TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG

Thứ sáu - 14/05/2021 04:12 |   678

LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG


 

Ngày 22-06-2018 vừa qua, Giáo phận Ban Mê Thuột tổ chức lễ Bế Mạc Năm Thánh mừng Kim Khánh và cũng là cột mốc kết thúc Một trang sử kéo dài hơn 50 năm hình thành và phát triển của Giáo Phận. Một trang sử được gói gọn trong hơn 120 phút của DVD Kỷ Yếu.

Là một thành viên của Đ-T Group, một nhóm nhỏ do Lê Ngân Khánh điều hành vẫn thường phụ với Ban Văn hóa – Truyền thông Giáo phận của Cha Antôn trong một số sự kiện. Nhiệm vụ lần này là phụ với Cha để thực hiện một Kỷ Yếu về quá trình hình thành Giáo phận nhân dịp mừng Kim Khánh thành lập. Đây là một vinh dự và cũng là một bổn phận phải đóng góp công sức cùng mọi con dân trong Giáo phận. Công việc của chúng tôi là biên tập lại những tư liệu lịch sử được sưu tầm và ghi chép lại từ khoảng thời gian 1928 đến 1945 do cha Pierre Romeuf thực hiện và thời kỳ từ 1946-1980 do ba tôi (ông Lê Văn Triều) thực hiện. Rồi sau đó là những tư liệu của Tòa Giám mục ở thời kỳ kế tiếp. Khó nhất là đi tìm những tư liệu sống là những nhân vật của từng thời kỳ có liên quan đến những sự kiện lịch sử cụ thể.

Nay, nhân cột mốc sinh nhật lần thứ 50 của Giáo Phận, xin mạn phép lấy tư cách là người góp phần thực hiện Kỷ Yếu Giáo phận để chia sẻ đôi điều về những cái được và chưa được trong quá trình thực hiện Kỷ Yếu này.

Điều đầu tiên phải nói là Giáo phận Ban Mê Thuột đã có một tiến trình hình thành và phát triển rất đặc trưng. Mặc dù gọi là một Giáo phận Truyền giáo nhưng vai trò khai phá của các nhà Truyền giáo nói riêng và của Giáo quyền nói chung chỉ chiếm một nửa trong những cái mốc hình thành và phát triển Giáo phận. Nửa còn lại Được CHÚA DÙNG LÒNG NHIỆT THÀNH của giáo dân MÀ CÓ. Chính vì nét đặt trưng này mà cái tên ĐỒNG HÀNH VÀ TIẾN BƯỚC mà chúng tôi đề nghị đã được ban duyệt phim của Cha Antôn chấp nhận. Đồng hành với nỗi khát khao, lòng nhiệt huyết và những nhu cầu của con người, của giáo dân để cùng nhau tiến bước.

Khi làm kịch bản, hay nói đúng hơn là khi biên tập lại những sự kiện, biến cố đã xảy ra trong dòng lịch sử, chúng tôi đã bắt đầu cuốn Kỷ Yếu này từ những năm 1842, thời kỳ sơ khai của vùng đất Ban Mê Thuột giữa thế kỷ 19. Nhưng sau khi duyệt phim và bàn bạc cùng Đức Cha và cha Antôn, chúng tôi lại cho Kỷ Yếu này bắt đầu từ cột mốc Giáo hội khẳng định được mình giữa lòng xã hội Ban Mê Thuột với sự kiện ngôi Nhà Thờ Chính Tòa được xây dựng vào năm 1958. Và sự kiện các Giám mục Việt Nam đến thăm các Dinh điền Ban Mê Thuột năm 1959. Hai sự kiện minh họa phần nào cho chủ đề Đồng hành của Kỷ Yếu. Còn những thời kỳ trước đó được chuyển về phần Phụ Trương Tham Khảo gồm 4 chương. Sở dĩ có sự thay đổi này là vì mặc dù đây là một Kỷ Yếu nhưng lại được trình bày dưới dạng một Phim Tài Liệu nên yếu tố thời lượng đã được cân nhắc khi thực hiện. Cũng chính vì sự thay đổi này mà một số dữ kiện đã bị bỏ sót trong tiến trình làm việc. Xin được thông cảm.
Câu chuyện chia sẻ của chúng tôi xin bắt đầu từ những ngày sơ khai của vùng đất Ban Mê Thuột vào giữa thế kỷ 19.

Bỏ qua những thất bại của các Nhà Truyền giáo từ những năm 1842 đến 1858 mà điển hình là hai cha Vận và cha Fontaine đã được trình bày trong chương 1 của Phụ Trương Tham Khảo (PTTK). Thì qua chương 2 tiếp đó, khởi đầu cho hành trình lịch sử của Giáo phận vào khoảng những năm 1928 đến 1933, là Lòng Nhiệt Thành của ông chủ đồn điền Maillot và thương nhân Nguyễn Đắc Cầu cùng các giáo dân ở Ban Mê Thuột. Chính điều này đã làm động lực cho Giáo quyền Địa phận Quy Nhơn và Kon Tum đặt chân đến Ban Mê Thuột với ngôi nhà thờ đầu tiên cuối những năm 1930 như một hành trang Đồng Hành.

Rồi tiếp đó là sự năng nổ, tháo vát của ông Binh nhì Thừa Sai Pierre Romeuf từ đầu những năm 1940 đã khích lệ, nuôi nấng lòng đạo của những giáo dân mồ côi lúc bấy giờ để cùng xây dựng Họ Đạo ngày càng phát triển như đã trình bày cuối chương 2 PTTK.

Điểm qua chương 3 của Phụ Trương Tham Khảo, vào đầu những năm 1950, lại xuất hiện trong hành trình lịch sử này những trí thức sắc tộc bản địa làm động lực cho cha Bianchetti và các Nữ tu Biển Đức có cơ hội và điều kiện thuận lợi để thi hành nhiệm vụ mà Đức Giám mục Địa phận Paul Seitz Kim giao phó. Thời kỳ này, vai trò truyền giáo của Giáo hội mới rõ nét. Rồi qua đến chương 4, 5 trong DVD Kỷ Yếu, lại có những giáo dân Kinh, Thượng nhiệt thành đã là nhân tố quan trọng giúp cộng đồng Tín Hữu Sắc Tộc phát triển mạnh mẽ hơn.

Hành trình phát triển cộng đồng tín hữu sắc tộc này ở hai Giáo hạt Ban Mê Thuột và Quảng Đức đã được trình bày khá rõ trong DVD Kỷ Yếu. Riêng tại Phước Long, đã có những anh em Tán trợ Dòng Đức Bà Truyền Giáo mà đứng đầu là Nữ tu Rosa Lima đã nhen nhúm ngọn lửa truyền giáo cho anh em sắc tộc Stiêng một cách khá ngoạn mục. Nhưng vì lý do khách quan mà chúng tôi chưa kịp chia sẻ trong kỷ yếu. Nếu ai có quan tâm, xin ghé vào Cộng đoàn ĐBTG Long Điền để tìm hiểu thêm và gặp những nhân chứng hiện còn sống tại đó. Hoặc có thể tìm hiểu rõ hơn ở vị linh mục đầu tiên của Ban Mê Thuột trở lại Phước Long sau 1975 là cha Micae Trần Thế Hải, hiện đang hưu ở Tòa Giám mục.

Trở lại với cộng đồng giáo dân người Kinh, theo lịch sử thì sự phát triển của cộng đồng này chủ yếu là do thời cuộc. Trong cuộc di dân năm 1954 đến việc thành lập các Dinh điền 1957 vai trò dẫn dắt của Giáo quyền tương đối rõ ràng như trong chương 4 phụ trương tham khảo. Còn những cuộc di dân khác, tính đặc trưng của sự phát triển Giáo phận lại rõ nét hơn. Có nghĩa là vai trò của các giáo dân là chủ đạo trong sự phát triển. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở thời kỳ sau 1975 và được trình bày trong chương 4: KHOẢNG LẶNG, ở mục 'Kinh Tế Mới, Chứng Nhân Hào Hùng'. Xin nhắc lại lời Chia sẻ của cha Nguyễn Tiến Sự trong chương KHOẢNG LẶNG kể về các giáo dân Kinh Tế Mới và các di dân tự do sau này: “Có những việc mà chúng ta không thể làm gì được. Họ có Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ bên cạnh. Mới đầu họ nhen nhúm lại với nhau sau lan dần ra. Các linh mục có đến thì chỉ làm được bí tích mà thôi. Còn họ đã làm tất cả rồi”. Thời kỳ này, vai trò của Dòng ĐBTG Long Điền ở Phước Long cũng đóng một vai trò quan trọng. Sang chương 5 Kỷ Yếu Giáo phận, các vùng di dân tự do cũng vậy. Họ tự tìm đến với các Nhà Thờ sau đó các cha mới đến. Các thời kỳ này đều xuất hiện những Linh mục tiên phong và các vị đã được nêu trong lược sử các giáo xứ có trong ebook kèm theo Kỷ Yếu.

Trong một góc khuất của tiến trình lịch sử này, lại có các Nữ tu dòng Phao Lô cộng đoàn Lái Thiêu. Thầm lặng thôi, họ đã hoạt động một cách thầm lặng để gìn giữ, nâng đỡ ngọn lửa nhiệt thành của các Tín hữu Mnông ở Hạt Quảng Đức trong những năm đầu 1990.

Cũng trong góc khuất ấy, lại xuất hiện vai trò của các Tu sĩ Dòng Tên mà nổi bật là thầy Tân đã là những người hỗ trợ tích cực cho không những là cộng đoàn Phao Lô Lái Thiêu mà còn cho cả cộng đoàn ĐBTG Long Điền nữa. Hoạt Động thầm lặng và hiệu quả của cả 3 Hội Dòng này đã chưa được chúng tôi trình bày trong DVD Kỷ Yếu vì vài lý do khách quan. Riêng vai trò của cộng đoàn Phao Lô Lái Thiêu thuộc Tỉnh Dòng Sài Gòn, có thể tìm hiểu thêm thông tin ở cộng đoàn Quảng Sơn và các tín hữu Mnông thuộc Giáo xứ Thiên Phước, Gia Nghĩa. Nhiều thông tin thú vị sẽ đến với những ai quan tâm đến lịch sử Giáo phận.

Một câu chuyện không nhỏ cũng xin được chia sẻ ở đây. Trong quá trình làm việc, Đức Cha Vinh Sơn có bàn với chúng tôi là làm sao tìm được hình ảnh nào đó để thể hiện được đường hướng mà Ngài đã vạch ra cho Giáo phận trong tương lai là HIỆP NHẤT, YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ. Với những khái niệm trừu tượng như vậy, không thể một sớm một chiều mà tìm ra được một hình ảnh cụ thể nào để nói lên được ý muốn đó. Mãi đến sau này, chúng tôi mới có dịp thể hiện được phần nào mong muốn ấy qua Video clip “Âm Vang Cồng Chiêng Giữa Lòng Đô Thị” trên youtube. Và khi xem lại chia sẻ của Cộng đoàn Đức Bà Truyền Giáo Long Điền mà chúng tôi thu thập được trong quá trình làm DVD Kỷ Yếu Giáo phận, chúng tôi đã nhận ra ý hướng HIỆP NHẤT, YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ của Chủ Chăn đã, đang và sẽ được thể hiện phần nào trong mạch dòng chảy lịch sử của Giáo phận.

Cách đây một năm, trong một buổi nói chuyện tại nhà, chúng tôi có tâm sự với Đức Cha Vinh Sơn rằng: “Khi xem lại DVD Kỷ Yếu này, chúng con càng xem càng tiếc thưa Đức Cha”. Câu nói” giá mà cứ ám ảnh chúng tôi suốt hơn một năm qua và giờ đây xin được chia sẻ đôi điều như trên để phần nào giảm bớt những ám ảnh không vui trên. Xin quý vị vui lòng thông cảm.

Xin chân thành cám ơn Đức Giám mục Giáo phận và cha Trưởng ban Văn hóa - Truyền thông Giáo phận Antôn Vũ Thanh Lịch đã tin tưởng giao nhiệm vụ để chúng con có cơ hội góp phần vào công việc quan trọng này.

Để thay lời kết, xin quý vị thưởng thức hợp xướng Khải Hoàn Ca đa ngôn ngữ trên youtube Đồng hành Và Tiến Bước. Cám ơn Sơ ca trưởng Têrêxa Lê Thị Tư và đoàn hợp xướng tổng hợp Thanh Tuyển NVHB - Ứng sinh Lê Bảo Tịnh của Giáo phận, khóa 2017. Xin cám ơn Nhạc trưởng Y Đam và ca đoàn sắc tộc Giáo xứ Thiên Phước cùng Sơ Nguyên thuộc cộng đoàn Phao Lô Quảng Sơn, Gia Nghĩa. Xin cám ơn hai cha phụ trách sắc tộc Stiêng và ca đoàn sắc tộc Giáo xứ An Bình, Phước Long, với cha nhạc trưởng FX. Trần Văn Đoàn. Cám ơn ca đoàn Giáo xứ Mẫu Tâm, Ban Mê Thuột và ca đoàn Sắc tộc giáo họ Giuse, giáo xứ Thánh Tâm. Đặc biệt, xin cám ơn cố nhạc sĩ Đỗ Kinh Châu đã dày công để dựng các bài hợp xướng của nhiều ngôn ngữ này với phần hòa âm phối khí rất thanh thoát nhưng cũng không kém phần hùng tráng.

Thay mặt Đ-T GROUP
Lê Văn LavângTrần Thanh Toàn - tháng 6.2018.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây