TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm B

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. (Mc 7, 31-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa nhật XXII Thường Niên - Năm B

Thứ tư - 28/08/2024 21:56 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   58
“Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?”

Tin Mừng Chúa nhật XXII Thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN22TNb a4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.

Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXII Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Trong một chuyến đi xa, người ta cần những thông tin về không gian và thời gian, cần những bảng chỉ dẫn cho tới điểm cuối của chuyến đi, tất cả giúp cho người bộ hành tự tin và không gặp những khó khăn trong hành trình, tránh những bất trắc khi trải nghiệm một chuyến đi. Trong hành trình đức tin của con người cũng vậy, cần có những thông tin chi tiết liên quan về điểm đến, cần có những hướng dẫn về lộ trình, chỉ mong sao giúp cho người tham gia hành trình không bị lạc đường, lạc lối. Tôn giáo với những lề luật, những quy định cũng không mong gì hơn ngoài những mục đích đó, là hướng dẫn người bộ hành đi tới điểm cuối an toàn, trên hành trình không bị lạc lối và hơn nữa, những thông tin liên quan về chuyến đi như là thời tiết, con người và cảnh vật, giúp người đi tự tin đến nơi mình muốn đến, gặp được người mình muốn gặp.

Trong hành trình trở về quê hương của dân Do-thái, vì là một dân đang dần hình thành, mọi sinh hoạt tôn giáo được chú tâm hơn nhưng vì lần đầu tiếp xúc, nên họ cần những chỉ dẫn cụ thể, vì thế, nhiều quy định, nhiều lề luật được đặt ra, chỉ với mục đích cho cộng đoàn phát triển và ý thức hơn về việc làm của mình, đó là một tâm tình tôn giáo. Ông Môisen đã vâng lệnh Thiên Chúa, giới thiệu những lề luật cần thiết giúp họ xây dựng một dân tộc chuyên lo việc tế tự, ngày một hoàn thiện hơn: “Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi”. Lề luật được Thiên Chúa truyền dạy chỉ vì con người và cho con người chứ con người không vì lề luật, thế nhưng, con người đã đặt lề luật không đúng chỗ và hiểu sai mục đích của nó, tất cả như đang làm lệch lạc tâm tình tôn giáo nơi cộng đoàn.

Suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, dân riêng Thiên Chúa luôn sống dưới những cái nhìn lệch lạc về lề luật, mãi tới khi Đức Giêsu xuất hiện, lề luật vẫn được coi là cứu cánh, là điểm đến của con người. Con Thiên Chúa đã lên tiếng và uốn nắn lại những lệch lạc đó, đưa họ trở lại với quỹ đạo của tôn giáo, giúp họ hiểu đúng hơn về tôn giáo, hiểu đúng hơn mục đích của lề luật: “Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Cách nào đó dân Do-thái đã ảnh hưởng ít nhiều từ các dân ngoại bang trong cách nhìn về tôn giáo, về lề luật, họ quên rằng Đấng chọn họ làm dân riêng, ban cho họ một nền phụng tự, đó là một vị thần, là Thiên Chúa quyền năng. Chính lệch lạc ít nhiều đó là dẫn đến ơn cứu độ chỉ dựa vào lề luật chứ không dựa vào niềm tin của bản thân.

Những bài giáo huấn của Đức Giêsu phần nào khởi đầu cho một cuộc thay đổi cách nhìn về lề luật, sau biến cố phục sinh của Đức Giêsu, các cộng đoàn Giáo hội sơ khai được thành lập, lề luật được khoác lên bộ áo mới, đó chỉ là những hướng dẫn cần thiết để con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa, tạ ơn Ngài và trò chuyện với Ngài trong tương quan gần gũi. Đó là tâm tình thánh Giacôbê đã chia sẻ trong các lá thư mục vụ của ngài: “Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật”. Lề luật không làm cho con người nên công chính, mọi ơn lành và phúc lộc hoàn hảo đến từ Thiên Chúa, sẽ giúp con người ngày càng thăng tiến trên con đường nhân đức và nên thánh.

Tôn giáo được ví như một con đường giúp con người tiếp cận, gặp gỡ và trò chuyện với các thần linh, đó là một khái niệm chung cho các tôn giáo. Đã gọi là tôn giáo ắt đấng sáng lập phải là thần thánh, có vậy tôn giáo mới được coi là con đường để hai bên gặp gỡ nhau. Tôn giáo của anh em Do-thái giáo vẫn đang loay hoay trong một kho tàng luật, đến nỗi các Luật sĩ chưa thể phân biệt được đâu là luật quan trọng nhất trong các luật, do đó, họ rất lúng túng trong đời sống tôn giáo. Tâm tình tôn giáo đó phát xuất từ niềm tin, từ trái tim, nơi đó sự cảm nghiệm sâu xa của mỗi người hình thành nên một đời sống tôn giáo, giúp họ gặp gỡ và trò chuyện với Đấng họ tin, đi xa hơn là giúp họ thay đổi con người và có những mối tương quan đem lại niềm vui và sự bình an nội tâm cho cuộc đời.

Sống trong một xã hội chuộng hình thức, phần nào tôn giáo cũng bị cuốn vào những khái niệm đó, cùng song hành là nỗi sợ của con người về sự cô đơn, vì thế, họ đến với Thiên Chúa bằng những công thức, bằng những lý thuyết và bằng những sự ồn ào của nghi lễ. Thiên Chúa cần nơi con người một tấm lòng chứ không mong những của lễ, Ngài đợi chờ sự khiêm tốn và lòng mến nơi mỗi người, thay vì nhận được những phút giây tĩnh lặng giữa Thiên Chúa và con người, Ngài luôn phải nhận chịu những nghi thức tôn giáo thật hoành tráng nhưng không có chiều sâu nội tâm, thay vì Thiên Chúa nhận được những lời cầu nguyện nhẹ nhàng, khiêm tốn, thì Ngài đã nhận được những lời đề nghị nên thực hiện điều này và không được thực hiện điều kia. Thiên Chúa không làm dịch vụ, không cung cấp mọi nhu cầu cuộc sống, Ngài chỉ muốn đến chia sẻ những khó khăn, những vất vả và những yếu đuối của con người.

Lạy Chúa, Chúa cúi xuống để gặp gỡ con người, trò chuyện và chia sẻ cuộc sống với con người, đồng thời mở cho con người một cánh cửa hy vọng, để họ được trò chuyện với Chúa, xin giúp chúng con biết đến với Chúa bằng một tấm lòng chân thành, nhỏ bé Chúa mong muốn, xin giúp chúng con biết mở trái tim để Chúa đi vào con người và cuộc đời chúng con, từ đó, Chúa chiếm đoạt chúng con và đưa chúng con đi vào gia đình của Chúa. Chúa thiết lập những luật lệ để giúp con người ngày càng thăng tiến trong đường nhân đức, không sa vào hố sâu tội lỗi, xin giúp chúng con luôn biết quan tâm tới phần rỗi con người hơn là giữ luật một cách máy móc trong đời sống tôn giáo, bởi Chúa đang mong được chữa lành những vết thương nơi tâm hồn của hết thảy mọi người. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây