TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ai tin thì được

Thứ sáu - 14/05/2021 04:28 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   729
Ai tin thì được

Chúa Nhật XIX – TN – B

Ai tin thì được

Có một nhà truyền giáo nói: Nếu toàn bộ các sách Kinh Thánh bị thất lạc hay bị một vị bạo chúa nào đó đốt bỏ, mà chỉ còn giữ lại được một câu trong Tin Mừng thánh Gio-an (3, 16), thì cũng đủ để cho mọi người biết Thiên Chúa là ai.

Thiên Chúa là ai ư! Thánh Gio-an cho biết: Thiên Chúa là tình yêu. Người “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Mà thật vậy, hơn hai mươi thế kỷ đã trôi qua, Thiên Chúa, qua Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô đã đến thế gian. Đến thế gian, Ngài không chỉ chịu nạn chịu chết để cứu độ nhân loại, mà còn ban cho nhân loại một thứ lương thực “thường tồn đem lại phúc trường sinh”.

**

Vâng, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazareth, Đức Giêsu bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Bất cứ nơi nào có sự hiện diện của Ngài, lập tức nơi đó đông đảo dân chúng kéo đến đi theo. Họ đến từ khắp mọi miền Palestina, từ Galilê, Giuđê, Giêrusalem và cả vùng phụ cận bên kia sông Gio-đan.

Họ đến không chỉ “để nghe Người giảng dạy” mà còn để xin Đức Giêsu “chữa lành bệnh tật”. Thật vậy, khi “Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường, ngoài chợ và xin Người cho họ… được khỏi” (Mc 6, 56).

Thế nhưng, theo là vậy, nghe là vậy… không phải ai đến với Đức Giêsu cũng đều tin và đón nhận lời giảng dạy của Ngài. Đã có một số người, điển hình là nhóm Pharisêu, luôn rình rập tìm dịp Đức Giêsu giảng những gì họ cho là “trái khoáy” hầu để chất vấn, công kích và phản đối.

Sự kiện Đức Giêsu chữa một người đau ốm ở bên hồ nước tại Bet-da-tha là một ví dụ điển hình. Hôm đó, sau khi Đức Giêsu chữa một người bất toại ba mươi tám năm được khỏi thì giữa Ngài và những người Do Thái đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt.

Có sự ganh tỵ giữa người được chữa lành và người không được chữa lành chăng? Xin thưa, không thấy thánh sử Gioan nói tới và đó cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến việc tranh luận. Nguyên nhân chính, đó là người Do Thái nuốt không trôi lời Đức Giêsu đã nói rằng, “Thiên Chúa là Cha của mình” (Ga 5, 18).

Vâng, thật khó để mà công nhận một người tự nhận là “Con Thiên Chúa” mà lại cứ vi phạm luật ngày sabát. Và tất nhiên, là họ tức giận, giận đến nỗi muốn “tìm cách giết Đức Giêsu”.

Sự tức giận đó âm ỉ như một lò thuốc nổ, để rồi ít lâu sau đó, tại Caphacnaum, sự tức giận đó nổ bùng lên, khi họ, một lần nữa, lại phải nghe những lời mà họ cho rằng rất vô lý từ Đức Giêsu.

Hôm đó, Đức Giêsu tuyên bố rằng “Tôi là bánh trường sinh”.

Lời tuyên bố của Đức Giê-su đã tạo ra một sự kinh ngạc nơi dân chúng. Và, họ đã xầm xì với nhau, rằng: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?... Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6, 41-42).

Với Đức Giê-su, bất chấp những lời xầm xì phản đối, Ngài vẫn nói lên thông điệp từ trời, một thông điệp của tình yêu, rằng: “Thật tôi bảo thật với các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”.

Người Do Thái hồi đó không tin, và Đức Giê-su không vì thế mà rút lại lời tuyên bố, Ngài khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51).

***

Đức Giê-su không rút lại những gì mình tuyên bố. Tại bữa Tiệc Ly, một bữa tiệc đánh dấu việc chuẩn bị bước vào cuộc tử nạn, trong bữa ăn đó, “Đức Giê-su cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28)

Vâng, rất rõ ràng trong từng lời nói, không một ẩn ý gì.

Lm. Charles E. Miller, với chân lý này, ngài chia sẻ như sau: Chẳng có lời nào có thể bộc trực hơn. Không thuật ngữ nào có thể rõ ràng hơn. Cũng chẳng có chuyện lập lờ nước đôi. Đức Giê-su không nói bánh ấy “giống như” hoặc “ám chỉ” thịt của Người, mà nói rõ mồn một “bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Ngài Charles E. Miller nói tiếp: “Làm trọn lời hứa của mình trong đêm trước khi chịu nạn, Chúa Giê-su đã lập ra Bí Tích Thánh Thể cho các Tông Đồ, cho mọi thế hệ đã và sẽ theo bước các ông, cho đến tận thế”.

Cuối cùng vị linh mục mời gọi: “Khi cầu xin ơn lương thực hằng ngày, ta không chỉ cầu xin thứ bánh giúp duy trì sự sống đời này, mà còn thức ăn trên trời vốn sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời sau. Anh chị em chớ lầm lẫn, nhưng hãy giữ vững niềm tin Công Giáo của mình”.

Một lần nữa, chúng ta hãy nghe lời Đức Giêsu tuyên phán, “Tôi là BÁNH HẰNG SỐNG từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Giáo Hội Công Giáo luôn trung thành với niềm tin này. Trong thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội, qua vị linh mục, vẫn luôn cất tiếng loan báo cho mọi người biết rằng: “Đây là mầu nhiệm đức tin” cùng với lời mời gọi: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Chúng ta tin và sẽ đến, mỗi ngày, mỗi tuần? Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta.

Nhưng, đừng quên, Đức Giêsu khẳng định: “Thật, tôi bảo thật, ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6, 47)

Vâng, “Ai tin thì được”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây