TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng -B

Thứ hai - 18/12/2023 08:58 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   642
“Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai”. (Lc 1, 26-38)

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm B

CN4MVb 2

Lc 1, 26-38
“Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai”.


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Vọng -B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
 Giọng đọc: Thanh Tâm


 

TÌNH CHÚA MUÔN NGÀN ĐỜI
(Chúa Nhật IV Mùa Vọng B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa đến muôn đời. Qua bao nhiêu thời tình Chúa chẳng vơi…”. Bước vào tuần cuối của mùa Vọng, Hội thánh dẫn đoàn tín hữu dần đến đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa, mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa, thì nay được biểu lộ (x.Rm 16,25-26): Ta sẽ yêu thương con người đến muôn đời và lòng thành tín của Ta được thiết lập trên cõi trời cao.

Sự thành tín là một đặc tính tất yếu của tình yêu đích thực: Trong bất cứ kiểu loại tình yêu nào dù là tình phu thê, tình mẫu tử, phụ tử, tình huynh đệ, tình quê hương, tình đồng chí, đồng bào… tất thảy đều đòi hỏi sự tín thành, thủy chung. Tình yêu có thể xuất hiện dưới nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau, nhưng không thể chấp nhận sự đứt gánh nửa chừng hoặc thay lòng đổi dạ kiểu đổi trắng thay đen.

Dòng lịch sử ơn cứu độ mạc khải cách rõ nét tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,8). Dù cho con người có phản bội nhưng Thiên Chúa mãi luôn tín trung vì Người không thể chối chính Người (x.2Tm 2,12-13). Theo mạc khải thời Cựu Ước thì có khi, có thời, Thiên Chúa dìm ta xuống đáy vực sâu hoặc để ta long đong phận khổ, nhưng Người lại kéo ta lên, ủi an, vỗ về như mẹ hiền âu yếm con thơ. Sau khi sửa trị chúng ta vì tội lỗi chúng ta, Người lại bồi hồi thổn thức, và Người lại tỏ lòng xót thương (x.Gr 31,16-20). Nhưng đến thời Tân ước thì Chúa Kitô đã minh nhiên khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một… (x.Ga 3,16…).

Lời hứa ban ơn cứu độ từ khi tổ tiên loài người phản bội đã dần thành hiện thực theo dòng thời gian. Lịch sử ơn cứu độ đã khai mở và khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã thực hiện lời Người đã hứa tự ngàn xưa là sai chính Con Một vào trần gian, thực thi công trình cứu độ. Hứa ban cho Đavít một triều đại vĩnh tồn thì Thiên Chúa đã giữ lời. Một chồi non từ nhà Đavít đã mọc lên và “Người sẽ cai trị nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 33).

Thiên Chúa không hề bỏ ta: một nền tảng căn bản của niềm cậy trông. Trong phận người, đặc biệt khi đã trưởng thành thì hầu như ai cũng đã từng trải qua ít nhiều thăng trầm của của cuộc sống. Có thể nói quãng thời gian an bình, hạnh phúc thật quá ngắn so với dòng đời gian truân, vất vả. Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm hiện thực này: đời người mạnh giỏi lắm là bảy, tám mươi năm mà toàn là gian lao, khốn khổ (x.Tv 90,10). Sự gian truân, vất vả của cuộc đời chắc chắn có góp phần rèn luyện nhân cách con người, đồng thời giúp con người thăng tiến và đạt đến thành công. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm cho nhiều người chán nản, buông xuôi. Nhiều sự ở đời này vẫn thường mang tính lưỡng diện.

Dưới nhãn quan đức tin, khi ta ở trong tình trạng khó khăn, thất bại, khi ta lâm vào những nghịch cảnh, nhất là khi ta ngụp lặn trong vũng bùn tội lỗi thì chước cám dỗ ngã lòng, thất vọng luôn có đó. “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại làm… Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? (Rm 7,19-24).

Thiên Chúa luôn tín trung với lời Người đã hứa. Người không bao giờ bỏ chúng ta. Có được xác tín này thì niềm cậy trông sẽ có đất đâm chồi nẩy lộc. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định: “Chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,5-6).

Không một ai là không có thể được cứu thoát: Với loài người thì rất nhiều trường hợp dường như là không thể, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể (x.Lc 1,37; Mt 19,26). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý để được cứu rỗi (x.1Tm 2,3-4). Dù chỉ một con đi thất lạc, Thiên Chúa cũng bỏ chín mươi chín con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc đàn. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi phú ban Con Một, thì còn gì mà Người đã không làm cho chúng ta, cho từng người chúng ta?

Mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương nhưng không phải tất cả đều nhận được tình yêu của Người. Khi con người cố tình từ chối tình yêu của Thiên Chúa hoặc khi con người ngã lòng thất vọng, không còn tin vào tình yêu của Thiên Chúa thì Người đành chấp nhận chịu cảnh “bất lực”. Tình yêu giả thiết sự tự do đáp trả, cho dù là bé nhỏ hay chỉ là mặc nhiên. Nhà của Đavit, tức vương quyền của ông được Thiên Chúa hứa cho trường tồn là nhờ ông đã có tấm lòng muốn xây cho Thiên Chúa một “cái nhà”. Để thực thi công trình cứu độ cho loài người, Thiên Chúa cũng đã chờ đợi sự đáp trả của một cô thôn nữ làng quê Nagiarét. Chúa Kitô khi sinh thời đã khẳng định chân lý này: Mọi thứ tội đều có thể được tha, ngoại trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần (x.Mt 13,32).

Xin trích ghi ca từ của một bản thánh ca được gợi hứng bởi tâm tình của thánh Tông đồ dân ngoại: “Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian bao năm biến thay, dù lòng ta nghi nan, hững hờ. Vì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương. Một ngày nào mà ta chối Ngài, thì Ngài phải đành lòng chối ta. Cho dù ta bất tín, dù ta phản bội, thì Chúa vẫn cứ trung thành, vì Ngài không thể chối chính mình” (x.2Tm 2,12-13). Tuy nhiên không phải vì lại vào lòng tín trung của Thiên Chúa mà chúng ta trì hoãn sự hoán cải. Tình Chúa thì muôn ngàn đời, nhưng cuộc đời chúng ta thì có hạn, nhất là chúng ta không biết cái hạn ấy kết thúc vào giờ nào, lúc nào. Đừng chần chờ, đừng lần lữa, hãy đáp trả tình Chúa yêu ngay hôm nay, lúc này!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây