TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA VỌNG

Thứ tư - 20/12/2023 19:23 |   802
“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em.” (Lc 1,57-66)

23/12/2023
THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA VỌNG

Thánh Gioan Kêty, linh mục

t7 t3 MVb

Lc 1,57-66


CÓ BÀN TAY CHÚA PHÙ HỘ
“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em.” (Lc 1,57-66) 

Suy niệm: Ngày cắt bì đặt tên cho trẻ Gio-an đem lại sự kinh ngạc, ngạc nhiên, ân phúc không chỉ cho láng giềng, thân thích, mà còn cho chính cha mẹ của em. Gio-an, nghĩa là Thiên Chúa thi ân. Mẹ em, bà Ê-li-sa-bét, được Thiên Chúa “thương cất nỗi hổ nhục” bà phải chịu trước mặt người đời (c.25); cha em, ông Da-ca-ri-a, bị câm và nói lại được khi đặt tên cho con mình. Có bàn tay Chúa phù hộ nên đôi vợ chồng son sẻ này có con vào lúc tuổi già, đặt tên cho con theo ý định của Thiên Chúa, cũng như loan báo sứ vụ đặc biệt của con mình. Có bàn tay Chúa phù hộ nên miệng lưỡi và tai người cha mở ra để cất lời chúc tụng Thiên Chúa (Benedictus).

Mời bạn: Ông bà Da-ca-ri-a cao niên không có nghĩa là Thiên Chúa ngừng thi thố ân huệ của Người trên cuộc đời họ. Họ đã trải qua nhiều ‘gian nan, thử thách’ trong đức tin để có thể nhận biết ý định của Thiên Chúa và cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Chỉ khi cuộc sống chúng ta đặt nơi Thiên Chúa, thì cuộc sống ấy mới tìm thấy ý nghĩa. Chỉ khi hành động phù hợp với ý định nhân lành của Thiên Chúa, chúng ta mới bày tỏ được những lời ngợi ca, những tâm tình cảm tạ.

Chia sẻ: Tôi có ngạc nhiên về những công trình của Chúa trong thế giới và trong cuộc sống mình?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian để chiêm ngưỡng bàn tay Chúa phù hộ trong cuộc sống của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã cho con thấy có bàn tay Chúa phù hộ đời con và nơi anh chị em con. Xin cho chúng con cộng tác tích cực với chương trình cứu độ của Chúa. Amen.

Ngày 23 Tháng 12: (O Emmanuel) Ôi Thiên Chúa ở cùng chúng con. Ôi Vua của chúng con và là thủ lãnh của chúng con. Ngài là sự đợi chờ của chúng con và là Đấng Cứu Độ của chúng con. Xin đến giải thoát chúng con, lạy Thiên Chúa chúng con. Xin tỏ cho chúng con là những tôi tớ thấp hèn thấy lòng từ bi nhân hậu của Chúa, bởi vì, Chúa đã đến cắm lều ở giữa chúng con. Chúa xuống thế, nghĩa là, Chúa chấp nhận: thấp bằng chúng con, để nâng chúng con lên. Chúa đã xuống rất sâu: còn gì sâu hơn giữa trời và đất, giữa Đấng Sáng Tạo với loài thụ tạo. Xin cho chúng con đừng để vuột mất ơn cứu độ của Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ

Một trẻ thơ sẽ chào đời để cứu ta và được gọi là Thiên Chúa, là Đấng uy hùng. Mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc phúc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con sắp mừng lễ Giáng Sinh của Con Chúa. Người là Ngôi Lời đã không quản mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh Nữ Maria và ở giữa chúng con, xin Người cũng tỏ cho chúng con là tôi tớ thấp hèn thấy lòng Chúa từ bi nhân hậu. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ml 3, 1-4; 4, 5-6 (Hr 3, 1-4, 23-24)

“Ta sẽ sai tiên tri Êlia đến cùng các ngươi trước ngày Chúa đến”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

Ðây là những điều Thiên Chúa phán: Này đây, Ta sai sứ thần Ta đi dọn một con đường trước mặt Ta. Và bỗng chốc, Ðấng Chủ tể các ngươi tìm kiếm, Sứ Thần Giao Ước các ngươi mong ước, Người ngự đến trong thánh điện Người. Này đây, Người ngự đến, Chúa các cơ binh phán: Ai biết được ngày nào Người đến? Ai đứng vững mà trông xem Người? Vì Người như ngọn lửa hoả lò, như lá thuốc của phường thợ giặt. Người sẽ ngồi nung nấu luyện bạc, sẽ tẩy luyện con cái Lêvi, lọc chúng nó như vàng như bạc, để chúng trở thành cho Chúa những người dâng lễ tế trong công chính. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa, như những năm đầu.

Này đây, Ta sai Tiên tri Êlia đến cùng các ngươi, trước ngày trọng đại và kinh khủng của Ta. Người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu, và lòng con cháu trở về cùng cha ông, kẻo Ta ngự đến tiêu diệt địa cầu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14

Ðáp: Hãy nhìn xem và hãy ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc các ngươi đã gần đến

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Xướng: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Ðức Emmanuel, là Vua và là Ðấng ban lề luật, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin hãy đến cứu độ chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 57-66

“Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”.

Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.

Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là của lễ chúng con dâng, để tôn thờ Chúa cho phải đạo; ước chi của lễ này đem lại cho chúng con ơn hoà giải với Chúa; nhờ đó, tâm hồn chúng con được trong sạch để mừng lễ Giáng Sinh của Ðấng cứu chuộc chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng mùa vọng II

Ca hiệp lễ

Chúa nói: “ Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể, xin cũng cho chúng con được bình an, để chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng như những kẻ cầm đèn cháy sáng ra đón mừng Chúa Giê-su đang ngự đến. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

SINH NHẬT GIO-AN TẨY GIẢ (Lc 1, 57-66)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Ma-ri-a vừa mới về được mấy bữa, Elizabeth tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh được một con trai, bà con lối xóm nghe tin thì xúm lại chúc mừng. Và khi con trẻ đã được tám ngày thì làm phép cắt bì và định lấy tên cha là Giacaria mà đặt cho nó, nhưng bà E;izabeth bảo đặt tên nó là “Gio-an”. Bà con không ai đồng ý nên hỏi ông Giacaria xem đặt tên nó là gì. Ông xin một tấm bảng và viết “Tên nó là Gio-an”. Mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ thầm rằng: con trẻ này là hồng ân Chúa ban và chắc nó sẽ làm được nhiều việc lạ. Thiên Chúa giữ đúng lời hứa với ông Giacaria. Ông cũng vâng lời Chúa dạy mà đặt tên Gio-an cho con.

2.Tên Gio-an có nghĩa là “Chúa thương”, là một tên gọi thật lạ, vì trong họ hàng ông bà Giacaria không ai có tên đó (vì theo phong tục phải đặt tên cha hay ít ra một người trong họ). Tên Gio-an được chính Thiên Chúa đặt qua lời Sứ thần khi truyền tin cho ông Giacaria khi ông thực hiện sứ mạng tư tế trong Đền thánh (Lc 1,13).

Cái tên Gio-an khiến mọi người kinh ngạc, vì khi ông Giacaria viết lên tấm bảng: đặt tên Gio-an cho con trẻ, thì miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm, nói được, và hơn nữa, ông cất tiếng ca tụng Thiên Chúa (Lc 167-79).

Vì thế, ở đây Luca có ý nhấn mạnh: biến cố cắt bì, đặt tên để trình bày về thân thế và sứ vụ của Gio-an, một người được Thiên Chúa thương và tuyển chọn cách kỳ lạ để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

3. Gio-an là tên không có trong gia tộc ông bà Giacaria, mà là tên Thiên Chúa đã đặt cho, ông bà đã vâng theo ý Chúa mà đặt tên cho con trẻ như vậy.

Mỗi người chúng ta sinh ra đều được cha mẹ đặt tên để phân biệt với người khác, nhưng qua bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa đặt tên là “Ki-tô hữu”, con cái của Người. Điều này gợi lên cho chúng ta niềm hạnh phúc vì được làm con cái Chúa và ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, nên phải sống cho Chúa, vì Chúa và với Chúa cho xứng với phẩm giá của mình.

Mừng sinh nhật thánh Gio-an Tẩy giả, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở mỗi người Ki-tô hữu về sứ vụ tiên tri và sứ giả của mình. Ngày sinh nhật của thánh Gio-an Tẩy Giả mời gọi các Ki-tô hữu nhớ lại ngày tái sinh của mình. Ngạn ngữ có câu: Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

4. Niềm vui cần được chia sẻ cho mọi người.

Viết trình thuật cuộc chào đời của Gio-an, Lu-ca hữu ý đề cập đến một lớp nhân vật mà độc giả thường ít chú ý: đó là những người láng giềng của gia đình ông bà Giacaria. Niềm vui không gói kín trong gia đình ông bà. Niềm vui ấy lan tỏa sang những người láng giềng. Khi mô tả những người láng giềng “kinh sợ”, Lu-ca không có ý nói họ bị thất thần vì một tai họa kinh hoàng nào đó. Ở đây thánh Lu-ca dùng kiểu nói trong Cựu Ước diễn tả tâm trạng choáng ngợp trước những “điềm thiêng dấu lạ” là dấu chỉ sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa. Những người láng giềng “kinh sợ” vì cảm kích trước ân phúc quá lớn lao và rõ ràng mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi gia đình này.

Mỗi gia đình Ki-tô hữu cũng được mời gọi chuyển trao sứ điệp yêu thương cứu độ của Thiên Chua cho người chung quanh. Chúng ta làm việc này trước hết bằng cách mỗi thành viên trong gia đình dứt khoát chọn lựa trung thành với thánh ý Chúa – như ông bà Giacaria khi đặt tên cho con là Gio-an.

5. Mỗi người chúng ta sinh ra trong cuộc đời cũng có một sứ mạng để hoàn thành theo ý định của Thiên Chúa. Cách chung, sứ mạng đó nằm trong ơn gọi làm người của mình. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Con người phải sống theo lương tâm ngay thẳng để sống đúng phẩm giá làm người và hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt hơn. Ngoài ra, Thiên Chúa cũng để cho mỗi người một hoàn cảnh, một địa vị, một khả năng như phương thế để con người sống đúng ơn gọi làm người của mình. Như vậy, giá trị của đời người không hệ tại ở địa vị, hoàn cảnh, hay khả năng mà hệ tại ở việc con người biết nỗ lực hoàn thiện cuộc đời mình cho xứng với phẩm giá con người và xứng danh là con cái Chúa (R.Veritas).

6. Truyện: Một ông cụ quảng đại

Tạp chí “Truyền bá đức tin” có thuật lại một câu chuyện một cụ già Ấn Độ như sau: Lúc còn là thanh niên, anh đã say sưa nghiện ngập đủ mọi thứ: cà phê, thuốc là, rượu mạnh có tiếng. Nhưng rồi một hôm, chàng đọc thấy trên mặt báo lời kêu gọi giúp đỡ chủng sinh ở các giáo phận nghèo. Đọc xong chàng rất đỗi phân vân, một đàng chàng muốn mình phải làm một cái gì đó, đàng khác, chàng thấy những thứ đó quá hấp dẫn, chả có vẻ tội lỗi gì cả.

Tuy niên, chàng đã quyết định: bỏ tất cả… nhưng dần dần với thời gian. Chàng đóng góp số tiền tiêu sài ấy vào quĩ truyền bá đức tin để giúp nuôi ít chủng sinh nghèo. Cứ thế liên tiếp trong mấy mươi năm, nhiều thế hệ chủng sinh, linh mục đã được chàng giúp đỡ. Họ liên lạc thư từ với chàng mỗi lúc một nhiều… Thời gian trôi qua, đến ngày chàng thanh niên nghiện ngập thành ông cụ già 85 tuổi. Ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 85 của cụ, cụ tuyên bố trước mặt họ hàng: “Với những hy sinh suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đài thọ cho việc huấn luyện các chủng sinh, và đến nay, con số các linh mục rải rác khắp nơi được tôi giúp đỡ đã lên tới 30 người. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã đầu tư thành công và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư như thế đến giờ Chúa gọi”.

LÒNG CHÚA TỪ BI NHÂN HẬU
(Ngày 23 tháng 12)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của ngày lễ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta sắp mừng Lễ Giáng Sinh của Con Chúa. Người là Ngôi Lời đã không quản mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh Nữ Maria và ở giữa chúng ta, thì xin Người cũng tỏ cho chúng ta là tôi tớ thấp hèn thấy lòng Chúa từ bi nhân hậu.

Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia đã cho thấy Thiên Chúa tỏ lòng từ bi nhân hậu khi: Người an ủi Xion, an ủi những nơi hoang tàn của nó, làm cho hoang địa nên như vườn Êđen, cho nơi khô cằn nên như thượng uyển của ĐỨC CHÚA. Đức công chính của Ta đã gần kề, ơn cứu độ của Ta sắp xuất hiện, cánh tay Ta sẽ lãnh đạo muôn dân muôn nước, muôn đảo đặt hy vọng nơi Ta, và mong chờ Ta ra tay hành động.

Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Híppôlytô đã cho thấy Thiên Chúa tỏ lòng từ bi nhân hậu qua việc tạo dựng mọi sự nhờ Ngôi Lời: Tất cả ở nơi Người, và Người là tất cả. Khi Người muốn và theo cách thế Người muốn, Người đã bày tỏ Lời của Người, vào thời gian do chính Người ấn định, chính nhờ Lời ấy mà muôn vật được tạo thành.

Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Malakhi đã cho thấy lòng Chúa từ bi nhân hậu qua việc Người cho ngôn sứ Êlia đi trước dọn đường: Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 24, vịnh gia đã kêu gọi: Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.

Ca Nhập Lễ cho thấy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Người muốn cứu độ hết tất cả mọi người: Một trẻ thơ sẽ chào đời để cứu ta, và được gọi là Thiên Chúa, là Đấng uy hùng. Mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc phúc. Cũng vậy, câu Tung Hô Tin Mừng cũng cho thấy ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa: Lạy Đức Kitô là Vua muôn nước, là đá tảng góc tường của tòa nhà Giáo Hội. Xin ngự đến và cứu độ con người, Chúa đã lấy đất mà dựng nên.

Trong bài Tin Mừng, lòng Chúa từ bi nhân hậu được thể hiện qua việc Người cho ông Dacaria có được một người con trai, trong lúc tuổi già, và sau khi viết tên của Gioan vào tấm bảng nhỏ, Thiên Chúa cho ông nói lại được, để ông ca hát chúc tụng lòng từ bi thương xót của Chúa.

Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng luôn thi ân giáng phúc cho chúng ta, chỉ cần chúng ta biết mở lòng ra đón nhận, thì Người sẽ tuôn đổ ân huệ đầy tràn chan chứa cho chúng ta, như lời Ca Hiệp Lễ mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. Ước gì chúng ta biết đứng dậy mở cửa, mời Chúa vào trong tâm hồn chúng ta. Ước gì được như thế!



CHỦ NGHĨA TRUYỀN THỐNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế  

“Tên cháu là Gioan!”; “Ai nấy đều kinh sợ”; “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”

“Truyền thống là đức tin sống động của người đã chết
. ‘Chủ nghĩa truyền thống’ là đức tin đã chết của những người còn sống!” - Jaoslav Pelikan.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay chứng thực nhận định của Jaroslav Pelikan; đôi khi, chính Thiên Chúa chủ động phá vỡ truyền thống! Và một đôi khi, Ngài muốn con người thoát khỏi ‘chủ nghĩa truyền thống’ để cởi mở hơn với những gì mới mẻ! Tin Mừng tường thuật việc Zacharia và Elisabeth đặt tên cho con mình, “Tên cháu là Gioan!”.

Trong truyền thống Do Thái, “tên” mang một ý nghĩa quan trọng. “Gioan” có nghĩa là “Chúa nhân từ”. Đây là tên Thiên Chúa muốn ‘cặp đôi hiếm muộn’ này đặt cho con mình. Sự ra đời của Gioan là dấu hiệu cho thấy ngay cả Thiên Chúa, Ngài vẫn muốn thay đổi một điều gì đó ‘rất truyền thống’; quan trọng hơn, Ngài muốn tiết lộ, ân sủng của Ngài sắp chạm tới thế giới! “Gioan”, khi trưởng thành, sẽ hướng mọi người về phía “Giêsu”, Đấng sẽ công bố năm hồng ân của Thiên Chúa và thời cứu độ của Ngài.

Một cái tên sẽ nói lên những gì? Rất nhiều! Sẽ rất nhiều ý nghĩa trong cái tên của “Gioan”. Vì ‘chủ nghĩa truyền thống’, láng giềng và thân thích phản đối, “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả!”. Với họ, đây là một sự phá vỡ truyền thống không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Thiên Chúa không thể bị ràng buộc bởi truyền thống. Ngài sắp làm một điều gì đó mới mẻ, và cái tên mới này là dấu hiệu cho thấy sáng kiến đầy kỳ thú của Ngài đối với nhân loại.

Có thể có nhiều cách khiến truyền thống đáng được tôn trọng. Tuy nhiên, khi nói đến đường lối của Thiên Chúa, bạn không thể để mình trở thành tù nhân của ‘chủ nghĩa truyền thống’. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu là một mặc khải hoàn toàn mới mẻ! Ngài sẽ tiếp tục nói về Ngài như rượu mới phải đổ vào bầu da mới. Thánh Thần của Ngài, luôn hoạt động theo những cách thức mới mẻ đầy sáng tạo. Sáng kiến đầy ân sủng nơi Ngài luôn thúc đẩy bất cứ ai mở ra những cánh cửa mới và tiến về phía trước. Gió Thánh Thần muốn thổi đâu thì thổi, thổi cho đến tận nơi Ngài muốn. Thiên Chúa luôn định hình lại truyền thống, “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” - bài đọc Malakia - chính Ngài muốn thanh lọc và đổi mới. Bạn và tôi cần cởi mở đón nhận điều Chúa muốn, hãy ngạc nhiên và kính sợ nó!

Kính thưa Anh Chị em,

“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”. Nghĩa là “Chúa đang làm gì trong cuộc đời của đứa trẻ này?”. Với Đức Phanxicô, bạn và tôi tự hỏi, “Chúa đang làm gì trong cuộc sống tôi? Chúa muốn dẫn tôi đi đâu? Ngài yêu cầu tôi đi theo hướng mới nào? Đức tin của tôi là một đức tin vui tươi hay đơn điệu, nếu không nói là buồn tẻ? Tôi có ngạc nhiên khi nhìn thấy các công trình của Chúa, khi nghe về việc truyền giáo hay cuộc đời của một vị thánh; hoặc khi nhìn thấy nhiều người tốt, tôi có cảm nhận được ân sủng bên trong, hay chẳng có gì lay động trong tôi? Tôi có cảm nhận được sự an ủi của Thánh Thần hay tôi đang khép kín? Tôi có ‘nếm thử’ trong tâm hồn mình cảm giác ngạc nhiên mà sự hiện diện của Thiên Chúa mang lại với lòng biết ơn?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, bám chặt ‘chủ nghĩa truyền thống’, không chỉ tự tử, đôi khi con giết chết anh em. Giúp con mở lòng hầu có thể ngoan nguỳ quyện bay theo gió Thánh Thần!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây