TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp Ngày Chăm sóc Thiên nhiên 2018

17/04/2021 06:30:44 |   843

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên

 

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô 
nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên

Ngày 1 tháng 9 năm 2018


Anh chị em thân mến,

Trong Ngày Cầu Nguyện hôm nay, trước hết tôi muốn cảm tạ Chúa vì món quà ngôi nhà chung của chúng ta và vì những anh chị em đầy thiện chí đang hết lòng bảo vệ ngôi nhà ấy. Tôi cũng biết ơn về nhiều dự án nhằm xúc tiến việc nghiên cứu và bảo tồn những hệ thống sinh thái, về những nỗ lực phát triển nền nông nghiệp bền vững, phương thức dinh dưỡng có trách nhiệm hơn, và về những sáng kiến khác nhau về mặt giáo dục, thiêng liêng và phụng vụ lôi cuốn các Kitô hữu khắp nơi trên khắp thế giới vào việc chăm sóc thiên nhiên.

Cũng phải nhìn nhận rằng chúng ta đã không thành công trong việc bảo vệ các tạo vật một cách có trách nhiệm. Tình trạng môi trường, cả ở cấp độ toàn cầu lẫn tại những nơi cụ thể, không thể được xem là thỏa đáng. Thật sự thì càng ngày càng có thêm nhận thức rằng cần phải có một tương quan mới và lành mạnh giữa con người và thiên nhiên, và niềm xác tín rằng chỉ có một tầm nhìn chân chính và toàn diện về nhân loại mới giúp cho chúng ta ý thức bổn phận chăm sóc tốt hơn hành tinh này vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Vì “không có một nền sinh thái học mà không có nhân học thích đáng” (Laudato Si’, 118).

Nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên này, ngày mà, trong nhiều năm qua, Giáo hội Công giáo đã cử hành chung với các anh chị em Chính Thống giáo và sự tham gia của các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo khác, tôi muốn tất cả chúng ta quan tâm đến vấn đề nước. Đó là một yếu tố rất đơn giản và quý giá, nhưng đáng buồn thay, tiếp cận được nguồn nước đối với nhiều người thật là khó khăn nếu không muốn nói là không thể được. Thế nhưng, “được có nước uống an toàn là một quyền căn bản và phổ quát cho hết mọi người, bởi vì nó thiết yếu cho sự sinh tồn, và do đó là một điều kiện để thực thi những nhân quyền khác. Thế giới chúng ta đang mắc một món nợ to lớn đối với những người nghèo đang thiếu nước uống, bởi vì họ bị khước từ quyền được hưởng một cuộc sống phù hợp với phẩm giá bất biến của họ.” (Laudato Si’, 30).

Nước kêu mời chúng ta suy tư về cội nguồn của mình. Cơ thể con người gồm phần lớn là nước, và trong lịch sử, không ít nền văn minh đã phát xuất gần lưu vực các sông cái mang vai trò định hình cho căn tính của mình. Qua một văn thể gợi hình, đoạn văn mở đầu của sách Sáng Thế viết rõ rằng ngay từ khởi thủy, thần khí Đấng Tạo Hóa “đã bay lượn trên mặt nước” (1,2).

Xét đến vai trò cơ bản của nước trong công trình tạo dựng và sự phát triển của con người, tôi nghĩ rằng chúng ta cần cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân “Chị Nước”, rất đơn giản nhưng đầy ích lợi cho sự sống một cách độc đáo trên hành tinh của chúng ta. Chính vì lý do này, việc chăm sóc các nguồn nước và những nơi chứa nước là một đòi hỏi cấp bách. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhìn xa hơn những quan tâm trước mắt (xem Laudato Si’, 36) và xa hơn cái nhìn thuần vị lợi về thực tế hiện nay, “trong đó tiêu chuẩn hiệu năng và khả năng sản xuất hoàn toàn nhắm vào lợi ích cá nhân” (Laudato Si’, 159). Chúng ta cần có những dự án được chia sẻ với nhau và những động thái cụ thể nói lên rằng bất cứ việc tư hữu hóa tài sản nước sạch nào, mà phải hy sinh quyền con người được hưởng nhờ tài nguyên này, thì không chấp nhận được.

Đối với các Kitô hữu chúng ta, nước biểu trưng một yếu tố quan trọng của thanh lọc và sự sống. Điều này ngay lập tức đưa chúng ta nghĩ đến phép Rửa tội là bí tích đem lại sự sống mới cho chúng ta. Nước được Chúa Thánh Thần thánh hóa là chất liệu Thiên Chúa dùng để ban sự sống và làm cho chúng ta thành con người mới; đó là nguồn mạch sự sống vĩnh cửu. Đối với Kitô hữu thuộc về các Giáo hội khác, phép Rửa cũng tượng trưng cho khởi điểm cụ thể và không thay thế được của việc trải nghiệm một tình huynh đệ chân chính hơn bao giờ hết trên đường tiến đến hiệp nhất trọn vẹn. Chúa Giêsu, trong khi thi hành sứ vụ, đã hứa ban một loại nước có khả năng thỏa mãn cơn khát của nhân loại (x. Ga 4, 14), và đã hứa rằng: “Ai khát hãy đến với Ta mà uống (Ga 7, 37). Uống từ nơi Chúa Giêsu có nghĩa là gặp gỡ chính bản thân Ngài là Chúa, kín múc từ lời Ngài ý nghĩa của sự sống. Ước gì lời Ngài thốt ra trên thánh giá – “Ta khát” (Ga 19,28) – không ngừng vang vọng trong tâm hồn chúng ta. Chúa vẫn mong mỏi rằng cơn khát của Ngài được thỏa mãn; Ngài đang khát tình yêu. Ngài kêu mời chúng ta cho Ngài được uống trong thân phận những người đang khát hôm nay và nói với họ: “Ta khát và các ngươi đã cho ta uống” (Mt 25,35). Trong ngôi làng toàn cầu, cho uống không những là một cử chỉ bác ái cá nhân, mà còn biểu hiện những lựa chọn cụ thể và quyết tâm bảo đảm cho hết mọi người tài nguyên quý báu là nước.

Tôi cũng muốn nhắc đến vấn đề biển cả và đại dương. Bổn phận của chúng ta là cảm tạ Đấng Tạo Hóa vì hồng ân to lớn và kỳ diệu của biển khơi và những gì trong đó (xem St 1,20-21; Tv 146,6) và ngợi khen Ngài đã choàng các đại dương lên trên mặt trái đất (xem Tv  104, 6). Suy tư về biển cả bao la và chuyển động không ngừng của chúng cũng là một cơ hội hướng lòng chúng ta nghĩ về Thiên Chúa là Đấng không ngừng đồng hành cùng các thụ tạo, hướng dẫn đường đi nước bước và duy trì sự tồn tại cho mọi loài (xem Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo lý 7/5/1986).

Không ngừng chăm sóc kho tàng vô giá này là một bổn phận không được trốn tránh và là một thách đố thật sự. Cần phải có sự chung sức hữu hiệu giữa những người có thiện chí trong việc cộng tác để tiếp nối công trình tạo dựng của Đấng Tạo Hóa. Tiếc thay, có quá nhiều nỗ lực bị thất bại vì thiếu quy định và phương tiện kiểm soát hữu hiệu, đặc biệt khi nói đến việc bảo vệ những vùng biển bên ngoài hải phận quốc gia (x. Laudato Si’, 174). Chúng ta không được để cho biển và đại dương trôi đầy rác thải nhựa dẻo. Cũng ở đây, chúng ta cần có trách nhiệm tích cực đối đầu với tình trạng khẩn cấp này. Chúng ta phải cầu nguyện như là mọi sự đều tùy thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và làm việc như thể mọi sự tùy thuộc vào chúng ta.

Chúng ta hãy cầu nguyện để các vùng nước không trở nên dấu hiệu chia cách các quốc gia, nhưng là nơi gặp gỡ của cộng đồng nhân loại. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người đang liều mình nơi biển cả đi tìm một tương lai tươi sáng hơn được an toàn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa và yêu cầu những ai đang phục vụ một cách đáng trân trọng trong lãnh vực chính trị để những vấn đề rất nhạy cảm của thời đại hôm nay, chẳng hạn như các phong trào di dân, biến đổi khí hậu và quyền của mọi người hưởng dùng những tài nguyên chính yếu, được xử lý bằng thái độ trách nhiệm quảng đại và nhìn xa, và với tinh thần cộng tác, đặc biệt giữa các nước có khả năng nhất.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người đang dấn thân trong việc tông đồ trên biển, cho những ai đang giúp cho việc suy tư về những vấn đề liên quan đến hệ sinh thái biển, cho những ai đang góp phần vào việc phát triển và áp dụng những quy tắc quốc tế trên biển để bảo vệ an toàn cho các cá nhân, quốc gia, hàng hoá, tài nguyên thiên nhiên – chẳng hạn, theo thiển ý của tôi, là động vật và tảo biển và các rạn san hô (xem Laudato Si’, 41) hoặc thềm đại dương – cũng như bảo đảm sự phát triển toàn diện nhắm đến lợi ích chung của đại gia đình nhân loại chứ không phải cho lợi ích riêng biệt nào. Chúng ta cũng nhớ đến những người đang miệt mài bảo vệ các lãnh hải và canh gác các đại dương đa dạng về sinh học, xin cho họ biết chu toàn nhiệm vụ trong tinh thần trách nhiệm và liêm chính.

Sau cùng, chúng ta cũng không quên các thế hệ trẻ và cầu nguyện cho họ lớn lên trong sự hiểu biết và tôn trọng căn nhà chung của chúng ta và luôn ước muốn chăm sóc tài nguyên cốt yếu là nước vì lợi ích của mọi người. Tôi hy vọng và cầu nguyện cho các cộng đồng Kitô hữu biết đóng góp hơn nữa một cách cụ thể trong việc giúp cho mọi người được hưởng nguồn tài nguyên thiết yếu này, mà vẫn tôn trọng và chăm sóc các ân huệ được Đấng Tạo Hóa ban tặng, nhất là sông ngòi, biển cả và đại dương.

 

Vatican, ngày 1 tháng 9 năm 2018 
Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Nguyễn Quang Vinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây