TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

TÔNG HUẤN QUERIDA AMAZONIA

19/04/2021 03:26:41 |   1095



TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG

QUERIDA AMAZONIA
(AMAZON YÊU QUÝ)
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI DÂN CHÚA
VÀ TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI THIỆN CHÍ

 

1. Amazon yêu quý toát lên ánh rạng ngời, nét kịch tính và huyền bí của mình cho thế giới. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ơn trình bày vùng đất ấy một cách đặc biệt trong Thượng Hội đồng ở Rôma, từ ngày 6 đến ngày 27 tháng 10 và đã kết thúc với một Tài liệu có nhan đề: Amazon: những lối đi mới cho Giáo hội và cho một nền sinh thái toàn diện.

Ý nghĩa của Tông huấn này

2. Tôi đã lắng nghe những bài tham luận trong suốt Thượng Hội đồng và thích thú đọc những bản tường trình của các nhóm nhỏ. Qua Tông huấn này, tôi muốn trình bày những điều mà tiến trình đối thoại và phân định trong Thượng Hội đồng đã âm vang nơi tôi. Ở đây tôi sẽ không khai triển tất cả các vấn đề đã được nói đến nhiều trong Tài liệu đúc kết, cũng không hề có ý định thay thế hay lặp lại Tài liệu đó. Tôi chỉ muốn đưa ra những suy tư ngắn gọn về thực tại của vùng Amazon, một tổng hợp về những mối quan tâm lớn để giúp đỡ và định hướng cho việc tiếp nhận toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng cách hài hoà, sáng tạo và có hiệu quả.

3. Đồng thời tôi cũng muốn chính thức giới thiệu Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng, một tài liệu có sự đóng góp của rất nhiều người am hiểu những vấn đề của vùng Amazon hơn tôi và hơn cả giáo triều Rôma, bởi vì nơi vùng đất ấy họ sống, họ đau khổ và họ yêu mến. Tôi không muốn đưa Tài liệu đúc kết vào Tông huấn này vì tôi muốn mời mọi người đọc toàn bộ Tài liệu đó.

4. Thiên Chúa muốn toàn thể Giáo hội để cho Tài liệu ấy phong phú hoá và chất vấn mình; Ngài muốn các mục tử, những người sống đời thánh hiến và các tín hữu của vùng Amazon dấn thân áp dụng và mong sao Tài liệu ấy, một cách nào đó, gợi hứng cho tất cả những người thiện chí.

Những ước mơ về Amazon

5. Vùng Amazon là một tổng thể đa dân tộc liên kết với nhau, một quần thể vĩ đại bao gồm chín quốc gia: Braxin, Bôlivia, Colômbia, Êcuađor, Guyan, Pêru, Surinam, Vênêzuêla và Guyan thuộc Pháp. Tuy nhiên, tôi cũng muốn gửi Tông huấn này cho thế giới. Tôi làm thế, một mặt, nhằm giúp thức tỉnh lòng yêu mến và mối quan tâm đến miền đất này, cũng là miền đất “của chúng ta” đồng thời mời gọi mọi người chiêm ngưỡng và nhận ra miền đất này như một huyền nhiệm thánh thiêng; mặt khác, vì sự lưu tâm của Giáo hội đến những vấn đề ở nơi này buộc chúng ta phải nhắc lại sơ lược một số vấn đề mà chúng ta không được phép bỏ qua, và có thể gợi hứng cho các khu vực khác đang phải đối mặt với những thách đố của riêng mình.

6. Tất cả những gì Giáo hội đề nghị phải được thâm nhập vào từng nơi trên thế giới theo cách thế riêng, sao cho Hiền Thê của Đức Kitô thể hiện rõ nét hơn sự phong phú vô hạn của ân sủng trong muôn hình vạn trạng. Lời rao giảng phải được nhập thể, linh đạo phải được nhập thể, cơ cấu của Giáo hội phải được nhập thể. Vì thế, trong Tông huấn ngắn gọn này, tôi xin phép trình bày bốn ước mơ lớn mà vùng Amazon truyền cảm hứng cho tôi.

7. Tôi mơ một Amazon biết đấu tranh cho quyền lợi của những người nghèo nhất, những người thổ dân, những người rốt hết, một nơi mà tiếng nói của họ được lắng nghe và phẩm giá của họ được thăng tiến.
Tôi mơ một Amazon biết bảo vệ sự phong phú về văn hoá độc đáo của nó, nơi vẻ đẹp của con người được toả sáng trong muôn ngàn hình thái khác nhau.
Tôi mơ một Amazon biết giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên tuyệt mỹ tô điểm cho nó, giữ gìn sự sống đầy tràn chan chứa những dòng sông và những cánh rừng.
Tôi mơ những cộng đoàn Kitô hữu biết quảng đại dấn thân và nhập cuộc trong vùng Amazon, mang đến cho Giáo hội những khuôn mặt mới với những nét đặc trưng của vùng này.

CHƯƠNG MỘT
ƯỚC MƠ XÃ HỘI

8. Chúng ta ước mơ Amazon là miến đất dung nạp và thăng tiến mọi cư dân bản địa, để họ có thể ổn định một “cuộc sống tốt đẹp”. Muốn được như vậy, cần gióng lên tiếng nói ngôn sứ và dấn thân hành động vì những người nghèo khổ nhất. Bởi vì, ngay cả khi Amazon phải đối mặt với một thảm hoạ sinh thái, thì cũng cần nhấn mạnh rằng “cách tiếp cận sinh thái thực sự luôn phải là cách tiếp cận xã hội, phải đưa công lý vào các cuộc thảo luận về môi trường, để lắng nghe muôn vàn tiếng kêu la của trái đất cũng như tiếng khóc than của người nghèo”1. Chúng ta không cần một chủ nghĩa bảo thủ “chỉ quan tâm đến địa-sinh-học (biome/bioma) mà không màng chi đến người dân Amazon”2.

Bất công và tội ác

9. Quyền lợi của thực dân đã mở rộng – một cách hợp pháp và bất hợp pháp – ngành khai thác gỗ và công nghiệp khoáng sản, cùng với việc xua đuổi và gạt bỏ người dân bản địa, người sống ở ven sông và người gốc châu Phi, gây nên tiếng khóc than vang tới trời cao:
“Muôn cây xanh hỡi
Nơi ngươi cư ngụ đã bị tra tấn
Và bạt ngàn rừng xanh
Đã được mua bởi hàng vạn xác chết”3.
“Những kẻ buôn gỗ có chân trong quốc hội
và Amazon của chúng ta chẳng một ai bảo vệ […].
Đàn vẹt và bầy khỉ bị lưu lạc khắp chốn […]
Sẽ chẳng bao giờ trở về hái dẻ nơi xưa”4.

10. Điều này đã đẩy các phong trào di dân gần đây của người bản địa ra vùng ngoại vi thành phố. Nơi đó, họ không thực sự được giải thoát khỏi những bi kịch, mà còn gặp phải những hình thức nô lệ, ràng buộc, khốn khổ tệ hại hơn. Tại những thành phố ấy, với nét đặc trưng là sự bất bình đẳng, nơi cư ngụ của phần lớn người dân Amazon hiện nay, chính sách bài ngoại, nạn khai thác tình dục và nạn buôn người cùng gia tăng. Bởi thế, tiếng thét gào của Amazon không chỉ phát ra từ giữa cánh rừng, mà còn ngay giữa lòng các thành phố.

11. Chẳng cần lặp lại ở đây những phân tích sâu rộng và đầy đủ, đã được trình bày trước và trong Thượng Hội đồng. Chúng ta hãy nhớ lại ít nhất một điều đã được nghe: “Chúng tôi bị ảnh hưởng bởi các nhà buôn gỗ, các chủ trang trại và các bên môi giới khác. Chúng tôi bị đe doạ bởi các nhà kinh tế, họ thực hiện một mô hình nước ngoài trong lãnh thổ của chúng tôi. Các công ty gỗ đã vào khai thác rừng, trong khi chúng tôi bảo vệ rừng cho con cái chúng tôi, vì ở đó chúng tôi có thịt, cá, thảo dược, cây ăn trái […]. Việc xây dựng các công trình thủy điện và các dự án đường thủy tác động đến sông ngòi và đất liền […]. Chúng tôi là một vùng lãnh thổ bị đánh cắp”5.

12. Đức Bênêđictô XVI, vị tiền nhiệm của tôi đã tố cáo “môi trường Amazon bị hủy diệt và phẩm giá con người của các dân tộc sinh sống ở đó bị đe doạ”6. Tôi muốn nói thêm rằng, có rất nhiều thảm kịch liên quan đến một thứ “Amazon huyền bí” giả mạo. Được biết, trong những thập niên cuối thế kỷ vừa qua, vùng Amazon đã được xem như một khoảng trống lớn cần được xử lý, một nguồn tài nguyên nguyên sơ cần được khai thác, một vùng hoang dã bạt ngàn cần được thuần hoá. Không một ai công nhận quyền của những người dân bản địa, hoặc chỉ là phớt lờ họ như thể họ không tồn tại, hoặc như thể những vùng đất mà họ sinh sống không thuộc về họ. Ngay cả trong các chương trình giáo dục dành cho các trẻ em và thanh thiếu niên, những người bản địa đã bị coi là người xâm nhập hoặc chiếm đoạt. Cuộc sống của họ, những bận tâm của họ, cách đấu tranh để sinh tồn của họ chẳng được ai quan tâm. Họ bị coi là một trở ngại cần phải loại bỏ hơn là những con người có phẩm giá và có các quyền như bất cứ người nào khác.

13. Một số khẩu hiệu đã góp phần vào sự mập mờ này, trong đó có khẩu hiệu “không nhượng bộ”7, như thể sự chiếm đoạt chỉ có thể là do các nước ngoài; trong khi chính quyền địa phương, lấy cớ phát triển, đã tham gia vào các hiệp ước để hủy diệt rừng cùng muôn loài sinh sống trong đó một cách vô tội vạ và không giới hạn. Những người dân bản địa đã nhiều lần bất lực chứng kiến sự tàn phá môi trường tự nhiên này, vốn là nơi cung cấp thực phẩm, chữa bệnh, sinh tồn và bảo tồn lối sống cũng như một nền văn hoá mang bản sắc và ý nghĩa đối với họ. Chênh lệch quyền lực là rất lớn, kẻ yếu thế không có phương tiện để tự vệ, trong khi người chiến thắng vẫn tiếp tục lấy đi mọi thứ. “Người nghèo vẫn hoàn nghèo, trong khi người giàu ngày càng giàu hơn”8.

14. Các doanh nghiệp, quốc gia hay quốc tế, hủy diệt vùng Amazon và không tôn trọng quyền của các dân tộc bản địa trên lãnh thổ với ranh giới của họ, quyền tự quyết và được thoả thuận trước của họ, như vậy phải gọi đúng đó là những bất công và tội ác. Khi một số công ty dễ dàng chiếm dụng đất và dẫn đến việc tư nhân hoá ngay cả nước uống, hoặc khi chính quyền bật đèn xanh cho các ngành công nghiệp gỗ, các dự án khai thác mỏ hoặc dầu khí và các hoạt động khác tàn phá rừng và gây ô nhiễm môi trường, thì các mối quan hệ kinh tế bị biến thái nghiêm trọng và trở thành công cụ hủy diệt. Họ thường sử dụng các biện pháp phi đạo đức, như trừng phạt các cuộc biểu tình và thậm chí tước đoạt mạng sống của người dân bản địa chống đối các dự án; họ cố tình gây cháy rừng, hoặc hối lộ các chính trị gia và cả những người dân bản địa. Cùng với điều này là việc vi phạm nghiêm trọng quyền con người và những hình thức nô lệ mới, cách riêng đối với người phụ nữ, nạn buôn bán ma túy được sử dụng cố ý để thống trị người dân bản địa, hoặc nạn buôn người muốn lợi dụng những người bị xua đẩy khỏi bối cảnh văn hoá của họ. Chúng ta không thể cho phép toàn cầu hoá trở thành “một kiểu thực dân mới” 9.

Phẫn nộ và xin tha thứ

15. Cần phải biết phẫn nộ10, như Môsê đã phẫn nộ (cf. Xh 11,8), như Chúa Giêsu đã phẫn nộ (cf. Mc 3,5), như Thiên Chúa đã phẫn nộ trước sự bất công (cf. Am 2,4-8; 5,7-12; Tv 106,40). Thật là điều không tốt khi chúng ta xơ cứng trước sự ác, chúng ta không được phép để lương tâm tê liệt trước vấn đề xã hội, trong khi “những khai thác hoang phí và chết chóc trong các vùng đất của chúng ta […] gây nguy hiểm cho sự sống của hàng ngàn người và đặc biệt là môi trường sống của nông dân và người bản địa”11. Những câu chuyện về sự bất công và tàn ác xảy ra trong vùng Amazon, diễn ra trong thế kỷ trước, đã khơi dậy một phản kháng sâu xa, và đồng thời cũng khiến chúng ta nhạy cảm hơn trong việc nhận ra những hình thức bóc lột, lạm dụng quyền lực và giết người hiện nay. Liên quan đến quá khứ đáng xấu hổ, chúng ta ghi nhận, như ví dụ điển hình, một chuyện kể về những nỗi khốn khổ của người dân bản địa trong thời khai thác cao su ồ ạt thuộc khu vực Vênêzuêla vùng Amazon: “Họ không trả tiền cho người bản địa, mà chỉ trả bằng hàng hoá với giá cao, mà người dân không bao giờ dứt được nợ […]. Hoặc họ trả tiền, nhưng nói với người bản địa rằng: “Anh có một khoản nợ khổng lồ”, và người bản địa phải quay lại làm việc cho họ […]. Hơn hai mươi ngôi làng ye’kuana đã hoàn toàn bị phá hủy. Phụ nữ ye’kuana đã bị hãm hiếp và bị cắt hết ngực, các phụ nữ mang thai phải phá bỏ. Đàn ông bị cắt các ngón tay hoặc ngón cái để không thể chèo thuyền được, […] cùng những cảnh tượng khác tàn bạo hết sức phi lý”12.

16. Lịch sử đau thương và đáng chê trách này không dễ được chữa lành. Và chính sách thực dân không hề ngưng nghỉ, mà biến thể ở một số nơi, được ngụy trang và che giấu,13 và vẫn thống trị cuộc sống của người nghèo và tàn phá môi trường. Các Giám mục Braxin ở Amazon đã lưu ý rằng “lịch sử của Amazon cho thấy, luôn luôn chỉ có một thiểu số hưởng lợi từ sự nghèo đói của đa số và từ sự cướp bóc vô đạo đức tài nguyên thiên nhiên của khu vực, vốn là quà tặng Chúa ban cho các dân tộc sinh sống ở đó từ những ngàn năm qua, và cho những người nhập cư vào những thế kỷ trước”14.

17. Trong khi có thể bày tỏ phẫn nộ cách lành mạnh, hãy nhớ rằng chúng ta luôn có thể thắng vượt các hình thức não trạng thực dân hoá để xây dựng những mạng lưới liên đới và phát triển. “Thách đố của chúng ta là làm sao bảo đảm việc toàn cầu hoá trong sự liên đới, một toàn cầu hoá mà không loại trừ”15. Có thể có các lựa chọn thay thế như: chăn nuôi và nông nghiệp bền vững, tạo nguồn năng lượng không gây ô nhiễm, nguồn lao động xứng hợp không tác động đến sự hủy diệt môi trường và văn hoá. Đồng thời, phải bảo đảm cho người bản địa và người nghèo nhất được hưởng nền giáo dục phù hợp, nhằm phát triển khả năng và giá trị của họ. Đây chính là những mục tiêu mà các nhà chính trị khôn ngoan và chân chính phải nhắm tới. Vấn đề không phải là làm sao phục hồi sự sống cho nạn nhân vốn đã chết, cũng không phải là bồi thường cho những người sống sót sau những vụ thảm sát đó, mà là làm thế nào để hôm nay chúng ta thực sự sống cách nhân bản nhất.

18. Như thế thật đáng để nhắc lại, trong hoàn cảnh thực dân hoá hết sức nghiêm trọng đầy “những mâu thuẫn và thương tổn”16, của vùng Amazôn, vẫn có rất nhiều những nhà truyền giáo mang Tin Mừng đến, họ bỏ lại quê hương mình và chấp nhận một cuộc sống khắc khổ và khó khăn, ở bên cạnh những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng tôi biết không phải tất cả họ là những người mẫu mực, nhưng công việc của những người trung thành với Tin Mừng cũng đã gợi hứng thiết lập “một đạo luật như Luật về cư dân bản địa, là luật bảo vệ phẩm giá của người bản địa, chống lại mọi lạm dụng đối với người dân và lãnh thổ của họ”17. Chính các linh mục thường là những người bảo vệ người bản địa khỏi những kẻ tấn công và trục lợi. Đó là lý do các nhà truyền giáo thuật lại rằng: “Họ nài nỉ chúng tôi đừng bỏ họ và họ buộc chúng tôi hứa sẽ trở lại”18.

19. Ngày nay, Giáo hội không thể xem nhẹ sự dấn thân và Giáo hội được mời gọi lắng nghe tiếng kêu của người dân Amazon “để có thể thực hiện một cách sáng tỏ vai trò ngôn sứ của mình”19. Đồng thời, chúng ta không thể phủ nhận lúa đã bị trộn lẫn với cỏ lùng và các nhà truyền giáo không phải lúc nào cũng đứng về phía người bị áp bức. Tôi xấu hổ vì điều đó và một lần nữa “tôi khiêm tốn cầu xin tha thứ, không chỉ vì những xúc phạm của chính Giáo hội, mà còn vì các tội ác chống lại người thổ dân trong thời gian được gọi là cuộc chinh phục châu Mỹ”20 và tha thứ cho các tội ác ghê tởm trong suốt lịch sử của Amazon. Tôi cám ơn các thành viên của các dân tộc bản địa, và tôi nhắc lại một lần nữa: “Anh chị em cùng với cuộc sống của anh chị em là một tiếng kêu thấu đến lương tâm […]. Anh chị em là ký ức sống động về sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao cho tất cả chúng ta: hãy bảo vệ Ngôi Nhà chung”21.

Ý thức cộng đồng

20. Cuộc đấu tranh xã hội hàm chứa một khả năng sống huynh đệ, một tinh thần hiệp thông giữa con người với nhau. Tinh thần đó không làm giảm tính chất quan trọng của tự do cá nhân, ở đây ta nhận thấy các dân tộc bản địa Amazon có một ý thức cộng đồng mạnh mẽ. Mọi sinh hoạt của họ như “làm việc, nghỉ ngơi, tương quan, thực hành nghi lễ và các cử hành, tất cả đều được chia sẻ, vì thế, những không gian riêng tư, tiêu biểu của lối sống hiện đại, là tối thiểu. Cuộc sống là một hành trình cộng đồng, trong đó bổn phận và trách nhiệm được phân phối và chia sẻ theo lợi ích chung. Người ta không có quan niệm một cá nhân lại tách biệt khỏi cộng đồng hoặc lãnh thổ của họ”22. Các mối quan hệ nhân văn được hoà quyện trong khung cảnh thiên nhiên, vì họ cảm nhận và hiểu rằng đó là một thực tại hài hoà với xã hội và văn hoá, như một sự nối dài của thân thể cá nhân, gia đình và cộng đồng của họ.
“Sao mai kia tiến đến thật gần
Những chú chim ruồi vồ vỗ cánh bay
Trái tim tôi lay mạnh như thác nước đổ
Đất bổ tôi tưới bằng đôi môi bạn
Hồ hởi tung tăng gió đùa với ta”23.

21. Điều đó càng làm cho người thổ dân cảm thấy hoang mang và khó chịu vì bị trốc cội rễ khi họ bị buộc phải di cư đến thành phố để sinh sống. Họ cố gắng để sống giữa một môi trường đối nghịch, gượng ép giữa những người dân thành thị với những tập quán mang tính riêng tư cá thể. Làm thế nào để chữa lành một tổn thương nghiêm trọng như thế? Làm sao để xây dựng lại cuộc sống của những con người đã bị nhổ tận gốc? Trước thực tế đó, chúng ta phải biết quý trọng và cộng tác với tất cả những nỗ lực của các tổ chức xã hội, nhằm bảo tồn các giá trị và lối sống của dân bản địa, cũng như giúp họ hoà nhập vào các bối cảnh mới mà không đánh mất chính mình, thay vào đó, đóng góp cho lợi ích chung.

22. Đức Kitô đã cứu độ con người toàn thể, Người muốn khôi phục nơi mỗi người khả năng sống tương quan với những người khác. Tin Mừng trao ban cho ta tình yêu Thiên Chúa tuôn tràn từ Trái Tim Đức Kitô, là một tình yêu thúc đẩy chúng ta tìm kiếm công lý, vốn không tách biệt với tình huynh đệ và liên đới, thúc đẩy thăng tiến nền văn hoá gặp gỡ. Sự khôn ngoan theo lối sống của các dân bản địa, mặc dầu còn nhiều giới hạn, thúc đẩy chúng ta đào sâu khát vọng này. Vì lẽ đó, các Giám mục Êcuađor đã kêu gọi xây dựng “một hệ thống xã hội và văn hoá mới, ưu tiên cho những tương quan huynh đệ, trong khuôn khổ công nhận và quý trọng các nền văn hoá và hệ sinh thái khác nhau, có khả năng chống lại mọi hình thức kỳ thị và thống thị của con người đối với con người”24.

Các cơ chế xuống cấp

23. Trong Thông điệp Laudato si’, tôi đã lưu ý rằng “ Nếu mọi sự đều liên kết với nhau, thì tình trạng các cơ chế của một xã hội cũng ảnh hưởng nhiều đến môi trường và phẩm chất cuộc sống con người […]. Trong từng cấp bậc xã hội và giữa các cấp bậc ấy, các định chế chi phối các mối liên hệ con người được phát triển. Bất cứ điều gì thuộc định kiến thấm nhiễm trong các thể chế đó đều có hậu quả tai hại: đánh mất tự do, gây ra bất công và bạo lực. Nhiều quốc gia bị chi phối bởi một hệ thống thể chế bấp bênh, phải trả giá bằng sự đau khổ của người dân”25.

24. Tình trạng các tổ chức xã hội dân sự ở Amazon như thế nào? Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng thu thập những đóng góp của nhiều người và nhiều nhóm thuộc vùng Amazon, trong đó người ta nói đến “một nền văn hoá được tạo ra như thế là để đầu độc Nhà nước và các định chế của nó, thấm nhiễm mọi tầng lớp xã hội, kể cả các cộng đồng bản địa. Đây thực sự là một tai hoạ đạo đức; kết quả là họ không còn tin vào các định chế và các đại diện của họ, nền chính trị và các tổ chức xã hội hoàn toàn mất uy tín. Các dân tộc Amazon không xa lạ gì với nạn tham nhũng và họ cũng trở thành nạn nhân chính của tham nhũng26.

25. Chúng ta không loại trừ khả năng có thể các thành viên của Giáo hội cũng tham dự vào mạng lưới tham nhũng, đến mức đôi khi chấp nhận im lặng để đổi lấy những trợ giúp kinh tế cho các công trình của Giáo hội. Về vấn đề này, các đề nghị đã được gửi tới Thượng Hội đồng kêu gọi “đặc biệt chú ý đến nguồn gốc của các quyên góp hoặc các loại phúc lợi khác, cũng như các khoản đầu tư từ các tổ chức Giáo hội hoặc từ các Kitô hữu”.27

Đối thoại xã hội

26. Vùng Amazon cũng phải là nơi của đối thoại xã hội, đặc biệt giữa các dân tộc bản địa khác nhau, để có được những cách thức sống hiệp thông và liên minh đấu tranh. Còn chúng ta và tất cả những người khác, được mời gọi tham gia với tư cách là “những vị khách”, để tìm kiếm những phương thế gặp gỡ dựa trên sự tôn trọng cao nhất, hầu làm cho vùng Amazon được phong phú. Nhưng nếu muốn đối thoại, chúng ta phải làm điều này trước hết với những người nghèo. Họ không phải là đối tác nào đó cần thuyết phục, cũng không phải là khách thể trong bàn đàm phán. Họ là những tác nhân đối thoại chính yếu, những người mà trước hết chúng ta phải học hỏi, phải lắng nghe vì nghĩa vụ công lý và những người mà chúng ta phải xin phép để có thể từ đó đề xuất ý kiến của chúng ta. Những lời họ nói, những hy vọng, những e ngại của họ phải là tiếng nói mạnh mẽ nhất trong bất cứ bàn đàm phán nào về Amazon; và câu hỏi quan trọng ở đây là: họ hình dung như thế nào về cuộc sống tốt đẹp cho chính họ và con cháu họ?

27. Đối thoại không được rút gọn chỉ còn là việc chọn lựa ưu tiên cho việc bảo vệ người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội và bị loại trừ, nhưng phải kính trọng họ như những nhân vật chính. Đây là việc nhìn nhận người khác và quý trọng họ “như họ là tha nhân” khác với ta, họ vốn có cảm thức riêng, ý kiến riêng, cách sống và cách làm việc riêng. Nếu không, hậu quả, như xưa nay, sẽ là “một kế hoạch do một ít người soạn cho một ít người”28, khi không có “một sự đồng thuận trên giấy tờ hay một thứ hoà bình tạm bợ cho một thiểu số mãn nguyện”29. Nếu xảy ra như thế, thì “cần gióng lên tiếng nói ngôn sứ”30 và người Kitô hữu chúng ta được mời gọi giúp mọi người nghe được tiếng nói đó.
Từ đây, nảy sinh ước mơ tiếp theo.

CHƯƠNG II
ƯỚC MƠ VĂN HOÁ

28. Điều chúng ta nhắm đến là thăng tiến vùng Amazon, tuy nhiên điều này không có nghĩa là thực dân hoá vùng đó về mặt văn hoá, nhưng là giúp nó thể hiện những gì tốt đẹp nhất của mình. Đây chính là điều mà một công trình giáo dục tốt phải làm: vun trồng mà không làm bật rễ, làm cho phát triển mà không làm yếu đi bản sắc, trợ lực mà không xâm lấn. Cũng như trong thiên nhiên có những tiềm năng có thể bị mất đi vĩnh viễn, cũng thế điều đó có thể xảy ra đối với các nền văn hoá mà tiếng nói của họ chưa được lắng nghe và ngày nay đang bị đe doạ hơn bao giờ hết.

Khối đa diện vùng Amazon

29. Vùng Amazon là nơi có nhiều chủng tộc và quốc gia khác nhau đang sinh sống, trong đó có hơn 110 sắc dân bản địa đang duy trì lối sống biệt lập tự phát31. Họ sống trong tình trạng rất bấp bênh, nhiều người cảm thấy họ là những người cuối cùng nắm giữ kho tàng văn hoá sắp biến mất của sắc tộc mình, như thể họ chỉ được phép sống còn nếu không gây phiền phức, trong khi việc thực dân hoá thời hậu hiện đại đang bành trướng. Không được xem họ như là dân man di “kém văn minh”; cách đơn giản họ chỉ là hậu duệ của những nền văn hoá khác và của những nền văn minh khác vốn rất phát triển trước đây32.

30. Trước thời thực dân, thổ dân thường tập trung dọc bên các bờ sông và bờ hồ, nhưng tiến trình thực dân hoá diễn ra, đã đẩy những cư dân lâu đời này chạy sâu vào rừng. Ngày nay, tiến trình đô thị hoá (biến đất trồng trọt thành đất ở) lại một lần nữa đẩy phần lớn họ ra những vùng ven của thành phố, vào những nơi nghèo khổ cùng cực, nhưng tệ hơn là gây ra sự gãy nứt nội tại nơi cộng đồng của họ qua việc làm mất đi những giá trị đã từng nâng đỡ họ từ trước đến nay. Trong bối cảnh đó, họ thường bị mất các điểm tham chiếu, mất đi những gốc rễ văn hoá, vốn là cội nguồn cho căn tính và ý thức về phẩm giá của họ; rồi dần dà họ bị đẩy ra thành tầng lớp cùng đinh, đứng ngoài lề xã hội. Điều này cắt đứt dòng chảy của sự khôn ngoan vốn được chuyển trao trong văn hoá của họ qua các thế kỷ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các thành phố, vốn dĩ phải là nơi mà các nền văn hoá khác nhau gặp gỡ, trao đổi và làm cho nhau phong phú hơn, lại trở thành nơi đào thải tàn nhẫn những cuộc đời đau thương.

31. Mỗi sắc tộc còn tồn tại ở vùng Amazon đều có căn tính văn hoá riêng và đóng góp những nét phong phú độc đáo cho thế giới đa văn hoá của chúng ta; điều này có được là do các thổ dân sống gần gũi với môi trường thiên nhiên của họ, một sự cộng sinh hài hoà mà não trạng của những người ngoài cuộc không thể hiểu được:
“Thuở xưa đã từng có một miền quê êm ả với dòng sông, muông thú, mây trời và cây cỏ.
Nhưng hôm nay có khi miền quê với dòng sông và cỏ cây ấy không còn nữa,
Thì cậu bé phải hình dung những thứ đó trong trí tưởng”33.
“Hãy biến dòng sông thành máu của bạn…
rồi gieo trồng mình xuống mảnh đất này,
đâm chồi nẩy lộc và lớn lên.
Hãy đâm rễ sâu vào lòng đất,
mãi mãi,
để rồi thành một chiếc ghe, một con thuyền, một cái bè,
thành cây leo, một cái bình sành,
một gia trang và một con người”34.

32. Các nhóm người, lối sống và tầm nhìn của họ đa dạng như chính mảnh đất họ sống vậy, bởi vì họ phải thích nghi với địa hình, địa lý và các tài nguyên của đất. Ngư dân không giống như thợ săn, nông dân vùng lục địa khác với nông dân vùng duyên hải. Ngay cả ngày nay, chúng ta thấy ở Amazon có hàng ngàn cộng đồng thổ dân khác nhau, hậu duệ của những người đến từ châu Phi, sống trên các con sông hay tại các thành phố, rất đa dạng và độc đáo. Nơi mỗi vùng đất với đặc điểm riêng của nó, Thiên Chúa tự mặc khải cho ta thấy một phần vẻ đẹp khôn tả của Ngài. Mỗi nhóm người, sống hài hoà với môi trường xung quanh, phát triển sự khôn ngoan cách riêng biệt. Chúng ta là những người quan sát từ bên ngoài, nên tránh những nhận định khái quát bất công, theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, những lập luận quá ngây ngô và những kết luận dựa trên não trạng và kinh nghiệm chủ quan của mình.

Quan tâm chăm sóc cội nguồn

33. Ở đây tôi muốn chỉ ra rằng “một cách nhìn về con người theo lăng kính tiêu thụ, bị ảnh hưởng bởi cơ chế kinh tế toàn cầu hoá ngày nay, có tác hại cào bằng các nền văn hoá, làm giảm thiểu sự đa dạng về văn hoá vốn là kho tàng của nhân loại”35. Điều này ảnh hưởng trước hết đến người trẻ, bởi vì nó “làm biến mất những khác biệt về nguồn gốc của họ và thao túng họ như những món hàng của dây chuyền sản xuất hàng loạt”36. Để tránh xu hướng làm nghèo nàn hoá con người như thế, ta cần phải yêu mến và bảo vệ các cội nguồn, vì đó là “điểm tựa giúp ta lớn lên và đối diện với các thách đố mới”37. Cha mời gọi các bạn trẻ vùng Amazon, nhất là các bạn thổ dân, hãy “đảm nhận lấy cội nguồn của mình, vì nó cho các con sức mạnh để lớn lên, phát triển và sinh hoa trái”38. Riêng với các bạn đã nhận Phép Thánh Tẩy, cội nguồn của các con bao gồm lịch sử của dân Israel và lịch sử của Giáo hội cho tới ngày nay. Hiểu biết về các lịch sử đó làm cho các con có niềm vui và hy vọng, từ đó các con được gợi hứng để có những hành động bạo dạn và cao quý.

34. Qua các thế kỷ, các cư dân vùng Amazon đã lưu truyền sự khôn ngoan của họ bằng cách truyền khẩu, với những huyền thoại và những câu chuyện; điển hình là có “những người sơ khai chuyên kể chuyện, đi xuyên các cánh rừng, mang những câu chuyện đi từ làng này tới làng nọ, giữ cho sức sống cộng đoàn được tiếp tục tuôn chảy; bởi vì, nếu không có những câu chuyện đó, có tác dụng như là dây rốn thông truyền sức sống, thì khoảng cách và việc thiếu thốn truyền thông sẽ làm cho cộng đoàn họ bị phân mảnh và tan biến”39. Đó là lý do tại sao cần “để cho người già kể những câu chuyện dài”40 và để cho giới trẻ có thời gian kín múc sức sống từ các câu chuyện đó.

35. Mặc dù kho tàng văn hoá đó ngày càng có nguy cơ bị đánh mất, nhờ ơn Chúa, trong những năm gần đây, nhiều bộ tộc đã bắt đầu viết lại những câu chuyện và mô tả ý nghĩa của các tập tục của họ. Bằng cách này, chính họ nhận thức minh nhiên rằng có điều gì đó quan trọng hơn cả căn tính chủng tộc, rằng họ là những người lưu giữ những ký ức cá nhân, gia đình và tập thể, vốn rất quý báu cho toàn thể nhân loại. Tôi rất vui khi thấy rằng nhiều người, sau khi đã mất nối kết với cội nguồn của mình, đang đi tìm khôi phục lại những ký ức bị thương tổn. Thêm vào đó, giới chuyên môn ngày càng ý thức rõ hơn về căn tính độc đáo của vùng Amazon, và đối với họ, thường là hậu duệ của những người di dân, vùng Amazon đã trở thành nguồn cảm hứng của nghệ thuật, văn chương, âm nhạc và văn hoá. Những loại hình nghệ thuật khác nhau, đặc biệt là thơ ca, đã lấy cảm hứng từ nước và rừng của vùng đất này; từ sức sống âm thầm nhưng mãnh liệt, cũng như từ sự đa dạng văn hoá và những thách đố về sinh thái và xã hội của nó.

Cuộc hội ngộ liên văn hoá

36. Như mọi thực tại văn hoá, những văn hoá nằm sâu trong vùng Amazon cũng có những giới hạn của mình. Những văn hoá đô thị Tây phương cũng vậy. Các yếu tố như chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân, sự kỳ thị, sự bất bình đẳng và nhiều điều khác, đã cấu thành mặt tối của các nền văn hoá được xem là phát triển. Các thổ dân, những người xây dựng kho tàng văn hoá của mình rất gắn bó với thiên nhiên, với một cảm thức cộng đồng mạnh mẽ, rất dễ nhận ra mặt tối của chúng ta, điều mà ta không nhận ra vì nghĩ rằng mình tiến bộ hơn họ. Vì thế, lắng nghe, học hỏi từ kinh nghiệm sống của họ rất có ích cho chúng ta.

37. Khởi đi từ cội nguồn của chính mình, chúng ta cùng ngồi vào bàn để trò chuyện và chia sẻ niềm hy vọng với những người khác. Bằng cách này, sự khác biệt, vốn có thể là một thứ cờ hiệu hay biên giới, lại được biến thành chiếc cầu nối. Căn tính và đối thoại không mâu thuẫn nhau. Căn tính văn hoá của ta được đào sâu và trở nên phong phú nhờ vào việc đối thoại với những người thuộc văn hoá khác; cô lập chính mình không thực sự bảo toàn căn tính mà làm nghèo nàn đi. Vì thế, tôi không đề nghị một chính sách bảo vệ thổ dân khép kín, phi lịch sử, cứng nhắc, từ chối mọi hình thức hợp lưu. Một nền văn hoá có thể trở nên cằn cỗi khi “tự cô lập chính mình và tìm cách duy trì hình thái sống cũ kỹ, từ chối mọi cuộc trao đổi hay tranh luận về chân lý của con người”41. Nỗ lực như thế dường như không thực tiễn, vì ta rất khó tránh các cuộc xâm lấn văn hoá. Vì thế, quan tâm chăm sóc các giá trị văn hoá của các nhóm thổ dân phải là trách nhiệm của tất cả chúng ta, vì sự phong phú của họ cũng là của chúng ta. Nếu không tiến bộ trong tinh thần đồng trách nhiệm này để bảo vệ sự phong phú của nhân loại, chúng ta không thể đòi các nhóm thổ dân sống sâu trong rừng phải ngây thơ mở ra với “nền văn minh” của chúng ta, để rồi bị nuốt chửng và tan biến.

38. Ở vùng Amazon, ngay cả giữa các bộ tộc bản địa khác nhau, vẫn có thể phát triển “các mối tương quan liên văn hoá, nơi mà sự đa dạng không bị đe doạ, cũng không là lý do biện minh cho phẩm trật quyền lực của một số người, nhưng là sự đối thoại giữa các viễn tượng văn hoá khác nhau, bằng việc cử hành, tương tác với nhau và cùng nhau hồi sinh niềm hy vọng”42.
Các nền văn hoá bị đe doạ, các dân tộc lâm nguy

39. Nền kinh tế toàn cầu hoá phá huỷ không thương tiếc sự phong phú về nhân bản, xã hội và văn hoá. Các gia đình bị phân tán như là hệ quả của các cuộc di dân cưỡng bức; điều này ảnh hưởng đến việc lưu truyền các giá trị, bởi vì “gia đình đã, đang và luôn là định chế xã hội đóng góp nhiều nhất cho việc giữ gìn văn hoá”43. Hơn nữa, “đối diện với sự xâm lăng của các phương tiện truyền thông đại chúng”, chúng ta cần đưa ra “những hình thái truyền thông khác cho các thổ dân, dựa trên ngôn ngữ và văn hoá của họ” và cần đưa “các chủ đề liên quan đến họ lên các phương tiện truyền thông hiện hành”44.

40. Trong bất kỳ dự án nào cho vùng Amazon, “chúng ta cần tôn trọng quyền của các bộ tộc và các nền văn hoá ở đó, cũng như cần hiểu rằng sự phát triển của một cộng đồng xã hội […] đòi hỏi chính các tác nhân địa phương phải là những người đi đầu, thực hiện dự án phù hợp với nét văn hoá riêng của họ. Khái niệm về thế nào là một cuộc sống chất lượng cũng không nên bị áp đặt từ bên ngoài, nhưng cần được hiểu với cái nhìn của người trong cuộc, với cả một thế giới các biểu tượng và các tập quán của từng cộng đồng”45. Và nếu các nền văn hoá của các thổ dân mà tổ tiên họ để lại được hình thành và phát triển trong mối tương tác mật thiết với môi trường thiên nhiên xung quanh, thì họ sẽ rất khó bảo toàn văn hoá của họ nếu như môi trường bị tàn phá.
Vì thế, điều này dẫn chúng ta đến ước mơ tiếp theo.

CHƯƠNG III
ƯỚC MƠ SINH THÁI

41. Trong một thực thể văn hoá như vùng Amazon, nơi luôn có mối tương quan chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, thì đời sống hằng ngày luôn mang chiều kích vũ trụ. Giải phóng con người chắc chắn bao hàm việc chăm sóc và bảo vệ môi sinh46, nhưng hơn nữa nó còn là việc giúp con người mở lòng ra, tín thác vào Thiên Chúa, Đấng không chỉ tạo dựng mọi loài mà còn trao ban chính Mình nơi Đức Kitô cho con người. Thiên Chúa, Đấng săn sóc chúng ta đầu tiên, dạy chúng ta phải biết chăm sóc các anh chị em khác và chăm sóc môi trường mà Ngài ban tặng cho ta mỗi ngày. Đây là sinh thái luận đầu tiên mà ta cần có. Với vùng Amazon, chúng ta hiểu rõ hơn lời của Đức Bênêđictô XVI nói rằng “bên cạnh sinh thái luận tự nhiên có một sinh thái luận khác mà ta có thể gọi là ‘nhân linh’, đến lượt nó lại đòi hỏi một ‘sinh thái luận xã hội’. Điều này có nghĩa rằng nhân loại […] phải ý thức có mối liên hệ hiện sinh giữa sinh thái luận tự nhiên, tức là việc tôn trọng thiên nhiên, với sinh thái luận nhân linh”47. Đối với những vùng đất như Amazon thì việc nhấn mạnh rằng “mọi thứ đều có liên hệ với nhau”48 thật đúng đắn và phù hợp.

42. Việc chăm sóc con người và hệ sinh thái không thể tách rời nhau, điều này càng rõ ràng hơn nữa ở nơi mà “rừng không được coi như nguồn tài nguyên để khai thác hưởng lợi, mà là một hữu thể, hay là nhiều hữu thể mà ta phải tương tác”49. Sự khôn ngoan của các bộ tộc hoang sơ vùng Amazon “gợi hứng việc chăm sóc và tôn trọng thế giới thụ tạo, ý thức rõ rệt về các giới hạn của nó cũng như cấm lạm dụng nó. Lạm dụng thiên nhiên có nghĩa là lạm dụng các tiền nhân, các anh chị em khác, lạm dụng chính Đấng Tạo Hoá, và đánh cược tương lai”50. Các thổ dân, “khi bám trụ trên lãnh thổ của họ, là những người chăm sóc thiên nhiên tốt nhất”51, miễn là họ đừng để mình bị lừa gạt bởi những lời đường mật và những lời chào hàng nguy hiểm của các nhóm quyền lực. Việc phá huỷ thiên nhiên tác động đến họ trực tiếp và rõ ràng, vì họ nói rằng: “Chúng tôi là nước, khí, đất và là sự sống của thế giới thụ tạo của Thiên Chúa. Vì thế, chúng tôi xin các vị ngừng tàn phá và huỷ diệt Mẹ Đất. Trái đất có máu và nó đang chảy máu, các công ty đa quốc gia đã cắt các mạch máu của Đất Mẹ”52.

Ước mơ về nước

43. Trong vùng Amazon, nước là nữ vương, các con sông con suối là các mạch máu, và mọi hình thái sự sống đều bắt nguồn từ đó:
“Ở đó, khi giữa mùa hè nóng như thiêu đốt, khi những đợt gió đông cuối cùng thổi về, tan loãng vào bầu khí tù hãm, thì cái ẩm kế thay cho cái nhiệt kế trong việc báo hiệu thời tiết. Các sinh vật lệ thuộc vào sự thay đổi ác nghiệt của dòng thủy lưu các con sông lớn. Các cơn lũ lụt rất kinh khủng. Dòng sông Amazon chảy tràn bờ và chỉ trong vài ngày, đã dâng cao mực nước… Ngập lụt làm mọi thứ ngừng lại. Mắc kẹt dưới những tán lá dầy đặc của những con rạch nhỏ, con người, với một sự nhẫn nhục hiếm hoi trước nghịch cảnh không thể tránh khỏi, chỉ biết chờ đợi cái “mùa đông” nghịch lý, “mùa đông” nóng nực này cái kết thúc. Khi nước rút xuống, thì đó là mùa hè. Đó là lúc xuất hiện lại các hoạt động hoang sơ của con người những vùng này, họ chiến đấu hết sức trước một thiên nhiên có biểu lộ mâu thuẫn khốc liệt đến độ khiến cho mọi nỗ lực không thể tiếp tục”53.

44. Dòng nước lấp lánh của sông Amazon vĩ đại tiếp nhận và làm sống động mọi thứ xung quanh:
“Này Amazon hỡi,
là đầu mục các con nước,
cha và tổ phụ,
Từ Người huyền bí trường cửu
sự sống sinh sôi nảy nở;
các con sông dòng suối tụ về Người như những cánh chim bay lượn tìm về cố hương”54.

45. Sông Amazon cũng là xương sống, tạo ra sự hài hoà và thống nhất: “Dòng sông không ngăn cách chúng tôi, nó liên kết và giúp chúng tôi sống cùng nhau giữa những khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ”55. Cái trục chính nối liền các “vùng Amazon” khác nhau là con sông Cả, nguồn của nhiều con sông khác:
“Từ đỉnh những dải núi cao, nơi mà tuyết không bao giờ tan, nước chảy xuống, vạch ra thành dòng run rẩy tưới trên tấm thân da dẻ lâu đời của đất đá: dòng sông Amazon được sinh ra. Nó được sinh ra mỗi giây phút. Nó chảy xuống chậm rãi, lấp lánh ẩn hiện quanh co, lớn dần và phình ra trên đất cát đồng bằng, dào dạt tưới đổ một không gian xanh tươi, nó tự vẽ ra con đường cho mình và tiếp tục kéo dài. Nước ngầm dưới đất vọt lên ôm lấy nước đổ xuống từ dãy núi Andes. Từ bụng những đám mây trắng ngần bị gió cuốn đi, nước đổ mưa xuống từ trời. Nước tụ lại rồi tiếp tục chảy, phân thành vô số nhánh nhỏ, tắm mát cho những cánh đồng bao la… Đây là vùng Amazon vĩ đại, bao phủ vùng đất nhiệt đới ẩm ướt bằng những cánh rừng rậm bao la rực rỡ, chưa từng bị bàn tay con người chạm đến, đập nhịp sự sống đan dệt thâm sâu bởi những mạch nước chảy ri rỉ … Từ khi con người đến sống nơi đây, từ trong lòng nước sâu thẳm, chảy ngang qua trái tim của rừng rậm, xuất hiện một nỗi e sợ khủng khiếp: rằng sự sống nơi đây đang bị bức tử, tuy chầm chậm nhưng chắc chắn”56.

46. Những nhà thơ nổi tiếng, phải lòng vẻ đẹp kỳ vĩ của vùng đất này, đã cố gắng diễn tả những cảm xúc mà dòng sông này đã gợi lên, diễn tả sự sống mà nó trao ban trong dòng chảy của nó, giữa những điệu nhảy của cá heo, trăn anaconđa, cây cối và thuyền canô. Nhưng những nhà thơ đó cũng than khóc về những nguy hiểm đang đe doạ dòng sông. Họ là những nhà chiêm niệm và ngôn sứ, giúp ta thoát khỏi lối suy nghĩ mang tính kỹ trị và tiêu thụ, vốn chỉ nhắm phá hoại thiên nhiên và tước mất của chúng ta một cuộc sống xứng với phẩm giá đích thực của mình:
“Thế giới đang đau đớn vì bàn chân con người biến thành cao su, cẳng chân thành đồ da, thân thể thành vải vóc, và đầu tóc thành sắt thép… Thế giới đang đau khổ vì mai thuổng bị biến thành súng ống, lưỡi cày thành xe tăng; hình ảnh người nông dân gieo hạt nhường chỗ cho hình ảnh những cái máy khạc lửa đạn, chỉ toàn gieo rắc hoang vu. Chỉ cung giọng nhẹ nhàng của thi ca mới có thể cứu thế giới này”57.

Tiếng kêu khóc của vùng Amazon

47. Thi ca gióng lên tiếng lòng đau đớn của nhiều người chúng ta ngày nay. Sự thật rành rành trước mắt là, với cách người ta đối xử với vùng lãnh thổ Amazon như hiện tại, thì bao nhiêu sự sống, và vẻ đẹp đang bị hủy diệt, cho dù nhiều người vẫn muốn tin rằng chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra cả:
“Ai nghĩ rằng dòng sông chỉ là một sợi dây để vui chơi, họ đã lầm.
Dòng sông là mạch máu rất tinh tế tưới tắm trên bề mặt trái đất…
Dòng sông là mối dây kết nối các thú vật và cây cỏ.
Nếu bị kéo quá căng, dòng sông sẽ đứt gãy,
Sẽ tràn bờ và tắm gội chúng ta bằng nước và máu”58.

48. Sự cân bằng sinh thái của địa cầu lệ thuộc vào sức khoẻ của vùng Amazon. Cùng với các vùng sinh thái như Công gô và Bornêo, Amazon chói chang với những cánh rừng già xanh thẳm, đa dạng, tuyệt vời, điều hoà mưa gió và khí hậu, cùng là nơi sinh sống của vô số loài sinh thể khác nhau. Nó có chức năng như một bộ lọc thán khí vĩ đại, giúp tránh hiệu ứng đốt nóng địa cầu. Trên hầu hết vùng lãnh thổ này, bề mặt đất rất nghèo mùn hữu cơ, vì thế những cánh rừng “thực sự mọc trên đất, chứ không mọc từ đất”59. Khi rừng bị phá huỷ, nó không thể mọc lên cây mới, vì những gì còn lại chỉ là khoảng đất nghèo chất dinh dưỡng, dần sẽ biến thành đất khô hoặc đất cằn cỗi, không thể canh tác. Điều này thật nghiêm trọng, vì trong lòng những cánh rừng Amazon là vô số nguồn dược thảo giúp chữa các loại bệnh tật. Cá mú, hoa quả và vô vàn tặng phẩm khác, rất giàu chất dinh dưỡng cho con người. Hơn nữa, trong một hệ sinh thái như vùng Amazon, mỗi bộ phận là thiết yếu cho việc duy trì toàn bộ hệ thống. Việc canh tác ở vùng đồng bằng và duyên hải cũng cần được phù sa vùng Amazon chăm bón. Tiếng khóc than của vùng Amazon chạm đến mọi người, bởi vì “việc chinh phục và khai thác nguồn tài nguyên… ngày nay đã đe doạ chiều kích thân thiện của môi trường: môi trường như là ‘tài nguyên’, đe doạ môi trường như là ‘nhà ở’”60. Lợi nhuận của một số ít doanh nghiệp hùng mạnh không được xem là quan trọng hơn công ích của vùng Amazon và của toàn nhân loại.

49. Nếu chỉ quan tâm bảo vệ một số loài mà ta thấy rõ ràng là chúng đang bị tuyệt chủng, điều này chưa đủ. Chúng ta rất cần ý thức rằng “để có thể vận hành tốt, hệ sinh thái đòi phải có các loài nấm tảo, giun dế, sâu bọ, bò sát và vô số những loài vi sinh vật khác. Một số loài tuy chỉ là thiểu số, nhỏ bé và dù không được nhìn thấy, vẫn có thể giữ một vai trò then chốt trong việc duy trì sự cân bằng của một vùng”61. Điều này rất dễ bị bỏ qua khi ta đánh giá mức ảnh hưởng trên môi trường của các dự án kinh tế trong việc khai thác khoáng sản, năng lượng, gỗ và các kỹ nghệ khác, vốn chỉ phá huỷ và gây ô nhiễm. Cũng vậy, nguồn nước phong phú trong vùng Amazon là một thiện ích thiết yếu cho sự tồn vong của nhân loại, nhưng các nguồn nước đang ngày càng bị ô nhiễm nhiều hơn62.

50. Thật vậy, ngoài lợi ích kinh tế của một số thương gia và chính trị gia địa phương, còn có các “lợi ích kinh tế toàn cầu”63. Vì thế, giải pháp không nằm ở chỗ “quốc tế hoá” vùng Amazon64, mà ở ý thức trách nhiệm lớn hơn của chính quyền các quốc gia. Về việc này, “rất đáng ca ngợi sự dấn thân của các tổ chức quốc tế và dân sự đã nỗ lực kêu gọi sự chú ý của công chúng về những vấn đề này và hợp tác cách sáng suốt, tạo sức ép hợp lệ, để bảo đảm chính quyền mỗi quốc gia phải thực thi trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia mình, mà không phải nhượng bộ trước lợi ích bất hợp pháp của các nhóm địa phương và quốc tế”65.

51. Để bảo vệ vùng Amazon, chúng ta cần kết hợp sự khôn ngoan của bậc tiền nhân với kiến thức kỹ thuật hiện đại, phải luôn tìm cách quản lý và sử dụng đất đai cách bền vững, đồng thời bảo toàn lối sống và các hệ thống giá trị của những cư dân ở đó66. Họ, đặc biệt là các bộ tộc thổ dân, có quyền được giáo dục cơ bản, được nhận những thông tin xuyên suốt, minh bạch về các dự án, tầm mức, hậu quả cũng như nguy cơ của chúng. Nhờ đó, họ có thể liên hệ các thông tin đó với lợi ích của họ và với kiến thức của họ về địa bàn này; để rồi sau đó họ có thể đồng thuận hay từ chối dự án hoặc đề nghị những phương án khác67.

52. Những người có quyền lực không bao giờ hài lòng về lợi nhuận họ đạt được và nguồn tài nguyên của các quyền lực kinh tế ngày càng gia tăng nhờ vào tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Vì thế, tất cả chúng ta cần nhấn mạnh nhu cầu khẩn thiết phải thiết lập “một hệ thống pháp lý, thiết lập rõ ràng các giới hạn cuối cùng và bảo đảm hệ sinh thái được bảo vệ… nếu không, các cấu trúc quyền lực mới, dựa trên lối suy nghĩ thuần kinh tế kỹ thuật, sẽ áp đảo không chỉ nền chính trị mà cả công lý và tự do của chúng ta nữa”68. Nếu Thiên Chúa mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng kêu khóc của cả người nghèo lẫn trái đất69, thì đối với chúng ta, “tiếng kêu khóc của vùng Amazon lên Đấng Tạo Hoá tương tự như tiếng kêu gào của dân Chúa trên đất Ai Cập (cf. Xh 3,7). Đó là tiếng khóc của những người bị bỏ rơi trong kiếp nô lệ, kêu gào xin được tự do”70.

Lời ngôn sứ về sự chiêm niệm

53. Chúng ta thường để cho lương tâm mình bị chai cứng, bởi vì “sự sao nhãng, mất tập trung thường xuyên làm ta mất nhận thức về sự giới hạn và hữu hạn của thế giới”71. Với cái nhìn hời hợt, chúng ta thường nghĩ rằng “mọi thứ không đến nỗi quá nghiêm trọng, trái đất vẫn tiếp tục tồn tại như thế này mà thôi. Sự lảng tránh như thế cho phép ta tiếp tục duy trì lối sống hiện tại, mô hình sản xuất và tiêu thụ của mình. Đây là cách con người xoay xở để duy trì những tật xấu tai hại của mình: cố ý không nhìn thấy những tật xấu đó, cố ý không thừa nhận chúng, trì hoãn những quyết định quan trọng và giả vờ như không có gì xảy ra”72.

54. Thêm vào đó, tôi muốn lưu ý rằng mỗi loài sinh vật có giá trị tự thân, tuy nhiên, “mỗi năm có cả ngàn loại cây và thú vật biến mất, những loài mà ta không bao giờ biết, con cháu ta không bao giờ được thấy, bởi vì chúng đã bị tuyệt chủng. Đa số những loài đó diệt vong vì những lý do liên hệ tới hoạt động của con người. Do chúng ta mà cả ngàn loài sinh vật đã không còn có thể làm vinh danh Thiên Chúa bằng hiện hữu của mình nữa hay có thể truyền thông điệp sáng tạo đến chúng ta nữa. Chúng ta không được phép làm như vậy”73.

55. Từ những thổ dân, chúng ta học cách chiêm ngắm vùng Amazon, chứ không chỉ nghiên cứu nó; nhờ đó mà cảm nhận được huyền nhiệm quý báu siêu vượt trên chúng ta. Chúng ta có thể yêu mến vùng đất này, chứ không chỉ là sử dụng nó, để tình yêu có thể đánh thức mối quan tâm sâu xa và chân thành. Hơn nữa, chúng ta có thể cảm nhận mình là một phần của nó, chứ không chỉ nhắm bảo vệ nó; như thế, vùng Amazon có thể một lần nữa trở nên như Mẹ của chúng ta. Bởi vì, “chúng ta không nhìn thế giới từ bên ngoài, nhưng từ bên trong, ý thức mối ràng buộc mà Cha trên Trời đã nối kết chúng ta với mọi loài sinh linh”74.

56. Hãy đánh thức cảm thức mỹ thuật và chiêm niệm được Thiên Chúa ban cho và đặt để trong ta nhưng đã bị ta làm cho ra nhạt đi. Hãy nhớ rằng “nếu ai đó đã không biết dừng chân để thưởng lãm và ca tụng một vẻ đẹp thì không lạ gì người đó sẽ xem mọi vật chỉ như là đồ vật để sử dụng và lạm dụng, mà không hề áy náy lương tâm”75. Ngược lại, nếu ta kết hợp thông hiệp với cánh rừng, giọng nói của ta sẽ dễ dàng hoà trộn với giọng nói của rừng và trở thành lời cầu nguyện: “khi dừng chân dưới bóng một cây bạch đàn cổ thụ, lời cầu nguyện của chúng tôi, cầu xin ánh sáng, hoà lẫn với bài ca của các tán lá”76. Cuộc hoán cải nội tâm này sẽ giúp chúng ta có thể khóc cho vùng Amazon và cùng với nó, kêu thấu tới Chúa.

57. Chúa Giêsu nói: “Liệu không phải năm con chim sẻ chỉ bán được hai đồng xu sao? Thế mà không con nào bị Thiên Chúa quên lãng” (Lc 12,6). Thiên Chúa Cha, Đấng tạo dựng muôn loài với tình yêu vô biên, mời gọi chúng ta trở nên tai của Ngài để giúp Ngài lắng nghe tiếng kêu khóc của vùng Amazon. Nếu đáp lại tiếng kêu cứu não nề này, chúng ta sẽ cho thấy rõ Cha trên trời không hề bỏ quên các thụ tạo ở vùng Amazon. Đối với các Kitô hữu, chính Chúa Giêsu chất vấn chúng ta từ tạo vật của Ngài, “bởi vì Đấng Phục sinh đang ôm chúng vào lòng và dẫn đưa chúng đến cùng đích viên mãn. Cả hoa đồng cỏ nội và chim chóc mà chính mắt Ngài đã từng chiêm ngắm khi còn ở dương thế này, nay được tràn đầy sự hiện diện rạng rỡ của Ngài”77. Vì thế, tín hữu chúng ta gặp nơi vùng Amazon một nguồn cảm hứng cho thần học, một không gian, nơi mà Thiên Chúa mạc khải chính Mình và tụ họp con cái Ngài.

Giáo dục và hình thành tập quán sinh thái

58. Về điều này, chúng ta có thể đi một bước xa hơn, nhớ rằng một sinh thái luận toàn diện không chỉ bằng lòng với việc tìm giải quyết những vấn đề kỹ thuật hay các quyết định mang tính chính trị, pháp lý và xã hội. Sinh thái luận tốt nhất luôn bao gồm một bình diện giáo dục, khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn phát huy các tập quán mới. Đáng buồn thay, nhiều người trong vùng Amazon đã học nhiễm những tập quán đặc thù của các thành phố lớn, quá quen với lối sống tiêu thụ và văn hoá sử dụng hoang phí. Sẽ không thể có một sinh thái luận lành mạnh và bền vững, có thể thay đổi tình hình, nếu như con người không thay đổi, không được khuyến khích chọn một lối sống khác, ít tham lam và thanh thản hơn, tôn trọng và ít lo lắng hơn, huynh đệ hơn.

59. Thật vậy, “khi trái tim con người càng trống rỗng, họ càng cần phải mua sắm, sở hữu và tiêu thụ nhiều thứ. Họ khó có thể chấp nhận giới hạn của thực tại… Chúng ta không chỉ bận tâm đến sự đe doạ của các thiên tai về mặt khí hậu, mà cả những hậu quả tàn khốc của sự bất ổn xã hội. Ám ảnh với lối sống tiêu thụ, nhất là khi ít có người duy trì được lối sống đó, sẽ chỉ dẫn đến bạo lực và hủy diệt lẫn nhau”78.

60. Giáo hội, với kinh nghiệm thiêng liêng phong phú, với sự canh tân trong việc trân trọng giá trị của tạo thành, với bận tâm về công bình, với bận tâm ưu tiên chọn lựa người rốt hết, với truyền thống giáo dục, với lịch sử hội nhập vào các nền văn hoá khác nhau trên toàn cầu; với tất cả những điều đó, Giáo hội cũng ao ước đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển vùng Amazon.
Điều này dẫn đến ước mơ tiếp theo mà tôi muốn chia sẻ riêng với các mục tử và giáo dân của Giáo hội Công giáo.

CHƯƠNG BỐN
MỘT ƯỚC MƠ GIÁO HỘI

61. Giáo hội được kêu gọi đồng hành với các dân tộc vùng Amazon. Tại Châu Mỹ Latinh, việc đồng hành này đã được lưu tâm đặc biệt, chẳng hạn Hội nghị các Giám mục diễn ra tại Medellín (1968) và việc áp dụng cho vùng Amazon ở Santarem (1972)79; sau đó là Puebla (1979), Santo Domingo (1992) và Aparecida (2007). Việc đồng hành này vẫn đang tiếp diễn, và nếu muốn trình bày một Giáo hội với khuôn mặt Amazon, thì công cuộc truyền giáo phải được khai triển trong một nền văn hoá gặp gỡ hướng đến một sự “hài hoà đa dạng”80. Tuy nhiên, để Giáo hội và Tin Mừng có thể nhập thể, lời loan báo truyền giáo vĩ đại phải không ngừng vang dội, luôn mãi.

Lời loan báo thiết yếu trong vùng Amazon

62. Đối diện với biết bao nhu cầu và lo lắng vang lên từ tâm điểm của Amazon, chúng ta có thể đáp ứng bằng các tổ chức xã hội, các giải pháp kỹ thuật, không gian tranh luận, cương lĩnh chính trị, và tất cả những điều này có thể là một phần của giải pháp. Tuy nhiên là Kitô hữu, chúng ta không được chối bỏ đòi hỏi của đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh từ Tin Mừng. Cả khi muốn sát vai dấn thân cùng mọi người, chúng ta cũng không xấu hổ vì Đức Giêsu Kitô. Ai đã gặp gỡ Đức Giêsu, sống tình bằng hữu với Người và thực thi sứ điệp của Người, thì không thể không nói về Người và mời mọi người sống đời sống mới như Người kêu gọi: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

63. Việc thực sự chọn phục vụ những người nghèo và người bị bỏ rơi, chẳng những thôi thúc chúng ta giúp họ thoát khỏi đói nghèo vật chất và bảo vệ quyền lợi của họ, mà còn bao hàm việc giúp họ sống mật thiết với Chúa, Đấng thăng tiến và ban phẩm giá cho họ. Thật đáng buồn nếu chúng ta trao cho họ cả bộ giáo lý hay quy tắc luân lý, mà không phải là lời loan báo lớn lao về ơn cứu độ, lời loan báo truyền giáo ấy chạm đến tận cõi lòng và làm cho mọi sự khác đều có ý nghĩa. Chúng ta cũng không được hài lòng với một thông điệp xã hội. Nếu chúng ta hy sinh đời sống cho họ, vì công lý và phẩm giá mà họ đáng được hưởng, chúng ta không thể giấu họ rằng chúng ta làm thế vì nhận ra Đức Kitô nơi họ, và vì chúng ta khám phá phẩm giá cao trọng mà Thiên Chúa Cha, Đấng yêu thương họ vô cùng, đã ban cho họ.

64. Họ có quyền được nghe loan báo Tin Mừng, nhất là lời loan báo tiên khởi được gọi là kerygma, “đó là lời rao giảng chính, lời rao giảng mà chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều cách, phải công bố trong suốt tiến trình huấn giáo ở mọi cấp độ và mọi thời điểm”81. Đó là lời loan báo một vị Thiên Chúa, Đấng vô cùng yêu thương mỗi người, Đấng đã thể hiện trọn vẹn tình yêu ấy nơi Đức Kitô chịu đóng đinh vì chúng ta và sống lại trong cuộc đời chúng ta. Tôi đề nghị đọc lại bản tóm tắt ngắn gọn nội dung này trong chương IV của Tông huấn Christus vivit. Lời loan báo ấy phải vang lên không ngừng trong khắp vùng Amazon, bằng nhiều cách khác nhau. Không có lời loan báo đầy nhiệt huyết ấy, mọi cơ cấu của Giáo hội sẽ biến thành một tổ chức phi chính phủ khác, và như thế, chúng ta kháng lại lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

65. Mọi chương trình giúp cho trưởng thành trong đời sống Kitô hữu đều phải luôn lấy việc loan báo này làm trục, vì “toàn bộ việc huấn luyện Kitô giáo trước hết là ngày càng đi sâu vào kerygma, và ngày càng sâu sắc hơn”82. Đáp ứng căn bản cho lời loan báo này, khi lời loan báo đưa tới cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa, là tình bác ái huynh đệ, là “điều răn mới, điều răn đứng đầu, điều răn cao trọng nhất, và là điều răn xác định rõ nhất chúng ta là môn đệ Đức Kitô”83. Như thế, kerygma và tình bác ái huynh đệ làm nên sự tổng hợp lớn lao của toàn bộ nội dung Tin Mừng mà chúng ta không thể không đề cập đến trong vùng Amazon. Đó là điều mà những nhà truyền giáo vĩ đại của Châu Mỹ La Tinh như thánh Toribio de Mogrovejo hay thánh José de Anchieta đã sống.

Hội nhập văn hoá

66. Cả khi Giáo hội không ngừng loan báo kerygma, Giáo hội cũng cần phải phát triển trong vùng Amazon. Vì lẽ đó, Giáo hội luôn xác định lại căn tính của chính mình bằng việc lắng nghe và đối thoại với con người, với các thực tại và lịch sử của vùng đất này. Bằng cách đó, Giáo hội có thể càng ngày càng triển khai tiến trình cần thiết của việc hội nhập văn hoá, vốn không hề coi nhẹ những gì tốt đẹp trong các nền văn hoá vùng Amazon, mà đón nhận và đưa đến vẹn toàn dưới ánh sáng Tin Mừng84. Giáo hội cũng không xem nhẹ sự phong phú khôn ngoan Kitô giáo được lưu truyền qua nhiều thế kỷ, như thể không màng đến lịch sử nơi mà Thiên Chúa đã hành động bằng nhiều cách thế khác nhau, vì Giáo hội có một khuôn mặt đa diện “không chỉ trong viễn cảnh không gian […] mà còn trong thực tại thời gian”85. Đây là Truyền thống đích thực của Giáo hội, không phải là một nhà kho đứng yên, cũng không phải là một phòng bảo tàng, mà là gốc rễ của một cây đang phát triển86. Đây là Truyền thống ngàn đời chứng tỏ Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong Dân của Người và Giáo hội “có sứ mạng duy trì ngọn lửa chứ không phải ngồi giữ tro tàn”87.

67. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy rằng, khi trình bày sứ điệp Tin Mừng, “ Giáo hội không có ý phủ nhận quyền tự chủ của văn hoá, mà ngược lại, hết sức tôn trọng”, vì văn hoá “không chỉ là đối tượng cần được cứu chuộc và nâng cao; mà còn có thể đóng vai trò trung gian hoà giải và hợp tác”88. Ngỏ lời với người dân bản xứ của lục địa châu Mỹ, Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng “một đức tin không trở thành văn hoá là một đức tin chưa hoàn toàn được đón nhận, suy tư, và sống cách trung tín”89. Thách đố của các nền văn hoá mời gọi Giáo hội phải có “một óc phán đoán sắc sảo, nhưng cũng ân cần tin tưởng”90.

68. Ở đây, chúng ta có thể nhắc lại điều tôi đã khẳng định trong Tông huấn Evangelii gaudium về vấn đề hội nhập văn hoá, dựa trên xác tín rằng “ân sủng đòi hỏi văn hoá, và hồng ân của Thiên Chúa được nhập thể trong nền văn hoá của những ai đón nhận ân huệ ấy”91. Chúng ta thấy rằng điều này bao hàm một chuyển động kép. Một đàng, khi Tin Mừng cắm rễ vào nơi nào đó thì sẽ sinh nhiều hoa trái, vì “khi một cộng đoàn đón nhận sứ điệp cứu độ, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho nền văn hoá ấy thêm phong phú bằng sức mạnh biến đổi của Tin Mừng”92. Đàng khác, chính Giáo hội cũng sống lộ trình đón nhận, vốn làm cho Giáo hội được phong phú nhờ những gì mà Thần Khí đã gieo vãi trong nền văn hoá ấy một cách huyền nhiệm. Bằng cách này, “Chúa Thánh Thần tô điểm Giáo hội, chỉ cho Giáo hội thấy những khía cạnh mới của mặc khải và ban cho Giáo hội một gương mặt mới”.93 Tựu trung, cần khuyến khích và cho phép loan báo Tin Mừng luôn mãi, “với những cách thế thích hợp với nền văn hoá nơi Tin Mừng được loan báo, tạo ra một tổng hợp mới với nền văn hoá ấy”94.

69. Vì thế, “như chúng ta có thể thấy trong lịch sử Giáo hội, Kitô giáo không chỉ có một mô hình văn hoá duy nhất”95 và “sẽ không công bằng với luận lý của việc nhập thể khi nghĩ đến một Kitô giáo đơn văn hoá và đơn điệu”96. Tuy nhiên, mối nguy cơ cho các thừa sai đi truyền giáo khi đến một nơi nào đó là nghĩ rằng mình không phải chỉ loan báo Tin Mừng mà còn truyền đạt cả văn hoá nơi mình sinh trưởng, mà quên mất rằng không được “áp đặt một hình thức văn hoá đặc thù nào, cho dù nền văn hoá ấy có đẹp đẽ và lâu đời đến đâu đi nữa”97. Cần can đảm đón nhận sự mới mẻ của Thần Khí, Đấng luôn có thể đem lại những điều mới trong kho tàng vô tận của Chúa Giêsu Kitô, vì “hội nhập văn hoá đưa Giáo hội vào một lộ trình khó khăn nhưng cần thiết”98. Đúng là “dù tiến trình này luôn chậm, đôi khi khiến chúng ta tê liệt vì sợ hãi” và cuối cùng khiến chúng ta trở nên “kẻ đứng nhìn tình trạng trì trệ cằn cỗi của Giáo hội”99, nhưng chúng ta đừng sợ, đừng chặt đứt đôi cánh của Chúa Thánh Thần!

Lộ trình hội nhập văn hoá trong vùng Amazon

70. Để việc hội nhập văn hoá của Tin Mừng được đổi mới trong vùng Amazon, Giáo hội cần lắng nghe sự khôn ngoan của tiền nhân, trở lại ngỏ lời với các bậc cao niên, chân nhận các giá trị hiện tại trong lối sống của cộng đồng bản địa, phục hồi kịp thời những câu chuyện phong phú của các dân tộc. Tại vùng Amazon, chúng ta đã đón nhận sự phong phú từ các nền văn hoá thời tiền Columbus, “như mở lòng đón nhận tác động của Thiên Chúa, cảm thức tri ân vì hoa màu ruộng đất, tính thánh thiêng của đời sống con người và lòng quý trọng đối với gia đình, cảm thức liên đới và đồng trách nhiệm trong việc chung, tầm quan trọng của việc thờ tự, niềm tin vào một cuộc sống bên kia cuộc sống nơi trần thế, và nhiều giá trị khác nữa”.100

71. Trong bối cảnh ấy, các dân tộc bản xứ vùng Amazon cho thấy phẩm chất cuộc sống đích thực chẳng hạn như việc “sống tốt lành”, bao hàm sự hoà điệu của cá nhân, gia đình, cộng đồng và vũ trụ. Sự hoà điệu ấy được thể hiện trong lối nghĩ của cộng đồng về cuộc sống, qua khả năng tìm thấy niềm vui và thoả mãn trong một cuộc sống kham khổ và giản dị, cũng như trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách có trách nhiệm, nhằm bảo tồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. Những người thổ dân có thể giúp chúng ta khám phá thế nào là một cuộc sống giản dị tràn đầy hạnh phúc, và theo nghĩa ấy, “họ có nhiều điều để dạy chúng ta”.101 Họ biết hạnh phúc với điều ít ỏi, họ tận hưởng những hồng ân nho nhỏ Chúa ban mà không tích lũy quá nhiều, họ không phá hủy nếu không cần, họ bảo vệ hệ sinh thái và biết rằng trái đất, vừa như một nguồn tài nguyên quảng đại được tặng ban để nuôi sống họ, lại vừa như người mẹ cần phải nâng niu và tôn trọng. Tất cả những điều ấy phải được coi trọng và phải xét đến trong công cuộc truyền giáo.102

72. Trong khi chúng ta chiến đấu vì họ và với họ, chúng ta được mời gọi “trở thành bạn hữu của họ, lắng nghe họ, hiểu họ và đón nhận sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn truyền thông qua họ”.103 Dân cư thành phố cần coi trọng sự khôn ngoan này và để mình được “giáo dục lại” khi đối diện với chủ nghĩa tiêu thụ vô độ và sự cô đơn ở đô thị. Chính Giáo hội có thể là một phương tiện giúp cho việc phục hồi về mặt văn hoá này trong một tổng hợp có giá trị qua việc loan báo Tin Mừng. Ngoài ra, Giáo hội còn trở nên công cụ bác ái vì các cộng đoàn tại thành thị không chỉ truyền giáo trong môi trường của họ, mà còn phải đón tiếp những người ở trong nước bị tình trạng khốn khổ đẩy vào thành phố. Cũng vậy, các cộng đoàn phải gần gũi với các bạn trẻ di dân để giúp họ hội nhập vào thành thị mà không rơi vào các mạng lưới làm cho họ bị biến chất. Những việc làm ấy của Giáo hội, phát sinh từ tình yêu, là những lộ trình quý giá trong quá trình hội nhập văn hoá.

73. Mặt khác, việc hội nhập văn hoá nâng cao và đưa đến trọn vẹn. Chắc chắn, phải đề cao khoa huyền nghiệm bản địa (mystique autochtone) này về tính tương liên và tính tương thuộc của toàn thể tạo thành, một khoa huyền nghiệm vô cầu, luôn yêu mến sự sống như quà tặng, một khoa huyền nghiệm chiêm ngưỡng thực tại thánh thiêng khi đứng trước thiên nhiên ngập tràn sức sống. Tuy nhiên, cũng phải làm sao cho mối tương quan này với Thiên Chúa hiện diện trong vũ trụ ngày càng trở nên mối quan hệ cá vị với một người “Bạn”, người nâng đỡ đời sống chúng ta và mặc cho đời sống ấy một ý nghĩa, một người “Bạn” biết rõ chúng ta và yêu thương chúng ta:
“Bóng tôi trôi nổi, giữa cánh rừng chết.
Nhưng ngôi sao sinh ra mà không một lời ca thán
trên đôi tay thành thạo của đứa trẻ này,
đôi tay chinh phục nước và màn đêm.
Đủ để tôi biết rằng
Người biết rất rõ về tôi,
trước khi ngày đời tôi khởi sự”104.

74. Tương tự như vậy, mối tương quan với Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là con người thật, Đấng giải thoát và cứu chuộc, không trái ngược với thế giới quan này, thế giới quan mang đậm tính vũ trụ, vốn là đặc trưng của các dân tộc ấy, vì Người cũng là Đấng Phục Sinh thấm nhập vào mọi sự.105 Theo kinh nghiệm Kitô giáo, “mọi thụ tạo của vũ trụ vật chất đều có ý nghĩa đích thực trong Ngôi Lời Nhập Thể, vì Con Thiên Chúa đã mặc lấy một phần thế giới vật chất vào trong con người mình, gieo vào đó hạt giống của sự biến đổi cánh chung”106. Người hiện diện cách vinh quang và huyền nhiệm trong sông ngòi, cây cỏ, trong cá nước, làn gió, vì Chúa thống trị trên tạo vật mà vẫn giữ lại những thương tích đã được biến hình của Người, và trong Bí tích Thánh Thể, Người đón nhận các yếu tố của thế giới khi trao ban cho mỗi người ý nghĩa của ơn phục sinh.

Hội nhập văn hoá về phương diện xã hội và thiêng liêng

75. Vì tình trạng nhiều cư dân nghèo khổ và bị bỏ rơi trong vùng Amazon, việc hội nhập văn hoá này nhất thiết phải mang đậm chiều kích xã hội với nét đặc trưng là kiên quyết bảo vệ quyền con người, khi chiếu toả khuôn mặt của Đức Kitô “Đấng đã muốn đồng hoá mình với những người yếu đuối nhất và nghèo khổ nhất bằng một tình nhân hậu lớn lao”.107 Bởi vì “từ tâm điểm của Tin Mừng, chúng ta thấy mối liên kết sâu xa giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người”,108 và đối với các cộng đoàn Kitô giáo điều này bào hàm sự dấn thân rõ rệt vì Vương quốc công lý khi thăng tiến những người bị loại trừ. Vì lý do đó, việc đào tạo thích đáng các nhân viên mục vụ về giáo huấn xã hội của Giáo hội là vô cùng quan trọng.

76. Đồng thời, việc hội nhập Tin Mừng vào vùng Amazon cần phải nối kết tốt hơn chiều kích xã hội với chiều kích thiêng liêng, để cho những người nghèo khổ nhất không phải đi tìm ở bên ngoài Giáo hội một linh đạo nhằm thoả mãn nỗi khát khao siêu việt của họ. Vì thế, vấn đề không phải là một lối sống đạo xuất thế và duy cá nhân tránh né những yêu sách của xã hội về một cuộc sống xứng hợp hơn, nhưng cũng không phải là loại bỏ chiều kích siêu việt và thiêng liêng như thể con người chỉ cần có sự phát triển về vật chất. Điều này mời gọi chúng ta không chỉ nối kết cả hai, mà còn nối kết chúng một cách chặt chẽ. Nhờ đó, vẻ đẹp chân thực của Tin Mừng sẽ toả rạng, đầy tính nhân văn, đem lại cho mọi người và mọi dân tộc phẩm giá trọn vẹn, đầy tràn trong tâm hồn và cuộc sống.

Những khởi điểm của sự thánh thiện Amazon

77. Như thế, chứng tá thánh thiện mang khuôn mặt Amazon được tỏ hiện, không phải là bản sao mô hình của các nơi khác, mà là sự thánh thiện hình thành từ việc gặp gỡ và dâng hiến, từ việc chiêm niệm và phục vụ, từ cuộc sống cô tịch thức tỉnh và sống cộng đồng, từ sự điều độ vui tươi và đấu tranh cho công lý. Sự thánh thiện này sẽ đạt được “theo cách riêng của mỗi người”,109 và điều ấy cũng có giá trị cho các dân tộc, nơi mà ân sủng được thể hiện và toả sáng với những nét đặc trưng. Chúng ta hãy hình dung sự thánh thiện với các đặc điểm của vùng Amazon đang chất vấn Giáo hội hoàn vũ.

78. Tiến trình hội nhập văn hoá, bao gồm những lộ trình không chỉ liên quan đến cá nhân mà còn đến đời sống cộng đoàn, đòi hỏi một tình yêu đầy tôn trọng và thấu hiểu đối với mọi người. Tại phần lớn vùng Amazon, tiến trình này đã được khởi đầu. Hơn bốn mươi năm trước, các giám mục Pêru vùng Amazon đã nhận thấy rằng trong số lớn các nhóm người ở vùng này “những người cần được loan báo Tin Mừng, với một nền văn hoá đa dạng và biến đổi, đã được Phúc âm hoá ngay từ đầu rồi”, vì họ có “một số đặc điểm của người Công giáo bình dân, dẫu rằng có lẽ ban đầu đã được các mục tử gầy dựng; những đặc điểm ấy hiện nay dân chúng đang thực hành và thậm chí họ còn thay đổi ý nghĩa rồi lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.110 Chúng ta đừng vội vàng xét đoán một số cách diễn tả tôn giáo tự phát trong đời sống dân chúng là mê tín hay mang tính ngoại giáo. Nhưng phải biết nhận ra cây lúa đang lớn lên giữa đám cỏ lùng , vì “trong việc đạo đức bình dân, chúng ta có thể hiểu được cách thức mà đức tin, sau khi đã lãnh nhận, sẽ hội nhập vào một nền văn hoá và tiếp tục thông truyền như thế nào”111.

79. Một cách nào đó, có thể chấp nhận một biểu tượng bản địa mà không nhất thiết coi đó là việc sùng bái ngẫu tượng. Một thần thoại mang ý nghĩa tâm linh có thể có giá trị chứ không phải lúc nào cũng bị coi là sai lầm của người ngoại giáo. Một số lễ hội tôn giáo mang ý nghĩa thánh thiêng và là không gian cho việc gặp gỡ và tình huynh đệ, dẫu rằng cần một tiến trình chậm chạp để được thanh lọc và trưởng thành. Một nhà truyền giáo nhiệt tâm sẽ cố gắng khám phá đâu là những khát vọng chính đáng qua các biểu hiện tôn giáo nhiều khi còn bất toàn, cục bộ hay mập mờ, và tìm cách đáp lại khởi đi từ một nền linh đạo mang tính hội nhập.

80. Chắc chắn đó sẽ là một nền linh đạo quy về Thiên Chúa duy nhất và là Đức Chúa, đồng thời có khả năng tiếp xúc với những nhu cầu thường nhật của những ai tìm kiếm một cuộc sống có phẩm giá, muốn tận hưởng những thực tại đẹp đẽ của cuộc đời, muốn tìm được sự bình an và hoà hợp, muốn giải quyết khủng hoảng trong gia đình, muốn chữa lành bệnh tật, muốn thấy con cái mình hạnh phúc lớn lên. Mối nguy lớn nhất có lẽ là ngăn cản không cho họ gặp Đức Kitô khi trình bày Ngài như là kẻ thù của niềm vui, hay như người chẳng màng gì tới những khát vọng và đau khổ của con người112. Ngày nay, cần phải chứng minh rằng sự thánh thiện sẽ không tước đi của con người “năng lực, sức sống hay niềm vui”113.

Hội nhập văn hoá trong Phụng vụ

81. Hội nhập linh đạo Kitô giáo vào các nền văn hoá của các dân tộc bản địa gặp được một con đường có giá trị đặc biệt trong các bí tích, bởi vì tính thần thiêng và vũ trụ, ân sủng và công trình tạo dựng hiệp nhất trong các bí tích. Ở Amazon các bí tích không được hiểu tách rời công trình tạo dựng. Các bí tích là “một con đường ưu biệt, trong đó thiên nhiên được Thiên Chúa nâng lên thành phương thế trung gian cho đời sống siêu nhiên”114 Các bí tích là một hoàn thành của công trình tạo dựng, là nơi thiên nhiên được nâng lên để trở thành địa điểm và khí cụ của ân sủng, hầu “ôm lấy thế giới trong một cấp độ khác”115.

82. Trong Thánh Thể, Thiên Chúa, “ở đỉnh điểm của mầu nhiệm Nhập thể, đã muốn kết hiệp mật thiết với chúng ta qua mẩu bánh.[…] Thánh Thể kết nối trời với đất, ôm lấy và bao bọc toàn thể công trình tạo dựng”116. Vì thế, Thánh Thể có thể là “một động lực cho chúng ta quan tâm đến môi trường, hướng dẫn chúng ta trở thành người quản lý toàn thể tạo thành”117. Như thế, “khi muốn gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta không thoát khỏi thế giới này hay phủ nhận thiên nhiên”118. Điều đó cho phép chúng ta gặp lại trong phụng vụ nhiều yếu tố đặc thù do những người bản địa trải nghiệm khi họ tiếp xúc thân tình với thiên nhiên và tạo điều kiện thuận lợi cho những người bản địa diễn tả trong những bài ca, điệu nhảy, nghi lễ, cử chỉ và biểu tượng. Công Đồng Vaticanô II đã yêu cầu những cố gắng hội nhập văn hoá phụng vụ nơi các dân tộc bản địa119, nhưng đã hơn năm mươi năm qua, chúng ta tiến bộ rất ít trong đường hướng này120.

83. Ngày Chúa nhật, “linh đạo Kitô giáo hợp nhất giá trị của nghỉ ngơi và lễ hội. Con người có xu hướng xem nghỉ ngơi chiêm niệm là điều gì đó không hiệu quả và vô ích, mà quên rằng như thế là loại bỏ nền tảng quan trọng của công việc: ý nghĩa của nó. Chúng ta được mời gọi đưa chiều kích cảm thụ và vô cầu vào trong công việc”121. Các dân tộc bản địa cảm nhận tính vô cầu và sự nghỉ ngơi chiêm niệm lành mạnh này. Các cử hành của chúng ta phải giúp họ sống trải nghiệm này trong phụng vụ Chúa nhật và gặp được ánh sáng của Lời Chúa và Thánh Thể soi sáng đời sống cụ thể của chúng ta.

84. Các bí tích chứng tỏ và cho biết Thiên Chúa gần gũi và có lòng thương xót, Ngài đến để chăm sóc và thêm sức cho các con cái của Ngài. Chính vì thế, phải ban các bí tích cho mọi người, nhất là những người nghèo, và không bao giờ được từ chối vì lý do tiền bạc. Cũng không được dùng bí tích như một thứ kỷ luật để loại trừ và làm cho những người nghèo và những người bị quên lãng ở Amazon rời xa Giáo hội, vì cuối cùng họ sẽ bị gạt ra ngoài do một Giáo hội đã biến thành thuế quan. Trái lại, “trong những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo họ đang sống, Giáo hội phải đặc biệt quan tâm để thông cảm, an ủi, đón nhận họ, tránh áp đặt lên họ đủ thứ luật lệ, như những tảng đá đè bẹp, chỉ khiến người ta cảm thấy bị xét đoán và bỏ rơi bởi chính Người Mẹ vốn được mời gọi bày tỏ cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa”122. Trong Giáo hội, lòng thương xót có thể chỉ còn là một lối diễn tả lãng mạn nếu lòng thương xót không biểu hiện cụ thể trong trách nhiệm mục tử123.

Hội nhập văn hoá về phương diện thừa tác vụ

85. Hội nhập văn hoá cũng phải được khai triển và được thể hiện bằng cách thấm nhập vào bên trong để làm cho cơ cấu Giáo hội và thừa tác vụ hoạt động. Nếu đã hội nhập văn hoá linh đạo, hội nhập văn hoá việc nên thánh, hội nhập văn hoá ngay cả Tin Mừng, sao lại không nghĩ đến một hội nhập văn hoá cách thức cấu trúc và hoạt động của các thừa tác vụ trong Giáo hội? Sự hiện diện mục vụ của Giáo hội ở Amazon thì không thường xuyên, một phần vì diện tích đất đai mênh mông, với nhiều nơi khó đến được, một nền văn hoá rất khác biệt, nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng, và một số dân tộc chọn sống tách biệt. Điều đó không được khiến cho chúng ta thờ ơ nhưng đòi hỏi Giáo hội phải can đảm đáp ứng một cách cụ thể.

86. Phải lo liệu cho thừa tác vụ được thi hành thế nào để Thánh lễ được cử hành thường xuyên hơn, ngay cả nơi những cộng đoàn xa xôi và hẻo lánh nhất. Tài liệu Aparecida đã mời gọi lắng nghe tiếng than phiền của nhiều cộng đoàn Amazon “không có Thánh lễ Chúa nhật trong thời gian lâu dài”124. Nhưng đồng thời, phải có những thừa tác viên có thể thấu hiểu tâm tình và các nền văn hoá của Amazon từ bên trong.

87. Cách quy định đời sống và thi hành tác vụ của các linh mục không đồng nhất, và có những sắc thái khác biệt ở những nơi khác nhau. Vì thế điều quan trọng là phải xác định điều gì là đặc thù nhất của linh mục, điều gì không thể được ủy thác. Câu trả lời nằm ở trong Bí tích Truyền Chức Thánh, bí tích đã làm cho linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô linh mục. Và kết luận đầu tiên là tính chất chuyên nhất này được lãnh nhận từ Bí tích Truyền Chức Thánh làm cho linh mục, chỉ linh mục mà thôi, mới được chủ sự Thánh lễ125. Đó là phần vụ đặc thù, chính yếu và không thể ủy thác được. Có người nghĩ rằng điều phân biệt linh mục là quyền bính, làm cho linh mục thành người có quyền tối cao của cộng đoàn. Nhưng Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích rằng, cho dù chức linh mục được nhìn nhận là “mang tính phẩm trật”, thì phận vụ này không phải là đặt linh mục ở trên những người khác, nhưng linh mục được phong chức “hoàn toàn để thánh hoá các chi thể của Đức Kitô”126. Khi chúng ta khẳng định rằng linh mục là dấu chỉ của “Đức Kitô là Đầu”, ý nghĩa chính là Đức Kitô là nguồn ơn sủng: Ngài là đầu của Giáo hội “bởi vì Ngài có thể chuyển thông ơn sủng cho tất cả mọi chi thể của Giáo hội”127.

88. Linh mục là dấu chỉ Đầu của Đức Kitô, Đấng đổ tràn ân sủng, cách riêng khi linh mục cử hành Thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô hữu128. Đó là quyền bính lớn lao của linh mục, là quyền chỉ có thể nhận được nơi bí tích Truyền Chức Thánh mà thôi. Chính vì vậy chỉ có linh mục mới có thể nói: “Này là mình Thầy”. Có những lời khác mà chỉ có linh mục mới được nói: “Cha tha tội cho con”. Bởi vì ơn tha tội của bí tích là để giúp cho việc cử hành Thánh Thể được xứng đáng. Trung tâm căn tính duy nhất của linh mục nằm trong hai bí tích này129.

89. Trong những hoàn cảnh đặc thù của Amazon, cách riêng trong những khu rừng và những vùng hẻo lánh, phải tìm một phương thế để bảo đảm thừa tác vụ linh mục này. Các giáo dân có thể loan báo Lời Chúa, giảng dạy, tổ chức những cộng đoàn của họ, cử hành một số bí tích, tìm kiếm những con đường khác cho việc đạo đức bình dân và khai thác rất nhiều ân huệ mà Thánh Thần tuôn tràn trên họ. Nhưng họ cần có Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể “làm nên Hội Thánh”130 và từ đó chúng ta phải nói rằng “không một cộng đoàn Kitô hữu nào được xây dựng mà lại không có nguồn gốc khởi phát và tâm điểm quy tụ là việc cử hành bí tích Thánh Thể”131. Nếu thật sự chúng ta tin như thế, thì điều khẩn thiết là làm sao để các dân tộc Amazon không phải thiếu thốn lương thực của đời sống mới này và bí tích Tha Tội.

90. Nhu cầu cấp bách này khiến tôi phải khuyên các Giám mục, cách riêng, các Giám mục ở Châu Mỹ Latinh, không những kêu gọi cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, mà còn phải quảng đại hướng dẫn những ai tỏ ra có ơn gọi thừa sai để họ chọn Amazon132. Đồng thời nên duyệt lại toàn bộ cơ cấu và nội dung, về việc đào tạo khởi đầu cũng như việc thường huấn các linh mục, nhằm mục đích để họ có được những thái độ và những khả năng mà việc đối thoại với những văn hoá Amazon đòi hỏi. Việc đào tạo này phải hết sức chuyên về mục vụ và giúp cho việc phát triển lòng thương xót mục tử133.

Những cộng đoàn đầy sức sống

91. Mặt khác, Thánh Thể là một bí tích lớn lao, diễn tả và thực hiện tính hợp nhất của Giáo hội134, và được cử hành “để cho, từ những người xa lạ, những người bị phân tán và không quen biết nhau, chúng ta được hợp nhất nên một, bình đẳng và trở thành bạn hữu”135. Người chủ sự Thánh Thể phải chăm lo sự hiệp thông vốn không phải là một sự hiệp nhất nghèo nàn, nhưng là đón nhận vô số ơn huệ phong phú và những đặc sủng Thánh Thần tuôn đổ trên cộng đoàn.

92. Vì thế, Thánh Thể, cội nguồn và chóp đỉnh, đòi hỏi nguồn phong phú đa dạng này phải được phát triển. Phải có các linh mục nhưng điều đó không ngăn cản, theo một cách thông thường, các phó tế vĩnh viễn – cần phải có nhiều hơn nữa ở Amazon – các nữ tu và cả các giáo dân đảm nhận những trách nhiệm quan trọng, để làm cho các cộng đoàn lớn lên đến mức trưởng thành trong việc thi hành các phận vụ này, nhờ được đồng hành cách thích đáng.

93. Do đó, vấn đề không phải chỉ là tạo điều kiện dễ dàng cho có thật nhiều các thừa tác viên được truyền chức có thể cử hành Thánh Thể. Đó sẽ là một mục tiêu rất giới hạn nếu chúng ta không đồng thời cố gắng khơi lên một đời sống mới trong các cộng đoàn. Chúng ta phải cổ vũ việc gặp gỡ Lời Chúa và việc trưởng thành trong sự thánh thiện, nhờ sự cộng tác phục vụ của giáo dân trong nhiều hình thức, sau khi họ đã qua một quá trình chuẩn bị - về Kinh Thánh, giáo lý, đời sống thiêng liêng và về thực hành - và những khoá đào tạo thường xuyên khác.

94. Một Giáo hội mang khuôn mặt Amazon đòi hỏi phải có sự hiện diện ổn định của những giáo dân lớn tuổi có trách nhiệm và được trao quyền hành136, những người này hiểu biết các ngôn ngữ, các nền văn hoá, có kinh nghiệm thiêng liêng và biết cách sống thành cộng đoàn ở mỗi nơi, đồng thời họ cũng dành không gian cho nhiều ơn huệ được Thánh Thần gieo vào lòng mọi người. Vì ở đâu có những nhu cầu riêng biệt, ở đó Thánh Thần đã ban các đặc sủng để đáp ứng rồi. Điều đó đòi hỏi Giáo hội phải có khả năng mở ra những con đường cho sự táo bạo của Thánh Thần, để tin tưởng và giúp phát triển một nền văn hoá riêng của Giáo hội, mang tính giáo dân thật rõ nét. Những thách đố của Amazon đòi hỏi Giáo hội phải có một nỗ lực đặc biệt để đảm nhận một sự hiện diện ở mọi cấp độ, vốn chỉ có thể thực hiện được nhờ những giáo dân đóng một vai trò quan trọng.

95. Nhiều người sống đời thánh hiến đã tiêu hao sức lực và phần lớn đời mình cho Nước Chúa ở Amazon. Đời sống thánh hiến, nhờ có khả năng đối thoại, tổng hợp, dấn thân vào đời và ngôn sứ, nên có một vị trí chọn lọc trong tập thể đông đúc và hài hoà của Giáo hội Amazon này. Nhưng Giáo hội cần một nỗ lực hội nhập văn hoá mới, để vận dụng óc sáng tạo, tính bạo dạn truyền giáo, sự nhạy cảm và sức mạnh riêng của đời sống cộng đoàn.

96. Các cộng đoàn cơ bản, khi biết kết hợp việc bảo vệ quyền lợi xã hội với lời loan báo truyền giáo và linh đạo, đã là những kinh nghiệm thực sự về tính hiệp hành (synodalité) trong con đường loan báo Tin Mừng của Giáo hội ở Amazon. Thường những cộng đoàn này “đã giúp đào tạo những Kitô hữu dấn thân trong đức tin, các môn đệ và thừa sai của Chúa, như đã được minh chứng bởi sự dâng hiến quảng đại đến đổ máu đào, của biết bao thành viên của họ”137.

97. Tôi khuyến khích cơ quan REPAM (Mạng lưới Giáo hội Toàn Amazon) và những tổ chức khác cùng nhau đào sâu vấn đề, nhằm mục tiêu tăng cường điều mà tài liệu Aparecida yêu cầu: “Thiết lập một nền mục vụ chung với các ưu tiên được biệt hoá giữa các Giáo hội địa phương của các nước Nam Mỹ khác nhau trong lưu vực Amazon”138. Điều đó đặc biệt cần cho các mối quan hệ giữa các Giáo hội giáp biên giới.

98. Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại rằng chúng ta không thể luôn nghĩ tới những dự án cho các cộng đoàn bền vững, bởi vì ở Amazon có nhiều di chuyển nội bộ, một cuộc di dân liên tục xảy ra thường ngày, và “thực tế, miền này đã biến thành một hành lang di dân”.139 Cuộc sống du mục ở Amazon không được hiểu biết kỹ lưỡng và cũng không được nghiên cứu đầy đủ về phương diện mục vụ”140. Chính vì thế, phải nghĩ đến những nhóm truyền giáo lưu động và “ủng hộ việc những người sống đời thánh hiến, nam cũng như nữ tham gia và cùng đi để sống với những người nghèo khổ nhất và những người bị loại trừ”141. Mặt khác, điều đó thách đố các cộng đoàn ở thành thị của chúng ta, phải khéo léo và quảng đại phát triển nhiều hình thức gặp gỡ và tiếp đón đối với các gia đình và những người trẻ đến từ bên trong lãnh thổ, nhất là ở những vùng ngoại biên.

Sức mạnh và sự cống hiến của phụ nữ

99. Ở Amazon, có những cộng đoàn được duy trì và đã thông truyền đức tin trong thời gian dài mà không có một linh mục nào đến viếng thăm; có khi kéo dài cả thập kỷ. Đó là nhờ sự hiện diện của những người phụ nữ mạnh mẽ và quảng đại: các phụ nữ đã ban bí tích rửa tội, dạy giáo lý, cầu nguyện, họ là những nhà thừa sai truyền giáo, chắc chắn đã được Thánh Thần kêu gọi và tác động. Trong nhiều thế kỷ, họ đã giữ Giáo hội đứng vững trong những vùng này với một lòng nhiệt thành tận tụy đáng nể và một đức tin nồng nhiệt. Chính họ, ở Thượng Hội đồng, đã khiến tất cả chúng tôi phải xúc động vì chứng tá của họ.

100. Điều đó mời gọi chúng ta mở rộng tầm nhìn để tránh giản lược sự hiểu biết của chúng ta về Giáo hội vào những cơ cấu chức vụ. Chủ nghĩa giản lược này dẫn chúng ta đến chỗ nghĩ rằng chúng ta chỉ dành cho phụ nữ một quy chế và cho họ tham gia nhiều hơn vào Giáo hội, nếu cho họ tiến đến chức thánh. Nhưng cái nhìn này, trong thực tế, sẽ giới hạn các viễn cảnh, sẽ dẫn chúng ta đến việc giáo sĩ hoá phụ nữ, giảm thiểu giá trị lớn lao của những gì họ đã cống hiến và khéo làm nghèo đi đóng góp thiết yếu của họ.

101. Đức Giêsu Kitô tự giới thiệu như Hôn Phu của cộng đoàn cử hành Thánh Thể qua khuôn mặt của một người nam chủ trì cộng đoàn như dấu chỉ của Linh mục duy nhất. Cuộc đối thoại giữa Hôn Phu và hiền thê này, nảy sinh trong việc tôn thờ và thánh hoá cộng đoàn, không được giam giữ chúng ta trong những tiếp cận phiến diện với quyền bính của Giáo hội. Vì Chúa đã muốn tỏ quyền bính và tình yêu của Ngài ra qua hai khuôn mặt con người: khuôn mặt của Con Thiên Chúa làm người và khuôn mặt của một thụ tạo là một phụ nữ: Đức Maria. Các phụ nữ đóng góp cho Giáo hội một cách đặc thù, và bằng cách kéo dài sức mạnh và tình yêu thương của Đức Mẹ Maria. Như thế, chúng ta không giới hạn mình vào một tiếp cận chức vụ, nhưng chúng ta đi vào trong cơ cấu thân mật của Giáo hội. Chúng ta hiểu cặn kẽ tại sao, không có phụ nữ, Giáo hội sẽ tan biến, tương tự như biết bao cộng đoàn Amazon sẽ sụp đổ tan tành, nếu không có những phụ nữ ở đó để nâng đỡ, gìn giữ và chăm sóc. Điều đó chứng tỏ quyền năng đặc thù của họ.

102. Chúng ta không thể không tiếp tục khuyến khích những cống hiến của dân chúng, vốn dành cho phụ nữ ở Amazon một vai trò quan trọng, ngay cả khi các cộng đoàn ngày nay đang phải chịu những nguy cơ mới chưa từng có ở những thời đại trước. Hoàn cảnh hiện tại cần chúng ta khích lệ có thêm những công việc phục vụ khác và những đặc sủng khác của phụ nữ, nhằm đáp ứng những nhu cầu đặc thù của người dân Amazon trong thời buổi lịch sử này.

103. Trong một Giáo hội hiệp hành, các phụ nữ đóng một vai trò chính yếu trong những cộng đoàn Amazon, phải được giữ những chức vụ, kể cả những chức vụ để phục vụ Giáo hội. Những chức vụ này không đòi hỏi phải có chức thánh và cho phép họ tỏ rõ địa vị của họ hơn. Cũng nên nhắc lại rằng, những việc phục vụ này cần phải bền lâu, được công chúng nhìn nhận và được Giám mục sai đi. Điều đó cũng để cho các phụ nữ có một ảnh hưởng thực sự và hữu hiệu trong tổ chức, trong các quyết định quan trọng nhất và trong việc hướng dẫn các cộng đoàn, nhưng không ngừng làm việc ấy với phong cách riêng của dấu ấn nữ giới.

Mở rộng những chân trời vượt qua những xung đột

104. Tại một số nơi cụ thể, thường xảy ra là những người làm mục vụ thoáng thấy những giải pháp rất khác biệt cho những vấn đề được đặt ra, và vì thế, họ đề nghị những hình thức tổ chức Giáo hội có vẻ như đối nghịch nhau. Khi điều đó xảy ra, có lẽ giải đáp đúng cho những thách đố của việc loan báo Tin Mừng là ở trong việc vượt qua cả hai đề nghị, bằng cách tìm những con đường khác tốt hơn, có thể chưa hình dung ra. Xung đột được vượt qua ở một mức độ cao hơn, ở đó mỗi bên, vẫn luôn trung thành với chính mình, được sáp nhập với bên kia trong một thực tại mới. Tất cả được giải quyết “ở một bình diện cao hơn và bảo tồn những tiềm năng quý giá của cả hai bên đối cực”142 Bằng không thì xung đột sẽ giam giữ chúng ta, “chúng ta mất tầm nhìn, chân trời của chúng ta bị thu nhỏ lại và chính thực tại bắt đầu tan rã”143.

105. Chắc chắn điều đó không muốn nói rằng phải tương đối hoá vấn đề, trốn tránh hoặc cứ để chúng y như cũ. Những giải pháp đích thực không bao giờ đạt được khi thiếu sự táo bạo, khi tránh né những đòi hỏi cụ thể hay đổ lỗi cho người khác. Trái lại, lối thoát nằm ở chỗ “nước tràn bờ”, vượt lên trên biện chứng vốn giới hạn tầm nhìn, để có thể nhìn nhận một ơn ban lớn hơn của Thiên Chúa. Từ ơn ban mới được đón nhận với lòng can đảm và quảng đại này, từ ơn ban bất ngờ này sẽ nảy sinh một sáng tạo mới mẻ và to lớn hơn, chảy ra như từ một dòng suối tuôn tràn những giải đáp mà biện chứng không cho ta thấy. Khởi đầu, đức tin Kitô giáo được lan rộng đáng kể khi đi theo lý luận cho phép nó khởi đi từ một gốc gác Do Thái, du nhập vào những nền văn hoá Hy-La, rồi đạt được trên đường đi qua, những dạng thức khác biệt. Tương tự như thế, vào thời điểm lịch sử này, Amazon thách thức chúng ta vượt lên trên những viễn cảnh giới hạn, những giáp pháp từng phần vẫn còn bị giam giữ trong những dáng vẻ phiến diện của những vấn nạn lớn, để đi tìm những con đường hội nhập văn hoá rộng rãi hơn và dạn dĩ hơn.

Sống chung đại kết và liên tôn

106. Trong một Amazon đa tôn giáo, các tín hữu cần tìm ra những không gian để thảo luận và cùng nhau hành động vì công ích và thăng tiến những người nghèo nhất. Đây không phải là vấn đề thoả hiệp hoặc che giấu niềm tin của mình để có thể gặp gỡ những người khác có những suy nghĩ khác chúng ta. Người nào tin rằng Thánh Thần có thể hoạt động trong sự đa dạng, thì họ sẽ cố gắng để cho ánh sáng ấy làm cho họ thêm phong phú, nhưng họ đón nhận ánh sáng ấy với những xác tín và căn tính riêng của mình. Bởi vì, một người có căn tính càng sâu sắc, vững chắc và phong phú, thì người ấy càng muốn làm cho những người khác được phong phú bằng những đóng góp của riêng mình.

107. Người Công giáo chúng ta có một kho tàng trong Kinh Thánh mà những tôn giáo khác không có, dù đôi khi họ có thể thích thú khi đọc Kinh Thánh và ngay cả đánh giá cao một số phần của nội dung Kinh Thánh. Chúng ta thử làm tương tự đối với những bản văn thánh thiêng của các tôn giáo và các cộng đoàn tôn giáo khác, nơi đó chúng ta thấy “những huấn giới và giáo thuyết này […] vẫn thường mang theo một tia sáng nào đó của chính Chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người”144. Chúng ta cũng có một sự phong phú lớn lao trong bảy bí tích mà có những cộng đoàn Kitô giáo không chấp nhận trọn vẹn tất cả hoặc tương tự như vậy. Đồng thời chúng ta tin vững vàng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất của thế giới, chúng ta vun trồng lòng tôn sùng sâu xa đối với Mẹ của Chúa. Cho dù chúng ta biết điều đó không có trong tất cả các cộng đoàn Kitô giáo, chúng ta có bổn phận truyền thông cho người Amazon sự phong phú của tình yêu nồng nhiệt đối với Mẹ mà chúng ta là những người nắm giữ kho tàng. Thật vậy, tôi sẽ kết thúc Tông huấn này với những lời cầu xin Mẹ Maria.

108. Tất cả những điều đó không được làm chúng ta trở thành thù địch. Trong một tinh thần đối thoại chân thành, khả năng hiểu ý nghĩa những gì người khác nói và làm, sẽ tăng thêm, dù chúng ta không thể đón nhận như xác tín của mình. Như thế, chúng ta có thể trở nên thành thật, không che giấu những gì chúng ta tin, không ngừng đối thoại, tìm kiếm những điểm gặp nhau, và nhất là cùng hoạt động và tranh đấu để mưu cầu thiện ích cho Amazon. Sức mạnh của những gì hiệp nhất các Kitô hữu có một giá trị bao la. Đôi khi chúng ta chú ý nhiều đến điều chia rẽ chúng ta, nên chúng ta không trân trọng hay đề cao điều hiệp nhất chúng ta. Và điều hiệp nhất chúng ta chính là điều cho phép chúng ta ở trong thế giới mà không bị chính trần gian, sự trống rỗng tinh thần, thói tiện nghi ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân mang tính tiêu thụ và tự huỷ hoại nuốt trửng.

109. Tất cả chúng ta là Kitô hữu, chúng ta hiệp nhất trong đức tin vào Thiên Chúa là Cha, Đấng ban cho chúng ta sự sống và yêu chúng ta biết bao. Chúng ta hiệp nhất trong đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất, Ngài đã giải thoát chúng ta nhờ Máu thánh và cuộc Phục sinh vinh hiển của Ngài. Chúng ta hiệp nhất trong ước muốn được Lời Chúa dẫn bước chúng ta đi. Chúng ta hiệp nhất trong lửa của Thánh Thần thúc đẩy chúng ta thi hành sứ vụ. Chúng ta hiệp nhất trong điều răn mới Chúa Giêsu đã để lại, trong việc tìm kiếm nền văn minh tình thương, lòng say mê Nước Trời mà Chúa kêu gọi chúng ta xây dựng với Ngài. Chúng ta hiệp nhất trong cuộc chiến đấu cho hoà bình và công lý. Chúng ta hiệp nhất trong niềm xác tín rằng mọi sự không hoàn tất ở đời này, nhưng chúng ta được kêu gọi mừng lễ hội trên trời nơi Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ và nhìn nhận những gì chúng ta đã làm cho những ai đang đau khổ.

110. Tất cả những điều ấy hiệp nhất chúng ta. Làm sao không cùng nhau chiến đấu ? Làm sao không cùng nhau cầu nguyện và làm việc sát cánh bên nhau để bảo vệ những người nghèo ở Amazon, để bày tỏ Thánh nhan Chúa và để chăm sóc công trình tạo dựng của Ngài ?

KẾT LUẬN
NGƯỜI MẸ CỦA AMAZON

111. Sau khi đã chia sẻ vài ước mơ, tôi khuyến khích mọi người hãy bước vào những con đường cụ thể, để biến đổi thực tại Amazon và giải thoát vùng này khỏi những tệ nạn đang bủa vây. Giờ đây chúng ta hãy ngước nhìn lên Đức Maria. Người Mẹ mà Đức Kitô đã trối lại cho chúng ta, là người Mẹ duy nhất của mọi người, nhưng trong vùng Amazon lại biểu lộ theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta biết rằng “người dân bản địa gặp gỡ Đức Kitô một cách sống động bằng nhiều con đường; nhưng con đường Maria đã góp phần lớn nhất cho cuộc gặp gỡ ấy”.145 Đứng trước kỳ quan Amazon mà chúng ta ngày càng khám phá thêm, khi chuẩn bị cũng như khi tiến hành Thượng Hội đồng, tôi tin rằng tốt nhất là nên kết luận Tông huấn này bằng cách cầu xin với Đức Mẹ:
Lạy Mẹ sự sống,
Chúa Giêsu đã hình thành trong cung lòng Mẹ
Ngài là Chúa tể muôn loài.
Ngài đã biến đổi Mẹ bằng ánh sáng phục sinh của Ngài
và làm cho Mẹ thành nữ hoàng của muôn loài thụ tạo.
Vì thế, lạy Mẹ Maria, chúng con xin Mẹ
hãy ngự trị nơi cõi lòng thổn thức của Amazon.
Xin Mẹ hãy tỏ ra Mẹ là Mẹ của muôn loại thọ sinh,
nơi vẻ đẹp của những bông hoa, của những dòng sông
của dòng sông cả chảy ngang vùng đất này
và của tất cả những gì rung rinh trong các cánh rừng.
Xin Mẹ hãy thương mến bảo vệ vẻ đẹp lộng lẫy này.
Mẹ hãy xin Chúa Giêsu tuôn đổ tình yêu của Ngài
trên những người nam và người nữ đang cư ngụ nơi đây,
để họ biết trân quý và bảo vệ nơi này.
Xin Mẹ hãy hạ sinh Con Mẹ trong tâm hồn họ,
để Ngài chiếu sáng nơi Amazon,
nơi các dân tộc và các nền văn hoá của họ,
bằng ánh sáng của Lời, bằng tình yêu an ủi của Ngài,
bằng sứ điệp huynh đệ và công lý của Ngài.
Ước gì trong mỗi Thánh lễ
muôn điều kỳ diệu ấy cũng được dâng lên
để tôn vinh Chúa Cha.
Lạy Mẹ, xin nhìn đến những người nghèo của vùng Amazon,
bởi vì ngôi nhà của họ đang bị phá hủy
vì những lợi lộc nhỏ nhen.
Biết bao đau khổ và khốn khó
Biết bao ruồng bỏ và lạm dụng
nơi vùng đất được chúc phúc
và tràn đầy sức sống này!
Xin Mẹ hãy chạm đến sự nhạy cảm của các nhà cầm quyền
bởi vì, dù chúng con thấy rằng đã muộn,
Mẹ vẫn kêu gọi chúng con cứu lấy
những gì còn đang sống.
Mẹ có trái tim bị đâm thâu.
Mẹ chịu đau đớn nơi những đứa con bị ngược đãi
và nơi thiên nhiên bị thương tích,
xin Mẹ hãy cùng với Con của Mẹ,
thống trị Amazon.
Xin Mẹ hãy thống trị
để không còn ai thấy mình là chủ công trình của Thiên Chúa nữa.
Lạy Mẹ của sự sống,
chúng con tin tưởng nơi Mẹ,
xin đừng bỏ rơi chúng con
trong giờ phút tăm tối này.
Amen.

Làm tại Rôma, cạnh đền thờ Gioan Latêranô,
ngày 2 tháng 2, lễ Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, năm 2020, năm thứ 7 triều Giáo hoàng của tôi.
PHANXICÔ

––––––––––––––––––––––––––––––––––
1 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 49: AAS 107 (2015), tr. 866.
2 Tài liệu làm việc, số 45.
3 Ana Varela Tafur, “Timareo”, trong Lo que no veo en visions Những gì tôi không thấy trong tầm nhìn, Lima (1992).
4 Jorge Vega Márquez, “Amazonia solitária” – Amazon cô độc, trong Poesía obrera, Cobija-Pando-Bolivia 2009, tr. 39.
5 Mạng lưới Giáo hội Toàn Amazon (REPAM), Braxin, Síntesis del aporte al Sínodo Tổng hợp những đóng góp cho Thượng Hội Đồng, số 120: cf. Tài liệu làm việc, số 45.
6 Bài nói chuyện với các bạn trẻ, São Paulo, Braxin (10/05/2007), số 2: Insegnamenti III, 1 (2007), tr. 808.
7 Cf. Alberto C. Araújo, “Imaginario amazónico”, trong Amazonia real: amazoniareal.com.br (29/01/2014).
8 Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressioPhát triển các Dân tộc (26/03/1967), số 57: AAS 59 (1967), tr. 285.
9 Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn với Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội (27/04/2001), số 4: AAS 93 (2001), 600.
10 Cf. Tài liệu làm việc, số 41.
11 Đại hội lần thứ V của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribê, Tài liệu Aparecida (29/06/2007), số 473.
12 Ramón Iribertegui, Amazonas: El hombre y el caucho, xb: Đại diện Tông toà Puerto Ayacucho - Venezuela, Monografia, số 4, Caracas 1987, tr. 307tt.
13 Cf. Amarílis Tupiassú, “Amazônia, das travessias lusitanas à literatura de até agora”, trong Estudos Avançados, q. 19, số 53, São Paulo, Braxin (tháng 01/tháng 04-2005): “Thực thế, sau khi kết thúc thời kỳ thuộc địa đầu tiên, Amazon vẫn là khu vực bị thống trị bởi sự tham lam thâm căn cố đế, nay với những luận điệu mới […] của các tổ chức “văn minh”, những người thậm chí không đủ tư cách để tạo ra và nhân rộng những bộ mặt mới của guồng máy hủy diệt cũ, nay lại cho chuyển qua một cái chết từ từ”.
14 Các Giám mục Amazon vùng Braxin, Thư gửi Dân Chúa, Santarem - Braxin (06/07/2012).
15 Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 1998, số 3: AAS 90 (1998), tr. 150.
16 Đại hội lần thứ III của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribê, Tài liệu Puebla (23/03/1979), số 6.
17 Tài liệu làm việc, 6. Đức Giáo hoàng Phaolô III, với Đoản sắc Veritas ipsa (02/06/1537), đã lên án các văn bản phân biệt chủng tộc, nhìn nhận nhân phẩm của người bản xứ, dù họ là Kitô hữu hay không, công nhận quyền sở hữu của họ và cấm không được bắt họ làm nô lệ. Đức Thánh Cha khẳng định: “Họ là người như những người khác, […] tuyệt đối không thể bị tước đoạt tự do và quyền sở hữu của cải, kể cả những người không tin Đức Giêsu”. Giáo huấn của các Đức Giáo hoàng cũng quả quyết như thế: Grêgôriô XIV, Sắc chỉ Cum Sicuti (28/04/1591); Urbanô VIII, Sắc chỉ Commissum Nobis (22/04/1639); Bênêđictô XIV, Sắc chỉ Immensa Pastorum Principis, gửi các Giám mục Braxin (20/12/1741); Grêgôriô XVI, Đoản sắc In Supremo (03/12/1839); Lêô XIII, Epistola ai Vescovi del Brasile sulla schiavitù (05/05/1888); Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp gửi người bản địa của Châu Mỹ La tinh, Santo Domingo (12/10/1992), số 2: Insegnamenti 15, 2 (1992), tr. 341-347.
18 Frederico Benício de Sousa Costa, Thư mục vụ (1909), xb: Imprenta del gobierno del Estado de Amazonas, Manaos 1994, tr. 83.
19 Tài liệu làm việc, số 7.
20 Diễn văn nhân dịp Cuộc Gặp gỡ lần thứ 11 của các Phong trào Bình dân trên Thế giới, Santa Cruz de la Sierra - Bolivia (9/7/2015): L’Osservatore Romano bản tiếng Pháp, 16/07/2015, tr. 16.
21 Diễn văn trong Cuộc gặp gỡ Các Dân tộc vùng Amazon, Puerto Maldonado - Peru (19/01/2018): L’Osservatore Romano bản tiếng Pháp, 25/01/2018, tr. 10.
22 Tài liệu làm việc, số 24.
23 Yana Lucila Lema, Tamyahuan Shamakupani (Tôi đang sống với cơn mưa), 1, tại http://siwarmayu.com/es/yana-lucila-lema-6-poemas-de-tamyawan-shamukupani-con-la-lluvia-estoy-viviendo/.
24 Hội đồng Giám mục Êcuađor, Hãy chăm sóc hành tinh của chúng ta (20/4/2012), số 3.
25 Ibid., số 142: AAS 107 (2015), tr. 904-905.
26 Ibid., số 82.
27 Ibid., số 83.
28 Tông huấn Evangelii gaudium – Niềm vui của Tin Mừng (24/12/2013), số 239: AAS 105 (2013), tr. 1116.
29 Ibid., số 218: AAS 105 (2013), tr. 1110.
30 Ibid.
31 Cf. Tài liệu làm việc, số 57.
32 Cf. Evaristo Eduardo de Miranda, Quando o Amazonas corria para o Pacífico, Petrópolis 2007, tr. 83-93.
33 Juan Carlos Galeano, “Paisajes”, in Amazonia y otros poemas, Universidad Externado de Colombia, Bogotá 2011, tr. 31.
34 Javier Yglesias, “Llamado”, in Revista peruana de literatura, số 6 (tháng Sáu 2007), tr. 31.
35 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 144: AAS 107 (2015), tr. 905.
36 Tông huấn hậu Thượng Hội đồng, Christus vivitChúa Kitô đang sống (25/03/2019), số 186.
37 Ibid., số 200.
38 Sứ điệp truyền hình cho cuộc Gặp gỡ Thế giới Giới trẻ Bản địa, Soloy-Panama (18/01/2019).
39 Mario Vargas Llosa, Lời nói đầu viết cho quyển El Hablador, Madrid (08/10/ 2007).
40 Tông huấn hậu Thượng Hội đồng, Christus vivitChúa Kitô đang sống (25/03/2019), số 195.
41 Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annusBách chu niên (01/05/1991), số 50: AAS 83 (1991), tr. 856.
42 Đại hội lần thứ V của các Giám mục châu Mỹ Latinh và các nước Vùng Caribê, Tài liệu Aparecida (29/06/2007), số 97.
43 Diễn văn trong buổi gặp gỡ Các Dân tộc vùng Amazon, Puerto Maldonado, Peru (19/01/2018).
44 Tài liệu làm việc, số 123, e.
45 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 144: AAS 107 (2015), tr. 906.
46 Cf. Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritateBác ái trong chân lý (29/06/2009), số 51: AAS 101 (2009), tr. 687: “Đặc biệt trong thời đại chúng ta, thiên nhiên đã hội nhập vào sự năng động xã hội và văn hoá sâu xa đến độ không còn là dữ kiện độc lập nữa. Việc sa mạc hoá nhanh chóng và lâm vào cảnh khổ của nhiều vùng nông nghiệp là hậu quả của nghèo đói và chậm tiến của dân chúng sống nơi đó”.
47 Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2007, số 8: Insegnamenti II, 2 (2006), tr. 776.
48 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), các số 16; 91; 117; 138; 240: AAS 107 (2015), tr. 854; 884; 894; 903; 941.
49 Tài liệu Bolivia: informe país. Consulta pre-sinodal, 2019, tr. 36; Cf. Tài liệu làm việc, số 23.
50 Tài liệu làm việc, số 26.
51 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 146: AAS 107 (2015), tr. 906.
52 Tài liệu đóng góp cho Thượng hội đồng, của giáo phận San José del Guaviare và Tổng giáo phận Villavicencio và Granada (Colombia); Cf. Tài liệu làm việc, số 17.
53 Euclides da Cunha, Los Sertones (Os Sertões), Buenos Aires 1946, tr. 65-66.
54 Pablo Neruda, “Amazonas”, trong Canto General (1938), I. IV.
55 REPAM, Doc. Eje de Fronteras. Chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Amazon, Tabatinga-Braxin (13/02/2019), tr. 3; Cf. Tài liệu làm việc, số 8.
56 Amadeu Thiago de Mello, Amazonas, patria da agua.
57 Vinicius de Moraes, Para vivir un gran amor, Buenos Aires (2013), tr. 166.
58 Juan Carlos Galeano, “Los que creyeron”, trong Amazonia y otros poemas, Universidad Externado de Colombia, Bogotá (2011), tr. 44.
59 Harald Sioli, A Amazônia, Petropolis (1985), tr. 60.
60 Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các tham dự viên Hội nghị Quốc tế về “Môi trường và Sức khỏe” (24/03/1997), số 2: Insegnamenti XX, 1 (1997), tr. 521.
61 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 34: AAS 107 (2015), tr. 860.
62 Cf. Ibid., số 28-31: AAS 107 (2015), tr. 858-859.
63 Ibid., số 38: AAS 107 (2015), tr. 862.
64 Cf. Đại hội lần thứ V của các Giám mục châu Mỹ Latinh và các nước Vùng Caribê, Tài liệu Aparecida (29/06/2007), số 86.
65 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015)), số 38: AAS 107 (2015), tr. 862.
66 Cf. Ibid. các số 144; 187: AAS 107 (2015), tr. 905-906; 921.
67 Cf. Ibid., số 183: AAS 107 (2015), tr. 920.
68 Ibid., số 53: AAS 107 (2015), tr. 868.
69 Cf. Ibid., số 49: AAS 107 (2015), tr. 866.
70 Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Đặc biệt về Amazon, số 8.
71 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 56: AAS 107 (2015), tr. 869.
72 Ibid., số 59: AAS 107 (2015), tr. 870.
73 Ibid., số 33: AAS 107 (2015), tr. 860.
74 Ibid., số 220: AAS 107 (2015), tr. 934.
75 Ibid., số 215: AAS 107 (2015), tr. 932.
76 Sui Yun, Cantos para el mendigo y el rey, Wiesbaden 2000.
77 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 100: AAS 107 (2015), tr. 887.
78 Ibid., số 204: AAS 107 (2015), tr. 928.
79 Cf. Các Tài liệu Santarem (1972) và Manaos (1997): trong Hội đồng Giám mục Braxin, Desafío missionário. Documentos da Igreja na Amazônia, Braxin 2014, tr. 9-28; 67-84.
80 Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium - Niềm vui của Tin Mừng (24/11/2013), số 220: AAS 105 (2013), tr. 1110.
81 Ibid., số 164: AAS 105 (2013), tr. 1088-1089.
82 Ibid., số 165: AAS 105 (2013), tr. 1089.
83 Ibid., số 161: AAS 105 (2013), tr. 1087.
84 Công đồng Vaticanô II cũng nhận định như thế trong Hiến chế Gaudium et spes, số 44: “Giáo Hội ngay từ lúc khởi đầu lịch sử của mình, đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo Hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy.Mục đích của Giáo Hội là làm cho Tin Mừng, trong mức độ có thể, được thích nghi với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết. Cách thích nghi việc rao giảng lời mặc khải như vậy vẫn luôn là nguyên tắc cho mọi công trình Tin Mừng hoá, bởi vì có như vậy mới khơi dậy trong mọi quốc gia khả năng diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô theo lối riêng của mình, đồng thời mới cổ vũ được sự trao đổi linh động giữa Giáo Hội và những nền văn hoá khác nhau của các dân tộc”.
85 Thư gởi Dân Chúa đang lữ hành tại Đức, (29/06/2019), số 9.
86 Cf. Thánh Vincenzo di Lerins, Commonitorium primum, 23: PL 50, tr. 668: “Ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate”.
87 Thư gởi Dân Chúa đang lữ hành tại Đức, (29/06/2019), số 9. Tham khảo câu được cho là của Gustav Mahler: “Truyền thống là bảo đảm cho tương lai chứ không phải gìn giữ tro tàn”.
88 Diễn văn với các giáo sư đại học và các nhà văn hoá, Coimbra, (15/05/1982), số 5: Insegnamenti V, 2 (1982), tr. 1702-1703.
89 Sứ điệp gửi thổ dân Châu Mỹ, Santo Domingo (12/10/1992), số 6: Insegnamenti, 15/2 (1992), tr. 346; cf. Diễn văn với các tham dự viên Hội Nghị toàn quốc về Phong trào dấn thân trong lãnh vực văn hoá của Giáo Hội (16/01/1982), số 2: Insegnamenti, 5/1 (1982), tr. 131.
90 Tông huấn Vita consecrata – Đời sống thánh hiến (25/03/1996), số 98: AAS 88 (1996), tr. 474-475.
91 Số 115: AAS 105 (2013), tr. 1068.
92 Ibid., số 116: AAS 105 (2013), tr. 1068.
93 Ibid.
94 Ibid., số 129: AAS 105 (2013), tr. 1074.
95 Ibid., số 116: AAS 105 (2013), tr. 1068.
96 Ibid., số 117: AAS 105 (2013), tr. 1069.
97 Ibid.
98 Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn dịp Hội Nghị khoáng đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn hoá (17/01/1987), số 5: Insegnamenti X, 1 (1987), tr. 125.
99 Tông huấn Evangelii gaudium - Niềm vui của Tin Mừng (24/11/2013), số 129: AAS 105 (2013), tr. 1074.
100 Đại hội lần thứ IV của các Giám mục châu Mỹ Latinh và các nước Vùng Caribê, Tài liệu Santo Domingo (12-28/10/1992), số 17.
101 Tông huấn Evangelii gaudium - Niềm vui của Tin Mừng (24/11/2013), số 198: AAS 105 (2013), tr. 1103.
102 Cf. Vittorio Messori - Joseph Ratzinger, Informe sobrae la feBản tường trình về đức tin, nxb. BAC, Madrid (2015), tr. 209-210.
103 Tông huấn Evangelii gaudiumNiềm vui của Tin Mừng (24/11/2013), số 198: AAS 105 (2013), tr. 1103.
104 Pedro Casaldáliga, “Carta de navegar (Por el Tocantins amazónico)”, trong El tiempo y la espera, Santander (1986).
105 Thánh Tôma Aquinô giải thích như sau: “Thiên Chúa ở trong mọi sự bằng ba cách thế: thứ nhất, Ngài hiện diện chung trong mọi sự, nhờ bản chất, hiện diện và quyền năng; thứ hai, Ngài hiện diện trong các thánh nhờ ân sủng; thứ ba, hiện diện trong Chúa Kitô nhờ việc kết hợp cá vị với Người” (Ad Colossenses, II, 2).
106 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 235: AAS 107 (2015), tr. 939.
107 Đại hội lần thứ III của các Giám mục châu Mỹ Latinh và các nước Vùng Caribê, Tài liệu Puebla (23/03/1979), số 196.
108 Tông huấn Evangelii gaudium - Niềm vui của Tin Mừng (24/11/2013), số 178: AAS 105 (2013), tr. 1094.
109 Cđ. Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen gentium, số 11; cf. Tông huấn Gaudete et exsultateHãy Vui mừng hoan hỉ (19/03/2018), số 10-11.
110 Các Hạt Đại diện Tông toà của Peru ở Amazon, “Hội nghị lần thứ hai của các Giám mục miền về Rừng”, San Ramón - Peru (05/10/1973); trong Éxodo de la Iglesia en la Amazonia. Documentos pastorales de la Iglesia en la Amazonia peruana, Iquitos (1976), tr. 121.
111 Tông huấn Evangelii gaudium - Niềm vui của Tin Mừng (24/11/2013), số 123: AAS 105 (2013), tr. 1071.
112 Cf. Tông huấn Gaudete et exsultateHãy Vui mừng hoan hỉ (19/03/2018), số 126-127.
113 Ibid., số 32.
114 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 235: AAS 107 (2015), tr. 939.
115 Ibid.
116 Ibid., số 236: AAS (2015), tr. 940.
117 Ibid.
118 Ibid., số 235: AAS 107 (2015), tr. 939.
119 Cf. Cđ Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concillium, các số 37-40; 65; 77; 81.
120 Trong Thượng Hội đồng, có đề nghị triển khai một “Nghi lễ Amazon”.
121 Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), số 237: AAS 107 (2015), tr. 940.
122 Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Amoris laetitiaNiềm vui của tình yêu (19/03/2016), số 49: AAS 108 (2016), tr. 331; cf. Ibid., số 305: AAS 108 (2016), tr. 436-437.
123 Cf. Ibid., số 296; 308: AAS 108 (2016), tr. 430-431; 438.
124 Đại hội lần thứ V của các Giám mục châu Mỹ Latinh và các nước Vùng Caribê, Tài liệu Aparecida (29/06/2007), số 100, e.
125 Cf. Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Sacerdotium ministeriale gởi các Giám mục Giáo hội Công giáo về một vài vấn đề liên hệ đến thừa tác viên Thánh Thể (06/08/1983): AAS 75 (1983) tr. 1001-1009.
126 Tông thư Mulieris dignitatem (15/08/1988), số 27: AAS 80 (1988), tr. 1718.
127 Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae (Tổng luận Thần học), III, q.8, a.1, trả lời.
128 Cf. Cđ Vaticanô II, Sắc lệnh về sứ vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, số 5; Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II,Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/04/2003), số 22: AAS 95 (2003), tr. 448.
129 Chỉ có linh mục mới được ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, vì Bí tích này liên kết chặt chẽ với ơn tha tội: “Nếu người ấy phạm tội, thì được tha tội” (Gc 5,15).
130 Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1396; Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/04/2003, số 26: AAS 95 (2003), tr. 451; Cf. Henri de Lubac, Suy niệm về Giáo hội, Paris (1968), tr.101.
131 Cđ. Vaticanô II, Sắc lệnh về sứ vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, số 6.
132 Tôi lưu ý về sự kiện là trong một số nước ở hạ lưu Amazon, có nhiều thừa sai cho châu Âu hoặc cho Hoa Kỳ hơn là để giúp đỡ chính những Địa hạt của họ ở Amazon.
133 Trong Thượng Hội đồng, người ta cũng nói đến vấn đề thiếu các chủng viện đào tạo linh mục cho những người bản địa.
134 Cf. Cđ. Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen gentium, số 3.
135 Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Bài giảng lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa, (17/06/1965): Insegnamenti III (1965), tr.358.
136 Có thể, vì thiếu linh mục, Giám mục ủy thác “cho một phó tế hoặc cho một người khác không có chức linh mục, hoặc còn cho một cộng đoàn tham gia vào việc thi hành trách nhiệm mục một giáo xứ“ (Giáo luật, khoản 517 §2).
137 Đại hội lần thứ V của các Giám mục châu Mỹ Latinh và các nước Vùng Caribê, Tài liệu Aparecidia (29/6/2007), số 178.
138 Ibid., số 475.
139 Tài liệu làm việc, số 65.
140 Ibid., số 63.
141 Ibid., số 129 d, 2.
142 Tông huấn Evangelii gaudiumNiềm vui của Tin Mừng (24/09/2013), số 228: AAS 105 (2013), tr. 1113.
143 Ibid., số 226: AAS 105(2013), tr. 1112.
144 Cđ. Vaticanô II, Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate, số 2.
145 CELAM, Hội thảo chuyên đề lần thứ III Châu Mỹ Latinh về Thần học Ấn Độ, Thành phố Guatemala (23-27/10/2006).

 

Bản dịch của Văn phòng Thư ký HĐGMVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây