TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 10/01/2022 17:51 |   1482
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Chúa Giêsu. Cả thành xúm lại trước cửa. (Mc 1, 32-33)

12/01/2022
THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

 

t4 t1TN

Mc 1, 29-39

VÒ RỖNG BÊN GIẾNG NƯỚC

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Chúa Giêsu. Cả thành xúm lại trước cửa. (Mc 1, 32-33)

Suy niệm: Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay vẫn có đông đảo con người “hy vọng được thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất trong tâm hồn, chỉ có ước muốn ấy mới có thể đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống.” Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vừa qua khẳng định như thế và ví con người thời đại hôm nay như đang ngồi cạnh giếng nước với một chiếc vò rỗng, tựa người phụ nữ xứ Samari xưa. Giáo Hội ý thức bổn phận phải ngồi cạnh những con người nam nữ thời nay, người già-người trẻ, người giàu-người nghèo… để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ và để họ được gặp Chúa, vì chỉ mình Chúa là nước ban sự sống đích thực và là Đấng duy nhất nói cho con người về sự thật trong tâm hồn mỗi người và chữa lành mọi người. Nhu cầu hồi sinh đức tin trong thế giới càng lớn, thì trách nhiệm Kitô hữu càng nặng nề, đòi hỏi khẩn thiết mọi Kitô hữu tiếp tục vị trí của Chúa Giêsu bên cạnh những người đang trong cơn bệnh và cơn khát được sống, tiếp tục công việc của Ngài rót vào tâm hồn họ sự sống của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Các Tông Đồ, các vị tử đạo, các thừa sai đã cảm thấy bất hạnh nếu không loan báo Chúa Giêsu cho mọi người. Bạn thì sao?

Chia sẻ: Bạn làm gì để có thể giúp hồi sinh đức tin cho người bên cạnh?

Sống Lời Chúa: Mạnh dạn giới thiệu Chúa Giêsu cho một người gần bên bạn.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin khơi lại cho chúng con những điều phải tin, những việc phải làm, để đức tin chúng con mỗi ngày thêm sâu sắc và trưởng thành hơn. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 2, 14-18

“Người phải nên giống anh em mình mọi đàng”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người, mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng, Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9.

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng: Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa.

Xướng: Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn.

Xướng: Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.

Xướng: Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaác.

Bài Ðọc I: (Năm II) Sm 3, 1-10. 19-20

“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, trẻ Samuel phục vụ trước mặt Hêli. Thời ấy, ít khi Chúa phán và hiện ra. Ngày nọ, Hêli đang nằm tại chỗ mình, mắt ông đã loà và không còn thấy được: Ðèn chầu chưa tắt, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt hòm bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel! Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa. Toàn dân Israel, từ Ðan tới Bersabê, đều nhận biết Samuel là tiên tri trung thực của Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 5. 7-8a. 8b-9. 10

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa

Xướng: Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa, không theo kẻ thờ thần tượng, không hướng về chuyện gian tà. – Ðáp.

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.

Xướng: Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 29-39

“Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hoá, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỐNG TINH THẦN LIÊN ĐỚI (Mc 1, 29-39)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Chúng ta đã nghe đây đó lời của một bài hát, trong đó có đoạn: “Sống trong cuộc sống, cần có một tấm lòng”. Thật vậy, trong một xã hội ngày càng giàu có, tiện nghi sang trọng, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên; điện, đường, trường, trạm được mọi người quan tâm… Tuy nhiên, về tinh thần liên đới, trách nhiệm, đạo đức… thì e rằng đang xuống cấp hơn bao giờ hết! Những chuyện vô lương tâm, tàn nhẫn, bất trung diễn ra nhan nhản đến mức báo động! Lại có những chuyện tưởng chừng chỉ trong tiểu thuyết, thì giờ đây nó lại xảy ra như cơm bữa trong đời sống hằng ngày…!

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa bệnh cho mẹ vợ ông Simon. Mẹ vợ ông Simon được Đức Giêsu biết đến là nhờ vào sự liên đới của mọi người, họ kể cho Ngài nghe về bệnh tình của bà.

Phải chăng Đức Giêsu cần sự thông báo của người ta? hay Ngài buộc họ phải nói thì Ngài mới ra tay cứu giúp? Không! Tuy nhiên, cứ theo cảm tính tự nhiên, thì việc quan tâm này rất cần thiết vì nó thể hiện sự yêu thương, liên đới tới nhau.

Sứ điệp Lời Chúa hôn nay mời gọi mỗi chúng ta hãy sống tinh thần yêu thương, liên đới, để cho ý Chúa được thể hiện trong cuộc sống thường ngày của mình, và để cho mọi người nhận ra chúng ta là con cái của Chúa khi mỗi người sống bác ái, xây dựng tình huynh đệ trong cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa sẽ không vui khi chúng con sống mà chỉ biết mình. Nhưng Chúa sẽ vui biết bao khi chúng con sống liên đới với tha nhân, nhất là biết giúp đỡ những người khổ đau, nghèo đói.

Xin Chúa ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con yêu với tình yêu không phân biệt. Amen.
 

CHỦ ĐỘNG KIẾM TÌM

tbd 100122a

(Thứ Tư sau Chúa Nhật I TN – 1Sm 3,1-10.19-20; Mc 1,29-39)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Kitô hữu chúng ta dưới ánh sáng lời mạc khải tin nhận rằng để sống và hành động tốt đẹp thì phải thuận theo thánh ý Thiên Chúa. “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con biết việc phải làm…” là lời kinh mà hầu như ai cũng thuộc. Tuy nhiên điều chúng ta cần lưu ý là cách thế kiếm tìm thánh ý Chúa. Có thể phân việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa thành hai loại đó là thụ động và chủ động.

Bài đọc thứ nhất trích sách Samuel tường thuật chuyện trẻ Samuel được Thiên Chúa trực tiếp tỏ bày thánh ý của Người và Samuel lắng nghe, đón nhận (1Sm 3,1-10). “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Hình thức Thiên Chúa phán trước và Samuel lắng nghe có thể xếp vào loại “thụ động”. Hình thức này xem ra khá phổ biến trong Giáo hội Công giáo. Bề trên truyền, bề dưới nhận. Bề trên phán, bề dưới tuân theo. Đã từng một thời người ta gọi là “đức vâng phục” khi bề trên bảo gì thì làm nấy, thậm chí đã có thời được minh họa cách quá khích là biểu trồng chuối ngược cũng trồng! Vâng phục cách thụ động xem ra chưa thực sự trưởng thành nếu không muốn nói có nhiều trường hợp là rất “ấu trĩ”. Và dĩ nhiên khi thiếu sự trưởng thành thì tinh thần trách nhiệm bị hạn chế rất nhiều.

Bài Tin Mừng tường thuật một ngày hoạt động của Chúa Giêsu. Đến thăm nhà ông Simon, Chúa Giêsu chữa lành bệnh cảm sốt cho bà mẹ vợ ông và chữa lành cho dân chúng những chứng bệnh khác nhau và xua trừ nhiều quỷ (x.Mc 1,29-34). Sáng sớm hôm sau, khi trời còn tối, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện để kết hiệp với Cha trên trời và để nhận biết thánh ý của Cha. Chúa Giêsu chủ động tìm kiếm thánh ý Chúa Cha. Tính chủ động thể hiện qua hành vi đi bước trước. Và trong cách thế kiếm tìm cách chủ động thì thánh ý Thiên Chúa không đến với chúng ta cách mình nhiên rõ ràng như trường hợp Thiên Chúa phán với Samuel mà thường là bàng bạc, mặc nhiên như trong trường hợp Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu phải là người quyết định. Dù dân chúng đi tìm Chúa Giêsu và muốn níu kéo Người ở lại thì Chúa Giêsu đã cương quyết: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,28).

Khi chúng ta tự quyết định tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa cách chủ động thì luôn kèm theo tinh thần trách nhiệm. Đây là thái độ sống của người con cái trưởng thành. Sống với tinh thần trách nhiệm quả là không dễ. Chính vì thế mà có đó nhiều người thích nhận được thánh ý Thiên Chúa cách minh nhiên rõ ràng, cách riêng qua ý của bề trên. Quả thật đã làm bề trên thì cũng thích bề dưới vâng lời cách thụ động kiểu “bảo gì, làm nấy”, “sai đâu, đi đó”. Và phải chăng bề dưới cũng bị cám dỗ vâng phục cách thụ động vì một phần được tiếng là ngoan ngoãn nhưng đằng sau đó là sự thiếu trưởng thành, sợ phải gánh lấy trách nhiệm!

Đức Maria là một mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về điều này. Khởi đầu đón nhận lời thiên sứ truyền nhưng vẫn chủ động vì khi chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi thiên sứ: “sự ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện phu thê!” (Lc 1,34). Và Tin Mừng tường thuật sau đó Mẹ đã tích cực chủ động kiếm tìm thánh ý Thiên Chúa qua nhiều lần thấy các dữ kiện trong cuộc sống thì hằng “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x.Lc 2,19.51). Chúng ta thân thưa với Thiên Chúa: “Abba”. Nhưng Thiên Chúa lại muốn chúng ta sống như những người con trưởng thành, chủ động tìm kiếm ý Cha trên trời và tích cực thực hiện trong tinh thần trách nhiệm. Các nhà tu đức cho chúng ta hay muốn biết ai là người chủ động tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa thì hãy xem họ có chuyên chăm cầu nguyện và cầu nguyện cách cá vị, lâu giờ như thế nào. Và sau khi cầu nguyện, phân định thì quyết ngay việc mình phải làm hay nên làm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây