TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thông cáo số 09/06

03/05/2021 05:57:44 |   638

Toà Giám Mục Banmêthuột
104 Phan Chu Trinh
Tp Buôn Ma Thuột

Thông cáo số 09/06


Banmêthuột, ngày 24 tháng 06 năm 2006.

Kính gửi: Các linh mục Giáo Phận Banmêthuột.
V/v Các nhóm mệnh danh là “Canh tân đặc sủng”, “Tôn thờ Chúa Cha”, “Phong trào Thánh Linh” đang hoạt động trong Giáo phận Banmêthuột.


Thưa Quý Cha,

1. Hiện nay, tại một vài giáo xứ trong Ðịa phận nhà, có một số người công giáo tham gia vào những sinh hoạt của các nhóm mệnh danh là “Canh tân đặc sủng”, “Tôn thờ Chúa Cha”, “Phong trào Thánh Linh”. Những người này có những sinh hoạt tâm linh, tôn giáo khác thường, xa lạ với truyền thống của Giáo Hội. Họ thường họp nhau đâu đó để đọc Lời Chúa, truyền miệng nhau rằng Giáo Hội Công giáo không coi trọng Lời Chúa. Họ tự cắt nghĩa, giải thích Lời Chúa, bài bác Giáo Hội, công kích các Đấng Bản Quyền. Họ chủ trương không đi lễ, không đi nhà thờ, không lãnh nhận các bí tích, không cho con cái đi học giáo lý, thậm chí không cho con cái đi học văn hoá, gây lục đục bất hòa trong gia đình, gây chia rẽ trong giáo xứ. Họ thường họp nhau cầu nguyện gọi là “cầu nguyện chữa bệnh”, bảo rằng họ cầu nguyện thì bất cứ bệnh gì, dù nan y, cũng đều khỏi cả, không cần đi bác sĩ, không cần đi bệnh viện, không cần thuốc men gì hết. Khi cầu nguyện, họ tạo ra cảnh có người ú ớ như được đặc sủng, được ơn nói tiếng lạ v.v. Có người cũng đặt tay, cũng xức dầu (dầu thương mại) để chữa bệnh. Được biết họ là những người hiểu biết rất ít về giáo lý.

2.1. Về việc đọc Lời Chúa. Lời Chúa là nguồn mặc khải của Thiên Chúa. “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa” (MK21). Sau Công Ðồng Vatican II, Giáo Hội hết sức cổ võ việc đọc, suy niệm và sống Lời Chúa. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong Thư Mục Vụ 2005, cũng đã chọn chủ đề cho năm là “Sống Lời Chúa” (SLC)1. Cho thấy Giáo Hội hết sức đề cao Lời Chúa.

2.2. Việc đọc Lời Chúa tự nó là chuyện tốt, cần thiết, đáng khuyến khích, nhưng tự tiện giải thích Lời Chúa là điều phiêu lưu, như gà con bỏ đàn xa mẹ, có nguy cơ ảnh hưởng tới ơn cứu rỗi. Lời Chúa được viết ra cho mọi người, nhưng không phải mọi người đều hiểu đúng Lời Chúa. Thánh Phêrô căn dặn “Anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1, 20-21).
Đọc Lời Chúa không phải là để thâu lượm được những kiến thức mới lạ mà chủ yếu là để được đón nhận những chân lý cứu độ Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người (x. MK 12). Để đạt được mục đích này “bầu khí thuận lợi và lý tưởng để đọc Lời Chúa vẫn là bầu khí cầu nguyện, nghĩa là đọc trong Chúa Thánh Thần" (SLC 5).

2.3. Để tránh nguy cơ tự tiện giải thích Lời Chúa, làm sai lạc ý nghĩa của Thánh Kinh, các Đức Giám Mục đã chỉ cho chúng ta con đường an toàn là phải “đọc Lời Chúa… trong sự hiệp thông sống động của Giáo Hội, vì nhiệm vụ này đã được uỷ thác cho một mình Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, quyền này được thi hành nhân danh Chúa Kitô” (MK 10 được trích trong SLC 5). Chính Chúa Kitô đã nâng quyền giảng huấn của các Tông Ðồ lên ngang hàng với quyền của Người khi Người khẳng định: ”Ai nghe anh em là nghe Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Ðấng đã sai Thầy” (Lc 10,16)2.

2.4. Hiểu như thế thì khi gặp những giáo thuyết, những luận điệu, những sinh hoạt xa lạ với truyền thống của Giáo Hội, xin quý cha nhắc lại cho anh chị em giáo dân, nhất là cho những người nhẹ dạ cả tin, lời quả quyết mạnh mẽ sau đây của thánh Phaolô Tông Đồ: “Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi. Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một Thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi. Như tôi đã nói, và nay tôi xin nói lại: nếu có ai loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng anh em đã lãnh nhận, thì Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi” (GL 1, 7-9).
Thật rõ ràng và dứt khoát. Cá nhân không thể tự tiện giải thích Lời Chúa. “Mọi điều liên hệ đến việc chú giải Thánh Kinh cuối cùng đều phải tuỳ thuộc vào phán quyết của Giáo Hội, vì Giáo Hội được Thiên Chúa giao cho sứ mệnh và chức vụ gìn giữ và giải thích Lời Chúa” (MK số 12 ở cuối). Vì thế người tín hữu chân chính không thể tự tiện giải thích Lời Chúa mà luôn luôn phải đọc Lời Chúa với Giáo Hội, trong Giáo Hội, nghĩa là chấp nhận Huấn Quyền của Giáo Hội.

3. Về việc “cầu nguyện chữa bệnh”. Rõ ràng trong Giáo Hội của Chúa có “rất nhiều đặc sủng khác nhau” như “ơn khôn ngoan…, ơn hiểu biết…, ơn làm phép lạ…, ơn nói tiên tri, nói các thứ tiếng lạ, giải thích các tiếng lạ v.v...” (1Cr 12,4-11). Trong các đặc ân đó có cả đặc ân chữa lành cho bệnh nhân. Thánh Giacôbê khuyến dụ: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5, 14-15). Tuy nhiên những cộng đoàn tiên khởi đã không hề xem đó như những phương thức kỳ diệu hoạt động một cách tự động, thần bí, ma thuật. Người cầu nguyện trong đức tin tin rằng: Chúa sẽ “phục hồi sức khoẻ nếu hữu ích cho phần rỗi” (GLHTCG 1532). Do đó nói rằng cầu nguyện nhất định sẽ chữa lành hết mọi bệnh tật, dù nan y, không cần thuốc men gì… là điều trái với giáo lý, trái cả với thực hành trong Giáo Hội.

4. Vậy xin Quý Cha giải thích cho mọi người hiểu rằng “canh tân phụng vụ”, “canh tân đặc sủng”, không “dập tắt Thánh Thần” là những điều cần thiết, song cần kiểm chứng tính chính thống, trung thực của các đặc sủng (x. 1Th 5,19tt). Nên nhớ rằng “mọi đặc sủng đều có ích chung” (1 Cr 12,7); mà muốn lo cho ích chung thì cần phải có những người điều hành, phụ trách cộng đoàn, tức là hàng Giáo phẩm, do đó cần phải tôn trọng phẩm trật của Giáo Hội. Các chức năng trong Giáo Hội được xếp theo thứ tự quan trọng mà đứng đầu là các Tông Ðồ (x. 1Cr 12,28; Ep 4,11) và tiếp đến là các vị kế nhiệm các Tông Đồ, tức là các Giám Mục. Luật thực hành cho mọi tín hữu, cho mọi cộng đoàn tín hữu là tuân phục các đấng kế vị các Tông Đồ, các Đấng Bản Quyền. Giáo lý của Giáo Hội là giáo lý tông truyền, tức là từ các Tông Đồ truyền lại, là bảo đảm cao nhất cho tính trung thực Tin Mừng của Đức Kitô. (x. 1Cr 12, 28).

Xin Quý Cha thông báo cho anh chị em giáo dân biết rõ rằng những tổ chức nêu ở số 1 trên đây, với những giải thích Lời Chúa không đúng với đường lối của các Tông Đồ, của Giáo Hội và những sinh hoạt xa lạ với truyền thống Công giáo, gây chia rẽ trong gia đình, trong giáo xứ, mất hiệp nhất trong đức tin như vậy, không được Giáo quyền địa phương, tức là Đức Giám Mục chấp thuận, cho phép. Tuy nhiên xin Quý Cha và cộng đoàn giáo xứ khoan dung, lấy tình bác ái giúp đỡ cho những anh chị em đã đi trệch đường trở về sinh hoạt trong sự hiệp nhất đức tin với cộng đoàn, với giáo xứ. Hãy khuyên họ nên noi gương các tín hữu đầu tiên: “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
Xin Chúa ban bình an và hiệp nhất cho Giáo Hội của Chúa.


Thân ái chào Quý Cha,


Phaolô Nguyễn Văn Hoà
Giám mục Giám quản Giáo phận Banmêthuột. (Đã ký)

 


NB. Xin Quý Cha đọc Thông Cáo này trước cộng đoàn vào Chúa Nhật sau khi nhận được.
Chú thích: (1) Qua lá thư mục vụ này, các Đức Giám Mục mong muốn chúng ta ôn lại giáo huấn của Công Ðồng về Lời Chúa, đồng thời cũng dạy chúng ta “phương cách sống Lời Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội Việt Nam hôm nay” (SLC 1). Các Đức Giám mục khuyên mọi tín hữu “Phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước. Tạo cơ hội tôn vinh và suy niệm Lời Chúa, riêng từng cá nhân, trong gia đình hoặc cộng đoàn. Dành vị trí trọng yếu trọng yếu cho Lời Chúa trong các giờ cầu nguyện và các giờ đạo đức” (SLC 7).

(2) Thư Chung cũng nhắc lại lời căn dặn của đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêdictô XVI trong bài giảng ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Colongne, ngày 21-8-2005, về việc phải nhờ Giáo Hội để hiểu Lời Chúa: “… nếu yêu mến Thánh Kinh là điều hệ trọng, thì am hiểu đức tin của Giáo Hội cũng hệ trọng không kém, bởi vì nhờ Giáo Hội, ta mới hiểu được ý nghĩa của Thánh Kinh”.


Toà Giám Mục địa phận Banmêthuột
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây