Vòng hạt và sự bình an
TGPSG-- Trời đã dần khuya, những ánh đèn hắt ra từ các phòng bệnh làm sáng lối đi. Tôi cùng với một thầy đi rảo qua các phòng, xem bệnh nhân có cần gì muốn giúp không. Ông lão vẫn chưa ngủ. Chắc do tã ướt không ngủ được chăng? Nhưng không, tã vẫn ráo.
Tôi buột miệng hỏi: có phải ông mệt nên không ngủ được? Hay ông đói bụng? Có cần gì thì bảo, con sẽ giúp cho. Ông hãy nhắm mắt ngủ để bệnh tình chóng qua - mau khỏe. Lúc này thầy đi cùng với tôi lên tiếng:
“Ông ơi, ông có bình an không? Trong lòng có điều gì băn khoăn chăng?”.
Mắt tôi chữ O, miệng chữ A vì quá bất ngờ với câu hỏi của thầy, nhưng tôi còn ngạc nhiên hơn nữa với câu trả lời kèm theo cái lắc đầu chán nản của ông: “Không, tôi không bình an.”
Ông lão chắc tầm tuổi của cha tôi, khuôn mặt hằn lên những vết nhăn, có thể do tuổi tác, hoặc những vất vả trong cuộc sống đã tạo nên. Khuôn mặt tỏ rõ những nỗi lo lắng vì đã ở bệnh viện khá lâu. Ông lão đưa mắt nhìn, tỏ rõ sự mệt mỏi và nói rằng; không biết bao giờ mới được về nhà, bây giờ trong người rất mệt, ho nhiều kèm theo những bệnh nền như suy thận, viêm phổi…
Có lẽ đây là bệnh nhân đầu tiên nói với chúng tôi họ không bình an. Nếu đứng trước hoàn cảnh này, bạn sẽ làm gì? Còn tôi, tôi chỉ biết nói với ông rằng; hãy cố gắng đừng lo nghĩ gì, để tâm hợp tác cùng với bác sĩ chữa trị rồi ông sẽ mau khỏe lại. Bên cạnh ông, còn có đội ngũ bác sĩ, các anh chị điều dưỡng và những tình nguyện viên như chúng con đây.
Lại giọng người thầy đi cùng tôi cất lên đầy xúc cảm. Ông có muốn mình được bình an? Mắt ông lão nhướng lên như thể đã tìm thấy được một niềm Hy vọng. Và rồi, thầy đã dạy cho ông lão một câu cầu nguyện, câu mà khi xưa người thu thuế đã thưa cùng Chúa, trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con” (Lc 18: 9 - 14). Rồi tôi tiếp theo lời Thầy: Con tặng ông vòng hạt này, đọc một câu thì ông lần qua một hạt, ông có thể đọc bất cứ lúc nào mình cảm thấy bất bình an. Và ông bắt đầu đọc “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”, “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”. Cứ thế, ông lặp đi lặp lại…
Những ngày sau đó, mỗi khi làm tới phòng bệnh của ông lão, tôi nán lại lâu hơn để chuyện trò cùng ông, tôi thường hỏi ông rằng ông đã bình an chưa? Ông còn nhớ câu thầy đã dạy để giúp mình được bình an không? Ông cười hiền hậu và nói rằng trong người đã bình an hơn. Với trí nhớ của người đã nhiều tuổi, ông nhớ câu được câu mất. Cứ mỗi lần như thế, tôi đã cùng ông lặp lại.
Bỗng một ngày ông lão nói với tôi, ngày mai ông được xuất viện. Tôi cảm thấy vui với niềm vui của ông, xin chúc mừng vì ông đã khỏe. Thế nhưng, khuôn mặt của ông lúc này vẫn phảng phất nỗi buồn man mác. Ông nói bâng quơ; “Bây giờ về nhà đã tan, cửa cũng nát”. Tôi gặng hỏi thì ông mới bảo rằng; bà xã ông đã qua đời do dịch bệnh cách đây hai mươi ngày, người con trai duy nhất của cũng đang điều trị tại một bệnh viện, do bị nhiễm covid.
Tôi lặng người không biết phải nói điều chi, bởi nỗi đau mất đi người bạn đời tri kỷ, Covid đã lấy đi sự bình an trong tâm hồn của ông. Tôi cũng thấu hiểu tâm trạng của ông giờ này. Hành trang mà ông mang theo về lại mái nhà thân yêu nay đã vắng bóng người mà ông thân thương, chỉ có vỏn vẹn chiếc điện thoại cũ kỹ và tràng hạt tôi tặng, ông đã gói ghém cẩn thận và cho vào chiếc thẻ đeo trước ngực. Dẫu biết rằng ông không cùng tôn giáo với mình, nhưng tôi vẫn nói với ông rằng Chúa của tôi rất thương ông, lắm người nằm lâu như ông đã đi về nơi yên nghỉ lâu rồi, còn ông thì đã được chữa khỏi. Tôi sẽ nói với Chúa của tôi về ông và gia đình ông để, xin Chúa cũng cho ông và gia đình luôn bình an nhé. Chúc ông sức khỏe.
Vâng! Tiền bạc, chức quyền, sắc đẹp, tài năng, tri thức chẳng là gì, vì tất cả những thứ đó sẽ qua đi theo năm tháng. Nhưng đứng trước thiên tai dịch bệnh, nỗi cô đơn… con người ta không mong gì hơn: đó là sự bình an- bình an trong tâm hồn. Dịch bệnh covid đã dạy cho tôi, cho ông và cho tất cả chúng ta, cuộc đời con người thật đáng thương: vất vả lo toan kiếm tìm của cải vật chất danh vọng… để làm gì? Khi đứng trước sự cô đơn mất người thân, nỗi chán chường của đau khổ và dịch bệnh thì con người cần gì? chắc hẳn đó là sự bình an.
Trong Thánh lễ mỗi ngày, cha chủ tế luôn mời gọi: “Anh em hãy chúc bình an cho nhau” hoặc “Chúc anh em ra về bình an”. Tôi và bạn, trong cuộc đời đã tham dự rất nhiều Thánh lễ, và cũng đã rất nhiều lần nghe những đoạn Lời Chúa nói về sự bình an, nhưng bạn và tôi đã có sự bình an đích thực chưa? Thiết nghĩ bình an không phải là vắng bóng sự đau khổ, không phải là không có những sóng gió trong cuộc đời, nhưng trong sự đau khổ- sóng gió ấy vẫn có sự bình an, và chỉ trong Chúa con người mới thực sự bình an. Như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Con xin tạ ơn Chúa vì con thật diễm phúc khi Chúa ban cho con biết Chúa và xác tín rằng chỉ có Chúa mới đem lại cho con người sự bình an đích thực. Xin Chúa hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để mọi người con được phục vụ cũng nhận ra tình yêu của Chúa nơi những công việc nhỏ bé, âm thầm của chúng con.
Bệnh viện Hồi Sức Covid 19
Bích Huyền - MTG Đà Lạt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn