TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Anh em hãy sám hối

Thứ tư - 12/05/2021 22:48 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   813
Anh em hãy sám hối

Chúa Nhật I - MC – B

“Anh em hãy sám hối”

Sám hối là gì? Theo từ điển tiếng Việt phổ thông định nghĩa, sám hối có nghĩa là: ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình. Nói tới sám hối, có thể nói rằng, không một tôn giáo nào mà không kêu gọi người tín hữu của mình thực hiện việc sám hối.

Đối với người tín hữu Công Giáo, việc sám hối luôn được Giáo Hội nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đặc biệt nhất là vào “Mùa Chay”.

Mùa Chay, không tính các ngày Chúa Nhật, thường được kéo dài với khoảng thời gian 40 ngày, trước lễ Phục Sinh. Trọng tâm của mùa chay không chỉ là chay tịnh, nhưng còn là nhắc nhở chúng ta hướng về một thực tại đó là “Mầu Nhiệm Vượt Qua”, về cái chết hy tế và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, mang lại ơn cứu độ cho muôn người.

Giáo hội khởi đầu mùa chay bắt đầu bằng thứ tư “Lễ Tro” với tâm tình ăn năn sám hối. “Tro” là cách người xưa sử dụng để bày tỏ lòng ăn năn sám hối.

“Trong lịch sử, việc sử dụng tro như một dấu hiệu của sự sám hối, đã được Cựu Ước ghi chép lại, và Đức Giêsu, khi còn tại thế, Ngài cũng nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro (Mt 11, 21). Tertulianô, thánh Xyprianô, thánh Ambrôxiô, thánh Giêrônimô, thánh Augustino, và nhiều Giáo Phụ khác thường nhắc đến việc thực hành này, đặc biệt là trong tương quan với việc thực hành để khởi đầu một giai đoạn của sự sám hối công khai cho các tội trọng… Lúc đầu, nghi thức được thực hiện ngoài thánh lễ, nhưng rồi được đưa vào thánh lễ khoảng thế kỷ XII”. (x.Nguyễn Trọng Đa - Giải đáp phụng vụ: Làm phép tro và xức tro như thế nào?)

Vào ngày Lễ tro, sau phần Phụng vụ Lời Chúa, hình ảnh từng đoàn người lặng lẽ tiến lên cung thánh, có thể nói, là hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc. Họ tiến lên cung thánh một cách trang nghiêm, cúi đầu nhận tro qua bàn tay vị chủ tế trong tiếng nhạc thâm trầm du dương với những ca từ u uất nghẹn ngào: “Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro… một mai người sẽ trở về bụi tro…”.

Những lời ca đó gợi cho chúng ta nhớ đến lời tuyên phạt của Thiên Chúa, sau khi nguyên tổ Adam và Eva “sa vào chước cám dỗ” của Xa-tan: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St 3, …19).

“Sa vào chước cám dỗ”. Vâng, đó là một trong những vấn nạn của cuộc đời, nhất là cuộc đời của một người Ki-tô hữu. Ông Gióp, một nhân vật nổi tiếng trong Cựu Ước, trước vấn nạn này, cũng đã nghẹn ngào thốt lên rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Không chỉ riêng con người, mà ngay cả Đức Giêsu, là Con Một Thiên Chúa, nhưng khi đã trở nên người phàm, Ngài cũng đã phải đương đầu trước nhiều cơn cám dỗ của Xa-tan.

Thật vậy, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật I Mùa Chay, với trích đoạn Tin mừng Máccô (1, 12-15), đã thuật lại rằng: Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi đêm ngày”. Và như bao phàm nhân khác, Đức Giêsu cũng đã phải “chịu Xa-tan cám dỗ” (Mc 1, 13)

Với Tin Mừng Mác-cô, thánh sử không mô tả chi tiết về những cơn cám dỗ, nhưng chúng ta vẫn có thể tin rằng, Đức Giêsu đã chiến thắng tất cả mọi mưu ma chước quỷ mà Xa-tan đã xuất chiêu để cám dỗ Ngài.

Niềm tin này được dựa vào sự kiện “ông Gio-an”, người đã làm phép rửa cho Đức Giê-su, “bị nộp”.  Xét về một khía cạnh nào đó, cũng có thể nói, đó là một cơn cám dỗ nho nhỏ, “cơn cám dỗ sợ hãi”, một sự sợ hãi khiến cho Đức Giêsu nhụt chí không dám lớn tiếng rao giảng tại Galilê.

Nhưng không, Đức Giêsu đã không sa vào chước cám dỗ của Xa-tan. Ngài vẫn tiếp tục ra đi loan báo Tin Mừng. Vẫn hiên ngang công bố thông điệp cần công bố, rằng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

**
“Anh em hãy sám hối…”.
Chúng ta thường nghĩ rằng, tôi chẳng làm gì gây ra  tội lỗi, nên không cần ăn năn,  tôi sống ăn-ngay-ở-lành, không làm gì nên tội vì thế cần “quái” gì phải sám hối...

Nghĩ như thế là một sai lầm lớn. Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân. Từ đáy lòng của chúng ta, có ai mà không hơn một lần có những ý tưởng xấu, như: “ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ganh tỵ, chia rẽ, bè phái, say sưa…” v.v… Có ai dám khẳng định, những ý định này không bị hoàn cảnh chi phối, tạo ra dịp tiện dẫn đưa chúng ta vào con đường phạm tội!? 

Về chuyện này, Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phaolô đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Roma 3, 23).

Hãy nghe vua David diễn tả rõ nét hơn thân phận “phàm nhân” đầy tội lụy: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7). Đó…  đó, phải chăng đó chính là tội “nguyên tổ”, bản chất tội lỗi di truyền! Vì thế, có gì để chúng ta không hiểu, rằng: Nguồn nước dơ bẩn dẫn đến một dòng sông dơ bẩn.

Ai mà không hơn một lần sa chước cám dỗ! Vì thế, bốn mươi ngày chay thánh, không quá dài để mà chúng ta chần chờ, để mà chúng ta chậm chân trở về trong tâm tình sám hối.

Đừng quên,  Kinh Thánh có lời dạy rằng: “…Những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn… Các người chết được xét xử tùy theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách” (x.Kh 20, 11-12)

Nếu chúng ta không ăn năn sám hối, quay lại với Thiên Chúa, ngay hôm nay, thì, trong ngày phán xét, chúng ta sẽ phải đứng trước tòa án của Thiên Chúa và chịu trách nhiệm trước mặt Ngài về mọi hành động tội lỗi của mình.

***
Trở lại thông điệp của Đức Giê-su, hôm đó, Ngài còn mời gọi mọi người: “Hãy tin vào Tin Mừng”. Tin Mừng đó là tin mừng gì? Thưa, đó là Tin Mừng về một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa “là Đấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (x.Tv 145, 8).

Thật vậy, sự giàu tình thương của Thiên Chúa đã  cứu vớt nhiều tội nhân ra khỏi “sự cám dỗ” của Xa-tan. Lịch sử Cựu Ước, qua câu chuyện sa ngã của vua David, là một bằng chứng điển hình. 

Vua David dù đã “sa chước cám dỗ”, dù đã phạm tội tà dâm và sát nhân, nhưng, nhờ biết sám hối, nhận mình “đắc tội với Đức Chúa”, tình thương tha thứ của Thiên Chúa đã “bỏ qua tội của ngài, ngài không phải chết” (2Sm 12, 13).

Tin và cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa sẽ dứt dấy tâm hồn tội nhân sám hối. Và một khi người tội nhân thật sự sám hối, một sự thôi thúc mãnh liệt sẽ thúc đẩy người ấy thoát ra khỏi “cơn cám dỗ” để đứng lên trở về. Người con thứ trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” đã cảm nhận được điều đó và anh ta đã đứng lên trở về nhà cha.

****
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.  Không cần biết chúng ta đã nghe bao nhiều lần lời mời này, qua bao nhiêu Mùa Chay, trong đời ta. Chỉ cần biết rằng, ngay hôm nay, chúng ta đừng thờ ơ, phớt lờ lời mời gọi này. Chỉ cần biết, hôm nay, chúng ta hãy “xé lòng” để đón nhận lời mới này, hay không!

Thiên Chúa, Người đã làm tất cả. Người chờ đợi chúng ta đến để biện luận. Thiên Chúa, qua miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, đã cho chúng ta biết rằng: dù tội chúng ta “có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1, 18)

Vấn đề còn lại, đó là, chúng ta sẽ sám hối và tin vào Tin Mừng? Thánh Cyprian  có nói: “Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn rộng mở”.

Vâng, Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn-rộng-mở, nếu chúng ta thực hiện ngay lời mời gọi của Đức Giê-su, rằng: “Anh em hãy sám hối”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây