TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh mục bên nhau trong đời thường

Thứ hai - 10/05/2021 07:28 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Xuân Lãm |   702
Linh mục bên nhau trong đời thường

Linh mục bên nhau trong đời thường

Ở tại nhà xứ chúng tôi có ba linh mục: cha sở, tôi, và cha kia là tuyên uý bệnh viện. Chúng tôi cùng chung một nhà, ăn chung một bàn, sinh hoạt thì khác nhau tuỳ nhiệm vụ mỗi người. Tôi và cha sở không có chuyện gì đáng nói.

Cha kia có nhiều cái khác với tôi lắm. Cũng như tôi, cha ấy đến từ một đất nước xa xôi, mùi hương là lạ từ quần áo của ngài toả ra thoang thoảng khắp nơi. Người thì chẳng sạch sẽ chút nào. Bởi đầu ngón tay và đặc biệt móng tay đen xì, dấu chứng của căn bệnh nhiễm nấm. Tôi rất sợ mỗi lần ngài rửa chén, ngài rửa xong tôi len lén đợi ngài lên phòng thì lấy ra rửa lại. Cho đến nay đã xấp xỉ năm tháng, ngài cứ lấy áo lễ của tôi (dĩ nhiên cái nào đẹp nhất thì ngài chọn). Ai mà chả có mùi mồ hôi riêng chứ? Thế mà cái nào Ngài cũng mặc qua, làm sao tôi đi “dry clean” cho kịp. Mà kể cũng lạ. Chẳng lẽ ngài không có áo lễ. Nếu thiếu sao không đi hỏi các nơi có những cha đã qua đời, thiếu gì áo đẹp, thì người ta sẽ cho, sao cứ phải mặc áo của tôi rất tự nhiên như người Hà Nội, mà chẳng bao giờ hỏi tôi. Có lúc tôi đã tự nhủ, ngài mặc áo lễ của tôi để làm lễ chứ làm gì đâu mà tôi phải bức xúc. Ấy thế mà, tôi không chống cưỡng được mình, tôi đã dại dột, trong một phút bồng bột đã đi tâm sự với bà bếp như thế.

Đấy chỉ là mặt “diện”, còn về mặt “bản chất” thì ngài lại rất ư ta đây thạo đời, bởi vậy ngài hay làm “tài khôn”. Tôi mà rửa chén trước mặt ngài, thế nào ngài cũng đứng quan sát và chỉ vẽ, nào là phải rửa như thế nào, nếu dùng máy rửa chén thì phải úp vào làm sao, mặc dầu tôi đã có kinh nghiệm rửa chén suốt hơn hai mươi năm qua, kể từ ngày rời Việt Nam đi đến xứ người. Có lần nhịn không nổi nữa, tôi phải mạnh dạn lên tiếng: “Này ông, tôi hơn ông năm tuổi sao ông cứ dạy khôn tôi mãi vậy?”. Mới hôm qua, bà bếp người Canada đi vắng, ngài kêu ca: đồ ăn để ngổn ngang đầy tủ lạnh mà chẳng ai xắp xếp lại và lau chùi. Thế rồi ngài le te lôi tất cả các hộp đồ ăn ra và lau mấy cái ngăn tủ lạnh. Trong lúc ngài đang hăng say như vậy, thì lỡ tay đánh rơi một hộp đồ ăn do một gia đình Việt Nam tặng cho tôi đêm Chúa Giáng Sinh. Đồ ăn gồm bê thui, rau thơm và đặc biệt mắm nêm đựng trong một hộp “foam” nho nhỏ. Ăn bê thui thì phải có mắm nêm pha chế cho đúng điệu mới ngon chứ! Nhưng than ôi, cái ngon của tôi lại là cái khổ của người khác. Khi mắm nêm đổ toé ra, ngài phải lau chùi lại, nhưng không dễ khử mùi. May sao, tôi nhớ lại có người đã nói cho biết một mẹo nhỏ, tôi bèn lấy giấm đun lên để trên bếp, đồng thời cho giấm vào chén nhỏ để trong tủ lạnh, thế là giấm khử mùi mắm nêm và bầu không khí được ổn định lại gần như bình thường.

Dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, sau khi xưng tội để mừng Chúa Giáng Sinh, tôi cảm thấy mình thật có phúc vì biết mình được Chúa thương tha thứ. Tôi có cảm giác hạnh phúc ngập tràn, nhất là khi ngồi toà giải tội cho người ta. Cảm giác thật kỳ diệu, cái cảm giác tạ ơn Thiên Chúa đến muôn đời vẫn chẳng xứng đáng. Vì tôi cảm nghĩ Chúa thật là từ bi nhân hậu, vượt quá sự hiểu biết rất giới hạn của loài người. Tôi thấy mình bất xứng, vì trước mặt Chúa, mình chỉ là tội nhân, vậy mà Chúa vẫn dùng tôi để ngồi toà thay cho Ngài mà tha thứ cho các tội nhân. Ôi! còn có điều gì tuyệt diệu hơn thế nữa! Cảm giác ấy thúc giục tôi phải yêu thương tha thứ cho anh chị em của mình. Nghĩ lại từ bấy lâu nay, mình so đo tính toán hoặc chỉ làm nửa vời, mình đã không theo gương Chúa mà sống quảng đại với tha nhân.

Và “con tim đã vui trở lại”. Đêm hôm lễ Giáng Sinh, tôi vào trong tủ áo lễ riêng của mình, lấy ra một áo lễ mầu hoàng kim mới tinh, trao cho cha ấy để ngài dùng trong lễ đồng tế rất trọng thể vào lúc nửa đêm. Ngài rất vui, nhưng người vui hơn lại là tôi. Hôm qua, ngài nhờ tôi đi mua một món đồ rất bình dân, nhưng rất khó kiếm, tôi đã chạy bốn shopping mall mới mua được. Từ lúc ấy, tôi để ý thấy ngài hay mỉm cười và nói chuyện với tôi nhiều hơn.
Tôi nghĩ yêu người thì sẽ được người yêu lại. Vả chăng, linh mục tự bản chất của Bí tích truyền chức thánh, đều là anh em với nhau. Anh em mà không thương nhau thì thật đáng buồn.

Nhưng nghĩ cho cùng, làm linh mục được Chúa yêu, cuộc sống chẳng thiếu thốn chi, mà lỗi lầm được Ngài bỏ qua, tội lỗi đã được Ngài tha thứ, thật trên đời không còn hạnh phúc nào hơn. Chỉ có hạnh phúc Chúa ban mới đem lại bình an đích thực mà người đời không thể ban tặng, và như thế không có tình yêu và hạnh phúc nào lớn lao hơn nữa.

Lm. Giuse Trần Xuân Lãm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây