13/01/2022
THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN
Thánh Hilariô, Giám mục tiến sĩ
Mc 1, 40-45
THƯƠNG XÓT NHƯ THẦY MÌNH
Đức Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đụng đến anh và bảo: “Ta muốn, anh sạch đi.” (Mc 1, 41)
Suy niệm: “Tôi luôn nhận ra rằng lòng nhân từ sinh hoa trái phong phú hơn là sự công bằng tuyệt đối” (Tổng thống Mỹ A. Lincoln). Lẽ ra người phong cùi này phải đứng cách Đức Giêsu hai mét như luật định. Lẽ ra Ngài không được phép đụng vào anh như lề luật chỉ rõ. Thế nhưng, đối với Đức Giêsu, trong cuộc sống chỉ có luật duy nhất là luật yêu thương, cần và phải bày tỏ lòng thương xót với người thân cận. Bàn tay thanh sạch của Ngài đụng đến anh, một kẻ không được đụng đến. Điều kỳ diệu đã xảy ra: chứng phong biến mất, anh được thanh sạch. Nét độc đáo của Kitô giáo là đụng đến người không ai muốn đụng đến, yêu người không ai muốn yêu, và tha thứ cho kẻ không ai muốn tha thứ, vì Chúa của mình đã làm như vậy.
Mời Bạn: “Không ai hư mất trong mắt Thiên Chúa, ngay cả khi xã hội đã kết án người ấy” (Hồng y J. Lustiger). Bạn hãy nhìn ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, rồi thực hiện lòng thương xót ấy với những người đau khổ chung quanh bạn: đau khổ thể xác, đau khổ tinh thần. Bạn cũng không loại trừ ai ra khỏi thế giới bạn, vì không ai bị hư mất trong cái nhìn của Chúa.
Sống Lời Chúa: Lâu nay tôi thường đối xử khắc nghiệt, không khoan dung với ai? Hôm nay tôi sẽ thay đổi cách ứng xử, bày tỏ lòng trắc ẩn, nhân từ với những người anh em ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhìn ngắm mẫu gương yêu thương của Chúa qua việc bày tỏ lòng thương xót với những người bất hạnh. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, luôn cư xử với nhau trong lòng nhân ái. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 3, 7-14
“Chúng ta hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là Hôm Nay”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, như Thánh Thần phán rằng: “Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng như thời chống đối, như ngày thử thách trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã thách thức Ta, dù đã chứng nhận và thấy các việc Ta làm trong bốn mươi năm; vì thế Ta đã phẫn nộ với thế hệ đó và phán rằng: Tâm hồn chúng luôn luôn lầm lạc, chúng không nhận biết đường lối của Ta, nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ rằng: Chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta”.
Anh em thân mến, anh em hãy coi chừng, kẻo có ai trong anh em thiếu lòng tin, lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Mỗi ngày anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là “Hôm Nay”, để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá. Vì chúng ta được đồng phần cùng Ðức Kitô, nếu chúng ta giữ vững lòng tin thuở ban đầu cho đến cùng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 6-7. 8-9. 10-11.
Ðáp: Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).
Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.
Xướng: Ròng rã bốn chục năm, dòng giống này thực Ta đã ngán, khiến Ta thốt ra: dân lạc tâm địa chính thị bọn này, và bọn này không hiểu biết đường lối của Ta. Bởi thế, Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: không khi nào chúng sẽ vào chốn nghỉ an Ta!
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 4, 1-11
“Israel thất trận và hòm bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, những người Philitinh kéo đến gây chiến, và Israel phải xuất quân chống lại và đóng binh tại gần nơi gọi là Tảng Ðá Phù Hộ, còn người Philitinh đóng quân tại Aphê và giàn trận đánh dân Israel. Vừa giáp trận, dân Israel đã phải rút lui trốn khỏi quân Philitinh; và trong trận đó có khoảng bốn ngàn binh sĩ bị giết rải rác khắp đồng ruộng. Khi tàn quân trở về trại, các kỳ lão Israel nói rằng: “Tại sao hôm nay Thiên Chúa sát hại chúng ta trước mặt quân Philitinh? Chúng ta hãy đem hòm bia Thiên Chúa từ Silô đến giữa chúng ta, để cứu chúng ta khỏi tay quân thù”.
Rồi dân chúng phái người đến Silô đem hòm bia Thiên Chúa các đạo binh ngự trên các vệ binh thần (tới). Hai con Hêli là Ophni và Phinê cùng đi theo hòm bia Thiên Chúa. Và khi hòm bia Thiên Chúa đến trại, toàn dân Israel lớn tiếng hoan hô vang trời dậy đất. Quân Philitinh nghe tiếng hoan hô, liền hỏi nhau rằng: “Tại sao trong trại quân Do-thái có tiếng hò la vang dậy?” Khi biết là hòm bia Thiên Chúa đã đến giữa trại, quân Philitinh sợ hãi và nói: “Thiên Chúa đã ngự đến trại quân địch”. Rồi chúng kêu than rằng: “Vô phúc cho chúng ta, mấy bữa nay đâu có tiếng hò la như vậy. Thật vô phúc cho chúng ta. Ai sẽ cứu chúng ta thoát khởi tay những vị thần minh cao siêu đó? Ðây là những thần minh đã giáng biết bao tai hoạ trên những người Ai-cập nơi hoang địa. Hỡi người Philitinh, hãy can đảm và hiên ngang, đừng chịu làm nô lệ dân Do-thái như chúng đã làm nô lệ chúng ta. Hãy can đảm mà chiến đấu”. Vậy người Philitinh giao chiến, và dân Israel bị bại trận, và mạnh ai nấy chạy về trại mình. Và thật là một đại hoạ, bên Israel có đến ba mươi ngàn bộ binh tử trận. Hòm bia Thiên Chúa cũng bị chiếm đoạt. Cả hai con Hêli là Ophni và Phinê cũng tử trận.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 43, 10-11. 14-15. 24-25
Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu chúng con theo lòng từ bi của Chúa
Xướng: Nay Chúa đã xua đuổi và để chúng con đầy nhuốc hổ, Chúa không xuất trận với quân đội chúng con. Chúa đã bắt chúng con phải tháo lui trước quân thù, và những kẻ thù ghét chúng con tha hồ cướp của.
Xướng: Nay Chúa đã xua đuổi và để chúng con đầy nhuốc hổ, Chúa không xuất báng chê cười. Bị các quốc gia tha hồ chế nhạo, và bị các dân tộc trông thấy lắc đầu.
Xướng: Nay Chúa đã xua đuổi và để chúng con đầy nhuốc hổ, Chúa không xuất xua đuổi chúng con muôn đời. Sao Chúa lại ẩn giấu thiên nhan, Chúa quên lãng cảnh chúng con chịu thống khổ và áp bức?
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 40-45
“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hoá, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
YÊU THƯƠNG ĐỂ TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA (Mc 1, 40-45)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Khi Đức Giêsu đến trần gian, sứ vụ của Ngài là đến với những người nghèo để chữa lành cho họ. Ngài luôn coi đây là điều căn cốt, bởi lẽ bệnh tật theo quan niệm của người Dothái nó gắn liền với tội và hệ lụy của nó là bị Thiên Chúa phạt.
Hơn nữa, bệnh phong cùi lại là thứ bệnh nan y, hay lây và bị người đương thời coi thường, khinh bỉ. Những ai mắc phải thứ bệnh khốn khổ này thì buộc phải sống cách ly khỏi dân chúng. Thường thì họ chọn nơi mồ mả để sinh hoạt. Họ bị cấm đi lại nơi công cộng, và nếu có đi đâu gần dân chúng thì buộc phải lắc chuông để báo cho mọi người biết mà tránh cho xa kẻo bị lây và nhiễm uế.
Tuy nhiên, anh này hôm nay thật may mắn vì đã gặp được Đấng đang tìm anh để chạnh lòng thương anh. Thật vậy, khi gặp người phong cùi này, Đức Giêsu đã không tránh xa, mà ngược lại, Ngài đã đến gần và chạm vào anh để anh được sạch. Không những thế, Ngài còn phục hồi nhân phẩm cho anh khi truyền cho anh đi báo với Tư Tế để được hòa nhập với cộng đồng.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy noi gương người phong cùi, mạnh dạn đến với Chúa, hãy mở rộng tâm hồn cho Đấng đầy yêu thương đụng chạm tới mình, để Ngài chữa lành tâm hồn đui hủi của chúng ta là những thói hư tật xấu và tội lỗi, khô khan, nguội lạnh, thờ ơ với Chúa và vô cảm với anh chị em.
Hơn nữa, chúng ta hãy xin với Chúa cho đôi chân biết đi tới, đôi tay biết vươn xa, và nhất là trái tim biết rộng mở, để đón nhận những anh chị em đau khổ, bệnh tật cả về tinh thần lẫn thể xác, hầu xoa dịu những đau khổ mà anh chị em chúng ta đang phải gánh chịu. Chỉ có thế, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Thầy Giêsu mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa chữa lành những căn bệnh trong tâm hồn chúng con, để chúng con được trở nên trong sạch. Xin Chúa cho chúng con được hiểu rằng, hạnh phúc của người khác là niềm vui của mình và là vinh quang của Thiên Chúa. Amen.
AI LÀ CHỦ: BÌNH SÀNH HAY THỢ GỐM?
(Thứ Năm sau Chúa Nhật I TN – 1Sm 4,1-11; Mc 1,40-45)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Dòng lịch sử cho chúng ta thấy hiện tượng đời sống tâm linh là nét riêng có của loài người. Theo chiều kích này thì người ta có thể nói: “con người là sinh vật có “tín ngưỡng - tôn giáo”. Vào thời đại sơ khai khi đối diện với các mãnh lực của thiên nhiên thì con người ít nhiều mặc lấy tâm tình sợ hãi. Vị thế nảy sinh nhiều hình thức kính tôn, sùng bái bằng các lễ vật dâng tạ, có khi bằng cả mạng sống con người. Bên cạnh đó việc xây đền đài, tạc tượng ảnh thần minh cũng dần phát sinh. Chuyện gì đến rồi sẽ đến. Có lễ vật lấy lòng thần minh thì muốn chiếm luôn lòng của thần đã hưởng lộc của mình. Tạc tượng ảnh thần minh và xây đền cho thần ngự thì lại dần muốn “nhốt” thần, sở hữu thần và điều khiển thần.
Chước cám dỗ này hiện rõ trong lịch sử dân được tuyển chọn, Israel. Khi Môisen lên núi thì dân đã yêu cầu Aaron tạc tượng con bê vàng. Không phải dân Chúa đan tâm bỏ Chúa mà đi thờ bò vàng. Thực ra họ muốn làm một cái ngai để Thiên Chúa ngự. Thiên Chúa đã ngự trên cái ngai “con bò vàng” này thì họ sẽ nắm giữ được Thiên Chúa và dĩ nhiên sẽ điều khiển được Người theo ý họ. Sau khi vào hứa địa dân Chúa lại sử dụng hòm bia thánh và qua đó muốn buộc Thiên Chúa phải phục vụ cho lợi ích của họ. Hai người con của tư tế Hêli là Ophni và Phinê dù cũng là hàng tư tế nhưng thiếu phẩm hạnh. Lần kia khi giao chiến với quân Philitinh, hai ông đem hòm bia thánh ra trận, một cách nào đó muốn bắt Thiên Chúa đánh giặc cho mình. Ai ngờ quân Israel hôm ấy thảm bại và mất luôn cả hòm bia thánh vào tay quân Philitinh (x.1Sm 4,1-11).
Chiếc bình sành mà muốn làm chủ người thợ gốm là chước cám dỗ muôn thuở của kiếp người. Là tạo vật thì phải thần phục Đấng Sáng Tạo. Thế mà khi các lễ nghi, kinh kệ ra đời, khi các đền đài được xây, khi các ảnh tượng được làm thì con người dễ lầm tưởng rằng mình đã nắm được các thần minh. Luật Cựu Ước cấm dân Chúa không được tạc vẽ hình tượng Thiên Chúa là tránh cho dân khỏi rơi vào chước cám dỗ này. Chúa Giêsu đã từng căn dặn là khi cầu nguyện chớ có nhiều lời như bà con lương dân hay anh chị em khác đạo vì họ lầm tưởng rằng đọc đủ đầy các kinh kệ thì thần mình phải thực hiện ý nguyện của mình (x.Mt 6,7).
Bài Tin Mừng ngày thứ Năm sau Chúa Nhật I mùa Thường Niên tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người phung cùi (x.Mc 1,40-45). Lời van xin của người phung cùi với Chúa Giêsu thật đẹp: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. “Nếu Ngài muốn”, một lời tuyên xưng đức tin thật rõ ràng. Người phung cùi nhìn nhận Chúa Giêsu mới thực sự là người chủ có quyền năng và không ai có thể bắt Người làm những gì nếu Người không muốn.
Ranh giới giữa việc xin Chúa ban ơn lành và việc bắt Chúa ban ơn lành quả thật rất mỏng manh. Một lòng đạo đức mà thiếu ý thức và sự trưởng thành thì sự lấn ranh rất dễ xảy ra. Điều đáng cẩn trọng hơn, đó là nhiều tâm tình phó thác những tưởng rằng tốt nhưng thực ra là lỗi “đức trông cậy”, vì thụ động, quá ỉ lại, vi lười biếng hoặc sợ hãi mà chờ hoặc bắt Thiên Chúa phải ra tay. Vẫn có đó nhiều lời than thở như trách cứ: “Tại sao Chúa lại để cho sự dữ lan tràn? Tại sao nhiều kẻ độc tài, gian ác vẫn nhởn nhơ?” Nhưng Thiên Chúa sẽ trả lời: “Ta đã dựng nên ngươi. Ngươi là chiếc bình sành. Ta là người thợ gốm. Hãy làm điều Ta muốn!”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn