TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SUY TƯ PHỤC SINH

Thứ tư - 26/05/2021 05:09 | Tác giả bài viết: Ứng sinh Lê Bảo Tịnh |   991

SUY TƯ PHỤC SINH

 
Ngạn ngữ có câu: “Sống là tiến về cõi chết”. Thánh vịnh 90 câu 10 cũng có nói đến: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.” Thật đúng như vậy: Cho dù con người có sống trường thọ đi nữa, cũng sẽ có một ngày nhắm mắt xuôi tay. Cái chết chính là thân phận của mỗi người, không một ai có thể tránh được. Nhưng chỉ có một điều quan trọng trong cuộc sống là: Sống như thế nào và chết trong tình trạng nào? Mai này ra đi, mỗi người để lại cho thế hệ sau những gì?

Trong xã hội phần lớn là vô thần, đa số con người cho rằng chết là hết, chết là chấm dứt mọi thứ trên cõi đời này. Thế nên, khi con người rơi vào những tình cảnh khốn cùng như: vỡ nợ, xấu hổ về những hành động xấu của bản thân, gia đình không hạnh phúc hay không được như mình mong muốn… thì thường tìm đến cái chết để kết thúc mọi chuyện. Thực ra, cái chết không phải là kết thúc. Dẫu cho ai cũng đều nghĩ rằng nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng trên thực tế vẫn chưa tận. Vì sau khi chết, người chết vẫn có thể còn sống trong lòng người, nếu khi xưa họ biết sống một cuộc đời đẹp. Chính những kí ức đẹp ấy là sự sống của người đã khuất, sự sống nơi con tim của những người đang sống.

Cuộc đời của Chúa Giêsu đã minh chứng rõ nhất cho sự sống sau cái chết. Giả sử, nếu khi xưa Chúa Giêsu không Phục sinh từ cái chết thể lý, thì nay Ngài vẫn Phục Sinh trong tâm hồn mỗi người Kitô hữu chúng ta. Điều này thể hiện rõ nét qua số tín hữu đã tin và đã sống theo Lời của Ngài khi xưa. Bởi lẽ, khi nhìn vào cuộc đời của Ngài, chúng ta chỉ thấy duy nhất một điều là YÊU THƯƠNG. Vì yêu nên Ngài đã nhập thể làm người để được ở cùng người mình yêu: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta đã được bày tỏ nơi điều này: Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài xuống trần gian để chúng ta nhờ Ngài mà được sống” (1Ga 4, 9). “Bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến độ đã ban Con Một của Ngài, để những ai tin vào Ngài sẽ không bị hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). Vì yêu nên Ngài đã hạ mình xuống mà phục vụ: “Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Sau cùng, tình yêu đạt đến đỉnh điểm qua cái chết của Ngài trên thập giá: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). Tình yêu nơi Ngài xuất phát từ sự tự nguyện và tự hiến. Vì Ngài có thể chối từ Thiên ý nơi Chúa Cha hay có thể trốn thoát trước những khổ hình mà Ngài phải chịu, nhưng chính Ngài chấp nhận sự đau khổ nhục hình và cái chết để mình chứng cho tình yêu. Chính cái chết vì tình yêu đó đã làm cho Ngài Phục sinh trong lòng nhân loại hôm nay.
 
Trong những ngày Tam Nhật Thánh và đặc biệt là Mùa Phục Sinh này, Mẹ Giáo Hội mời gọi chúng ta suy tôn tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Khi xưa, chính nhờ sự hiến tế và sự phục sinh của Con Thiên Chúa mà loài người chúng ta tìm ra lẽ sống của cuộc đời. Biến cố đó mở ra một hướng đi mới cho chúng ta, giúp chúng ta nhìn xa trông rộng hơn để biết đích điểm đời sống của mình, vượt qua những gian nan khốn khó. Được chiếu soi bởi ánh sáng của Đấng Phục sinh, người tin vào Chúa không còn coi quê hương trần thế là vĩnh cửu, nhưng chỉ như cõi tạm chóng qua. Sự Phục Sinh hướng tâm hồn chúng ta về trời cao, để sẵn sàng buông bỏ những gì ràng buộc chúng ta trong hành trình đến với Chúa. Đó chính là niềm hy vọng cho những ai đang u sầu thất vọng và không tin vào sự sống đời sau.
 
Mong sao Mùa Phục Sinh này giúp chúng ta biết sống noi gương theo khuôn mẫu Chúa Kitô để rồi uốn nắn đời mình sống tốt hơn trong xã hội hôm nay. Nhằm cho mai sau khi kết thúc cuộc đời dương thế này, chúng ta lại được phục sinh trong một cuộc sống mới, cuộc sống trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và trong tim của mọi người.
 

Ứng Sinh Chủng Viện Phaolo Lê Bảo Tịnh - Bmt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây