TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo xứ Phúc Lộc: Lễ Đêm Vọng Phục Sinh

Thứ bảy - 08/04/2023 19:22 | Tác giả bài viết: Antôn Trần Kiêm Hùng |   24302
Tối Thứ Bảy, vào lúc 20g00 ngày 08/4/2023, Giáo xứ Phúc Lộc hòa cùng Hội Thánh long trọng cử hành đại lễ đêm Vọng Phục Sinh mừng Chúa sống lại.

Giáo xứ Phúc Lộc: Lễ Đêm Vọng Phục Sinh -Năm 2023
 


Chúa sống lại thật, Alleluia! Vinh quang và quyền lực của Người đến muôn đời. Alleluia! Alleluia!

Tối Thứ Bảy, vào lúc 20g00 ngày 08/4/2023, Giáo xứ Phúc Lộc hòa cùng Hội Thánh long trọng cử hành đại lễ đêm Vọng Phục Sinh mừng Chúa sống lại. Thánh lễ do cha chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Nghĩa làm chủ sự, cử hành Thánh Lễ trong bầu không khí trang nghiêm sốt sắng.

Tham dự Thánh lễ có Ban Mục Vụ HĐGX, Quý Sơ, Quý Tu sĩ, Ban Kèn Đồng, Ca đoàn cùng rất đông đảo Quý cộng đoàn trong và ngoài Giáo xứ.

Đêm Canh thức Vượt Qua gồm 4 phần: Phụng vụ Ánh Sáng, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thanh Tẩy và Phụng vụ Thánh Thể.

Phần đầu tiên là nghi thức Thắp nến Phục sinh, gồm việc thánh hóa lửa mới, rước nến Phục sinh, đèn nhà thờ tắt hết. Trong bóng tối, mọi thành phần dân Chúa cùng hướng về phía cuối nhà thờ, trong ánh lửa bập bùng, nến Phục sinh được ghi lên chữ Alpha và Omêga (là chữ cái đầu và cuối trong bộ mẫu tự Hy Lạp) với ý nghĩa Chúa Kitô là khởi đầu và là kết thúc của nhân loại. Con số thời gian năm 2023 ghi bên cạnh 5 dấu đanh nói lên Thiên Chúa đã có, đang có và tồn tại đến muôn đời.

Từ nến Phục sinh, lửa được truyền đến cộng đoàn, đèn trong nhà thờ được thắp sáng. Nến Phục sinh được rước lên cung thánh, cha chủ sự xông hương và cất cao bài ca Exsultet. Khúc ca Exsultet diễn tả niềm hân hoan khi cộng đoàn cùng đón nhận Ánh sáng Phục sinh: “Mừng vui lên, hỡi muôn lớp cơ binh trên trời… tiếng loa cứu độ, hãy vang rền không gian…”. Exsultet ví như khúc khải hoàn ca, kêu mời tất cả thiên sứ trên trời cũng như muôn người dưới đất hãy vui lên vì đây là một đêm hồng phúc: đêm mà xiềng xích tội lỗi bị bẻ tung và con người được giải thoát khỏi án tội tổ tông. Cộng đoàn dân Chúa đang hiện diện trong thánh đường đêm nay đều cảm nhận một niềm vui và bình an trong tâm hồn mình, thời khắc đất trời cùng nhảy mừng vì Chúa sống lại và từng người cũng sẽ được sống lại cùng Đức Kitô.

Tiếp đến là Phụng vụ Lời Chúa, với các bài đọc Cựu Ước đã dẫn dắt tâm tình người tín hữu cảm nghiệm tình yêu cao vời và quyền năng của Thiên Chúa thể hiện theo dòng lịch sử cứu độ.

Sau các bài đọc, Kinh Vinh Danh được cất lên, đồng loạt tất cả mọi thứ chuông trong nhà thờ vang lên cùng hòa nhịp với lời kinh mừng Chúa đã sống lại và hơn hết đó là những cung bậc của lời ca Ha-lê-lui-a được long trọng cất lên.

Sau bài đọc Tin Mừng Cha Giuse có bài chia sẻ với cộng đoàn:

NHỮNG HIỆU QUẢ CỦA TIN MỪNG PHỤC SINH

Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô là một chủ đề cốt yếu nằm ở trọng tâm của lời rao giảng của các tông đồ và đó là nền tảng đức tin Kitô hữu chúng ta. Thánh Phaolô tông đồ nói: Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta ra vô ích, và chúng ta, Kitô hữu là những người khốn khổ nhất trần gian… (x.1Cr 15, 14). Có phải vì thời gian Chúa Kitô ở với các môn đệ sau khi phục sinh quá vắn vỏi hay là vì sự kiện Chúa phục sinh là mầu nhiệm hoàn toàn vượt quá tâm trí nhân trần? Thật khó lý giải vấn đề hay trả lời cách cặn kẽ. Tuy nhiên chúng ta không thể không thừa nhận các hiệu quả mà mầu nhiệm Chúa Phục Sinh đã mang lại.

Để thấy rõ những hiệu quả mà mầu nhiệm Chúa Phục Sinh đem lại mà dường như mang tính đối nghịch thì trước tiên chúng ta cùng xem xét một vài ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa Phục Sinh.

Tuyên xưng Chúa Kitô đã phục sinh là vững tin rằng tình yêu, công lý và sự thật thì bất khả chiến bại. Chắc hẳn có thì, có khi, chân lý bị bẻ cong, sự thật bị che khuất, tình yêu bị lạm dụng hay bị làm biến chất. Chắc hẳn có lúc, có thời kỳ, sự giả dối, bạo lực, tham lam, hận thù tung hoành, vùng vẫy hay lên ngôi. Thế nhưng mặt trời chân lý có thể bị mây mù che khuất nhưng không bao giờ biến mất; ngọn lửa tình yêu có thể âm ỉ vì sự thù hận nhưng không bao giờ bị dập tắt; cán cân công lý có thể bị chao đảo ngả nghiêng vì sự gian tham hay bạo quyền nhưng không bao giờ bị gãy đổ.

Tuyên xưng Chúa Kitô đã phục sinh là vững tin rằng cuộc đời con người không chấm dứt với cái chết thể lý cho dù đường điện não đồ đã là một vạch thẳng ngang. Có thể có một đôi điều được giữ kín hay được cố tình che giấu ở thế gian này nhưng cánh cửa sự chết sẽ lại phơi bày tất cả và phần đời sau cái chết mới là đích thật vĩnh tồn. Khác với anh em Phật tử, Kitô hữu chúng ta tin nhận những chuyện được mất, hoạ phúc, thắng thua ở trần gian chỉ là tương đối vì chúng có thể thay đổi nhưng khi đã qua cánh cửa sự chết thì không thể đổi thay. Và hạnh phúc đích thật không hề thay đổi của mỗi người chúng ta tuỳ thuộc thái độ sống của ta. Đó là cuộc sống với những bước chân vững vàng trong công lý, nhẫn nại trong tình yêu và hiên ngang trong sự thật ngay ở trần gian này.

Với các ý nghĩa ấy thì Tin mừng Chúa Phục Sinh đã mang lại những hiệu quả đối nghịch sau:

1. “Lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết” (Mt 28, 4): Không riêng gì các lính canh năm xưa, cũng không riêng gì các Thượng Tế năm xưa mà bất cứ ai, ở bất cứ thời đại nào khi đã đặt niềm tin vào bạo quyền, buông mình theo sự tham lam hay hận thù… thì thường có đó sự run rẩy và khiếp sợ dưới hình thái này hay hình thái kia. Tin Mừng Chúa Phục Sinh luôn làm cho những người vinh thân phì da trên xương máu đồng loại chẳng thể được ngủ yên. Tin Mừng Chúa Phục Sinh mãi làm cho những người lợi dụng và lạm dụng quyền chức cách tham tàn, độc ác phải khiếp sợ và run rẩy.

Một khi các cơ chế và luật lệ xã hội đòi hỏi các cán bộ quan chức từ cấp xã phường trở lên đều buộc phải khai báo tài sản và các khoản thu nhập thì chắc hẳn không ít người run rẩy khiếp sợ. Đó đây trên thế giới, khi các chế độ độc tài sụp đổ thì đầu gối nhiều người đã không đứng yên. Nếu giả như nhiều sự thật cần và phải được công khai hóa có điều kiện để minh bạch trước bàn dân thiên hạ thì khối người ăn chẳng ngon và ngủ cũng chẳng yên. Và một thực tế ít ai dám chối cãi đó là khi cái chết gần kề vì bạo bệnh hay vì tuổi tác thì chuyện người ta “vái tứ phương” hoặc tìm cách “lập công quả” để đền bù xuất hiện đầy dẫy đó đây.

2. “Các bà đừng sợ! Hãy về báo cho anh em Thầy…” (Mt 28, 10). Tin Mừng Phục sinh thoạt đầu làm các phụ nữ lẫn các tông đồ sửng sốt. Thế nhưng liền sau đó họ đã hân hoan vui mừng (x.Lc 24, 41). Niềm vui mừng hân hoan của các ngài không dừng lại ở tình cảm chóng qua nhưng đã biến thành hành động can trường lẫn phi thường. Các tông đồ, các môn đệ đã vượt qua mọi nỗi sợ hãi để loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Khổ đau, gian truân, tù đày và cả cái chết cũng chẳng cản được bước chân các ngài.

Tin Mừng Chúa Phục Sinh theo dòng lịch sử đã thúc bách biết bao tâm hồn quảng đại hiến dâng cả cuộc đời, cả mạng sống cho công lý cho sự thật và cho tình yêu. Một cuộc sống mới, một cách sống mới đã hiển hiện nơi những con người vốn mỏng dòn và không thiếu những điều “tham - sân - si”. Tất thảy là nhờ họ đã biết cùng chết với Đức Kitô để cùng sống lại với Người. Đó là niềm tin của họ, một niềm tin làm thay đổi lối sống tận căn (x.Rm 6, 8).

Chúng ta tuyên xưng Chúa đã phục sinh. Nhưng làm sao để lời tuyên xưng của ta khả tín là mang tính thuyết phục? Thiết nghĩ một trong những cách thế tuyên xưng Chúa đã phục sinh có tính thuyết phục nhất đó là hiên ngang trong trong sự thật, là can đảm xây dựng và bảo vệ công lý, là kiên trì nhẫn nại sống yêu thương trong tình liên đới, chia sẻ. Để thực thi những điều ấy, chắc chắn lòng ta không thể vấn vương nhiều nỗi sợ hãi mà nguyên nhân là do sự tham lam bất chính. Phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời người ta (x.Cvtđ 4, 18). Cuộc đời các thánh, đặc biệt các thánh tử đạo là một lời tuyên xưng Chúa đã phục sinh thật tuyệt vời.

Mừng Chúa Phục Sinh là điều chính đáng và phải đạo. Nhưng sống Tin Mừng Chúa phục sinh thì phải đạo và chính đáng hơn nhiều. Một cuộc sống hiên ngang vì công lý, vì sự thật và tình yêu là một bản trường ca Hallêluia bất tận.

Sau phần công bố Tin Mừng Phục Sinh, Cha Chánh xứ Giuse với nghi thức làm phép nước, và lặp lại lời tuyên xưng đức tin theo kinh Tin Kính, Cha Chánh xứ Giuse, đi rảy nước thánh mới trên cộng đoàn.

Thánh lễ tiếp nối với phần lời nguyện, tiến dâng lễ vật, phụng vụ Thánh Thể.

Những bài thánh ca hùng hồn đã thổi đi những đam mê thú vui chóng qua thế trần đem mọi người đến với niềm tin, tin vào Đức Kitô vượt qua đau khổ, đã sống lại từ cõi chết.

Mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện trong đêm cực thánh, có những lời nguyện chung và cũng có tâm tình đau xót riêng tư, xin cùng Chúa bước đi, hiệp hành trên đường thánh giá, để ngày sau cùng sống lại với Người.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 21g40, mọi người ra về trong niềm vui hân hoan mừng Chúa phục sinh. Allêluia!

 

 

 

 

 


 

 

HÌNH ẢNH

Antôn Trần Kiêm Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây