TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VII PS-B - Chúa Thăng Thiên

“Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”. (Mc 16, 15-20)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hy Lễ Của Hoàn Vũ

Thứ hai - 10/05/2021 07:31 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   624
“Con xin lấy cả trái đất làm bàn thờ và trên đó, con sẽ đặt tất cả mọi đau khổ của trần gian”
Hy Lễ Của Hoàn Vũ

Hy Lễ Của Hoàn Vũ

Tại sa mạc Ordos thuộc Mông Cổ, trong cuộc thám hiểm của linh mục Teilhard de Chardin, vào sáng sớm một ngày tháng sáu năm 1923, ánh mặt trời bắt đầu mọc lên từ phía chân trời, linh mục Chardin ước muốn dâng thánh lễ nhưng lại thiếu bàn thờ, thiếu cả bánh thánh, rượu lễ. Ngài đã viết những lời thật cảm xúc: “Con xin lấy cả trái đất làm bàn thờ và trên đó, con sẽ đặt tất cả mọi đau khổ của trần gian” (Thánh Thi Hoàn Vũ, Teilhard de Chardin).

Chén đĩa thánh chứa đựng cả trời đất, lao công của con người.

Khi linh mục nâng đĩa thánh trong đó có bánh dâng lên với lời đọc: “Chúc tụng Chúa là Chúa tể càn khôn, Chúa đã rộng ban cho chúng con, bánh này là hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người. Chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con” (Sách lễ Roma).

Lời chúc tụng bắt nguồn từ lòng tri ân của con người dâng lên Thiên Chúa. Thiên Chúa của Trời và đất, Thiên Chúa của tình thương đoái thương đến con người được Người tạo dựng và ban thực phẩm hằng ngày nuôi dưỡng. Lao công là sự cộng tác của con người với công trình sáng tạo của Thiên Chúa làm ra những thực phẩm nuôi dưỡng con người.

Một ý nghĩa của thiên nhiên, đặc biệt khi con người quản lý tài nguyên thiên nhiên theo thánh ý Thiên Chúa, để làm ra những lễ vật dâng lên. Trong tác phẩm, “The Priest” 1917, linh mục Teilhard de Chardin đã viết: “Qua việc nhập thể, Đức Kitô biến tấm bánh thành Thân Thể Ngài, Đức Kitô không giới hạn trong tấm bánh mà vượt qua đó bao trọn vũ trụ. Qua một nguyên tố của vũ trụ là tấm bánh đó, Ngài lôi kéo toàn thể vũ trụ vào Ngài.” Chúa Kitô đã đón nhận vào trong Ngài toàn thể vũ trụ, khi Ngài cũng dùng sức lao công hằng ngày, cặm cụi với bao mồ hôi làm ra những sản phẩm từ cầy cấy; những hạt lúa miến, sàng sảy, xay ra bột, làm nên chiếc bánh. Cả một quá trình của thời gian, cả những ngày mưa, ngày nắng, cả những sớm hôm, chiều tà, những côn trùng và cả những loài chim trời… Biết bao cảnh vật của cuộc đời cây lúa và những ngày dài của con người chăm bón. Tất cả được kết tụ lại trong Chúa Giêsu, từ thời gian và không gian hạn hẹp của trần thế, Ngài đã biến đổi và mang vào cõi trời vô biên, vô tận, tháp nhập vào sự bền vững muôn đời nơi Thiên Chúa.

Hạnh phúc vô biên, tràn đầy nhựa sống, tuôn ra từ bàn thờ mỗi ngày trong hồng ân Thiên Chúa. Mọi lao công, mọi vất vả ngược xuôi, bao điều trăn trở với nhiều ước mong, dâng lên để trở nên Chính Chúa là sự sống tặng ban: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 10).

Ước mơ biến đổi thế giới trong hy lễ hoàn vũ.

Trong buổi kinh chiều tại Aosta, Đức Bênêđíctô XVI đã nói nguyên văn như sau: “Với trọn vẹn con người, chúng ta phải là sự thờ lạy và lễ hy sinh, và sau khi biến đổi thế giới, phải trả nó lại cho Thiên Chúa. Vai trò của chức linh mục là truyền phép thế giới để nó trở nên bánh thánh sống động, trở nên một phụng vụ: đến độ phụng vụ không còn là điều sóng đôi với thực tại thế giới, nhưng chính thế giới phải trở nên bánh thánh sống động, một thứ phụng vụ. Đó cũng là cái nhìn vĩ đại của Teilhard de Chardin: cuối cùng, ta sẽ thực hiện được một phụng vụ có tính vũ trụ đúng nghĩa, trong đó vũ trụ trở thành bánh thánh sống động. Ta hãy cầu xin để Chúa giúp chúng ta trở nên các linh mục theo nghĩa đó, biết góp phần vào việc biến đổi thế giới thành người thờ lạy Thiên Chúa, khởi sự từ chính con người chúng ta. Để cuộc sống ta biết nói về Chúa, để cuộc đời ta trở thành một phụng vụ thực sự, một loan báo về Thiên Chúa, một cánh cửa qua đó Thiên Chúa xa xăm trở thành Thiên Chúa hiện diện, và là một hiến mình đúng nghĩa cho Thiên Chúa” (trích từ Teilhard de Chardin trong tư tưởng của Đức Bênêđíctô XVI, của Vũ Văn An).

Ý nghĩa Thánh lễ theo tư tưởng của linh mục Teilhard de Chardin, mang một tầm vóc biến đổi thất sâu xa. Từ bàn tay tầm thường của người linh mục, từ những lễ vật rất tầm thường của bao người hiệp dâng của lễ, người linh mục cầu xin: “Xin Chúa đổ vào chén lễ đời con nỗi đau của xa lìa, yếu đuối vì giới hạn, những hoài nghi trăn trở, rồi bảo con: Hãy nhận mà uống đi. Lạy Chúa, làm sao con có thể từ chối được khi Chúa đã đổ vào cốt lõi tủy xương sự sống của con lòng ước ao kết hiệp với Chúa ở thế giới đời sau qua cái chết.” (Thánh thi hoàn vũ, Teihard de Chardin).

Cảm động trong thẳm sâu của tâm hồn với lời cầu nguyện của người linh mục. Điều này, Chúa cũng muốn đong mọi đau khổ, khát mong của trần thế này, chứa đựng trong chén Thánh, chén mà Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha trong lúc chuẩn bị dâng hy lễ cuộc đời: “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26,42).

Cạn chén đau thương để biến đổi và nơi đó Chúa đã thực hiện: “Ngài là Ðấng: tội không hề phạm, và gian dối không hề gặp nơi miệng Ngài. Bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa đáp lại, chịu nạn chịu chết, Ngài không để lời, nhưng Ngài đã phó thác cho Ðấng xét xử công minh. Ngài đã mang lấy tội lỗi ta vào thân mình Ngài trên cây gỗ, ngõ hầu, chết cho tội lỗi, ta sống cho sự công chính, bởi vết hằn của Ngài, anh em đã được chữa lành” (1 Pet 22 – 24).

Trong hy lễ mỗi người chúng ta, nhất là trong tâm hồn người linh mục chúng con, trước khi dâng lễ cũng có những tâm tình cầu nguyện: Biết bao đau khổ từ việc biển đang chết, con người cũng đang chết giữa những khắc khoải đòi hỏi chân lý, đòi quyền được sống với môi trường trong sạch, với những lo âu từng ngày trên mỗi bàn ăn, sáng, trưa, chiều. Với bao điều xã hội khát mong an bình, trật tự, an cư, việc làm với đồng lương xứng đáng… Xin rót vào chén đau thương và kết lại trong bột bánh làm nên tấm bánh dâng lên Chúa. Xin Chúa biến đổi! Xin Chúa xót thương chữa lành.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây