TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tình yêu khôn dò của Thiên Chúa

Thứ năm - 14/03/2024 03:34 |   526
Theo Tin Mừng Gioan, vào giây phút cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Tình yêu khôn dò của Thiên Chúa

 

 
  •  
  •  


TÌNH YÊU KHÔN DÒ CỦA THIÊN CHÚA NƠI CÁI CHẾT TRÊN THẬP GIÁ CỦA ĐỨC KITÔ
Lm. James Dominic Brent, OP


WHĐ (14.03.2024) – Theo Tin Mừng Gioan, vào giây phút cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Câu này cũng có thể được dịch là: “Thế là đã được ứng nghiệm”; “Thế là đã hoàn thành”; hoặc “Thế là đã nên trọn”. Giống như lời tuyên bố về cơn khát của Chúa Giêsu, câu “Thế là đã hoàn tất” tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa. Người ta có thể khám phá các tầng ý nghĩa này bằng việc đặt một câu hỏi đơn giản: Chính xác thì điều gì đã được ứng nghiệm, đã hoàn thành, hay đã nên trọn trên thập giá?

Thập giá của Chúa Giêsu Kitô là công trình tình yêu vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến. Chính trong món quà tình yêu quảng đại mà Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới, nhưng việc Thiên Chúa cứu thế giới bằng cách để Con của Ngài chết trên thập giá cho thấy tình yêu của Ngài còn lớn hơn thế. Thật quảng đại khi Thiên Chúa ban sự hiện hữu cho mọi thụ tạo, và thật quảng đại khi Thiên Chúa ban sự sống cho con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Ngài. Thiên Chúa còn quảng đại hơn nữa khi ban ân sủng cho nguyên tổ và thiết lập họ trong trạng thái tuyệt vời của công lý nguyên thủy. Nhưng ban cho chúng ta thế giới này, Thiên Chúa thấy vẫn chưa đủ. Trong tình yêu và lòng thương xót, Ngài muốn ban cho chúng ta nhiều hơn nữa.

Vì vậy, với sự khôn ngoan vĩnh cửu, Thiên Chúa đã trồng một cây ở giữa vườn và cảnh báo nguyên tổ không được ăn trái cây đó kẻo họ sẽ chết (x. St 3,3). Sự vi phạm kéo theo hình phạt là phải chết đối với nguyên tổ cũng như đối với tất cả con cháu – đây không chỉ là cái chết bất kỳ - mà là cái chết vĩnh viễn. Chúng ta có thể gọi nó là “Sự Chết”.

Thiên Chúa đã làm gì?

Sau khi nguyên tổ ăn trái cây đó, Thiên Chúa nhân lành sẽ làm gì? Phải chăng Ngài rút lại lời ngăn cấm họ ăn trái cây đó kẻo phải chết? Hay Ngài đứng từ đàng xa và chỉ đơn thuần là nhìn nhân loại tan rã trong Sự Chết? Liệu tội lỗi và Sự Chết có phải là lời cuối cùng của sự sáng tạo chăng? Trái lại, Thiên Chúa nhân lành đã có kế hoạch để cứu chúng ta — một kế hoạch đáng kinh ngạc nhất: đó là để Người Con vĩnh cửu, nhập thể làm người nơi Chúa Giêsu thành Nazareth, và chết thay cho tất cả mọi người.

Do đó, thay vì quay lại lời ban đầu là tuyên bố “Sự Chết” cho nguyên tổ vì ăn trái cấm, chính Thiên Chúa, qua Con của Ngài, sẽ thay con người gánh lấy hình phạt của Sự Chết. Bằng cách này, Thiên Chúa thể hiện tình yêu khôn dò của Ngài. Ngài tỏ cho chúng ta một tình yêu tự nguyện không chỉ tạo dựng chúng ta mà còn chết vì chúng ta.

Được mạc khải trong Kinh thánh

Kế hoạch của Thiên Chúa sai Con của Ngài chết cho chúng ta được thể hiện rất rõ xuyên suốt toàn bộ Kinh thánh. Cựu Ước báo trước về Người Tôi tớ Đau khổ trong sách ngôn sứ Isaia chương 53 và những nơi khác nữa. Sách Thánh vịnh cũng báo trước về Người Tôi tớ Đau khổ trong các Thánh vịnh 22, 69 và 88. Sứ mạng và những đau khổ của tiên tri Giêrêmia cũng là một hình ảnh báo trước về Đức Kitô đau khổ. Những gian nan, đau khổ của ông Gióp, người công chính, cũng vậy.

Sự mạc khải về kế hoạch vĩnh cửu tiếp tục trong Tân Ước. Tiên tri Simeon nói với Đức Trinh Nữ Maria rằng con trai của Mẹ sẽ phải chịu người đời chống báng (x. Lc 2,34-35). Một trong 3 món quà của các đạo sĩ là một dược (x. Mt 2,11). Một dược là hình ảnh báo trước về cái chết của Chúa Giêsu vì trong thế giới cổ đại, một dược được dùng làm chất lỏng ướp xác. Việc Chúa Giêsu chịu Phép rửa và những cám dỗ của Người trong sa mạc cũng là những hình ảnh báo trước cuộc khổ nạn của Người. Chính Chúa Giêsu cũng có những lần tiên báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người (x. Mc 8,31, 9,31, Mt 16,21, 17,12, 17,23, v.v.). Để cho thấy cuộc khổ nạn và cái chết không phải là điều gì đó bình thường xảy đến với Người, Chúa Giêsu nói một cách minh nhiên rằng chính Người tự nguyện hy sinh mạng sống: “Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Ðó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,17-18). Nhiều lần trong sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã thoát khỏi đám đông muốn giết chết Người (x. Lc 4,16-30). Tuy nhiên, trong Vườn Gethsemane, Chúa Giêsu đã không chọn để chạy trốn nhưng đã chọn thập giá, và khi làm như vậy, cũng đồng nghĩa với việc Người chọn theo kế hoạch vĩnh cửu của Tình Yêu.

Thế là đã hoàn tất!

Trở lại câu hỏi chính, khi Chúa Giêsu phán: “Thế là đã hoàn tất”, chính xác thì điều gì đã được ứng nghiệm, hoàn thành hay nên trọn? Điều đã nên trọn là kế hoạch đời đời của Thiên Chúa sai Con Ngài chết trên thập giá thay cho tất cả chúng ta. Điều đã được hoạch định từ thưở đời đời giờ đây đã được hoàn thành trong thời gian. Điều đã đã được ứng nghiệm là tất cả những lời báo trước và những lời ngôn sứ trong Cựu Ước về cái chết cứu độ của Người. Những gì đã được ứng nghiệm còn là lời tiên tri của Simeon với Đức Maria, dấu chỉ của một dược từ các đạo sĩ, và những lời tiên báo của chính Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn và cái chết của Người.

Điều đã được ứng nghiệm là sự hy tế của Chúa Giêsu thay cho tội nhân. Điều đã được hoàn thành là mục đích thần linh và nhân loại của Người là chết vì yêu thương tất cả chúng ta. Điều đã nên trọn là kế hoạch để Con Thiên Chúa vĩnh cửu giờ đây bước vào trạng thái của Sự Chết. Vì vậy, vừa nói lời sau cùng: “Thế là đã hoàn tất!" xong, Chúa Giêsu gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Sự Chết bị tiêu diệt

Mục đích của Chúa Giêsu khi bước vào trạng thái của Sự Chết chính là để tiêu diệt nó. Về nguyên tắc, Sự Chết là một tình trạng vĩnh viễn ngoại trừ một điều, đó là Chúa Giêsu Kitô có quyền năng phá vỡ nó. Trước đó, có những người đã chết được sống lại, nhưng tất cả đều phải chết một lần nữa.

Tuy nhiên, vào Chúa Nhật Phục Sinh, khi Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, và nay Người sống đến muôn thuở muôn đời (x. Kh 1,18). Khi làm như vậy, Người đã phá vỡ sức mạnh của Sự Chết. Người đã loại bỏ nọc độc và sự vĩnh viễn của nó. Giờ đây, nhờ chiến thắng của Chúa Giêsu, không còn phàm nhân nào bước vào Sự Chết như một tình trạng vĩnh viễn nữa mà cái chết của con người giờ đây chỉ là một tình trạng tạm thời. Tân Ước so sánh cái chết này với việc ngủ. Cuối cùng, vào ngày chung thẩm, mỗi thân xác con người từng tồn tại sẽ trỗi dậy từ nấm mồ lịch sử nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Đó sẽ là thời điểm của sự thật đối với toàn thể nhân loại lịch sử - toàn thể Adam. Vào thời điểm đó, theo truyền thống, được gọi là cuộc phán xét chung, Thiên Chúa sẽ xét xử con người ở mọi thời và mọi nơi tùy theo việc làm họ làm (x. Rm 2,6; Kh 22,12).

Tôi đã sống yêu thương như thế nào?

Vậy thì, trong khi chờ đợi tới ngày chung thẩm, chúng ta sẽ sống như thế nào? Chúng ta sẽ chuẩn bị ra sao?

Trước hết, chúng ta đừng quên rằng Đức Kitô đã chết cho chúng ta, song Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ trong cõi chết. Hiện Người đang ngự bên hữu Chúa Cha và thổi Thánh Thần của Người xuống trên chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sám hối tội lỗi để được tha thứ, Người chờ đợi chúng ta nài xin tình yêu thương xót, và Người tha thiết muốn thể hiện tình yêu thương xót ấy cho tất cả những ai kêu cầu Người.

Chúng ta cũng hãy nhớ những lời của Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu” (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1022). Với giáo huấn này, dựa trên một bản tóm tắt của Tin Mừng Mt 25, chúng ta hãy tự vấn lương tâm: Tôi đã sống yêu thương như thế nào? Tôi đã yêu Chúa như thế nào? Tôi đã yêu thương tha nhân như thế nào? Tôi đã yêu thương bản thân mình như thế nào?

Khi thấy mình bị đè nặng bởi tội lỗi, chúng ta hãy đến với Bí tích Hoà giải, vì qua bí tích cao cả này, máu Chúa Giêsu một lần nữa rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Và sau khi lãnh nhận ơn tha thứ, chúng ta hãy chuyên tâm cầu nguyện, ăn chay và bố thí tùy theo ân sủng và bậc sống của mình.

Được như thế, là chúng ta đang chuẩn bị cho ngày sau hết. Thật vậy, chỉ vào ngày đó, cuối cùng chúng ta mới thấy được ý nghĩa trọn vẹn của câu: “Thế là đã hoàn tất!”.

 
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: 
oursundayvisitor.com (04. 03. 2024)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây