TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dừng lại trong thinh lặng

Thứ sáu - 14/05/2021 04:22 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   818
Dừng lại trong thinh lặng

Chúa Nhật XVI – TN – B

Hãy biết “dừng lại trong thinh lặng”

Chúng ta thường nghe nói: “Im lặng là vàng”. Chúng ta còn được nghe nói: “thinh lặng là nghệ thuật của đối thoại”. Không chỉ là thế, thinh lặng, hay nói rõ hơn, nơi chốn thinh lặng còn được xem như là một bài thuốc dành cho những ai có cuộc sống mất cân bằng, một cuộc sống bị đè nặng bởi âu lo, bởi stress v.v…

Y học đã khẳng định rằng, sự nghỉ ngơi trong thinh lặng là liều thuốc bổ tốt nhất, nó không chỉ phục hồi thể xác mà còn bồi dưỡng tinh thần một cách tuyệt hảo.

Đời sống của một Ki-tô hữu cũng rất cần đến những khoảnh khắc của thinh lặng. Eckhard từng nói rằng: “không điều gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng sự thinh lặng” (nguồn: internet).

Và, đối với Đức Giê-su, Ngài cũng đã xem việc “đến một nơi thanh vắng” sống trong thinh lặng, như là điều cấp thiết. Theo Tin Mừng thánh Mác-cô, các môn đệ thuộc nhóm Mười Hai đã được Đức Giê-su truyền dạy điều cấp thiết này.

**

Vâng, câu chuyện đã được kể rằng: một ngày nọ, sau những ngày nhận “bài sai” ra đi khắp thôn làng rao giảng Tin Mừng, mười hai người môn đệ trở về “tụ họp chung quanh Đức Giêsu”.

Khi đã được ở bên Thầy Giê-su, các ông thay nhau “kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6, 30).

Khi những lời tường trình của các ông chấm dứt, và mặc dù không thấy người môn đệ nào than phiền mệt mỏi, Đức Giêsu vẫn bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”

Lời bảo ban của Đức Giê-su thật hợp lý. Hợp lý là bởi, theo lời tường thuật của thánh sử Mác-cô, hôm ấy, (có lẽ vì ngưỡng mộ về những gì các ông đã làm), cả một rừng người “kẻ lui người tới quá đông, nên các ông… chẳng có thì giờ ăn uống” (x.Mc 6, 31)

Và rồi, chuyện ghi lại rằng: “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”.

Tại sao Đức Giê-su lại truyền cho các môn đệ mình như thế? Sao Ngài không cùng với các ông tổ chức một buổi liên hoan, liên hoan ăn mừng chiến tích mà các ông thu hoạch được sau những ngày “rong ruổi đường gió bụi” loan báo Tin Mừng?

Thưa, nếu câu hỏi này được Đức Giê-su trả lời, có phần chắc, Ngài sẽ trả lời, rằng: “Đó là tư tưởng của loài người, không phải tư tưởng của Thiên Chúa”.

Truyền dạy các môn đệ vào nơi thanh vắng, là bởi, theo quan niệm Do Thái giáo, đó là nơi, “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa” và “Thiên Chúa tỏ ra gần gũi với dân Người”. Mà, các môn đệ, trong vai trò là một “nhà truyền giáo”, có lý nào lại từ chối vào nơi thanh vắng để “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa”!

Mà, thật là thế, hôm đó, khi vào nơi hoang vắng, các ông đã học được bài học “Thiên Chúa tỏ ra gần gũi với dân Người”.

Chuyện kể rằng: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý nên từ khắp các thành, họ cùng nhau chạy bộ đến nơi, trước cả các ngài”.

Làm sao bây giờ! Vâng, hôm ấy, qua Đức Giê-su, các môn đệ đã thấy một Thiên Chúa “chạnh lòng thương xót”, thương xót khi thấy đoàn dân đông đúc đi theo. Họ, Đức Giê-su nói: “như bầy chiên không người chăn dắt”.

Và để thể hiện lòng thương xót của mình, Ngài đã tỏ cho họ thấy một Thiên Chúa “gần gũi với dân Người” qua việc “dạy dỗ họ nhiều điều”.

Tuy thánh sử Mác-cô không nói rõ Đức Giê-su đã dạy gì, nhưng chúng ta có thể tin, Ngài đã dạy họ phải biết vào “nơi hoang vắng và cầu nguyện”.

***

Vâng, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy những âm thanh hỗn tạp. Và, những âm thanh đó ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của chúng ta.

Này nhé, trong nhà thì âm thanh của TV, của internet để nghe nhạc, xem phim bộ, đọc email. Ra đường thì âm thanh của xe cộ, của điện thoại di động. Rồi những âm thanh náo nhiệt của quán bar, của quán nhậu, của vũ trường v.v…

Đó là chưa kể đến âm thanh của những cuộc trò chuyện, những cuộc trò chuyện vô bổ, những cuộc trò chuyện khích bác, những cuộc trò chuyện gây chia rẽ - bất hòa - bè phái, những cuộc trò chuyện khiêu dâm…

Dường như, không có nó, chúng ta không thể làm được việc gì cho ra hồn. Dường như không có nó, chúng ta cảm thấy thiếu thiếu gì đó trong cuộc sống của mình. Và, dường như chính vì những lý do đó, chúng ta sợ lời truyền dạy của Đức Giê-su: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”

Không! Là một Ki-tô hữu, đừng để cuộc sống của chúng ta luẩn quẩn trong mớ âm thanh bòng bong đó. Bởi vì, những âm thanh đó không sinh ích lợi gì cho cuộc sống thể xác lẫn tâm hồn của chúng ta.

Những âm thanh đó không thể kéo dài cuộc sống của chúng ta. Trái lại, nó có thể rút ngắn cuộc đời ta, rút ngắn bởi bệnh tật, bởi cô đơn, bởi sợ hãi.

Tệ hại hơn hết, nó làm cho chúng ta không còn nghe được tiếng nói từ Thiên Chúa, một tiếng nói đem lại cho chúng ta ơn cứu độ và sự sống đời đời.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta cần nghe tiếng Chúa nói. Muốn nghe được tiếng nói từ Thiên Chúa, trước hết và trên hết chúng ta phải “lánh riêng ra một nơi”, một nơi không ồn ào náo nhiệt bởi thế gian.

Nói cách khác, hãy trở về trong thinh lặng. Bởi vì, như lời linh mục Michel Hubaut chia sẻ: “Sự thinh lặng cũng giống như một nốt lặng giúp nghe rõ hơn nốt trước và nốt sau đó. Nó chuẩn bị để giúp ta ân cần hơn với tha nhân và làm cho những cuộc gặp gỡ của mình có chiều sâu hơn… Thinh lặng là vị thầy dạy ta biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng nhạc của tạo vật, hầu nắm bắt được sự hài hòa thầm kín. Lắng nghe lòng mình, lương tâm mình để biết rõ mình và định hướng cuộc đời. Lắng nghe con người để làm cho mình phong phú nhờ sự khác biệt và để yêu thương họ hơn”.

Cuối cùng là, ngài Michel Hubaut chia sẻ tiếp: “Lắng nghe tiếng Chúa. Tiếng của Người trong nội tâm ta. Thần Khí của Người đang nói trong lòng mình để trao ban Sự Sống” (nguồn:internet)

Vâng, phải trở về trong thinh lặng, chỉ một mình “ta với Chúa – Chúa với ta”. Trường hợp Samuel cho ta một điển hình. Trong sự tĩnh lặng của đêm khuya, Samuel đã nghe được tiếng Chúa gọi mình: “Samuel! Samuel”. Và, ông ta đã đáp lời: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Samuel, nếu lúc đó, bên tai ông ta, là một rừng của những âm thanh hỗn tạp… là một cặp headphone gầm rú những điệu nhạc giật gân… làm sao ông ta nghe tiếng Chúa gọi để mà đáp lời Người!

Cuối cùng, chúng ta hãy nghe cảm nghiệm của vua David, cảm nghiệm về việc tĩnh lặng trong nguyện cầu: “Hãy dừng lại trong thinh lặng và chúng con sẽ nhận biết Ta là Thiên Chúa” (x.Tv 45,11).

Đồng quan điểm với vua David, linh mục Ronald Rolheiser chia sẻ: “Không điều gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng sự thinh lặng. Đó là ngôn ngữ chúng ta cần thực hành”.

Thưa quý Bạn… nếu quý bạn đồng quan điểm với linh mục Ronald Rolheiser… bạn và tôi, chúng ta hãy ghi khắc lời vua David, và coi đó như là kim chỉ nam cho cách sống của mình, một cách sống biết “dừng lại trong thinh lặng”.

Vâng, hãy biết “dừng lại trong thinh lặng”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây