TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm C

“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,38-42)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bản chất của chiêm niệm

Thứ tư - 16/07/2025 10:44 | Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB |   36
Trẻ thơ là bậc thầy về chiêm niệm, bởi vì, trẻ thơ nhìn mọi người, mọi việc bằng đôi mắt chiêm niệm, trẻ thơ nhìn như Chúa nhìn.

BẢN CHẤT CỦA CHIÊM NIỆM

tbd 160725b


Đức Giêsu nói: không trở nên giống trẻ thơ, thì, sẽ không được vào Nước Trời (x. Mt 18,3). Trẻ thơ là bậc thầy về chiêm niệm, bởi vì, trẻ thơ nhìn mọi người, mọi việc bằng đôi mắt chiêm niệm, trẻ thơ nhìn như Chúa nhìn. Khi lớn lên, ta được dạy về các phương pháp cầu nguyện, chiêm niệm, và thế là, ta bắt đầu bước vào cầu nguyện, chiêm niệm với một “cái tôi” đầy tinh vi: từ người bận rộn, sang, người trầm tĩnh; từ kẻ mưu cầu vật chất, sang, người mong cầu đạo hạnh; từ một “cái tôi” ồn ào, sang, một “cái tôi” rất tĩnh lặng, và cũng chính vì, “cái tôi” quá im lặng, nên, ta không còn nhận ra sự có mặt của nó nữa.

Trong đời sống thế tục, “cái tôi” dễ bị phát hiện, nó thể hiện qua tranh đấu, giành giật, hơn thua, nhưng, khi ta bước vào cầu nguyện, và chiêm niệm, nó khoác lên mình một lớp áo mới: người thuần thiêng, nhà thần bí, bậc thầy chiêm niệm... Ta bắt đầu quan sát những người xung quanh, và trong vô thức, ta so sánh mình với họ: họ còn bị cảm xúc chi phối, còn nhiều vọng động, còn nhiều dính mắc, còn, ta đã vững vàng, đã tĩnh lặng, đã buông bỏ… Cái tôi thiêng liêng chính là tầng sâu nhất, kín đáo nhất, khó tháo gỡ nhất, bởi vì, nó không chạy theo tiền bạc, địa vị, lời khen, nhưng, chạy theo các ngụy từ: khó nghèo, khiêm nhường, bỏ mình: ta không còn muốn có nhiều, mà, muốn trở thành ít; không còn muốn vượt lên người khác, mà, muốn không là gì cả. Tuy nhiên, ta vẫn ngầm thấy mình đang không là gì cả, và đó là nghịch lý, một nghịch lý, mà nếu không có cái nhìn chiêm niệm thật sâu, ta cứ tưởng mình đã thoát, nhưng, thật ra, ta vẫn đang bị giam giữ trong một hình thức khác của sự sở hữu.

Ta từ bỏ sở hữu vật chất, nhưng, lại dính mắc vào những sở hữu thiêng liêng: sở hữu sự tĩnh lặng, ánh mắt từ bi, lời nói từ tốn, bước chân từ từ… Tất cả những điều đó, nếu, không xuất phát từ Chúa, mà, từ chính mình, thì, đó vẫn là sở hữu, vẫn là bám víu, vẫn là bản ngã, một bản ngã được tẩy trắng, được bao bọc bằng những khái niệm cao quý, và chính vì nó được khoác áo cao quý, nên, ta càng không dám nghi ngờ, và ta bắt đầu bảo vệ hình ảnh đó. Chiêm niệm chính là đời sống đang diễn ra, không màu danh, không mùi lợi: khiêm nhường mà còn biết mình khiêm nhường, thì chưa phải khiêm nhường thật; chiêm niệm mà còn biết mình đang chiêm niệm, thì chưa phải chiêm niệm thật, mà là, đang chiêm ngắm cái tôi vĩ đại của mình.

Chiêm niệm thật, đó là “Cái nhìn của Chúa”: cái nhìn không người nhìn, cái biết không người biết, sự hiện diện không người sở hữu, nghĩa là, chỉ có một mình Chúa nhìn, một mình Chúa biết, một mình Chúa hiện diện, phần chúng ta, thì thông dự vào trong cái nhìn, cái biết, trong sự hiện diện đầy tràn của Chúa, như giọt sương, hạt muối bé nhỏ hòa vào: làm một với đại dương. Tuy nhiên, chúng ta là một nhân vị bất khả tương nhượng, được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng cách đặc biệt, độc nhất vô nhị, chính vì thế, như trăm vạn con sông đổ ra biển, hòa chung một vị mặn, nhưng, nếu có máy móc tinh vi, ta vẫn có thể phân biệt được những đặc tính khác biệt: độ mặn, độ chua, độ phèn, độ ngọt của từng con sông một.

Tóm lại, nếu ta có được cái nhìn của trẻ thơ, không đòi hỏi hoàn cảnh phải khác đi, thì, đó chính là chiêm niệm, một loại chiêm niệm không tên, không khuôn mẫu, không kỹ thuật, mà chỉ là: tâm thái sẵn sàng đón nhận tất cả những gì xảy đến, trong thánh ý Chúa. Cái tôi thiêng liêng là lớp vỏ cuối cùng, mà bản ngã vẫn còn có thể trú ẩn, nếu ta không thấy, thì, càng đi sâu, ta càng lạc xa hơn, nếu ta bám vào, thì, nó sẽ trở thành xiềng xích; nếu biết dừng, thì, mắt ta sẽ rộng mở: ta sẽ có thể nhìn mọi người, mọi việc như chính Chúa nhìn, để, khi bất cứ sự việc gì xảy đến, chúng ta cũng có thể nhìn như Chúa nhìn, nghĩ như Chúa nghĩ, nói như Chúa nói, làm như Chúa làm, đó chính là chiêm niệm, điều mà thánh Phaolô đã nói: Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là, Đức Kitô sống trong tôi (x. Gl 2,20). Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây