TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐẾN MÀ XEM

Thứ tư - 12/05/2021 22:36 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   867
ĐẾN MÀ XEM

Chúa Nhật II – TN – B

ĐẾN MÀ XEM

Bạn có phải là một Ki-tô hữu? Nếu phải, bạn có thể cho biết “cơ duyên” nào lôi cuốn bạn đến với niềm tin Ki-tô giáo? Vâng, với những câu hỏi nêu trên, có phần chắc, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau.

Sẽ có người trả lời rằng, thì đây, tôi quen một cô bạn Công Giáo, vì yêu và muốn kết hôn với cô ta, nên tôi theo đạo. Còn tôi ư! Có gì đâu, sinh ra trong một gia đình Công Giáo, được rửa tội khi còn nhỏ, tất nhiên tôi là một Ki-tô hữu. Cũng sẽ có câu trả lời rằng, cảm động trước những việc làm phúc đức vô vị lợi của những “ma soeur”, tôi theo đạo v.v…

Vâng, có thể nói rằng, xưa cũng như nay, đến với niềm tin Ki-tô giáo, mỗi người đều có một cơ duyên, và trong cái cơ duyên đó, phảng phất một hình bóng ai đó, như là “nhân tố” khiến cho họ đến với niềm tin, tin vào Đức Giê-su.

Thế nhưng, tin vào Đức Giê-su chưa đủ. Ma quỷ cũng tin có Chúa và nó run sợ trước quyền năng của Người. Chính vì thế “tin Chúa” rồi, còn phải “theo Chúa”.

“Tin và theo Chúa” không phải là chuyện của một sớm một chiều. Nhưng là một quá trình của sự “tìm để biết” Chúa là ai. Thật vậy, câu chuyện về những môn đệ đầu tiên theo Đức Giê-su, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an, có thể nói, như là minh chứng điển hình cho nhận định nêu trên. (x.Ga 1, 35-42).

Câu chuyện đó đã được kể lại rằng: Hôm ấy, khi ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu. (x.Ga 1, 37).

Đối với chúng ta hôm nay, có lẽ, không ít người sẽ tự hỏi rằng, động lực nào khiến hai người môn đệ của ông Gioan vội vàng “liền đi theo”, bởi, lời giới thiệu của ông Gioan về Đức Giê-su quá đơn giản, đơn giản cứ như là giới thiệu một “MC” cho một game show truyền hình!

Thật ra, nghĩ như thế chỉ vì chúng ta không phải là một người Do Thái. Tuy chỉ có năm chữ “Đây là Chiên Thiên Chúa”, nhưng với họ, nó còn hơn cả một “course” thần học về Đức Giêsu.

Thật vậy, với người Do Thái, họ rất thấu hiểu khi nhắc tới “chiên”. Chiên là một con vật gắn liền với đời sống tôn giáo của họ. Nói tới chiên, làm sao họ quên được ngày lễ vượt qua đầu tiên, ngày mà toàn dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Nhớ, ngày đó, cha ông họ được dạy bảo rằng, hãy giết một con chiên và lấy máu của con chiên đó bôi lên cửa nhà mình và nhờ dấu hiệu đó, thiên sứ Chúa vượt qua mà không giết hại con đầu lòng của họ.

Chính vì thế, đối với người Do Thái “Chiên” đồng nghĩa với “chết thay”, đồng nghĩa với “giải thoát” và cuối cùng đồng nghĩa với “cứu chuộc”. Bởi vậy, khi nghe thầy Gioan nói Đức Giêsu là “Chiên con của Đức Chúa Trời” hai người môn đệ không khỏi băn khoăn về “thần tính” của Đức Giêsu cũng như sứ mạng của Ngài.

Là môn đệ của ông Gioan tẩy giả, làm sao hai người môn đệ này lại không được nghe thầy mình nói nhiều về một nhân vật “đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”! Làm sao họ lại không được nghe thầy mình nói về một Đấng “xóa bỏ tội trần gian”!

Hành động “liền đi theo” nói lên rằng, hai môn đệ rất muốn biết rõ Đức Giêsu có thật là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” như lời thầy Gioan đã tuyên bố hay không…

Chính vì thế, khi họ đi theo Đức Giêsu và được Ngài hỏi “Các anh tìm gì thế?”, hai người môn đệ đã có một câu trả lời không ở trạng thái “hỏi thăm” nhưng ở trạng thái “tôn kính”, tôn kính Đức Giêsu như là bậc thầy của họ: “Thưa Rappi. Thầy ở đâu?”.

“Thầy ở đâu?”. Vâng, có thể nói, đó là một câu hỏi tỏ rõ quyết tâm “tìm để biết”, biết sự thật về Đức Giêsu của hai người môn đệ. Hôm đó, để đáp lại quyết tâm của hai người môn đệ, Đức Giê-su đã nói với họ rằng “Đến mà xem”. Nghe thế, hai môn đệ “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”.

Có một số người khi đọc đến đây thường tự hỏi: chuyện gì đã xảy ra khi hai người môn đệ đến chỗ Đức Giê-su ở. Liệu, khi mà “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” là giờ của buổi chiều tà, Đức Giê-su có mời các ông dùng cơm tối không? Và nếu có, trong bữa ăn, liệu Ngài có tỏ cho các ông biết câu chuyện “vượt qua” của Ngài?

Thưa, Tin Mừng không cho chúng ta biết, nhưng có một chuyện, hôm nay, ai cũng biết, đó là chuyện ông An-rê. Vâng, ông An-rê, nếu được phép, hãy gọi ông ấy là người chứng nhân đầu tiên của Chúa Ki-tô, hôm ấy, sau khi đã “tìm để biết” về Đức Giê-su, ông đã trở về nhà, “gặp em mình là ông Si-mon và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a’. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su”.

**
Câu chuyện này được trích trong Tin Mừng thánh Gioan với tiêu đề “các môn đệ đầu tiên”. Và qua đoạn tin mừng này, thánh Gioan đã vẽ lại tiến trình “tin và đi theo Chúa” của các ngài.

Với chúng ta hôm nay, có cần thiết để tự hỏi mình rằng, tiến trình “tin và đi theo Chúa” của chúng ta như thế nào? Có giống như các môn đệ năm xưa? Có nhanh chóng đáp lời mời gọi của Đức Giê-su, như Ngài đã mời gọi các môn đệ năm xưa, rằng “Đến mà xem”? Và, khi đã đến xem, chúng ta có trở về gặp một ai đó làm chứng với họ rằng “tôi đã gặp Chúa” rồi dẫn họ đến gặp Ngài?

Vâng. “Tin và theo Chúa” mới chỉ là một phần trong tiến trình của đức tin. Tin và theo Chúa còn phải trở thành chứng nhân cho Chúa, “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 24, 47).

Đừng bao giờ nghĩ rằng sứ mạng “rao giảng cho muôn dân” là công việc chỉ dành riêng cho các nhà truyền giáo, các linh mục, các tu sĩ. Đừng hạ thấp vai trò “chứng nhân” cho Chúa bởi vì đó là lệnh truyền của Ngài.

Rao giảng cho muôn dân hay là chứng nhân cho Chúa không ở đâu xa mà là ở ngay trong chính gia đình của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Nếu, trong mỗi gia đình Kitô hữu, mọi người luôn yêu thương nhau như yêu chính bản thân mình. Người chồng luôn nhận thức rằng “Yêu vợ là yêu chính mình”, đồng thời tránh xa tội gian dâm với kỵ nữ. Đó… đó cũng là một cách làm chứng về Chúa bằng hình thức, “tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6, 20).

Thế giới ngày hôm nay đang nhìn cung cách chúng ta làm chứng về Chúa, cho Chúa như thế nào. Triết gia Friedrich Nietzsche, khi nói về ơn cứu chuộc, ông ta đã có một lời tuyên bố đầy khiêu khích, rằng “Hãy chứng tỏ cho tôi thấy rằng anh thực sự được cứu, tôi mới tin vào Đấng cứu anh”.

Bằng cách nào chúng ta “chứng tỏ” cho mọi người thấy? Thưa, bằng cách làm theo lời thánh Phaolô khuyên dạy, rằng: “hãy làm gương về mặt đức hạnh”. Ngài nói tiếp, có như thế, người chứng nhân mới có thể “làm cho đạo lý của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, được rạng rỡ mọi bề” (Tt 2, …10).

Nói cách khác, khi ta “làm gương về đức hạnh”, những nhân đức như “tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, không nói xấu, không rượu chè say sưa, biết dạy bảo điều lành”, chính là lúc chúng ta làm cho đạo lý của Thiên Chúa “không bị người ta xúc phạm”. Lúc đó, dù cho có mười tờ báo, kiểu báo Charlie Hebdo, chuyên vẽ tranh biếm họa châm biếm tôn giáo, trong đó có Công Giáo, với bức tranh châm biếm về ba ngôi Thiên Chúa, về Chúa Hài Nhi sinh ra đầy thô tục, nó cũng không thể ngăn cản người ta “đến mà xem” tấm gương nhân đức, tấm gương về đức hạnh của chúng ta.

***
Bây giờ, chúng ta hãy trở lại lời mời gọi của Đức Giê-su. Vâng, Đức Giê-su đã mời gọi hai môn đệ rằng “Đến mà xem”, và tất nhiên là có tên chúng ta hôm nay.

Đừng biện luận rằng, Chúa Giêsu đã về trời rồi, làm sao tôi nghe được lời Ngài mời gọi “Đến mà xem” để mà “ở lại với Ngài” như hai môn đệ xưa kia.

Không… vẫn còn đó, văng vẳng tiếng Đức Giê-su, qua môi miệng các linh mục, mời gọi chúng ta, rằng “Đây Chiên Thiên Chúa. Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Không… vẫn còn đó, văng vẳng tiếng của Ngài, qua môi miệng các linh mục, mời gọi chúng ta “đến mà xem”, tất nhiên, không phải đến xem ngôi nhà năm xưa ở Na-da-rét, mà là “ngôi nhà tạm” trong mỗi nhà thờ và ở lại với Ngài qua Bí Tích Thánh Thể.

Xưa, các môn đệ đã ở lại với Đức Giê-su nên họ mới có thể nhận ra Ngài chính là “Đấng Mê-si-a”. Cũng vậy, với chúng ta hôm nay, chỉ khi chúng ta ở lại với Ngài qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta mới có thể nhận ra Ngài chính là “Đấng Cứu Độ” trần gian.

Chính vì thế, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình rằng: tôi đã nghe lời Chúa gọi, đã đến “ngôi nhà tạm” thân yêu và đã ở lại với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể?

Nếu đã nghe, đã đến và đã ở, vâng, đó không chỉ là hành trang cho cuộc hành trình loan báo Tin Mừng của chúng ta, mà còn là bằng chứng thuyết phục mọi người rằng, tôi đã vâng lời mời gọi của Đức Giê-su “đến mà xem”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây