TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Trực diện vấn đề

Thứ ba - 26/10/2021 07:58 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   991
“Ai trong các ông có đứa con trai, hoặc con bò sa xuống giếng mà lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sabbat?”
Trực diện vấn đề

TRỰC DIỆN VẤN ĐỀ
(Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXX TN – Lc 14,1-6)

Chuyện kể như giai thoại về Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (Angelo Giuseppe Roncalli). Thời gian còn là sứ thần Tòa Thánh tại Paris (1944-1953) trong một lần dự tiệc, người ta cố tình sắp xếp chỗ ngồi ăn của ngài Roncalli ngồi đối diện một mệnh phụ phu nhân mặc áo hở ngực hơi quá và trên cổ có đeo dây chuyền có tượng Chúa chuộc tội bằng vàng óng ánh khá lớn. Và họ chờ xem ngài Angelo Giuseppe Roncalli vốn được xem là trong sáng, hiền hòa và vui tươi sẽ phản ứng như thế nào. Họ dự đoán ngài sẽ lúng túng và ngượng đỏ mặt. Họ chưng hửng vì thấy ngài không tránh mặt mà thản nhiên nhìn và mỉm cười. Vị khách quan ngồi bên cạnh tò mò: “Sao ngài lại cười mỉm? – Ngài dí dỏm đáp ngay: “Vì tôi thấy mình là giám mục rồi mà còn phân vân về cảnh Chúa Giêsu chịu chết. Tin Mừng tường thuật Chúa Giêsu chịu chết trên một ngọn đồi, còn ở đây tôi thấy Chúa chết ngay thung lũng giữa hai ngọn đồi”. Cả phòng tiệc đều cười vui vẻ, chỉ có một mệnh phụ thì không mấy vui. Nhiều khi cũng cần có sự thẳng thắn, trực diện vấn đề mà người ta cố tình giăng ra.

Hầu chắc khi được vị thủ lãnh nhóm biệt phái mời dùng bữa trong ngày Sabbat, Chúa Giêsu không hề biết mưu kế của ông và dĩ nhiên có sự toa rập của nhiều người khác. Vào dùng bữa thì này có một người bị bệnh phù thũng người ta cho ngồi đối diện mà hầu chắc không phải là thực khách được mời. Tin Mừng ghi: “họ cố dò xét Người”. Họ đang chờ phản ứng của Chúa Giêsu. Bấy lâu nay nghe tin đồn rằng Thầy Giêsu nhiều lần vi phạm lề luật, nhất là luật sạch nhơ và luật ngày lễ nghỉ (Sabbat). Giờ phải đưa Người vào thế bí để xem thực hư tin đồn ra sao. Họ đã kinh ngạc trước cung cách hành xử của Chúa Giêsu và lời giải thích của Người.

Sau khi đỡ người bị bệnh phù thũng lên và chữa lành, Chúa Giêsu nói với chủ nhà và thực khách hôm ấy: “Ai trong các ông có đứa con trai, hoặc con bò sa xuống giếng mà lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sabbat?” Tin Mừng ghi tiếp: “Và họ không thể đáp lại những lời đó”. Họ không thể đáp lại là phải vì họ vốn là những nhà thông luật thì phải nắm rõ mục đích ý nghĩa của việc giữ ngày lễ nghỉ.

Luật ngày lễ nghỉ là một trong những cách thế để dân Chúa xưa xác định mình thuộc về Thiên Chúa, Đấng tối cao. Không chỉ nhớ lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa, mà đã là loài thọ tạo thì phải hiện hữu, sống và hoạt động như Đấng Tạo Thành (x.St 1). Và Dân Chúa còn phải nhớ xưa cha ông họ đi trong hoang mạc 40 năm ròng rã cũng đã giữ ngày Sabbat qua việc lượm manna trước ngày nghỉ, phần lương thực từ trời gấp đôi để dành cho hôm sau nghỉ ngơi (x.Xh 16). Giữ ngày sabbat cũng là tưởng nhớ việc Thiên Chúa giải thoát dân tộc ra khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa đồng thời hướng đến thời của Đấng Thiên Sai sẽ đến.

Ý nghĩa của việc giữ ngày lễ nghỉ còn là dịp để dân tụ họp đọc, học hỏi Thánh Kinh, dâng lời tri ân cảm tạ lên Thiên Chúa, sống tình yêu hiệp nhất giữa các thành viên gia đình và với bà con xa gần qua việc mời khách dự tiệc trong ba bữa ăn khá thịnh soạn khởi đi từ chiều tối hôm trước ngày nghỉ lễ (theo Do Thái giáo một ngày bắt đầu từ chiều tối hôm trước, khi mặt trời lặn). Danh mục 39 việc không được làm trong ngày Sabbat như cày cấy, gieo hạt, thu hoạch, tuốt lúa, dệt tơ, nhuộm chỉ, giết mổ, nhóm lửa… là cốt để giải phóng cho tạo vật là loài vật, cây cỏ, đất đai… cũng được nghỉ ngơi.

“Ai trong các ông có đứa con trai, hoặc con bò sa xuống giếng mà lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sabbat?” Chúa Giêsu đã trực diện vấn đề ngay với những người đang dò xét mình. Và qua đó Người khẳng định rằng nhiều khi vì quá vụ luật mà người ta bỏ quên mục đích và ý nghĩa của luật. Khi kết nối con bò với con trai trong tình trạng sa xuống hố thì phải chăng Chúa Giêsu mặc nhiên trách cứ nhiều biệt phái thời bấy giờ vì quá câu nệ lề luật, câu nệ cách thế áp dụng lề luật mà họ đặt ra mà vô tình hay hữu ý đối xử với con người thua cả loài vật!

Dù rằng khi đối nhân xử thế thì cần có sự tế nhị. Tuy nhiên có nhiều trường hợp liên quan đến sự sống, phẩm giá của tha nhân, nhất là người nghèo, người kém phận thì chúng ta phải trực diện vấn đề, không được né tránh quanh co. Dĩ nhiên luôn có đó sự phật lòng và có cả sự phẫn nộ, giận ghét của những ai đó. Sự thường của rẻ thì của ôi. Không có sự gì tốt đẹp mà không phải trả giá. Quy luật như tất yếu thế thôi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây