TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tình Nguyện tại Khu Điều trị Covid

Thứ sáu - 20/08/2021 19:38 | Tác giả bài viết: Maria Phạm Ngọc Thảo |   1017
Vào ngày 15/8/2021, xuất phát từ tình yêu Thánh Thể, tôi lên đường tình nguyện tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid theo đoàn thiện nguyện gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo phận Phú Cường.
Tình Nguyện tại Khu Điều trị Covid

 TÌNH NGUYỆN TẠI KHU ĐIỀU TRỊ COVID

WGPPC (20/8/2021) - Vào ngày 15/8/2021, xuất phát từ tình yêu Thánh Thể, tôi lên đường tình nguyện tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid theo đoàn thiện nguyện gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo phận Phú Cường. Khu điều trị Trường Tiểu học Tân Phước Khánh A là nơi tôi được nhận nhiệm vụ cùng với sơ Anna Nha - Tu hội Nữ Sống Thánh Thể.

Hoạt động của khu điều trị

"Một mình em làm không xuể, may có các chị tới mới đỡ!", đó là lời bác sĩ Nguyễn Văn Việt Văn - 26 tuổi, bác sĩ quản lý khu điều trị nơi đây, tâm sự. Bác sĩ cũng tình nguyện từ Bình Định vào đây để chữa trị cho bệnh nhân, là người rất có tâm và nhiệt tình với người bệnh. 

 

 

Lúc chúng tôi mới đến, nơi đây có tới 245 bệnh nhân hoàn toàn là F0 với chỉ duy nhất 1 bác sĩ cùng 10 chú bộ đội làm nhiệm vụ phát cơm và khử khuẩn. Vì số lượng bệnh nhân lớn nên sổ sách, hồ sơ bệnh án rất nhiều... bác sĩ làm không hết việc, do đó "hiệu quả chữa trị bệnh bị giảm rất nhiều", bác sĩ Văn tâm sự. 

Trưa ngày 16/8/2021, nhóm thiện nguyện nơi đây có thêm chị Phương, Hiệu phó Trường Mầm non Hoa Mai, Tân Uyên. Chúng tôi không có chuyên môn y tế nên công việc hiện tại là làm sổ sách và các việc lặt vặt.

Khu điều trị được phun khử khuẩn ngày 2 lần: sáng và tối. Hàng ngày, nghe tiếng loa thông báo, các bệnh nhân xếp hàng đi lấy cơm rất trật tự. Để bệnh nhân đi vào quy củ như hôm nay, các chú bộ đội đã phải vất vả rất nhiều vì: "lúc đầu bệnh nhân chưa quen, họ cứ chạy lung tung chúng em sợ lắm", một bộ đội nơi đây chia sẻ.

Bác sĩ Văn cẩn thận căn dặn các chị em: "các chị hạn chế ra ngoài, nhất là khi có gió thổi, Covid sẽ bay theo hướng của gió. Không cẩn thận là các chị lãnh đủ đó". Khu ở của chúng tôi chỉ cách F0 một sân trường nhỏ, rất gần, nên mọi hoạt động phải hết sức cẩn thận. Dù biết rằng làm như vậy rất nguy hiểm cho cả bác sĩ và tình nguyện viên, "nhưng không còn giải pháp nào tốt hơn vì bệnh nhân quá đông", bác sĩ Văn thổ lộ. 

Một ngày của tình nguyện viên

Lúc 4g30 sáng, tôi và sơ Anna thức dậy, tham dự thánh lễ online, đọc kinh Phụng Vụ và làm các việc thiêng liêng.

Khi những tia nắng ban mai còn e ấp thẹn thùng, ba chị em bắt đầu quét dọn và làm vệ sinh khu điều trị. Đặt tâm tình vào công việc đơn sơ, bé nhỏ này, tôi dâng lên Chúa để cầu nguyện cho các bệnh nhân mau được bình phục.

 

Thỉnh thoảng có những bệnh nhân tò mò cũng ra ngoài lan can để xem chúng tôi làm việc. Có những em bé còn nhỏ lắm! Có em chỉ chừng hơn 1 tuổi, được anh trai khoảng 6 tuổi, ẵm trên tay, thế mà các em cũng phải vào đây. "Em của em không bị bệnh nhưng người nhà vào đây cả, không có ai trông nên phải vào đây ạ", người anh trai nói. Đôi mắt ngây thơ trong trẻo của em bé cứ ngơ ngác nhìn, như chờ mong điều gì, khiến lòng tôi nghẹn ngào khó tả vì thương các em. Dọn dẹp xong, chúng tôi ăn sáng và làm sổ sách phụ bác sĩ. 

Thăm các bệnh nhân Covid

Chiều đến, tranh thủ lúc sổ sách tạm ổn, tôi và sơ Nha đi thăm các bệnh nhân. Tuân thủ thật nghiêm các quy tắc an toàn vì chỉ cần sơ xuất rất nhỏ, chúng tôi cũng có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao.

Bệnh nhân Covid ở đây đa số đã bình ổn. Thấy chúng tôi, họ tranh nhau hỏi: "Em sắp được về chưa?” “Ăn một suất rưỡi cơm mà vẫn dương tính?” “Về cách ly có được ở chung với người nhà không?”

Cùng với nụ cười giòn giã, hai chị em tôi khích lệ và động viên các bệnh nhân: "mọi người giữ vững tinh thần, ăn uống tốt vào thì nhanh được lành bệnh rồi về thôi ạ". Tôi cũng không quên cầu nguyện, nhất là trong các giờ kinh và thánh lễ online, dâng họ lên cho Chúa, cho Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse gìn giữ. Tôi thấy mình thật may mắn vì được hòa mình vào đoàn người đau khổ và đem tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể đến với họ.

Trong các bệnh nhân chúng tôi đến thăm chiều ngày 18/8/2021, có ông Vũ ở Tân Uyên, ông đã già, mái tóc đã bạc màu. Thấy hoàn cảnh đáng thương của ông, ai cũng không khỏi xót xa. Hai chị em tôi đến thăm khi ông đang ăn cơm chiều với đôi mắt đỏ hoe và khuôn mặt buồn lặng lẽ. Bác sĩ Văn cho biết: "Vợ ông mắc Covid và mới mất chiều hôm qua. Ông xin về tang vợ, nhưng không được vì tình trạng bệnh của ông chưa ổn định. Giờ ông có về, chắc cũng chỉ còn thấy tro cốt của vợ thôi vì người ta đã đem đi thiêu luôn rồi". Buồn lắm, nhưng ông vẫn phải ăn để chiến đấu với bệnh tật. Ông tâm sự: "tôi không được về, con tôi ở nhà khóc nhiều lắm!". Nghe thế, chúng tôi không thể làm gì hơn, chỉ còn biết an ủi và động viên ông.

 

Thăm bệnh nhân về, mà hình ảnh của mỗi người vẫn còn in đậm trong trí nhớ và trái tim tôi. Tôi sẽ luôn nhớ đến họ trong lời cầu nguyện.

Lạy Chúa, bệnh dịch là nỗi đau chung của nhân loại, nhưng cũng là cơ hội để chúng con ra đi và phục vụ tha nhân. Xin cho con biết "hủy mình" để trở nên tấm bánh thơm tho, bẻ ra và trao tặng cho tha nhân đau khổ, là hình ảnh của chính Chúa Kitô.

 

Maria Phạm Ngọc Thảo - Tu hội Nữ Sống Thánh Thể

 Nguồn:  giaophanphucuong.org

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây