TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CÁNH THIỆP GIÁNG SINH

Thứ tư - 26/05/2021 04:03 | Tác giả bài viết: Ứng sinh Lê Bảo Tịnh |   738

CÁNH THIỆP GIÁNG SINH

(Suy tư Mùa Giáng Sinh -2018)

Mùa đông mới đã gõ cửa nhân loại bằng muôn tiếng chuông ngân nga khắp các nẻo đường. Lúc này đây, hàng triệu cánh thiệp Giáng Sinh đang vội vã đến với mọi miền thế giới, mang theo hơi ấm tình yêu, xoá đi một chút rét buốt của những ngày đông tháng giá. Gửi gắm nơi mỗi cánh thiệp là vô vàn câu chúc ngọt ngào, những tâm sự mặn nồng thiết tha chắt chiu từ cuộc đời, cũng như biết bao tâm tư, nguyện ước. Những dòng chữ nhỏ mà người ta viết cho nhau đều ẩn chứa một niềm vui nhiệm lạ. Niềm vui này chẳng đơn thuần dừng lại nơi xúc cảm nhân sinh, nhưng còn được chất chứa trong ân tình của Trời, nơi Chúa Giêsu Ki-tô – “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14).

Quả thực! Ngày lễ Giáng Sinh đã đem đến thế gian nguồn ân thiêng trào tuôn bất tận, để rồi ánh sáng niềm hy vọng chợt bừng lên trong bóng đêm của thế trần. Nhưng có lẽ, trái với những xúc cảm linh thiêng và diệu vời đó, đâu đó sự hồ nghi vẫn len lỏi với biết bao chất vấn nan giải của kiếp người. Bởi lẽ, cuộc sống hôm nay dường như đem lại cho mỗi cá nhân cảm xúc buồn nhiều hơn vui, tiêu cực hơn là tích cực, nhiều nỗi nghi nan hơn là niềm tin, nhiều khó khăn hơn là cơ hội… Từ những cảm nghiệm xót xa, mỗi người đều có thể nhận thấy hành trình đi tìm hạnh phúc trong cuộc đời dường như bất khả. Những cảm xúc hân hoan thỉnh thoảng bộc phát, rồi lại nhanh chóng mất hút khi con người phải đối diện với những thực tại đầy thách đố. Tình trạng ấy đã âm ỉ rất lâu như căn bệnh trầm kha của nhân loại. Mỗi năm, hàng tỷ người lại nô nức đón mừng đại lễ Giáng Sinh với muôn ánh hào quang lung linh, những bản nhạc rộn ràng vang rộn lên khắp khung trời, và cả những bữa tiệc linh đình thâu đêm suốt sáng. Thế mà, đã hơn hai ngàn năm đằng đẵng trôi qua, nơi vẻ hào nhoáng hấp dẫn ấy vẫn ẩn chứa những nỗi buồn khôn kể. Nhiều con tim vẫn đang dằn vặt trong bóng tối thay vì tận hưởng ánh sáng, nhiều mảnh đời vẫn tràn ngập tiếng nức nở thay vì những bản nhạc vui, nhiều người vẫn đói khát thay vì thưởng thức những phút giây ấm cúng bên bữa cơm gia đình. Vậy đâu là hạnh phúc đích thực mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã trao gửi đến cuộc đời?

Ngược trở lại dòng thời gian với câu chuyện nơi xứ sở Bêlem, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, con người được chiêm ngưỡng một Thiên Chúa trong hình hài một trẻ thơ mong manh nơi máng cỏ, gánh chịu cái giá rét đêm đông như biết bao sinh linh nhỏ nhoi. Thật là một sự kiện lạ lùng! Hay nói khác hơn: Thật là một nghịch lý khôn tả mà vũ trụ vĩ đại này có thể chứa đựng. Hài Nhi Giêsu đã không tìm cho mình chốn lầu son gác tía, nhưng Ngài đã chọn một nơi hiu quạnh nhất để tháp nhập vào cuộc sống con người. Phải chăng Bêlem chứa đựng một ý nghĩa lớn lao hơn sự cô quạnh của nó? Trên những trang Tin Mừng thuật lại, những người đầu tiên hiện diện nơi mảnh đất Bêlem là những mục đồng, những người có một cuộc sống phiêu du với hành trang là tâm hồn khó nghèo và trong sạch. Bên cạnh đó, ánh sáng hy vọng đầu tiên đã phản chiếu cho những con người hằng miệt mài tìm kiếm chân lý từ miền Đông rất đỗi xa xôi. Thế nhưng, biết bao người còn lại trên mảnh đất Israel vẫn đang say đắm trong nhịp sống quen thuộc. Tất cả khung cảnh Bêlem, cũng như tất cả những nhân vật hiện diện nơi đó đều diễn tả một sự xung đột mạnh mẽ đối với những ý nghĩ nhân loại.

Quả thế, từ bao đời và cho đến hôm nay, con người dường như vẫn mải miết đi tìm một Thiên Chúa trong chốn phồn hoa náo nhiệt, trong những vẻ hào nhoáng nguỵ tạo. Con người ưa thích đi tìm một Thiên Chúa ban cho họ khoái lạc, thay vì một Thiên Chúa có thể cho họ cảm nếm được tình yêu dịu ngọt và làm cho trái tim của họ biết yêu thương. Con người thích tôn thờ một Thiên Chúa tỏ mình trong quyền lực, thay vì một Thiên Chúa hiện diện giữa những điều kiện an sinh thấp kém, nơi những người không có quyền ngôn luận trong cộng đồng, nơi những kẻ lưu vong không nhà cửa, nơi những người bị đánh giá thấp về phẩm giá... Ngày nay, văn minh nhân loại đã vô tình cuốn hút con người xa rời với những giá trị bình dị trong cuộc sống. Mỗi mùa giáng sinh về, hàng triệu hoạt cảnh Bêlem được tái hiện với sự hội tụ của muôn thứ ánh sáng nhân gian. Đêm Giáng Sinh, hàng vạn con người bất kể tín ngưỡng đổ xô tới những ngôi thánh đường vốn thanh bình và trầm lắng để tận hưởng những điều hấp dẫn đó. Thế nhưng, họ đang tìm kiếm điều gì? Có lẽ, họ ưa thích những ngoại cảnh lung linh; họ bị mê hoặc trong những sắc màu huyền ảo; họ cuốn mình theo bầu khí nhộn nhịp của dòng người. Một cách tình cờ, ý nghĩa trung tâm của ngày lễ Giáng Sinh đã bị nhận chìm bởi muôn vàn hình thức nhân tạo. Liệu rằng máng cỏ nghèo nàn có còn sức hấp dẫn đối với nhân loại, nếu một ngày nào đó mọi hình thức nhân tạo đều không còn? Sâu xa hơn, hiện trạng tâm lý đó là dấu hiệu cho một tình trạng khủng hoảng tâm linh. Trong khoảnh khắc hiện tại, biết bao thân phận vẫn đang say đắm miệt mài trong những vui thú xuất phát từ những hành vi con người. Họ tưởng mình đã thống lĩnh được hạnh phúc và ngủ quên mãi trong trạng thái miên man này. Tuy nhiên, thứ hạnh phúc đó rốt cuộc chỉ là ngoại cảnh đem lại những ảo giác vắn vỏi. Sau những cảm xúc thăng hoa, thực tế cuộc sống lại đưa mỗi người trở về trong muôn nỗi bể dâu. Như thế, cơ hội cho con người tìm về ngọn nguồn hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa đã bị phớt lờ.

Nhưng trên con đường cuộc đời đầy thách đố, vẫn còn đó những cứu cánh đầy hy vọng. Bối cảnh khó khăn hôm nay chẳng phải là một tình trạng đáng bi quan. Thiết nghĩ, tích cực hơn, đây là một dấu chỉ thúc bách người Ki-tô hữu khẩn thiết thực hiện tiến trình sống động hoá Mầu nhiệm Nhập Thể trong hành trình đức tin hôm nay. Bao lâu Ngôi Lời chưa đặt chân đến những nơi xa xôi nhất của trái tim con người, bấy lâu cuộc khủng hoảng niềm tin và lẽ sống vẫn dằn vặt kiếp người. Thế nhưng, đâu là sự thoả mãn mà mỗi người mang lại cho nhau trước cơn khủng hoảng quằn quại như thế? Đó chính là Chúa Giêsu – một Thiên Chúa thực sự tựa mình vào hoàn cảnh yếu hèn của con người. Có lẽ, sứ vụ đó là một thách thức lớn lao. Người tín hữu hôm nay liệu có đủ can đảm để giới thiệu một Thiên Chúa như thế cho thế giới? Đã đến lúc, nhân loại cần được tận hưởng ánh sáng cứu rỗi muôn đời nơi chính Ngôi Lời Thiên Chúa, thay vì muôn ánh hào quang phàm tục đang đánh lừa giác quan. Sự “cô quạnh linh thánh” của Bêlem cần được triển nở khi cuộc sống nhân loại ngày càng náo động với biết bao xáo trộn trong đời sống tinh thần và tâm linh. Trong giây phút hiện tại, nhân loại cần một Thiên Chúa mà những người nghèo nhất thế giới cũng có thể đến gần và gặp gỡ, một Thiên Chúa đem lại bình an cho những người thực sự thiện tâm, nhưng cũng là một Thiên Chúa vô nhiễm với quyền lực và bạo lực, với sự thống trị và xung đột. Liệu rằng, cộng đồng Ki-tô hữu hôm nay có đủ can đảm vượt qua những giới hạn an toàn để biến mình trở nên “thạch động” cho những người đã bị loại trừ, cho những thân phận chẳng được ai yêu, cho những con tim đã nguội lạnh hơi ấm của tình người? Liệu rằng người Ki-tô hữu hôm nay có đủ nghị lực để dẫn dắt thế giới hướng về trời cao vĩnh hằng trên những con đường trần thế gió bụi, bằng những bước chân dưới ánh sáng của Tin Mừng? Liệu rằng Ngôi Lời có thể nhập thể trong trái tim con người, khi người Ki-tô hữu nỗ lực lôi kéo thế gian nhập thể chính mình vào cuộc đời của Con Thiên Chúa? Thực vậy, hạnh phúc sung mãn nhất chỉ nảy nở khi mỗi người nhập cuộc với những giá trị cao cả mà Đấng Emmanuel đã thắp lên trong giữa đêm đông của lịch sử. Những giá trị này chẳng đâu xa xôi, nhưng là những khía cạnh rất gần gũi và chân thực. Đó là một nền văn minh tràn ngập tình thương và sự sống, đó là lúc phẩm giá và nhân cách con người được thăng hoa, hoặc cũng là lúc những điều kiện để con người thăng tiến được bảo đảm cùng với khả năng vươn tới chân-thiện-mỹ. Khi tất cả đều được soi dẫn bởi ánh sáng của tình yêu, chắc chắn “con tim sẽ vui trở lại” và niềm vui sẽ ngự trị mãi mãi.

Mùa đông năm nay đã gõ cửa khe khẽ tâm hồn tôi. Ngất ngây trong tiết trời se lạnh, tôi chợt ước muốn gửi đi một cánh thiệp giáng sinh đến mọi sinh linh thành tâm thiện chí trên trái đất này. Tôi sẽ không gửi nó qua đường bưu điện hay qua tay một người nào đó. Nhưng tôi gửi nó trong làn gió đông, vì gió có thể đi bất cứ nơi đâu. Gió sẽ mang thông điệp của tôi đến mọi ngõ ngách cuộc đời. Trên cánh thiệp, tôi chỉ có một dòng ước nguyện nhỏ nhoi: “Chúc bạn luôn chiếm hữu được niềm vui bất tận nơi Thánh Tử Giêsu đơn nghèo, với chính trái tim biết yêu thương của bạn, và cả nơi những người nghèo được gửi đến trong cuộc đời”.

 Ứng sinh chủng viện Lê Bảo Tịnh-BMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây