TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ai thuộc về Đấng Ki-tô?

Thứ năm - 13/05/2021 00:12 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   674
Ai thuộc về Đấng Ki-tô?

Chúa Nhật XXVI – TN – B

Ai thuộc về Đấng Ki-tô?

Kinh Thánh Tân Ước có ghi lại ba lần Đức Giê-su tiên báo cuộc tử nạn và sự Phục Sinh của mình. Sau mỗi lần tiên báo, là thêm một lần Ngài có một bài giáo huấn đặc biệt dành riêng cho các môn đệ.

Với lần tiên báo thứ nhất, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ, rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Với lần tiên báo thứ hai, Đức Giê-su đã dạy các ông một quan điểm mới về vai vế của người môn đệ, đó là: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Cũng trong dịp này, Ngài còn dạy các ông một cách nhìn mới đối với những ai “lấy danh Thầy” để thực hiện một việc tốt lành nào đó.

Theo như câu chuyện được kể lại, thì, hôm đó, có một người môn đệ tên là Gio-an, đại diện cho nhóm Mười Hai, đến với Đức Giê-su và nói với Ngài rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ” (x.Mc 9, 38).

Chuyện thật vậy sao! Từ khi Đức Giêsu bắt đầu thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Công việc đầu tiên của Ngài, đó là tuyển chọn một số môn đệ. Theo thánh sử Máccô kể lại thì, Đức Giêsu đã “lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ” (Mc 3, 14-15).

Không chỉ tuyển chọn mười hai môn đệ, Đức Giêsu còn “chỉ định bảy mươi hai người khác” với mục đích “sai các ông từng hai người một vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” và nói với mọi người rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”.

Nhóm bảy mươi hai người này, khi trở về đã hớn hở nói với Đức Giêsu rằng “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10, 17).

Có thể nói, đây là niềm hãnh diện và cũng là niềm tự hào của các môn đệ sau những năm tháng theo Đức Giêsu.

Thế mà hôm nay, có vẻ như, niềm hãnh diện và tự hào của các ông như bị tổn thương khi các ông khám phá ra rằng, ngoài các ông ra, cũng có người, có khả năng “trừ quỷ” như các ông.

Dường như các môn đệ đã xem những kẻ đó là “hàng giả, hàng nhái” nên đã nói với Thầy của mình rằng: “Chúng con đã cố ngăn cản”. Và các ông cho rằng đó là việc phải làm “vì họ không theo chúng ta”.

Họ đã không theo chúng ta thì đã sao! Vâng, hôm đó, thay vì sai một vài môn đệ theo dõi nhóm người “lấy danh Thầy” thuộc nhóm nào, Đức Giê-su giải thích cho các môn đệ rằng, không thể có ai đó “lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9, 39).

Các môn đệ được ban phép trừ quỷ, những người kia dùng danh Thầy cũng để trừ quỷ thì có lý gì họ “chống lại chúng ta”!

Kết thúc cho việc giải thích, Đức Giê-su nói với các môn đệ, rằng: “Đừng ngăn cản người ta”.

**
Kinh Thánh Cựu Ước có chép rằng, Thiên Chúa “Người không về phe với hàng thủ lãnh, không trọng người giàu, khinh kẻ nghèo; vì tất cả đều là công trình do tay Người tạo ra” (Gióp 34, 19).

Vì là “công trình do tay Người sáng tạo”, thế nên, Đức Giêsu đã không đặt nặng vấn đề những người lấy-danh-Thầy đã “theo chúng ta” hay chưa.
Đối với Đức Giê-su, hôm đó, điều Ngài muốn các môn đệ ngăn cản, đó là: Hãy ngăn cản những ai “lấy danh Thầy” nhưng lại “làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã”.

Đối với Đức Giê-su, điều Ngài muốn các môn đệ ngăn cản, đó là: Hãy ngăn cản chính các anh “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…”. Còn nữa: “Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…”. Và cuối cùng: “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi…”

Và rồi, Ngài đã kết luận rằng: “Thà cụt một tay… thà cụt một chân… thà chột mắt… mà được vào cõi sống… mà được vào Nước Thiên Chúa, còn hơn có đủ hai tay, có đủ hai chân, có đủ hai mắt, mà phải sa hỏa ngục, mà bị ném vào hỏa ngục”.

Vâng, phải hiểu những lời kêu gọi của Đức Giêsu là nói theo cách nói “nhấn mạnh”. Bởi, nếu không, lịch sử Giáo Hội với hơn hai ngàn năm, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người, có thể có cả chúng ta, cụt tay, cụt chân hoặc mù mắt.

***
Chắc chắn các môn đệ xưa hiểu được lời Đức Giê-su khuyên dạy. Chắc chắn các ngài suy nghĩ một cách tích cực về lời dạy của Đức Giê-su.

Thế nên, với chúng ta hôm nay, hãy hiểu rằng: nếu tay “trái” anh làm cớ cho anh sa ngã… hãy dùng tay “phải” của anh đấm ngực ăn năn hơn là thụ động chặt nó đi.

Cũng vậy, nếu chân “trái” anh tiến bước tới những nơi có nguy cơ làm cho anh ngã gục, hãy dùng chân “phải” của anh như bộ phận “cài số de” để lui ra những nơi chốn đó hơn là chặt nó đi.

Còn đôi mắt ư! Khi bàn tay biết đấm ngực ăn năn, và đôi chân biết cài-số-de, sẽ chẳng bao giờ tay chúng ta mở những trang web đen hay những trang sách báo khiêu dâm. Sẽ chẳng bao giờ chân chúng ta bước tới những vũ trường, những quán bia với những em chân dài lẳng lơ. Kết quả là, đôi mắt chúng ta không phải chứng kiến những điều dẫn tới sự sa ngã.

Kiểm soát vẹn toàn những hành vi trên cơ thể của mình, đó chính là lúc chúng ta đủ khả năng trừ được những loại “quỷ xảo trá, quỷ lừa bịp, quỷ dâm ô” những loại quỷ chỉ gây bất hòa và chia rẽ.

****
Trước một xã hội tràn ngập sự quyến rũ, tràn ngập những lời mời gọi xấu xa, nhan nhản trên những phương tiện truyền thông như: báo chí, internet v.v… để thực hiện động tác “cài số de” phải chăng, đó là một nan đề!

Đúng, đó là một nan đề. Nhưng, hãy thử nghĩ xem, nếu cần cứu lấy sinh mạng của mình, có ai mà không dám giải phẫu cắt một phần thân thể?

Mà sinh mạng của chúng ta đâu chỉ có phần xác, còn có cả phần linh hồn.

Thế nên, đừng ngại gì mà không “cắt đi” một tật xấu, đại loại như: nóng giận, tranh chấp, bè phái v.v… là những tật xấu có hại cho cộng đồng. Đừng ngại gì mà không “chặt đi” một thói quen, đại loại như: vu khống, ganh tỵ, say sưa chèn chén v.v… là những thói quen dễ làm tổn thương kẻ khác, và nhất là có thể làm cho chính ta gây dịp tội.

Hãy nhớ, chỉ có như thế, chúng ta mới đáp ứng được những đòi hỏi của Đức Giê-su, những đòi hỏi giúp chúng ta không nằm trong số những kẻ bị “buộc cối đá lớn vào cổ… mà ném xuống biển còn hơn”.

Cuối cùng, khi chúng ta biết “cắt đi” hay “chặt bỏ” những thói hư tật xấu nêu trên, đó chính là lúc chúng ta tạo được một chiếc cầu, chiếc cầu, nối chúng ta với những người “không theo chúng ta” một cách trực tiếp, giúp chúng ta làm cho những người đó, trở-nên-một, một cộng đoàn “thuộc về Đấng Ki-tô”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây