TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bị bắt giò: Càng vui

Thứ tư - 27/10/2021 06:31 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   929
Nghe Chúa dạy khi được mời dự tiệc cưới đừng dành chỗ nhất vì có khi sẽ bị hố nặng và mất thể diện, nhưng hãy chọn chỗ cuối để được nở mặt nở mày khi người ta mời lên trên.
Bị bắt giò: Càng vui

BỊ BẮT GIÒ: CÀNG VUI
(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXX TN – Lc 14,1.7-11)

Nghe Chúa dạy khi được mời dự tiệc cưới đừng dành chỗ nhất vì có khi sẽ bị hố nặng và mất thể diện, nhưng hãy chọn chỗ cuối để được nở mặt nở mày khi người ta mời lên trên. Ôi lạy Chúa, con nghe thấy sao sao đó. Cái ông dự tiệc cưới cố tìm chỗ cuối để được oai phong khi người ta mời mình lên chỗ trên xem ra kiêu ngạo gấp ba lần ông thoạt ngồi trên bị mời xuống dưới. Đang khoái chí vì đã bắt giò được Chúa thì bỗng há miệng vì thấy Chúa Giêsu mỉm cười.

Người nhỏ nhẹ: “Con bắt giò Ta là đúng mục đích Ta nhắm. Qua thể văn ngoa ngữ, Ta muốn người nghe chú ý hơn trọng tâm điều muốn nói. Điều Ta lưu ý là hãy cẩn trọng với mọi hình thức tham danh. Vì đó là một hình thức của sự kiêu ngạo. Hãy biết sống khiêm nhu cách đích thực”. Vâng lời Chúa chỉ bảo chúng ta cùng xét xem đôi điều về sự khiêm nhu.

Khiêm nhu hay khiêm nhường được hiểu như là động thái hạ mình xuống để nhường phần hơn cho tha nhân. Tuy nhiên đây mới chỉ là khái niệm theo chiều kích nhân bản. Nó còn đó sự hạn chế, vì con người thường chỉ thấy các dữ kiện bên ngoài. “Sông sâu còn có kẻ dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng” (Ca dao). Trong cuộc sống, không thiếu gì những cách sống kiểu “khiêm nhường ống điếu” như chuyện người tìm chỗ cuối để rồi được mời lên chỗ trên cao.

Khiêm nhu đích thực dưới ánh sáng đức tin là chân thành, thẳng thắn sống như mình là, đặc biệt hơn cả là sống theo “cái là nền tảng” đó là “con người”. Là loài người thì cao trọng hơn hết các loài thụ tạo hữu hình được dựng nên. Nét cao trọng của loài người được tỏ lộ qua hai cơ năng của linh hồn đó là trí khôn biết suy tư phản tỉnh và sự tự do được chọn lựa. Bên cạnh nét cao trọng của loài người thì lịch sử cho thấy đã và đang tồn tại nhiều vết nhơ và cả sự tủi nhục của loài người, cũng xuất bởi hai cơ năng ấy. Khi thẳng thắn và chân thành nhìn nhận và chấp nhận hiện thực này thì chúng ta mới thực sự là khiêm nhu.

Một hiện tượng khá phổ biến trong sinh hoạt Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong các bữa tiệc nhân lễ khánh thành Nhà Thờ, nhà giáo lý hay lễ cử hành bí tích Thêm sức nào đó thì các linh mục thường né cái bàn của Đức giám mục ngồi ăn. Ban tổ chức tìm cách mời một số linh mục ngồi chung bàn với giám mục nhưng rồi chỗ bàn vẫn không lấp đầy. Cũng thế, khi có tiệc riêng tại giáo xứ thì ít có vị Hội Đồng giáo xứ hay Ban Hành giáo nào “dám” ngồi chung bàn với cha xứ. Tôi thường nghe quý cha nói với nhau: “Mình ngồi với nhau dưới này tự nhiên hơn”. Có đấng khôi hài: “Tránh voi chẳng hổ mặt nào”. Ngồi lên đó coi chừng bị xem là phường “chơi leo”. Các vị chức việc trong giáo xứ, giáo họ thì cũng nói những lời tương tự.

Chúa Giêsu đã từng mời gọi các môn đệ và dân chúng rằng: “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhượng” (Mt 11,28). Sự khiêm nhu của Đấng Cứu Thế không chỉ được tỏ hiện bằng lòng khoan dung, hiền hậu của Người cách đặc biệt với những người bé mọn mà còn được thể hiện bằng việc Người luôn tự xưng và sống như là “Con Người”. Dù được dân chúng xem như xuất thân từ làng quê nghèo Nagiarét, nơi không có gì đáng nói, nhưng Người vẫn cho dân chúng kinh ngạc vì Thiên Chúa đã ban cho con người nhiều quyền năng cao cả (x.Mt 9,8). Dù là Con chiên vẹn tuyền vô tì tích nhưng Người vẫn can đảm mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền và cả hậu quả của tội lỗi nhân gian vào chính bản thân mình (x.Mt 8,5-17).

Chính sự khiêm nhường đích thực của Chúa Giêsu đã khiến cho nhiều người tội lỗi công khai, nhiều người phung cùi, người khốn khổ, bất hạnh… không ngại ngần đến gần và đụng chạm đến Người. Người ta vốn dễ gần gũi thân mật với nhau khi cảm nhận có cái gì đó tương đồng, ngang hàng với nhau. Vào thăm các nhà dòng nam, tôi nhận thấy tại bàn cơm của cha Bề Trên Giám Tỉnh thì vẫn có đó bầu khí tự nhiên giữa các linh mục lớn bé trong dòng. Trái lại tại bàn cơm của một vài giáo phận ở Tòa Giám Mục, khi vắng Giám mục giáo phận thì quý cha nghỉ hưu và số đang làm việc tại Tòa nói chuyện rôm rả, thoải mái vui tươi. Nhưng khi có sự hiện diện của Đấng Bản Quyền thì dường như không khí bữa ăn trầm hẳn lại!

Chưa hẳn nhắc mình lên thì đã là kiêu ngạo. Cũng chưa hẳn hạ mình xuống thì đã là khiêm nhu. Hãy sống và hành xử như mình là, với cái là căn bản là con người, con cái của Thiên Chúa thì hầu chắc chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa. Vì khi ấy chúng ta cách nào đó là học trò, là môn đệ của Chúa Giêsu. Thưa Chúa Giêsu, con to gan bắt giò Chúa nhưng Chúa lại thấy vui hơn. Và nhờ đó con lại có dịp giác ngộ và hiểu hơn thế nào là khiêm nhường.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây