16.11.2021
THỨ BA TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Thánh Margarita Scotland, trinh nữ
Lc 19, 1-10
ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG
Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19, 8)
Suy niệm: Một câu chuyện đẹp như trong mơ: chỉ cần một ánh mắt nhìn lên cây và việc Đức Giêsu đến ngụ tại nhà Dakêu đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông. Là người giàu có cách bất chính, ông biết mình có lỗi với Chúa và với tha nhân. Để đền bù lỗi lầm này, ông sẵn sàng làm quá những gì luật đòi buộc: đang khi luật buộc đền gấp đôi những gì đã đánh cắp, ông lại đền gấp bốn; ông lại hào phóng cho một nửa tài sản cho người nghèo. Để được Chúa và tha nhân, ông không tiếc xót, sẵn lòng làm những điều lạ thường đặc biệt. Lòng quảng đại cho thấy ông đã nhận được ơn cứu độ. Niềm tin vào Chúa của Dakêu được biểu lộ rõ ràng qua đời sống tương quan cụ thể tốt đẹp với tha nhân.
Mời Bạn: Đức tin là hồng ân Chúa ban nhưng đức tin trưởng thành và tăng trưởng là nhờ sống Lời Chúa mỗi ngày. Sống Lời Chúa là để cho tâm trí bạn mở ra, đón nhận Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy bạn qui hướng về Thiên Chúa và tha nhân. Mời bạn hưởng ứng lời mời gọi của Hội Thánh trong Năm Đức Tin này là thật sự hoán cải, trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới, đồng thời tích cực thi hành bác ái. Đó là phương thế tốt nhất để đức tin bạn thật sự sống động.
Sống Lời Chúa: Tôi tâm niệm: “Đức Tin không có hành động quả là đức tin chết” (Gc 2, 17).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con lòng can đảm và ý chí mạnh mẽ để sẵn sàng thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, hầu đẹp lòng Chúa và mưu ích cho tha nhân. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Mcb 6, 18-31
“Tôi sẽ để lại một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và thánh thiện của chúng tôi”.
Trích sách Macabê quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Êlêazarô, một người trong hàng Luật sĩ vị vọng, ông đã có tuổi và diện mạo oai phong, ông bị người ta cạy miệng bắt phải ăn thịt heo. Nhưng ông thà chết vinh còn hơn sống nhục, nên ông tự ý ra pháp trường. Hiểu rằng ông phải xử trí như thế nào, ông nhẫn nại chịu đựng, khẳng khái không ăn đồ cấm vì ham sống. Các bạn cố tri đứng đó cảm thương ông, gọi lén ông ra khuyên ông xin người ta đem cho ông các thứ thịt ông có phép dùng, rồi ông chỉ giả vờ ăn thịt cúng như nhà vua đã truyền; làm như thế ông sẽ thoát chết; và do tình bạn cố tri, họ đã tỏ lòng nhân đạo như vậy đối với ông. Nhưng nghĩ đến địa vị bậc lão thành, mái tóc bạc khả kính, cách ăn ở tốt đẹp từ thời niên thiếu, mà nhất là sống xứng với lề luật thánh mà chính Thiên Chúa đã lập, ông liền trả lời, bảo họ rằng ông sẵn sàng chịu chết. Ông nói:
“Vì ở tuổi chúng tôi không nên giả vờ, kẻo nhiều thanh niên tưởng rằng Êlêazarô đã chín mươi tuổi đầu mà còn theo lối sống của dân ngoại. Rồi vì sự giả vờ của tôi để sống thêm một ít lâu nữa, tôi sẽ làm cho chính họ cũng lầm lạc, và vì thế, tôi sẽ chuốc lấy nhơ nhớp và ố danh cho tuổi già của tôi. Mà dầu tôi có thoát khỏi hình phạt của loài người, thì dầu sống dầu chết, tôi sẽ không thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa toàn năng. Bởi thế, nếu giờ đây tôi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già của tôi; tôi sẽ để lại cho các thiếu niên một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và thánh thiện của chúng tôi”.
Nói đoạn ông liền bị điệu đến pháp trường. Các người áp giải ông đổi lòng thiện cảm họ có đối với ông trước kia thành ác cảm, vì các lời ông vừa nói mà họ cho là điên khùng. Khi sắp chết vì đòn vọt, ông thều thào trong hơi thở cuối cùng: “Lạy Chúa là Ðấng thông minh chí thánh, Chúa cũng thấu rõ là con có thể thoát chết, nhưng con xin chịu đòn vọt đau đớn trong thân xác con, với niềm vui trong lòng vì kính sợ Chúa”. Và như thế ông từ giã cuộc đời, để lại không những cho các thanh niên mà còn cho toàn dân một tấm gương anh dũng và một lưu niệm đạo đức.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 3, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Chúa đã nâng đỡ tôi (c. 6b).
Xướng: Thân lạy Chúa, nhiều thay người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con! Về con, nhiều kẻ thốt ra lời: “Hết trông hắn được Chúa Trời cứu độ”.
Xướng: Nhưng lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. – Tôi lên tiếng kêu cầu Chúa, và Chúa đã nghe tôi từ núi thánh của Ngài. – Ðáp.
Xướng: Tôi nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng tôi. Tôi không kinh hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại tôi.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 3, 1-6. 14-22
“Ai mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào dùng bữa tối ở nhà người ấy”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã nghe Chúa phán bảo tôi rằng: “Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Sarđê rằng: ‘Ðây là lời Ðấng có bảy thần linh Thiên Chúa và bảy ngôi sao: Ta biết các việc của ngươi làm; ngươi có tiếng là đang sống, nhưng ngươi đã chết. Hãy lo tỉnh dậy, hãy bồi dưỡng chút sinh khí sắp tàn. Vì Ta không thấy các việc ngươi làm trọn hảo trước mặt Thiên Chúa Ta. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã đón nhận và nghe lời Chúa thế nào, hãy giữ lấy lời ấy và hãy ăn năn hối cải. Vì nếu ngươi không tỉnh thức, Ta sẽ đến với ngươi như một kẻ trộm, ngươi sẽ không biết giờ nào Ta sẽ bất chợt đến cùng ngươi. Nhưng tại Sarđê ngươi có một số người đã không làm dơ bẩn áo của họ; và họ sẽ tháp tùng Ta trong bộ áo trắng của họ vì họ xứng đáng. Như vậy kẻ chiến thắng sẽ mặc áo trắng, và Ta sẽ không xoá bỏ tên người ấy khỏi Sách hằng sống, và Ta sẽ tuyên danh người ấy trước mặt Cha Ta và các thiên thần Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn.
“Hãy viết cho giáo đoàn Laođicia rằng: ‘Ðây là lời của Amen, chứng nhân trung thực, nguyên thuỷ công trình sáng thế của Thiên Chúa. Ta biết các việc làm của ngươi: ngươi không lạnh mà cũng không nóng; phải chi ngươi lạnh hẳn hoặc nóng hẳn đi! Bởi vì ngươi hâm hẩm, không lạnh không nóng, nên Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Bởi vì ngươi nói rằng: Tôi giàu có, tôi sung túc, tôi không thiếu thốn gì nữa. Bởi vì ngươi không biết rằng thực ra ngươi vô phúc, đáng thương, nghèo khó, đui mù và trần trụi. Vậy ngươi hãy nghe lời Ta khuyên bảo: Hãy mua vàng ròng mà làm giàu, mua áo trắng tinh mà mặc, hầu che giấu sự trần trụi xấu hổ của ngươi; hãy mua thuốc nhỏ vào mắt, cho mắt ngươi được sáng. Ta răn bảo và sửa dạy những kẻ Ta yêu thương. Vậy hãy sốt sắng hơn lên và hối cải đi. Này Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta. Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã chiến thắng và ngự với Cha Ta trên ngai của Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
Ðáp: Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta (Kh 3, 21).
Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
Xướng: Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.
Xướng: Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.
Alleluia: Lc 21, 28
Alleluia, alleluia! – Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 19, 1-10
“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”. Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA KHÁC VỚI LOÀI NGƯỜI (Lc 19, 1-10)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Bản chất của Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, vì thế: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20a). Khi Đức Giêsu đến, Ngài là hiện thân của Lòng Thương Xót nơi Thiên Chúa, nên chính Ngài đã nói: “Con Người đến tìm kiếm và cứu những gì đã mất”.
Câu chuyện về ông Dakêu khi được Đức Giêsu ngỏ ý về nhà ông và cuộc sám hối cũng như hành động bác ái của ông cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Nếu người Dothái nhìn ông Dakêu dưới con mắt khinh thường, căm phẫn như tội đồ của dân tộc, ngang hàng với hạng gái điếm, đáng phải nguyền rủa và phải chết, nên không bao giờ tha thứ cũng như không thể đội trời chung, thì Đức Giêsu nhìn ông với con mắt nhân từ và sâu thẳm, nhìn với con mắt mong muốn được ban ơn cho ông nếu ông trở về với lương tâm chân chính!
Chính cái nhìn bao dung và đầy lòng thương xót của Đức Giêsu đã khiến ông khám phá và tìm ra được chìa khóa của sự bình an nội tâm. Vì thế, ông đã làm một cuộc cách mạng thay đổi tận căn khi sẵn sàng phân nửa tài sản cho người nghèo; sẵn sàng đền gấp bốn khi đã chót cưỡng đoạt của ai đó điều gì…!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn cảm thông, yêu thương như Đức Giêsu. Cần có thái độ ghét tội chứ không được ghét người có tội. Vì thế, phải yêu thương và gần gũi những kẻ tội lỗi để nâng đỡ và giúp họ vượt ra khỏi con đường lầy lội trong tội mà họ đang vướng vào.
Mặt khác, Lời Chúa cũng mời gọi chính chúng ta, mỗi lần rước lễ, ấy là lúc chúng ta được hạnh phúc tuyệt vời khi có Chúa hiện diện trực tiếp trong tâm hồn mình. Thế nên, chúng ta cần phải thay đổi đời sống của mình để trở thành người tốt hơn. Nếu trước kia, chúng ta luôn có cái nhìn kết án, ghen ghét, ích kỷ, vụ lợi, thì giờ đây, mỗi lần rước Mình Thánh Chúa vào lòng, chúng ta hãy có thái độ tha thứ, bao dung, bác ái với mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa là nhân từ, hiền hậu và bao dung. Xin Chúa cũng cho chúng con biết sẵn sàng tha thứ và bác ái với tha nhân khi chúng con nhận ra chính mình cũng được Thiên Chúa thứ tha và yêu thương. Amen.
CON CHẲNG ĐÁNG CHÚA NGỰ VÀO NHÀ CON
(Thứ Ba sau Chúa Nhật XXXIII TN – Lc 19,1-10) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Bài Tin Mừng hôm nay, thứ Ba sau Chúa Nhật XXXIII TN là một trong những bài Tin Mừng trích đọc trong Thánh lễ Cung hiến đền thờ đó là đoạn Tin Mừng kể về chuyện ông Giakêu, người đứng đầu những người thu thuế. Người Do Thái thời bấy giờ liệt quy người thu thuế vào nhóm những người tội lỗi, ngang hàng với phường bán thân nuôi miệng. Người thu thuế bị xem phạm hai tội lớn. Tội thứ nhất là làm tay sai cho đế quốc Rôma, đế quốc đang đô hộ nước Israel lúc ấy và tội thứ hai là bóc lột đồng bào vì họ thường thu thuế cao hơn mức ấn định để tư lợi. Giakêu lại là người đứng đầu nhóm thu thuế, hẳn ông biết định kiến của người Do Thái thời bấy giờ đối với ông.
Nghe biết Chúa Giêsu sắp đi ngang qua, Giakêu vội trèo lên một cây sung. Trèo lên cây sung để nhìn xem Ngài Giêsu mặt mũi ra sao mà người tiếng tăm đang lừng lẫy khắp nơi. Vóc dáng không cao bằng ai thì phải trèo lên cây, nhưng cũng có thể vì không muốn đám đông phát giác ra mình. Ẩn mình là một cung cách thường thấy của tội nhân đang còn chút lương tri.
Tưởng đâu kế hoạch, chương trình êm xuôi. Ai ngờ Ngài Giêsu chợt đứng lại bên gốc cây sung, ngước lên và gọi: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông”. Chưng hửng trước một lời ngỏ ý mà chẳng khác gì mệnh lệnh, ông Giakêu vội tụt xuống ngay. Ngài gọi đích danh là Ngài đã biết rõ mình. “Lạy Chúa, Chúa Ngài dò xét con và ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi…” (Tv 139). Ngài biết rõ mình mà Ngài còn ngỏ ý ngự vào nhà mình. Chuyện như không tưởng mà đang hiện thực. Chuyện thật khó tin mà đang xảy ra. Sự chưng hửng, sự bất ngờ không át được niềm vui.
Điều gì làm cho một nơi nào đó, một công trình kiến trúc nào đó thành đền thờ? Là nơi đã được làm phép hay cung hiến để các tín hữu quy tụ nhau tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích… Một câu trả lời thật chính xác, nhưng chưa thật bao quát và cũng chưa đúng trọng tâm, vì mới chỉ mô tả những dữ kiện bên ngoài. Với câu trả lời ở trên thì không thể giải thích vì sao gọi tâm hồn, thân xác chúng ta cũng có thể là đền thờ. Vẫn có đó những nơi đã được làm phép dành cho việc tế tự nhưng đã trở thành nơi buôn bán, thành hang trộm cướp (x.Ga 2,16; Lc 19,46).
Đền thờ là nơi có Chúa ngự. Một câu trả lời ngắn gọn mà khá đủ đầy ý nghĩa. Ở đâu có Chúa ngự thì đó chính là đền thờ. “Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay, tôi ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự nguyện đến với nhà Giakêu. Hôm ấy, nhà Giakêu, đúng hơn là con người Giakêu đã thành đền thờ chăng? Theo lôgich thì chắc chắn như thế. Tuy nhiên ta vẫn cứ ngờ ngợ làm sao. Cũng như đám đông dân Do Thái lúc bấy giờ, chúng ta có thể tự hỏi: “Sao Chúa có thể ngự vào cái nơi không xứng đáng được?
Theo triết học, khi biết đặt vấn đề là lúc ta biết cách giải quyết vấn đề một cách nào đó. Nào ta lại đặt câu hỏi: Vì nơi ấy xứng đáng, vì ta xứng đáng nên Chúa mới ngự vào hay ngược lại nhờ Chúa đoái thương ngự đến nên ta hay nơi ấy trở nên xứng đáng? Quả thật thế gian này, chẳng có ai, chẳng có nơi nào xứng đáng làm nơi Chúa ngự, vì trời là ngai của Chúa và đất là bệ chân của Người. Dù là rực rỡ như đền thờ vua Salômon xây, hay nguy nga tráng lệ như các ngôi Thánh đường ở Rôma, thì tự chúng cũng chẳng đáng chút nào dành cho Đấng Tối Cao, Đấng ngàn trùng chí thánh. “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…” (Mt 8,8 tt). Câu nói của viên bách quản như là một lời tuyên tín khiến Chúa Giêsu đã khen ngợi: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.” (Mt 8,10). Hội Thánh đã lấy lại lời của viên bách quản để tuyên tín trước khi đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…” Chúng ta đừng quên, không chỉ đoàn tín hữu tham dự Thánh lễ mà cả vị chủ tế (các vị đồng tế, nếu có) đều phải đọc lời này trước khi rước Thánh Thể vào lòng.
Chính nhờ Chúa đến, Chúa thương ngự vào thì ta mới nên xứng đáng. Chúa đến và Giakêu đã nên xứng đáng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9). Chính nhờ Chúa đến, một Lêvi đã trở thành Tông đồ Matthêu. Chính nhờ Chúa đến mà trần gian đang chìm trong bóng tối đã trở nên sáng láng huy hoàng (x.Ga 1,5). Nhờ Chúa đến, con tim của Giakêu trước đây vốn đóng kín bằng sự hám lợi ích kỷ nay đã mở ra trong sự công bằng và tình yêu: “Thưa Ngài, này đây phân nửa gia tài của tôi, tôi chia cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).
“Nhà Ta là Nhà cầu nguyện” (Lc 19,46). Với các đền thờ vật chất hữu hình thì không gì hơn hãy tích cực làm cho chúng trở thành là nhà cầu nguyện. Nghĩa là làm cho chúng trở thành nơi gặp gỡ giữa Chúa và ta, giữa chúng ta với nhau trong tình Chúa. “Này đây, Ta đứng trước và gõ. Ai nghe tiếng ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Thiên Chúa đi bước trước, nhưng Người vẫn luôn tôn trọng sự tự do đáp trả của chúng ta. Để cho chính tâm hồn và thân xác chúng ta trở nên đền thờ, thì cần có sự đáp trả chân thành. Một vài thái độ đáp trả cần có:
- Tin vào tình thương và quyền năng của Chúa.
- Khiêm nhu nhìn nhận sự yếu đuối, tội lỗi, bất xứng của chính mình.
- Quyết tâm đổi thay đời sống, biết mở tấm lòng để sống xứng với ân tình của Chúa.
Các đền thờ gỗ đá vẫn luôn là cần thiết. Tuy nhiên chính tâm hồn chúng, thân xác chúng ta là nơi Chúa thích ngự vào hơn cả. Tích cực góp phần xây dựng các đền thờ gỗ đá là một hành vi đáng quý, nhưng nỗ lực dệt xây các đền thờ sống động vẫn đáng quý hơn nhiều. Những tâm hồn đầy tràn đức ái trên nền tảng đức công bình, những con người biết sống yêu thương cách liêm chính đúng thực là những đền thờ, vì “đâu có tình yêu thương là ở đấy có Đức Chúa Trời hiện diện”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn