TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân -2022

04/01/2022 06:41:30 |   1552

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân 2022

Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân năm 2022 của Đức Thánh Cha có tựa đề “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Mt 23,8). Đức Thánh Cha tập trung vào 5 điểm chính: 1) Nhân từ như Cha; 2) Chúa Giêsu, lòng thương xót của Cha; 3) Chạm vào thân xác đau khổ của Chúa Kitô; 4) Trung tâm chăm sóc, nhà thương xót; 5) Mục vụ thương xót: hiện diện và gần gũi.

Nhân từ như Cha

Trong Sứ điệp được công bố hôm thứ Ba 04/01, hướng đến Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 30 sẽ được cử hành vào ngày 11/02 tới đây, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hướng nhìn lên Thiên Chúa “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), Đấng luôn đoái nhìn đến con cái ngay cả khi chúng xa cách Người. Thương xót là tên của Thiên Chúa, thể hiện căn tính của Người, không theo tình cảm nhất thời, nhưng là sức mạnh hiện diện trong tất cả những gì Người thực hiện. Lòng nhân từ của Thiên Chúa có trong chiều kích cả tình phụ tử lẫn mẫu tử. Thiên Chúa chăm sóc nhân loại bằng sức mạnh của một người cha và với sự dịu dàng của một người mẹ. Người luôn mong muốn trao ban cho chúng ta sự sống mới trong Thánh Thần.

Chúa Giêsu, lòng thương xót của Cha

Chúa Giêsu, lòng thương xót của Cha là điểm thứ hai của sứ điệp. Ở số này, Đức Thánh Cha viết: “Chứng tá vĩ đại tình yêu thương xót của Cha dành cho các bệnh nhân là Con Một. Nhiều lần các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với nhiều người mắc những chứng bệnh khác nhau”. Theo Đức Thánh Cha, sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với người bệnh đã lên tới mức sau này trở thành hoạt động chính trong sứ vụ của các tông đồ.

Liên hệ đến thực tế, Đức Thánh Cha nói rằng, trong đại dịch, chúng ta đã chứng kiến nhiều bệnh nhân trải qua những ngày cuối đời trong cô đơn. Mặc dù được các nhân viên y tế chăm sóc, nhưng họ phải xa người thân. Điều này giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng sự hiện diện của những chứng nhân bác ái của Thiên Chúa đối với người bệnh. Đó là những người theo mẫu gương Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha đổ dầu an ủi và rượu hy vọng vào vết thương của bệnh nhân.

Chạm vào thân xác đau khổ của Chúa Kitô

Ở số thứ ba, Đức Thánh Cha đề cập đến các nhân viên y tế. Ngài nói rằng khi các bác sĩ, y tá, các trợ lý phục vụ bệnh nhân, nếu họ thực hiện bằng tình yêu, thì họ không chỉ thi hành như một nghề nghiệp nhưng việc làm này trở thành sứ vụ. Đôi tay của nhân viên y tế chạm vào thân xác đau khổ của Chúa Kitô có thể là dấu hiệu đôi tay nhân từ của Chúa Cha.

Mặc dù ngày nay khoa học tiến bộ, hỗ trợ rất nhiều cho việc điều trị chăm sóc, nhưng Đức Thánh Cha nhắc nhở “Tất cả những điều này không bao giờ làm cho chúng ta quên đi tính độc nhất của mỗi bệnh nhân, với phẩm giá và yếu đuối của họ. Bệnh nhân luôn quan trọng hơn căn bệnh của họ, và vì lý do này mà mọi phương pháp điều trị không được bỏ qua bệnh sử, tiền sử, lo lắng của bệnh nhân. Ngay cả khi không thể chữa khỏi, nhân viên y tế luôn có thể an ủi, tạo cho bệnh nhân cảm giác gần gũi, thể hiện sự quan tâm. Vì lý do này, tôi hy vọng các khóa đào tạo nhân viên y tế có thể tạo ra khả năng lắng nghe và chiều kích tương quan”.

Trung tâm chăm sóc, nhà của lòng thương xót

Sau khi nói đến những người chăm sóc bệnh nhân, Đức Thánh Cha đề cập đến các trung tâm chăm sóc bệnh nhân. Ngài mời gọi những nơi này phải là những ngôi nhà của lòng thương xót.

Thực tế, qua nhiều thế kỷ, vì lòng thương xót dành cho bệnh nhân, các cộng đoàn Kitô đã mở nhiều “nhà trọ người Samari nhân hậu”. Trong những cơ sở này các bệnh nhân thuộc mọi loại bệnh đều được đón tiếp, đặc biệt những người không tìm được câu trả lời cho sức khoẻ của họ do nghèo đói hoặc bị xã hội loại trừ.

Đề cập đến những người nghèo trong bối cảnh ngày nay, sức khoẻ của họ không được bảo đảm, do không có điều kiện chữa trị, như phải đi một quãng đường dài mới tới được trung tâm y tế, hoặc không được chăm sóc đầy đủ, Đức Thánh Cha tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ sở y tế Công giáo, như trung tâm y tế của các dòng tu, đó là “một kho tàng quý báu cần phải được bảo vệ và hỗ trợ. Sự hiện diện của các cơ sở này đã ghi dấu ấn trong lịch sử của Giáo hội về sự gần gũi với người nghèo và người bệnh và những hoàn cảnh bị lãng quên nhất”.

Theo Đức Thánh Cha, trong thời đại mà văn hoá vứt bỏ đang lan rộng và cuộc sống không phải lúc nào cũng được nhìn nhận đúng nhân phẩm, thì các cơ sở y tế Công giáo như những ngôi nhà của lòng thương xót, có thể là mẫu gương trong việc chăm sóc và bảo vệ sự sống cho dù yếu đuối, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc tự nhiên.

Mục vụ thương xót: hiện diện và gần gũi

Ở số cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc chăm sóc mục vụ dành cho các bệnh nhân. Ngài viết: “Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng việc gần gũi với người bệnh và chăm sóc mục vụ cho họ không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên chuyên trách đặc biệt; thăm viếng người bệnh là một lời mời gọi của Chúa Kitô đối với tất cả các môn đệ của Người. Rất nhiều bệnh nhân và người già đang sống ở nhà và chờ đợi một cuộc viếng thăm. Thừa tác vụ an ủi là nhiệm vụ của mỗi người đã được rửa tội, hãy tâm niệm lời Chúa Giêsu: “Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36).

Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp, phó thác sức khoẻ của các bệnh nhân và gia đình họ lên Đức Mẹ, và mời gọi mọi người hiệp thông đau khổ của họ với Chúa Kitô, Đấng đã gánh lấy đau khổ của thế giới, để mọi người tìm được ý nghĩa, an ủi và tin tưởng nơi Người. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho các nhân viên y tế, để họ có thể trao ban cho các bệnh nhân, ngoài việc chăm sóc thích hợp, còn có sự gần gũi huynh đệ và lòng thương xót.

Ngọc Yến - Vatican News

 

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ 30

WHĐ (06.02.2022) - Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ (Lc 6, 36); Đứng bên người đau khổ trên nẻo đường đức ái” chủ đề của Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 30, sẽ được cử hành tại Roma vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11.02.2022. Sau đây là toàn văn nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha.

Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ” (Lc 6, 36).
Đứng bên người đau khổ trên nẻo đường đức ái

Anh chị em thân mến,

Cách đây 30 năm, Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập Ngày Thế giới Bệnh Nhân để khuyến khích dân Chúa, các tổ chức y tế Công giáo và xã hội dân sự lưu tâm đến bệnh nhân và những người chăm sóc họ.[1]

Chúng ta tạ ơn Chúa vì những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây trong các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới. Đã có nhiều bước tiến, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đảm bảo rằng tất cả mọi bệnh nhân, ngay cả những người sống ở những nơi, những hoàn cảnh đói nghèo cùng cực và bị loại ra bên lề, đều nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà họ cần, cũng như sự chăm sóc mục vụ, để giúp họ trải nghiệm bệnh tật trong sự kết hợp với Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Ước mong Ngày Thế giới bệnh nhân lần thứ 30 năm nay – dù vì đại dịch, nên không thể diễn ra tại thành phố Arequipa ở Peru như dự kiến nhưng tại Đền thờ thánh Phêrô ở Vatican – giúp chúng ta gia tăng sự gần gũi và phục vụ bệnh nhân và gia đình của họ.

1. Thương xót như Chúa Cha

Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới lần thứ 30 này, “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ” (Lc 6, 36), mời chúng ta, trước hết hãy hướng nhìn lên Chúa, Đấng “giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4); Đấng luôn đoái nhìn đoàn con bằng tình yêu thương của một người cha, ngay cả khi chúng quay lưng với Ngài. Thương xót là danh xưng hoàn hảo của Thiên Chúa; thương xót, không hiểu như một tình cảm ủy mị nhất thời mà là một động lực luôn hiện hữu và tích cực, diễn tả chính bản tính của Thiên Chúa. Lòng thương xót kết hợp cả sức mạnh và sự dịu dàng. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể nói, với sự ngạc nhiên và biết ơn rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa bao gồm cả tình phụ tử lẫn tình mẫu tử. (x Is 49, 15). Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng sức mạnh của một người cha và bằng sự dịu dàng của một người mẹ; Ngài luôn mong muốn ban cho chúng ta sự sống mới trong Thánh Thần. 

2. Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha

Chứng nhân tối cao cho tình yêu thương xót của Chúa Cha dành cho bệnh nhân là Con Một của Ngài. Biết bao lần các sách Phúc âm kể lại những lần gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người mắc nhiều chứng bệnh khác nhau! Người “đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.” (Mt 4, 23). Chúng ta cũng nên tự hỏi tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra quan tâm đến những người đau yếu như vậy, đến nỗi Người coi đó là điều tối quan trọng trong sứ mạng của các tông đồ, những người được Thầy sai đi loan báo Tin Mừng và chữa lành những người đau yếu (x. Lc 9, 2).

Một nhà tư tưởng của thế kỷ XX gợi ý cho chúng ta một lý do: “Đau đớn là sự cô lập tuyệt đối và chính từ sự cô lập tuyệt đối này làm nảy sinh nhu cầu thu hút người kia, kêu gọi người kia”.[2] Khi một người trải qua sự yếu đuối và đau đớn trong thân xác của mình vì bệnh tật, trái tim họ trở nên nặng trĩu, nỗi sợ hãi lan rộng, những bất ổn nhân lên, và những câu hỏi về ý nghĩa của những gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ trở nên cấp thiết hơn. Về vấn đề này, làm sao chúng ta có thể quên được rất nhiều bệnh nhân, những người trong thời gian đại dịch này, đã trải qua chặng cuối cùng của cuộc đời trần thế trong cô đơn, tại một phòng chăm sóc đặc biệt, tuy được các nhân viên y tế tận tình chăm sóc, nhưng lại phải xa cách những người thân yêu, và những người quan trọng nhất trong cuộc đời của họ? Điều này giúp chúng ta thấy quan trọng biết chừng nào sự hiện diện của những chứng nhân về lòng nhân từ của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta, họ là những người, theo gương Chúa Giêsu là chính lòng thương xót của Chúa Cha, đổ dầu an ủi và rượu hy vọng lên vết thương của bệnh nhân.[3]

3. Chạm vào thân xác đau khổ của Đức Kitô

Lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy có lòng nhân từ như Chúa Cha có ý nghĩa đặc biệt đối với các nhân viên y tế. Tôi nghĩ đến các bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, trợ lý và nhân viên chăm sóc bệnh nhân, cũng như rất nhiều tình nguyện viên đã dành thời gian quý báu của họ để giúp đỡ những người đau khổ. Các nhân viên y tế thân mến, việc phục vụ của các bạn bên cạnh bệnh nhân, được thực hiện bằng tình yêu và năng lực, vượt qua ranh giới của nghề nghiệp và trở thành một sứ mạng. Bàn tay của các bạn, chạm vào da thịt đau khổ của Chúa Kitô, có thể là dấu chỉ của bàn tay nhân từ của Chúa Cha. Hãy nhớ đến phẩm giá cao cả của nghề nghiệp của các bạn, cũng như trách nhiệm mà nghề này đòi hỏi.

Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về những tiến bộ mà y khoa đã đạt được, nhất là trong thời gian gần đây; những công nghệ mới đã giúp thiết lập các liệu pháp mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân; nghiên cứu tiếp tục đóng góp có giá trị trong việc đánh bại các bệnh lý cũ và mới; y học phục hồi chức năng đã mở rộng rất nhiều về chuyên môn và kỹ năng. Tuy nhiên, tất cả những điều này không bao giờ được phép khiến chúng ta quên đi tính độc nhất, phẩm giá và sự yếu đuối của từng bệnh nhân.[4] Người bệnh luôn quan trọng hơn căn bệnh của họ, và đó là lý do tại sao bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng không thể bỏ qua việc lắng nghe bệnh nhân, câu chuyện của họ, những lo lắng và sợ hãi của họ. Ngay cả khi không thể chữa lành, vẫn luôn có thể chăm sóc. Luôn có thể an ủi, luôn có thể làm cho người ta cảm nhận được sự gần gũi, đó là quan tâm đến chính con người hơn là đến bệnh lý của họ. Vì lý do này, tôi hy vọng rằng các khóa đào tạo nhân viên y tế có thể giúp họ phát triển khả năng lắng nghe và tương tác với người khác.

4. Các trung tâm chăm sóc, "ngôi nhà của lòng thương xót"

Ngày Thế giới Bệnh nhân cũng là một dịp thuận lợi để tập trung sự chú ý của chúng ta vào các trung tâm chăm sóc. Qua nhiều thế kỷ, việc bày tỏ lòng nhân ái đối với bệnh nhân đã khiến cộng đoàn Kitô mở ra vô số “những nhà trọ của người Samaritanô nhân hậu”, nơi mà những bệnh nhân thuộc mọi loại bệnh tật có thể được chào đón và chăm sóc, cách riêng những người không được đáp ứng những nhu cầu sức khỏe vì nghèo túng hoặc bị xã hội loại trừ hoặc do những khó khăn liên quan đến việc điều trị một số bệnh lý nhất định. Trong những tình huống này, trẻ em, người già và những người yếu đuối nhất thường phải hứng chịu hậu quả. Nhân từ như Chúa Cha, vô số các nhà truyền giáo đã kết hợp việc rao giảng Tin Mừng với việc xây dựng bệnh viện, trạm xá và nhà dưỡng lão. Đây là những phương thế quý giá nhờ đó đức ái Kitô giáo được thành hình và tình thương của Đức Kitô, mà các môn đồ của Người làm chứng, trở nên đáng tin hơn. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người ở những khu vực nghèo nhất trên hành tinh của chúng ta, nơi mà đôi khi phải đi một quãng đường dài để tìm các trung tâm điều trị, mặc dù với nguồn lực hạn chế, chỉ cung cấp được những gì sẵn có. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi; tại một số quốc gia, việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc thích hợp vẫn còn là điều xa xỉ. Chúng ta thấy điều này, chẳng hạn, trong sự khan hiếm vắc-xin phòng chống Covid-19 tại các nước nghèo; nhưng hơn thế nữa, trong việc thiếu phương tiện điều trị cho những căn bệnh cần những loại thuốc đơn giản hơn nhiều.

Trong bối cảnh này, tôi muốn tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công giáo: chúng là một kho tàng quý giá cần được bảo vệ và gìn giữ; sự hiện diện của những cơ sở này đã ghi dấu ấn trong lịch sử của Giáo hội, cho thấy sự gần gũi của Giáo hội với người bệnh tật và người nghèo, và với những tình huống bị người khác coi thường.[5] Có biết bao các vị sáng lập các gia đình Dòng tu đã lắng nghe tiếng kêu than của những anh chị em của họ, những người không được tiếp cận chăm sóc hoặc được chăm sóc kém, và đã hết mình hiến thân phục vụ họ!

Ngày nay cũng thế, ngay tại những nước phát triển nhất, sự hiện diện của các trung tâm y tế này là một phúc lành, vì ngoài việc chăm sóc thể lý với các kiến thức chuyên môn cần thiết, họ luôn có thể cống hiến món quà của đức ái, tập trung vào bản thân người bệnh và gia đình của họ. Trong thời đại mà văn hóa vứt bỏ lan tràn và sự sống không phải lúc nào cũng được nhìn nhận là đáng được chào đón và sống, thì những cơ sở này, như “ngôi nhà của lòng thương xót”, có thể là mẫu mực trong việc bảo vệ và chăm sóc dành cho mọi sự sống, dù là mong manh nhất, ngay từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc cách tự nhiên.

5. Mục vụ thương xót: hiện diện và gần gũi

Trong suốt 30 năm qua, mục vụ chăm sóc sức khỏe cũng được coi là sự phục vụ không thể thiếu và ngày càng được nhìn nhận. Nếu sự phân biệt đối xử tồi tệ nhất mà người nghèo phải gánh chịu – kể cả người đau bệnh, tức là nghèo về sức khỏe – là sự thiếu quan tâm về mặt thiêng liêng, thì chúng ta không thể không cống hiến cho họ sự gần gũi của Thiên Chúa, phúc lành và Lời của Người, cũng như việc cử hành các Bí tích và cơ hội cho một hành trình tăng trưởng và trưởng thành trong đức tin.[6] Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng việc gần gũi với bệnh nhân và chăm sóc mục vụ dành cho họ không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên được chỉ định cụ thể; việc thăm viếng bệnh nhân là một lời mời mà Chúa Kitô ngỏ với tất cả các môn đệ. Có biết bao bệnh nhân và biết bao người già đang sống tại nhà và chờ người đến thăm! Thừa tác vụ an ủi là bổn phận của mỗi người đã được rửa tội, hãy tâm niệm lời của Chúa Giêsu: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm Ta” (Mt 25, 36).

Anh chị em thân mến, tôi xin phó thác tất cả các bệnh nhân và gia đình của họ cho lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn. Ước gì nhờ hiệp nhất với Đức Kitô, Đấng gánh chịu nỗi đau của thế giới, họ có thể tìm được ý nghĩa, sự an ủi và niềm tín thác. Tôi cầu nguyện cho các nhân viên y tế ở khắp nơi, rằng, với đầy lòng nhân ái, họ có thể trao tặng cho các bệnh nhân sự chăm sóc thích hợp, cùng với sự gần gũi huynh đệ của họ.

Tôi ưu ái ban phép lành Toà thánh cho tất cả mọi người.

Roma, Đền thờ thánh Gioan Lateran, ngày lễ Đức Mẹ Loreto 10/12/2021

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (04.01.2022)


 

[1] X. Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi Đức hồng y Fiorenzo Angelini, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về mục vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động, để thành lập Ngày thế giới bệnh nhân (ngày 13.5.1992)

[2] E. Lévinas, «Une éthique de la souffrance», trong Souffrances. Corps et âme, épreuves partagées, biên tập bởi J.-M. von Kaenel, Autrement, Paris 1994, trang 133-135.

[3] X. Sách lễ Roma, Kinh tiền tụng chung VIII, Đức Giêsu Người Samaritanô nhân hậu.

[4] X. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Liên đoàn quốc gia của các hội bác sĩ và nha sĩ Ý, ngày 20.9.2019

[5] X. Kinh Truyền Tin từ bệnh viện Gemelli, Rome, ngày 11.7.2021.

[6] X. Tông huấn Evangelii Gaudium (ngày 24.11.2013), 200.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây