TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm B

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. (Mc 7, 31-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 28/08/2024 14:10 |   136
Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. (Lc 4,38-44)

04.09.2024
THỨ TƯ TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

t4 t22 TNb

Lc 4,38-44


MỘT ngày của chúa giê-su
Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. (Lc 4,38-44)

Suy niệm: Một ngày hoạt động của Chúa Giê-su thật là bận rộn. Ngài hết giảng dạy lại chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ. Ngài thương đám đông dân chúng nhưng cũng quan tâm đến từng con người bé mọn: bà gia của ông Si-mon bị sốt nặng, Ngài liền chữa cho bà khỏi sốt. Mặt trời đã lặn, người ta còn đem đến với Ngài nhiều người đau bệnh hoặc bị quỷ ám; tất cả đều được Ngài cứu chữa, không một ai bị chối từ. Thế mà ngay từ sáng sớm, Ngài đã “đi ra một nơi hoang vắng”. Thánh Mác-cô tiết lộ, Chúa ra nơi đó để cầu nguyện với Chúa Cha (x. Mc 1,35). Thì ra đây chính là nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động cường độ cao của Đức Giê-su: Dù bận rộn với đám đông dân chúng, Ngài vẫn dành thời gian kết hiệp với Chúa Cha. Mặt khác, Ngài cũng không rơi vào cám dỗ tự bằng lòng với sự hâm mộ níu kéo của dân chúng mà quên đi sứ mạng Chúa Cha trao phó là “phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa.”

Mời Bạn: Một ngày có 24 giờ, nhưng có khi bạn vẫn cảm thấy thiếu thời gian vì tất bật với bao công việc vật chất cũng như tinh thần. Đồng thời, bạn cảm thấy nội tâm mình thật trống rỗng, cuộc đời thật vô vị. Chúa nêu gương và mời bạn “đi vào nơi thanh vắng, để nghỉ ngơi” và cũng để phục hồi năng lượng tâm linh cho cuộc đời hoạt động của bạn.

Sống Lời Chúa:  Dù bận rộn, bạn cũng dành ít phút tâm sự với Chúa trước khi bắt tay vào việc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ở với con luôn mãi, vì không có Chúa, con không thể làm được gì. Amen.

Ngày 4: Lạy Chúa! Cho dù có bao nhiêu tiếc nuối hay mỏi mệt, may mắn hay bất hạnh, những gì đã qua đều là quá khứ. Qua rồi, thì xin cho chúng con biết buông xuống, để lòng chúng con được thảnh thơi. Dù huy hoàng đến đâu, xuất sắc thế nào, gặp bao nhiêu trắc trở, bao nhiêu thất bại, nếu đã cố gắng hết sức rồi, thì xin cho chúng con đừng tự dằn vặt mình mãi. Đời người, có rất nhiều việc, tự chúng con phải làm; rất nhiều điều, chỉ bản thân chúng con mới cảm nhận được, xin cho chúng con đừng tự làm khổ mình vì những mong cầu của người khác, nhưng chỉ khắc khoải làm theo ý Chúa mà thôi. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 1, 1-8

“Lời chân thật đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ”.

Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô do ý định của Thiên Chúa, và anh Timôthêu, kính gửi các thánh ở Côlôxê, và anh em tín hữu trong Ðức Giêsu Kitô. Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em.

Chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa, là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em, bởi nghe biết lòng tin của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, và lòng yêu mến của anh em đối với tất cả các thánh. Chúng tôi cảm tạ vì niềm hy vọng dành cho anh em trên trời, mà anh em đã nghe biết trong lời chân thật của Tin Mừng. Tin Mừng đó đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ, sinh hoa kết quả và gia tăng nơi anh em, từ ngày anh em đã nghe và nhận biết ơn Thiên Chúa trong chân lý. Như anh em đã thụ giáo cùng Êpaphra là đồng liêu rất yêu dấu của chúng tôi, là kẻ trung tín giúp việc Ðức Giêsu Kitô thay cho chúng tôi. Ông cũng đã tỏ cho chúng tôi biết lòng yêu mến của anh em trong Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 51, 10. 11

Ðáp: Tôi tin cậy vào lượng từ bi Chúa tới muôn đời

Xướng: Phần tôi như cây ô-liu xanh tốt trong nhà Thiên Chúa; tôi tin cậy vào lượng từ bi Chúa tới muôn đời.

Xướng: Tôi sẽ ca ngợi Chúa muôn đời vì Chúa đã hành động, và tôi sẽ chúc tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo trước mặt chư tín hữu.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 3, 1-9

“Chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa, còn anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là toà nhà của Thiên Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi không thể nói với anh em như với những người thiêng liêng, nhưng với những người xác thịt, những trẻ nhỏ trong Ðức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không cho của ăn, vì bấy giờ anh em chưa ăn được, nhưng cả bây giờ, anh em cũng chưa ăn được, vì hãy còn là người xác thịt. Bởi chưng ở giữa anh em, có sự ghen tương và tranh giành, thì anh em không phải là xác thịt, và sống như người phàm đó sao? Vì khi còn có người nói rằng: “Tôi thuộc về Phaolô”. Kẻ khác nói: “Tôi thuộc về Apollô”, thì anh em không phải là người phàm đó sao?

Vậy Apollô là gì? Phaolô là gì? Tất cả chỉ là những người giúp việc, mỗi người tuỳ theo ơn Chúa đã ban, nhờ họ mà anh em đã tin. Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng chẳng là gì cả, người tưới cũng chẳng là gì cả, nhưng chỉ Thiên Chúa, Ðấng làm cho mọc lên, mới đáng kể. Kẻ gieo và người tưới đều là một. Mỗi người sẽ lãnh công theo sự khó nhọc của mình. Vì chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa: còn anh em là cánh đồng của Thiên Chúa và là toà nhà của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 12-13. 14-15. 20-21

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Tự trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta.

Xướng: Tự cung lâu của Người, Người quan sát, hết thảy mọi người cư ngụ địa cầu. Người đã tạo thành tâm can họ hết thảy, Người quan tâm đến mọi việc làm của họ.

Xướng: Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng tôi. Bởi vậy lòng chúng tôi hân hoan trong Chúa, chúng tôi tin cậy ở thánh danh Người.

Alleluia: 2 Tm 1, 10b

Alleluia, alleluia! – Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô, đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 4, 38-44

“Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Ðức Kitô.

Ðến sáng, Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÀNH ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN (Lc 4,38-44)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Thánh Lu-ca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giê-su: sau khi giảng và chữa một người bị quỉ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Si-mon Phê-rô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang tới rất nhiều bệnh nhân. Chúa Giê-su “đặt tay trên từng bệnh nhân” và cứu chữa họ. Sáng hôm sau dân chúng lại tìm Ngài. Nhưng Ngài đành phải ra đi vì “còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.

2. Chúa Giê-su đến nhà nhạc mẫu của Si-mon Phê-rô và chữa bệnh sốt rét cho bà. Ngài xua trừ quỷ dữ ra khỏi nhiều người, và trong rất nhiều trường hợp khác, đối với nhiều bệnh nhân mắc đủ thứ chứng bệnh, Ngài cũng chữa lành. Tất cả đều chứng tỏ lòng nhân từ yêu thương của Chúa. Nói rõ hơn, với tư cách là Đấng Cứu Thế, Chúa Giê-su đến trần gian để giải cứu con người khỏi mọi khốn khổ phần hồn, nhưng Ngài cũng cứu giúp con người về phần xác nữa: Ngài cảm thông với những đau yếu bệnh tật của con người và chữa lành họ.

3. Chúa Giê-su không bao giờ quên việc chính yếu là phải loan báo một Tin Mừng. Chúa Giê-su nói với dân chúng: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43). Phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đó là công việc hàng đầu, ưu tiên và số một của Chúa. Sau khi Chúa về trời, các Tông đồ đã tiếp tục thi hành công việc này. Các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ Chúa trao phó một cách rất tốt đẹp.

Rao giảng Tin Mừng luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm người nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Ki-tô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ.

4. Dân chúng mộ mến Đức Giê-su vì Ngài làm cho họ biết bao điều tốt đẹp: chữa bệnh, trừ quỷ, rao giảng… Thật dễ hiểu khi họ muốn giữ Ngài ở lại với họ. Điều đó không sai. Nhưng Chúa Giê-su không chấp nhận một tầm nhìn hạn hẹp như vậy. Ngài nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa… Tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. Để thắng cơn cám dỗ đi sai lệch trọng tâm của sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su vẫn luôn kết hợp với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện: Từ sáng sớm, Người đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện, để sống thân mật với Chúa Cha, để lắng nghe Chúa Cha và nói lại cho dân chúng. Cầu nguyện trước đã rồi mới loan báo Tin Mừng, hai thực hành này hòa quyện với nhau trong con người và hoạt động của Chúa Giê-su (5 phút Lời Chúa).

5. Nhiều lần các Tin Mừng kể việc Chúa Giê-su cầu nguyện, chẳng hạn như: “Sau khi giải tán đám động, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23), hoặc: “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Chúng ta để ý đến hai chi tiết: sáng sớm thức dậy Chúa Giê-su đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giê-su đi cầu nguyện.

Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu. Mọi người có thề cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, nơi mỗi xứ đạo chúng ta từ xưa đến nay vẫn giữ được thói quen tốt là đến nhà thờ vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi ngày: ban sáng dâng Thánh lễ và buổi tối đọc kinh chung, nhất là kinh Mân Côi.

6. Theo như đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận có viết trong cuốn sách Đường Hy Vọng như sau: “Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa”.

Dù là Con Thiên Chúa, với thân phận làm người, Chúa Giê-su vẫn không bỏ qua việc cầu nguyện. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giê-su, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở hội đường; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám; rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Si-mon Phê-rô; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa. Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện và bắt đầu một ngày mời cũng rất bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giê-su vẫn dành thời giờ để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giê-su vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

7. Truyện: Phải cộng tác với Chúa.

Đức cha Tihamer Toth kể: Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn, nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi được hỏi lý do thì người học trò đáp:

– Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.

Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã, người học trò hỏi:

– Tại sao thầy buồn thế?

– Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa.

– Bộ ông ta khùng ư?

– Không đâu. Ông còn khôn nữa là khác. Ông nói: Thiên Chúa yêu thương vô cùng, Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần, thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cầy xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa mầu dư đầy.

– Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi con gì nữa?

– Thì con cũng thế thôi.

LOAN BÁO TIN MỪNG CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
(THỨ TƯ TUẦN 22 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 22 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin Chúa cho chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển,được Chúa chăm nom giữ gìn.

Thêm lòng tin yêu Chúa, để có thể đón nhận những bắt bớ, tù đày, kể cả cái chết khi thi hành sứ mạng, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Giêrêmia bị bắt và bị xử. Những lời sấm của ngôn sứ không chỉ là những đề tài hấp dẫn cho người rao giảng, nhưng có thể dẫn đến cái chết. Nếu lần này Giêrêmia thoát khỏi, thì hình như ông chịu tử đạo bên Aicập sau khi Đền Thờ bị phá hủy. Xin các người biết rõ cho rằng: nếu các người giết tôi, thì chính các người sẽ phải chuốc lấy máu vô tội cho mình và cho thành này.

Thêm lòng tin yêu Chúa, để không sống theo tính xác thịt, biến Đền Thờ của Chúa thành hang trộm cướp, thành nơi buôn bán, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Linh Mục Origiênê nói: Chúa Cứu Thế chỉ dùng một lời để vừa ám chỉ thân xác của Người, vừa ám chỉ Đền Thờ: Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại… Thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần, Đấng đang ngự trong lòng anh em, và Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em không còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.

Thêm lòng tin yêu Chúa, để không gây chia rẽ, nhưng, ý thức tất cả đều thuộc về Chúa, là ngôi nhà, và là gia nghiệp của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 32, vịnh gia đã cho thấy: Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp. Từ trời cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha.  Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó. Sứ mạng của Đức Giêsu đến trần gian là để cứu độ tất cả mọi người, vì thế, Tin Mừng cứu độ phải được loan báo cho tất cả mọi người, kể cả, những người nghèo khổ bần cùng nhất. Người được sai đến là cốt để làm việc đó, vì thế, Người phải luôn lên đường, không có một chỗ nào cố định để tựa đầu. Là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta cũng phải liên tục lên đường, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi nghịch cảnh sẽ xảy đến, sẵn sàng đối đầu với “thù trong giặc ngoài”, là tính xác thịt, óc bè phái chia rẽ, để tiến tới xây dựng sự hiệp nhất, hầu tất cả đều được hưởng gia nghiệp mà Chúa đã hứa ban. Cuộc Phục Sinh của Đức Kitô bao hàm cả cuộc phục sinh của toàn thân thể Người. Cũng như thân thể hữu hình của Đức Kitô đã chịu đóng đinh, rồi mai táng và sau đó phục sinh, thì toàn thân thể bao gồm tất cả mọi người chúng ta, cũng đã cùng chịu đóng đinh với Người, và từ nay không còn sống cho chính mình nữa, nhưng, sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình. Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, ước gì chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển,được Chúa chăm nom giữ gìn. Ước gì được như thế!

THU HÚT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ!”.

“Lòng nhân ái khiến một người trở nên thu hút. Nếu bạn muốn chinh phục thế giới, hãy làm ‘tan chảy’ nó, đừng gõ búa vào nó!” - Alexander Maclaren.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay chứng tỏ sự ‘tan chảy của lòng nhân ái’ nơi Chúa Giêsu. Nhờ đó, Ngài ‘thu hút’ không chỉ từng đoàn người ùn ùn kéo đến; nhưng Ngài còn ‘thu hút’ cả thế giới mãi cho đến ngày nay! Vậy Chúa Giêsu có ‘thu hút’ tuyệt đối sự chú ý của bạn; để nhờ đó, bạn có thể ‘thu hút’ người khác?

Tin Mừng cho biết, sau khi Chúa Giêsu chữa lành mẹ vợ Phêrô đang sốt nặng, thì tối hôm đó, người ta mang đến cho Ngài rất nhiều người đau ốm, người bị quỷ ám; và Ngài “đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ”. Ngài ‘thu hút’ sự chú ý của họ! Mặc dù rất có thể bạn chưa bao giờ tận mắt chứng kiến sự chữa lành bằng một phép lạ hoặc thấy Chúa Giêsu trừ quỷ, nhưng Ngài vẫn muốn bạn được ‘thu hút’ bởi Ngài. Ngài muốn bạn ngạc nhiên và ấn tượng về Ngài đến mức bạn khát khao kiếm tìm Ngài bất cứ giá nào. Ngài mong bạn được chữa lành, nuôi dưỡng và được biến đổi bởi ân sủng Ngài. Để từ đó, bạn có thể ra đi, đến với những người khác, ‘thu hút’ họ về cho Ngài.

Một số người dành trọn sự chú ý vào Chúa Giêsu sau một trải nghiệm mạnh mẽ từ một cuộc tĩnh tâm; những người khác ấn tượng bởi một bài giảng sâu lắng. Và sẽ có rất nhiều cách khác nhau mà Chúa Giêsu đã ‘thu hút’ sự chú ý của bạn khiến bạn ước muốn ở lại với Ngài, lắng nghe Ngài. Những kinh nghiệm như vậy đặt nền móng vững chắc để chúng ta liên tục được mời gọi quay về với Chúa Giêsu. Nếu đây không phải là một trải nghiệm mà bạn có thể liên tưởng thì hãy tự hỏi, “Tại sao?”, tại sao bạn không ngạc nhiên trước Chúa Giêsu đến mức khao khát tìm kiếm Ngài? Và một câu hỏi khác có thể kéo theo, tại sao trong cuộc sống, dường như bạn và tôi chẳng lôi kéo ‘thu hút’ được ai?

Phaolô gọi những ai tìm kiếm Chúa Kitô - được Ngài ‘thu hút’ - là những người “sống theo Thần Khí”, họ là những “cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây nên” - bài đọc một. Họ trở nên dân riêng của Ngài, “Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp!”- Thánh Vịnh đáp ca. Và dĩ nhiên, với đời sống tốt lành của họ, những hàng xóm ngoại đạo chung quanh sẽ phải thèm thuồng, vì họ quá ‘thu hút’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ!”. Hãy suy gẫm làm thế nào Chúa Giêsu có thể ‘thu hút’ được sự chú ý của dân thành Capharnaum - mặc dù cuối cùng, một số người sẽ quay lưng với Ngài - vì đã có nhiều người trở nên môn đệ trung thành của Ngài nhờ những trải nghiệm cá nhân này. Hãy suy gẫm về bất kỳ cách nào bạn đã gặp Chúa Giêsu một cách mạnh mẽ trong quá khứ khi bạn được ‘thu hút’ tuyệt đối bởi Ngài. Bạn có để trải nghiệm đó trở thành động lực hầu không ngừng tìm kiếm Ngài? Và nếu bạn không thể chỉ ra bất kỳ trải nghiệm nào như vậy, hãy cầu xin Chúa ban cho bạn động lực nội tâm để khao khát Ngài nhiều hơn và được nuôi dưỡng bởi Lời quyền năng của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì lòng nhân ái của con cũng ‘tan chảy’ như lòng nhân ái của Chúa; và con không chỉ ‘thu hút’ anh chị em chung quanh con mà còn ‘thu hút’ cả thế giới!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây