Tản mạn về mùa hái cà-phê
Mỗi năm, khi cơn gió đông thoảng về se lạnh, đẩy lùi những cơn mưa áp thấp nhiệt đới đang dần nhạt nhòa; Đó cũng là lúc báo hiệu cho một mùa thu hoạch cà phê của nhà làng bắt đầu.
Và, cứ đến hẹn lại lên, Tây Nguyên được đón những “khách du lịch bất đắc dĩ” tứ xứ về đây để làm công, hái cà phê. Dĩ nhiên những “khách du lịch” này, không chỉ đổ về khắp các làng mạc của tỉnh Daklak mà còn cả tỉnh Dak Nông, tỉnh Gia Lai – Kon Tum nữa.
Thập niên 90 thiên niên kỷ trước, cho đến những năm đầu 2000, lượng khách đổ về tỉnh Daklak rất lớn; giống như một dòng cuồng lưu của một cuộc di dân từ các miền tới. Miền Bắc: Nghệ An, Hà Tĩnh… Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng… Miền Trung: Quảng Nam, Đà Nẵng... Miền dưới duyên hải: Tuy Hòa, Bình Định, Nha Trang… lên, làm cho tỉnh Daklak nóng lên về dịch vụ thuê hái cà phê.
Ở bến xe TP BMT vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, thường tập nập lũ lượt thanh niên nam nữ cho đến trung niên và thậm chí có cả thiếu niên lẫn lão ông thuộc tuổi thất thập cổ lai… vai mang ba lô chen chân đến BMT trong tinh thần hồ hởi phấn khởi, tưởng như họ tìm được miền đất hứa vậy. Và các dịch vụ ăn theo như: cò vườn, xe thô, xe taxi, xe khách… cũng được mùa để tất bật chạy ngược xuôi. Chợ búa buôn bán thực phẩm, tạp hóa… cũng rầm rộ buôn mau bán đắt, chạy như tôm tươi.
Những dòng chảy di dân đó, đổ vào 4 tuyến: Tuyến đường Buôn Hồ, Hà Lan… Tuyến đường Trung Hòa, Kim Châu, Kim Phát… Tuyến ven TP có Châu Sơn, Eakao, Chi lăng… Tuyến Đức Minh: Đức Mạnh, Vinh Hương, Vinh An…
Và mỗi dòng chảy di dân, lại tự chọn cho mình những miền vùng quê thích hợp… Ví như ở Châu Sơn những năm 90 cho đến năm 2000, thông thường những người vào làm lao động hái cà là người Nghệ An, Hà Tĩnh… sau này có cả Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Ngày nay, việc mở cửa kinh tế và công nghiệp hóa đã mọc lên nhiều nhà máy, công xưởng, công ty… trên khắp cả nước, đã thu hút một lượng lớn công nhân ổn định, khiến khu vực miền Bắc và miền Trung không còn di dân vào Tây Nguyên làm công nữa.
Hiện nay, như ở GX Châu Sơn, chỉ còn những người ở vùng miền dưới như Tuy Hòa, Bình Định… và các thôn 8, thôn dân tộc làm công nữa mà thôi. Thực sự, nếu không có một lực lượng lao động lớn đổ về tỉnh Daklak, không biết việc thu hoạch cà phê ở Tây nguyên nói chung và Daklak nói riêng sẽ ra sao? Chắc chắn là cả hàng trăm ngàn mẫu, người nhà sẽ không thể hái xuể cà phê đúng thời vụ được. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra, nếu không có lực lượng lao động di dân? Cà phê rộ chín, không có người hái kịp, sẽ rơi rụng, nếu gặp áp thấp, mưa ròng rã ngày này qua ngày nọ, lượng trái cà phê sẽ rụng đỏ gốc, và công thu hoạch sẽ gấp ba gấp bốn lần khi hái trên cây, thì việc thất thoát sẽ lớn đến dường nào.
Đó là chưa nói đến, việc an ninh các rẫy cà phê không được an toàn. Năm nào cũng phải canh phòng, nếu không sẽ bị mất trộm. Hoặc không canh gác được, thì người nhà phải lo mướn người hái cho chóng xong để đi rẫy khác. Nếu gia đình canh tác ở một rẫy mấy mẫu thì xem như người nhà đóng đô lâu dài, hái dần cũng sẽ ổn… Nhưng phần đa các hộ trồng cà phê thường có diện tích canh tác rải ở nhiều nơi, nên việc canh phòng là rất khó khăn. Và bài toán không có lao động từ tỉnh ngoài tăng cường hái cà phê vào thời vụ thu hoạch, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, và thất thoát một số lượng lớn cà phê là khó tránh khỏi!!
Ngày nay, người nhà vườn hầu như chẳng bỏ tay vào công việc hái cà phê nữa, và chỉ làm những công việc ngoại biên, hỗ trợ cho người làm thuê mà thôi. Ví như lái xe chở người làm tới rẫy sớm từ 7 giờ hay 7 giờ 30 có mặt tại hiện trường, sau đó trải bạt ra, đóng bao bì, may bao… hoặc quá lắm là vác cà phê chất lên xe, đến 4 giờ 30 chiều là lái xe cà phê và người làm về. Thậm chí, bây giờ chủ nhà chẳng còn nhắc tay động chân, mà khoán sản lượng cho người làm, chỉ tiêu: 4 hoặc 5 bao mỗi ngày, hái xong sớm về sớm, xong muộn về trễ. Hoặc hái xong chỉ tiêu, hái thêm được bao nào trả tiền công thêm bao nấy. Mỗi bao hái thêm khoảng 40 ngàn đồng. Làm như thế cũng tạo được sự kích thích cho người làm có thêm thu nhập đã đành, mà nhà chủ cũng sẽ thu hoạch xong sớm, để còn phơi phong và xay xát thu vén cà phê vào kho lẫm.
Vậy thì lao động hái cà phê là một nhu cầu cấp thiết, không thể không có. Ngày nay, hơn bao giờ hết, lực lượng hái cà phê ngày càng giảm sút, khiến cho nhà làng trồng cà phê hàng chục mẫu trở lên gặp không ít khó khăn trong việc thu hoạch thời vụ cà phê. Vì thế mà một số hộ phải sang nhượng cho con cái, hoặc bán bớt để tinh giản diện tích cho vừa sức làm.
Bên phía người làm công cũng rất cần có công ăn việc làm cho những tháng ngày rảnh rỗi ở quê nhà, đồng thời, tạo cho bên chủ nông thu hoạch cà phê đúng thời vụ, thì cả anh cả chị, cả đôi bên đều có lợi.
Hai bên đối tác giữa chủ và thợ cần nhau là thế, nhưng trong cuộc làm ăn cũng gặp lắm điều trắc trở. Giá cả ngày công, vẫn là điều tiên quyết để hai bên thuận thỏa với nhau…
Vào thời điểm những năm 1990 giá một ngày công chỉ là 30 - 35 ngàn đồng với bữa cơm trưa của chủ. Thông thường những vùng xa như Trung Hòa, Hà Lan, Đức Minh… có giá cao hơn ở Châu Sơn chừng 5 ngàn đồng, vì lý do xa TP và vì những vùng đất đó có diện tích rộng lớn, rất cần một số lao động lớn.
Giá công người làm thường được quy ra thóc, cứ một công hái cà phê, mua được 15 ký gạo. Hiện nay giá công hái cà phê giao động từ 150 ngàn đồng đến 170 ngàn đồng.
Lúc này, nhà vườn đang phải lao đao đối mặt với nhiều khó khăn trong việc canh tác cây cà phê. Vốn cây cà phê đã có độ tuổi từ 20 năm đến 30 năm, đã quá lão hóa để cho năng suất rất thấp. Với diện tích 1ha chỉ cho từ 1 tấn rưỡi đến 2 tấn xem là được mùa lắm! Vậy mà năm qua, cà phê trải qua một mùa nắng hạn khô khốc kéo dài ở mùa tưới trước, khiến cho sản lượng có nhà vườn mất trắng, vì không đủ nước tưới vào mùa hạn, đành phải để cà phê khô héo thì lấy đâu ra sản lượng!! Số diện tích tưới tắm được mùa vừa rồi, cũng chỉ là đối phó thời vụ mà thôi, nên sản lượng 1 ha chỉ cho độ khoảng 1 tấn đến 1 tấn rưỡi là hết đát. Đã thế, thời giá cà phê giáp hạt lại rất bèo bọt chỉ ở giá 35 ngàn đồng/1ký. Thử làm một phép toán, lấy 1 tấn rưỡi cà phê nhân với thời giá 35 ngàn đồng/1 ký = 52 triệu đồng. Nếu tính trừ chi phí: xăng dầu, điện nước tưới tắm, phân bón, thuốc BVTV, công hái… thì 1 ha nhà vườn chỉ thu lãi được khoảng 25 triệu cho cả một năm canh tác. Thử hỏi 25 triệu đồng cho một gia đình ăn tiêu thì chỉ là muối bỏ biển mà thôi.
Nói lên thực tại này, để người làm công cùng chia sẻ và đồng cảm với những bĩ cực khó khăn kinh tế của người nhà vườn. Và để cho mối giao hòa giữa hai bên luôn được sự thuận thỏa và ấm êm cần thiết.
Đây là “mối lương duyên” CHỦ - THỢ được nối kết vào những mùa thu hoạch cà phê, rất đáng được duy trì “quan hệ song phương” một cách tốt đẹp và lâu dài, để đôi bên đều có lợi!
Nguyễn Vĩnh Căn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn