TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp Thế Giới về ơn gọi 2018

17/04/2021 06:00:22 |   841

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới về ơn gọi lần thứ 55

 

Toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới về ơn gọi lần thứ 55

 

VATICAN. Chúa nhật thứ tư sau lễ Phục Sinh, 22-4-2018, cũng gọi là Chúa nhật ”Chúa Chiên Lành” và là Ngày Thế Giới cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 55, sẽ được cử hành với chủ đề: ”Lắng nghe, phân định và sống lời mời gọi của Chúa”.

 Tình hình ơn gọi trong Giáo Hội hiện nay, nói chung thì ở các nước Á Phi ơn gọi tiếp tục gia tăng, tuy có phần chậm lại so với trước đây, nhưng tại Âu Châu và Bắc Mỹ, ơn gọi tiếp tục giảm sút, các nước Mỹ la tinh ơn gọi kể như không gia tăng.

 Ví dụ, theo thông kê công bố hôm 5-4 vừa qua, số nữ tu tại Áo ngày càng giảm và tuổi càng cao. Tính đến đầu năm nay, tại Áo có 3.350 nữ tu, trong đó chỉ có 3% là người trẻ dưới 40 tuổi, 58% trên 75 tuổi, 20% ở lứa tuổi từ 65 đến 75 tuổi, sau cùng là 19% ở lứa tuổi từ 40 đến 65. Cách đây 38 năm, tức là vào năm 1980, số nữ tu tại Áo là 10.600 chị tức là nhiều gấp 3 số nữ tu hiện nay.

 Một vấn đề lớn đối với các dòng nữ hiện nay tại Áo là việc săn sóc các nữ tu cao niên. Đại đa số các nữ tu không bao giờ có lương bổng cá nhân và vì thế ngày nay các chị cũng không có tiền hưu. Một quĩ liên đới đã được thành lập để giúp đỡ các dòng bản xứ.

 Giáo Hội Công Giáo tại Áo hiện có 1.680 nam tu sĩ, tức là bằng gần 1 nửa số nữ tu. Tuy có phần giảm sút từ vài thập niên qua, nhưng tương đối ổn định hơn so với con số các nữ tu. Trong số các nam tu sĩ có 1.225 LM và 430 tu huynh. Khoảng 50% các giáo xứ tại Áo do các cha dòng đảm trách việc mục vụ. Các vị dung hòa đời sống cộng đoàn với việc mục vụ trong các xứ đạo. Cả nước Áo hiện có 39 nam tập sinh và 20 nữ tập sinh. Năm ngoái có 12 nam tu sĩ khấn trọn đời và chỉ có 8 nữ tu khấn vĩnh viễn. (KP 5-4-2018)

 Tại Đức, số các nữ tu ngày càng giảm sút và theo một ước lượng, trong vòng 10 năm nữa, sẽ không còn dòng nữ tại Đức. Trong bối cảnh trên đây, việc cầu nguyện cho ơn gọi ngày càng trở thành cấp thiết.

 Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị toàn văn sứ điệp của ĐTC đã được ngài cho công bố để chuẩn bị cho việc cử hành Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi vào chúa nhật tới đây.

Anh chị em thân mến,

 Tháng 10 tới đây sẽ diễn ra Thượng HĐGM kỳ thứ 15 về giới trẻ, đặc biệt về tương quan giữa người trẻ, đức tin và ơn gọi. Trong dịp đó chúng ta sẽ có dịp đào sâu vấn đề làm sao để, nơi trung tâm đời sống chúng ta, có ơn gọi vui mừng mà Thiên Chúa gửi đến chúng ta và làm sao để điều này ”là dự phóng của Thiên Chúa cho con người nam nữ thuộc mọi thời đại” (THĐGM XV, Người trẻ, đức tin và phân định ơn gọi, Dẫn Nhập).

 Đây là một tin vui được tái loan báo cho chúng ta một cách mạnh mẽ nhân Ngày Thế Giới lần thứ 55 cầu nguyện cho Ơn Gọi: chúng ta không bị ngập chìm trong trường hợp, và cũng chẳng bị lôi kéo vì một loạt những biến cố xáo trộn, trái lại, cuộc sống và sự hiện diện của chúng ta trong thế giới là kết quả của một ơn Chúa gọi!

 Cả trong thời đại bất an của chúng ta, Mầu Nhiệm Nhập Thể nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa luôn đến gặp chúng ta và là Thiên Chúa-ở-cùng chúng ta, Chúa tiến bước dọc theo những con đường nhiều khi bụi bặm trong cuộc sống chúng ta, và đón nhận nỗi nhung nhớ mạnh mẽ của chúng ta về tình yêu và hạnh phúc, Chúa kêu gọi chúng ta tiến đến vui mừng. Trong sự khác biệt và đặc thù của mỗi ơn gọi cá nhân và Giáo Hội, vấn đề ở đây là lắng nghe, phân định và sống Lời kêu gọi chúng ta từ trên cao và, trong khi để chúng ta tận dụng các năng khiếu của chúng ta, Lời ấy cũng làm cho chúng ta trở thành những dụng cụ ơn cứu độ cho thế giới và hướng chúng ta đến hạnh phúc sung mẫn.

 3 khía cạnh - lắng nghe, phân định và sống - cũng trở thành khuôn khổ cho khởi đầu sứ mạng của Chúa Giêsu, sau những ngày cầu nguyện và chiến đấu trong hoang địa, Ngài đến viếng Hội Đường Do thái ở thành Nazareth, và tại đây, Ngài lắng nghe Lời Chúa, và thông báo Ngài đến để thực hiện Lời ấy ”ngày hôm nay” (Xc Lc 4,16-21)

 - Trước hết là ”Lắng nghe”

 ”Cần phải nói ngay rằng tiếng Chúa gọi không có sự nổi bật, hiển nhiên như một trong bao nhiêu sự chúng ta có thể thấy, nghe hoặc động chạm được trong kinh nghiệm hằng ngày. Thiên Chúa đến một cách âm thầm và kín đáo, không áp đặt cho tự do chúng ta. Vì thế có thể xảy ra là tiếng Chúa bị bóp nghẹt vì bao nhiêu lo lắng và những thúc giục ở trong tâm trí chúng ta.

 ”Do đó, cần có thái độ chăm chú lắng nghe Tiếng Chúa và cuộc sống, chú ý đến cả những chi tiết của cuộc sống thường nhật, học cách đọc các biến cố với con mắt đức tin, và giữ thái độ cởi mở đối với những bất ngờ của Thánh Linh.

 ”Chúng ta không thể khám phá ơn gọi đặc thù và riêng biệt mà Chúa đã nghĩ ra cho chúng ta, nếu chúng ta khép kín nơi mình, trong những thói quen và trong sự thụ động của người phí phạm cuộc đời trong cái vòng chật hẹp của cái tôi, đánh mất cơ hội mơ ước những điều cao cả và trở thành người nắm vai chính trong lịch sử duy nhất và đặc sắc mà Chúa muốn viết lên cùng với chúng ta”.

 Cả Chúa Giêsu cũng đã được kêu gọi và sai đi; vì thế Ngài đã cần hồi niệm trong thinh lặng, đã lắng nghe và đọc Lời Chúa trong Hội Đường, dưới ánh sáng và sức mạnh của Thánh Linh, Ngài nhận rõ trọn vẹn ý nghĩa của Lời Chúa, được nói về chính bản thân Ngài và lịch sử dân tộc Israel.

 Thái độ này ngày nay ngày càng trở nên khó khăn, vì như thể chúng ta bị chìm đắm trong một xã hội ồn ào, trong sự giao động vì nhiều thứ kích thích và thông tin tràn ngập ngày của chúng ta. Tương ứng với sự huyên náo bên ngoài đôi khi thống trị các thành thị và các khu phố của chúng ta, nhiều khi có sự phân tâm và hoang mang nội tâm, không để chúng ta dừng lại, nếm hưởng hương vị chiêm niệm, suy tư trong thanh thản về những biến cố trong đời sống và hoạt động của chúng ta, tín thác nơi kế hoạch ân cần của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thực hiện một sự phân định phong phú.

 Nhưng, như chúng ta biết, Nước Thiên Chúa đến không ồn ào, không thu hút sự chú ý (Xc Lc 17,21), và ta chỉ có thể đón nhận những mầm mống của nước ấy khi chúng ta, như ngôn sứ Elia, biết đi vào chiều sâu của tinh thần chúng ta, để cho tinh thần cởi mở đóng nhận hơi thở không thể cảm thấy của cơn gió thần linh nhẹ nhàng (Xc 1 V 19,11-13)

  Thứ hai là ”Phân định”

 ”Khi đọc đoạn sách Ngôn Sứ Isaia trong Hội đường Nazareth, Chúa Giêsu đã phân định nội dung sứ mạng Ngài được trao phó và trình bày cho những người đang chờ đợi Đấng Thiên Sai: ”Thần Trí Chúa ngự xuống trên tôi; vì thế Người đã xức dầu thánh hiến tôi và sai tôi đi mang Tin Vui cho người nghèo, công bố sự giải thoát cho các tù nhân, cho người mù được thất; trả tự do cho những người bị áp bức, loan báo Năm Hồng Phúc của Chúa” (Lc 4,18-19).

 Cũng vậy, mỗi người chúng ta có thể khám phá ơn gọi của mình qua sự phân định thiêng liêng, một tiến trình qua đó, trong sự đối thoại với Chúa và lắng nghe tiếng Thánh Linh, ta đi tới những chọn lựa cơ bản, bắt đầu từ sự chọn lựa bậc sống. (THĐGM XV, Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi, II, 2).

 Đặc biệt chúng ta khám phá rằng ơn gọi Kitô luôn có một chiều kích ngôn sứ. Như Kinh Thánh làm chứng cho chúng ta, các ngôn sứ được sai đến với dân trong những tình trạng rất bấp bênh về vật chất và khủng hoảng về tinh thần và luân lý, để nhân danh Chúa gửi đến họ những lời hoán cải, hy vọng và an ủi. Như một cơn gió làm cho bụi tung lên, ngôn sứ gây xáo trộn cho sự yên hàn giả tạo của lương tâm đã quên Lời Chúa, phân định các biến cố dưới ánh sáng lời hứa của Chúa và giúp dân nhận ra những dấu hiệu bình minh trong đêm đen của lịch sử.

 ”Ngày nay, chúng ta cũng rất cần sự phân định và ngôn sứ, vượt thắng những cám dỗ của ý thức hệ và thái độ phó mặc cho định mệnh, hầu khám phá, trong tương quan với Chúa, những nơi chốn, những phương thế và tình trạng qua đó Chúa gọi chúng ta. Mỗi Kitô hữu phải có thể phát huy khả năng ”đọc bên trọng” cuộc sống và nhận thấy nơi và điều mà Chúa đang gọi họ để tiếp tục sứ mạng của Ngài.

 -  Sau cùng là ”sống”. Chúa Giêsu loan báo sự mới mẻ của giờ phút hiện tại, làm cho nhiều người phấn khởi hăng say và làm cho nhiều người khác trở nên cứng nhắc: thời gian đã mãn và chính Ngài là Đức Messia đã được ngôn sứ Isaia báo trước, được xức dầu để giải thoát các tù nhân, trả lại thị giác cho người mù và công bố tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mỗi thụ tạo. Chính ”ngày hôm nay được ứng nghiệm Lời Kinh Thánh mà anh chị em đã nghe” (Lc 4,20). Chúa Giêsu đã quả quyết như thế.

 Niềm vui của Phúc Âm, mở cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với anh chị em, không thể chờ đợi sự chậm chạp và lười biếng của chúng ta; không đánh động chúng ta nếu chúng ta chỉ đứng nhìn qua cửa sổ, luôn viện cớ chờ đợi thời cơ thuận tiện, và cũng không được hoàn tất cho chúng ta nếu ngày hôm nay chúng ta không chấp nhận rủi ro của sự chọn lựa. Ơn gợi là ngày hôm nay. Sứ mạng Kitô là cho hiện tại. Và mỗi người trong chúng ta được kêu gọi sống đời giáo dân trong hôn nhân, đời sống linh mục trong sứ vụ thánh chức, hoặc ơn gọi đời sống thánh hiến, để trợ thành chứng nhân của Chúa trong lúc này và bây giờ.

 Đặc tính ”Ngày hôm nay” được Chúa Giêsu công bố bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tiếp tục ”xuống” để cứu vớt nhân loại chúng ta và cho chúng ta được tham gia sứ mạng của Ngài. Chúa còn kêu gọi sống với Ngài và đi theo Ngài trong một tương quan gần gũi đặc biệt, trực tiếp phụng sự Ngài. Và nếu Chúa cho chúng ta hiểu Ngài mời gọi chúng ta hãy tận hiến cho Nước Chúa, thì chúng ta không được sợ hãi! Thật là đẹp và là hồng ân lớn lao được hoàn toàn và mãi mãi thánh hiến cho Thiên Chúa và cho việc phục vụ anh chị em.

 Và ĐTC kết luận rằng: Ngày hôm nay, Chúa tiếp tục kêu gọi đi theo Ngài. Chúng ta không được chờ đợi cho đến lúc hoàn hảo mới quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa ”này con đây”, và cũng đừng kinh hãi vì những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng đón nhận tiếng Chúa với tâm hồn rộng mở”. Lắng nghe tiếng Chúa gọi, phân định sứ mạng riêng của chúng ta trong Giáo Hội vàtrong thế giới, và sau cùng sống ơn gọi ấy trong ”ngày hôm nay” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

 Xin Mẹ Maria rất thánh, thiếu nữ bé nhỏ ở ngoài biên, Người đã lắng nghe, đón nhận và sống Lời Chúa nhập thể làm người, gìn giữ và luôn đồng hành với chúng ta trong hành trình của chúng ta”.

Vatican ngày 3 tháng 12 năm 2017.

Phanxicô Giáo Hoàng

 

(G. Trần Đức Anh OP chuyển ngữ)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây