TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA VỌNG

Thứ hai - 13/12/2021 17:50 |   1383
“Thầy có thật là Đấng phải đến hay không?” (Lc 7, 19)

15/12/2021

THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA VỌNG



Lc 7, 18-23

MỘT THIÊN CHÚA ĐẦY BẤT NGỜ (Daobinh.com)

“Thầy có thật là Đấng phải đến hay không?” (Lc 7, 19)

Suy niệm: Ai trong chúng ta dám nói rằng mình đã biết tường tận về Chúa? Từ kinh nghiệm này, chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên về câu hỏi của Gio-an Tẩy Giả: chính ông là người đã dọn đường cho Chúa đến, và đã làm phép rửa cho Chúa kia mà! (x. Lc 3, 1-22). Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là một vị Thiên Chúa đầy bất ngờ. Bất ngờ trong giờ của Ngài; bất ngờ trong cách thức của Ngài… Thiên Chúa là Cha, qua Con Một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, tỏ mình ra là Đấng huyền nhiệm luôn luôn mới. Chúng ta đến với Đức Ki-tô, chiêm ngắm để khám phá ra Ngài hiện diện trong đời sống đạo của mình.

Mời Bạn: Mùa Vọng, mùa mong chờ. Mong chi đây? Chờ ai đây? Câu hỏi có vẻ ngây ngô khi mà Chúa đã đến cách đây hơn 2.000 năm. Hay là mong No-en như mong một lễ hội? Bạn ạ, Chúa vẫn đang đến trong mỗi phút giây hiện tại. Và Chúa sẽ đến trong ngày cánh chung. Thời gian này là dịp để bạn đón nhận một điều gì đó thật mới mẻ từ biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng làm sao nhận biết? Chiêm ngắm và thuật lại cho người khác là một cách thế: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe.

Chia sẻ: Theo bạn, có phải chúng ta vẫn hay “áp đặt” cho Thiên Chúa từ những lý luận của chúng ta?

Sống Lời Chúa: Giới thiệu Chúa cho anh chị em bằng chính kinh nghiệm đức tin của bạn, chứ không chỉ qua “kiến thức” bạn có về Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn có một con tim luôn rộng mở, để luôn học biết và đón nhận những điều mới mẻ mà Chúa muốn dạy cho con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA VỌNG


Ca nhập lễ

Chúa sẽ đến, Người không trì hoãn, Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong tối tăm và tỏ mình cho muôn dân được thấy.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho ngày đại lễ Giáng Sinh sắp tới đem lại cho chúng con ơn trợ giúp xác hồn trong đời sống hiện tại, và chuẩn bị chúng con hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 45, 6b-8. 18. 21b-26

“Trời cao, hãy đổ sương mai!”

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chính Ta là Chúa, và không có Chúa nào khác. Ta đã dựng nên ánh sáng và tối tăm. Ta đã dựng nên hạnh phúc và tai hoạ. Chính Ta là Thiên Chúa đã làm những sự ấy. Trời cao, hãy đổ sương mai! Ngàn mây, hãy mưa Ðấng Công Chính! Ðất hãy mở ra và trổ sinh Ðấng Cứu Ðộ, và đồng thời sự công chính hãy xuất hiện. Chính Ta là Chúa đã dựng nên loài người. Vì Thiên Chúa, Ðấng đã dựng nên các tầng trời, chính Người đã dựng nên địa cầu, đã tạo ra và làm cho (nó) bền vững. Người không dựng nên địa cầu hoang vu, nhưng đã dựng nên cho người ta ở, chính Người phán: Ta là Chúa và không có Chúa nào khác. Nào Ta chẳng phải là Chúa, và ngoài Ta, còn có Chúa nào khác đâu? Không có Thiên Chúa công bình và cứu độ nào khác ngoài Ta.

Hỡi các người ở tận cùng trái đất, hãy trở lại cùng Ta và các ngươi sẽ được cứu thoát. Vì Ta là Thiên Chúa và không có Chúa nào khác. Ta lấy tên Ta mà thề; lời công chính phát xuất từ miệng Ta sẽ không trở lại: mọi gối sẽ quỳ xuống trước mặt Ta, và mọi lưỡi sẽ lấy tên Ta mà thề rằng: Nhờ Chúa mà tôi sẽ được công chính và sức mạnh. Người ta sẽ đến cùng Chúa, và mọi kẻ chống đối Người sẽ phải hổ thẹn. Toàn thể dòng dõi Israel sẽ được công chính hoá và được hiển vinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai! Hỡi ngàn mây, hãy mưa Ðấng Công Chính! (Is 45,8).

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng ta.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh từ trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng ta sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Chúa đến, hãy ra đón Người, chính Người là Hoàng tử Bình an. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 7, 19-23 (Hl 18b-23)

“Hãy thuật lại với Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Gioan gọi hai người trong số môn đệ của mình, sai họ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Ngài là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Ðấng nào khác?” Khi những người này đến cùng Chúa Giêsu, họ thưa Ngài rằng: “Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Ngài: Ngài có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?” Ngay lúc đó, Chúa chữa những người khỏi bệnh hoạn tật nguyền và quỷ ám, và cho nhiều người mù được thấy. Ngài đáp lại rằng: “Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng tin mừng; và phúc cho ai không vấp phạm vì Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biết dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thể hiện được ý muốn của Ðức Kitô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa sẽ quang lâm hùng dũng và mở mắt cho tôi tớ Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HỌ ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN (Lc 7,19-23)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Một trong những phương pháp giáo dục tốt mà ngày nay các nhà tâm lý giáo dục thường hay áp dụng, đó là: người thầy thường đưa học trò của mình đi thực tế để mắt thấy tai nghe vì trong những ngày tháng học ở giảng đường chỉ là lý thuyết. Tuy nhiên, thời gian đi thực tế là thời gian gặt hái được nhiều thành công nhất.

Hôm nay, Gioan Tẩy Giả cũng dùng biện pháp này khi sai hai môn đệ của mình đi đến gặp Đức Giêsu và hỏi: “Ngài là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Ðấng nào khác?”. Khi sai các môn đệ đi như thế, hẳn Gioan không phải là người không biết vai trò, sứ vụ của Đức Giêsu, bởi vì khi ngài còn được tự do, chưa phải tù đầy, chính ngài nhận ra Đức Giêsu ngay từ khi còn trong lòng mẹ, vì thế, ngài đã nhảy mừng khi Đức Maria đến thăm mẹ của mình là bà Elisabét; Gioan cũng thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống đậu trên vai Đức Giêsu và có tiếng Chúa Cha xác nhận Đức Giêsu khi Ngài chịu phép rửa; rồi cũng chính ngài đã loan báo về Đấng đến sau mình, nhưng uy quyền và chức vụ của Đấng ấy rất đỗi cao sang, khiến ông không đáng cởi giây dày cho Ngài; cuối cùng, Gioan tuyên bố: “Đây là chiên Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, khi sai các môn đệ của mình đến với Đức Giêsu như thế, ông đã mở mắt cho các môn sinh và muốn các đồ đệ của mình hãy can đảm từ bỏ ông để đi theo Đức Giêsu, Đấng là nguồn ơn cứu độ, là đường, sự thật và là sự sống, còn ông, ông chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Khi họ đến gặp Đức Giêsu, Ngài đã cho các ông chứng kiến tận mắt những phép lạ chứng tỏ quyền năng và ơn cứu độ của Ngài khi chữa lành những người ốm đau, bệnh tật, loan báo ơn cứu độ cho mọi người, nhất là những người tội lỗi…

Khi cho họ chứng kiến như thế, Đức Giêsu không quên cảnh tỉnh họ: “Phúc cho kẻ không vấp ngã vì ta”.

Tại sao Ngài lại nói như thế? Thưa là vì Ngài biết rõ lúc này, nhiều người đang mong chờ Ngài là một vị Cứu Tinh theo kiểu quyền lực chứ không phải là người thi ân giáng phúc thiêng liêng…!

Vì thế, lời cảnh thức của Đức Giêsu cho các môn đệ Gioan khi xưa cũng chính là lời khuyên răn chúng ta ngày hôm nay! Thật vậy, nhiều khi chúng ta muốn níu kéo Chúa về phe chúng ta để tiêu diệt những người tội lỗi, bất lương. Hoặc đôi khi chúng ta yêu cầu Chúa phải ban cho chúng ta những ơn chúng ta xin dù ơn xin đó nghịch với Lương Tâm… Tuy nhiên, những điều đó hẳn là không thể được Chúa nhận lời, vì thế, nhiều khi chúng ta chưng hửng…!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi vào mối tương quan thân tình với Chúa bằng việc trực tiếp để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Cần có tấm lòng yêu thương, bác ái, liên đới và quảng đại như Chúa.

Noi gương Gioan Tẩy Giả, sẵn sàng lui vào hậu trường để Đức Giêsu được lớn lên và can đảm giới thiệu các môn sinh của mình đến và gặp Đức Giêsu để họ đi theo và thi hành sứ vụ của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con học được bài học từ hành động và cuộc đời của Chúa, để chúng con ra đi rao giảng và loan truyền những kỳ công Chúa đã làm cho nhân loại. Amen.
 

ĐẤNG PHẢI ĐẾN
 

tbd 131221a

(Thứ Tư sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – Lc 7,19-23) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Câu chuyện thánh Gioan Tẩy Giả sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác” (Lc 7,20) đã khiến nhiều người mộ mến thánh nhân thấy “khó chấp nhận” nên tìm cách giải thích theo hướng tích cực, với ý ngay lành. Họ không thể nào nhìn nhận việc một đại ngôn sứ như Gioan vốn đã từng giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian cho dân chúng mà nay lại nghi ngờ (x.Ga 1,29). Vì thế họ cho rằng khi sai hai môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu là Gioan có ý qua đó để củng cố đức tin cho các môn đệ. Đây là một lối giải thích xem ra hữu tình theo cái nhìn tu đức, tuy nhiên dường như nó không hữu lý trong bối cảnh mà Tin Mừng tường thuật và nhất là qua câu trả lời của Chúa Giêsu: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7,22-23).

Trước đó, một lần khi vào Hội đường người ta trao cho Chúa Giêsu Sách Thánh và Người đã mở ra gặp ngay đoạn Sách ngôn sứ Isaia: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Sau khi đọc sách thì Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (x.Lc 4,16-22). Chúng ta phải ngạc nhiên vì sao khi trả lời cho các môn đệ Gioan thì Chúa Giêsu lại bỏ qua các chi tiết “giải thoát kẻ bị giam cầm, trả tự do cho người bị áp bức”.

Đây có thể là nguyên nhân khiến Gioan Tẩy Giả cách nào đó bị thử thách đức tin. Can đảm vạch trần sự sa đọa, loạn luân của vua Hêrôđê, thánh nhân đã bị giam cầm cách bất công. Trong ngục tối lâu ngày, lòng ngài hẳn khát mong Đấng Thiên Sai sẽ làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia giải thoát mình khỏi cảnh cùm gông, ngục tù. Thế mà sao Người vẫn chưa ra tay, hay là Người chưa hẳn là Đấng phải đến? Hành trình đức tin luôn có đó nhiều khoảng tăm tối. Phận lữ hành là thế. Ngay cả Con Thiên Chúa làm người phút giây hấp hối trên thập giá cũng đã từng trải qua: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).

Đường lối của Thiên Chúa nào ai suy thấu. Đến thế gian này, sứ mạng của Đức Kitô là giải thoát nhân loại ra khỏi cùm gông, ngục tù của thần dữ. Tin rằng rồi có lúc thánh Gioan Tẩy Giả sẽ hiểu dù mình thân ở trong ngục nhưng vẫn thực sự tự do vì đã can đảm sống và công bố sự thật. Sự thật đã giải thoát ông (x.Ga 8,32). Chính Hêrôđê mới là người cần được giải thoát khỏi gông cùm nô lệ, vì ông đang là tù nhân của sự trụy lạc và gian ác.

Chúng ta thích Đấng Thiên Sai đến thực hiện công trình cứu độ theo cách thế của mình. Thế nhưng đã là Đấng Thiên Sai thì phải thực thi sứ vụ theo cách của Đấng sai Người. Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần xao xuyến và đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn dầu để có thể thân thưa với Cha trên trời: “Lạy Cha, nếu có thể thì xin cất khỏi con chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (x. Lc 22,41-44).

Khi nói với các môn đệ mà Gioan sai đến: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” chắc hẳn Chúa Giêsu hiểu rằng sẽ có đó nhiều người vấp ngã vì cách thế cứu độ mà Người chọn theo ý Cha trên trời. Người hiểu vì đó là phận phàm hèn và Người không bao giờ bỏ rơi họ. Chúng ta tin rằng có lẽ chỉ mình Mẹ Maria mới được cái phúc này với thế dáng đứng thẳng dưới chân thập giá (x.Ga 19,25-27). Cả tập thể nhóm Mười Hai đều đã vấp ngã như lời Chúa Giêsu tiên báo trong đêm Tiệc Ly: “Đêm nay, tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,31). Tuy nhiên Người đã luôn hiện diện bên họ để yêu thương, che chở và giúp họ chỗi dậy.

Đêm tối đức tin là lẽ thường tình của kiếp nhân sinh. Nhận ra hiện thực này mong sao chúng ta biết đồng cảm với nhau hơn trong mọi trạng huống cuộc đời, nhất là nhưng khi vấp ngã. Chúa Kitô mãi hiện diện và đồng hành với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). “Ơn của Người luôn đủ cho chúng ta” (x.2Cr 12,9). Hãy biết giúp nhau thêm xác tín rằng chúng ta không bao giờ lẻ loi, đơn côi một mình để rồi lại chỗi dậy sau những lần vấp ngã, “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (x.Pl 3,13).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây