Việt Nam (khoảng $8.30 Mỹ kim), chỉ đủ mua mỗi ngày hai gói mì tôm loại rẻ tiền, còn ngoài ra họ sống nhờ tiền của bà con bên hải ngoại gửi về qua Hội Bạn Người Cùi, và bên quê nhà, chúng em cũng đi xin chỗ này xin chỗ kia để có thể giúp những người bất hạnh này phần nào hay phần nấy.

VĐ: Hôm nay cha có mặt trong Đại Nhạc Hội, cha muốn nói gì với đồng bào ta ở hải ngoại?
Cha Nhân: Lát nữa đây ban tổ chức muốn em lên chia sẻ đôi điều, bây giờ bác hỏi, em xin nói thế này: Ước gì những nhà hảo tâm, những người có trái tim biết rung động trước nỗi đau của người khác được tận mắt nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh của anh chị em phong cùi thì dễ thương cảm và chia sẻ hơn. Em không thể nào lấy giấy bút hay dùng lời nói diễn tả hết được nỗi đau khổ và nghèo đói của họ.
Em sang đây cũng với mục đích thay mặt họ, cảm ơn tất cả quý ân nhân tại hải ngoại đã tin tưởng Hội Bạn Người Cùi, em xác nhận, những đồng tiền của quý ông bà, anh chị em giúp qua Hội Bạn Người Cùi không hề suy suyển, được dùng đúng mục đích như Hội đã đề ra. Nhân đây, cũng cho em gửi đến Ban Giám Đốc nhật báo Viễn Đông lời cám ơn chân thành, vì đã cho em cơ hội bày tỏ lòng biết ơn thay cho những người khốn khổ bên quê nhà. Em có cuốn sổ này tặng Ban Giám Đốc nhật báo Viễn Đông để có thể giúp kêu gọi lòng hảo tâm của quý ân nhân.
Có thể gửi về Hội Bạn Người Cùi hay gửi về địa chỉ của em: Lm. Phạm Văn Nhân, nhà thờ Phong Ý, thôn Nghĩa Dũng, Cẩm Phong, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, VN. Số ĐT: 0983060163 hay email: phainhan@yahoo.com.

Xin Thiên Chúa chúc phúc cho những việc làm tốt đẹp của tất cả quý vị, và xin cảm ơn bác phóng viên.

Nguồn : VienDongDaily.Com

 Tags: Phỏng vấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây