TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bí Tích Hôn Phối – NVMN 25.4.2021

Chủ nhật - 25/04/2021 09:17 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1372
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. (Mt 19,6)
Bí Tích Hôn Phối – NVMN 25.4.2021
Bí Tích Hôn Phối – NVMN 25.4.2021
Niềm Vui Mỗi Ngày

“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4

25 tháng 4.2021

 
Bí tích hôn phối

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

Chúa nhật IV mùa phục sinh, cũng được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Vào năm 1964, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã chọn ngày này để cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu. Nhân Ngày cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp với chủ đề: Thánh Giuse: Ước Mơ Của Ơn Gọi.
Đức Thánh Cha diễn giải ba từ khóa mà Thánh Giuse gợi cho chúng ta ơn gọi của mỗi cá nhân: đầu tiên là ước mơ, phục vụ và trung thành thực thi. Chính qua việc lắng nghe và thi hành mọi ý muốn của Thiên Chúa, ngài trở thành “người bảo vệ Chúa Giêsu và Giáo hội, như người bảo vệ các ơn gọi.” (1)

Niềm vui nhân đôi, khi một người anh chọn ngày này để tổ chức đám cưới cho con. Ngang qua gia đình, cũng được gọi là “Hội Thánh tại gia”, mọi ơn gọi được nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ, như cuộc đời thánh Giuse đã nêu gương cho chúng ta.

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly”. (Mt 19,6)

 


Đây là câu Lời Chúa mà những cặp đính hôn thường viết lên thiệp mời đám cưới của mình. Câu Lời Chúa này nhắc nhở đôi bạn và người kitô hữu một điểm quan trọng của hôn nhân Kitô giáo là bất khả phân ly. Tình yêu đôi lứa được gắn kết với nhau cho đến trọn đời, cho đến hơi thở cuối cùng.

Thời gian gần đây, tôi nhận được khá nhiều thiệp cưới của bạn bè, họ hàng ... người công giáo mà không thấy câu Lời Chúa này nữa. (Có người chọn một câu khác, tỉ như Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu của chúng con hôm nay và mãi mãi). Không biết vì lý do nào mà câu Lời Chúa này không còn hiện diện trên thiệp cưới của người tin Chúa? Phải chăng vì muốn hội nhập “văn hóa”? Hội nhập “xã hội”? Phải chăng vì muốn hòa đồng với mọi người?

Trước khi tiến tới hôn nhân, các tín hữu Kitô được tìm hiểu những điều căn bản về giáo lý như sau:

* Bí tích Hôn Phối là việc hai tín hữu Kitô, một nam một nữ, ưng thuận kết ước thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.

* Cử hành Hôn Phối là đón nhận ơn Chúa để chu toàn hai mục tiêu của đời sống hôn nhân và gia đình :

- Giúp phát triển tình yêu, tương trợ, bổ túc cho nhau trong mọi lãnh vực, và chủ yếu là trong đời sống tính dục.

- Hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái : Hội Thánh không còn coi truyền sinh như là chủ đích duy nhất và bắt buộc của hành vi vợ chồng nữa (Hôn nhân của những người già và son sẻ), nhưng ai chọn lựa bí tích này đều phải mở ngỏ cho việc sinh sản.

* Từ ngàn xưa đến nay, dù sống trong bất cứ nơi nào, bối cảnh văn hoá nào, Hội Thánh đều chủ trương :
- Đơn hôn, nghĩa là một vợ một chồng.
- Vĩnh hôn, nghĩa là bất khả phân ly, không ly dị vì dây hôn phối chỉ cắt đứt khi một trong hai người qua đời.

* Đôi nam nữ được coi là thừa tác viên ân sủng của Chúa Kitô, họ ban bí tích cho nhau và nhận bí tích của nhau khi tỏ bày sự ưng thuận kết hôn trước vị chứng hôn hợp pháp của Hội Thánh. (2)

Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. “Nhờ ân sủng này, họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái” (x. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, 11).  Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1642 viết : “Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng đặc biệt này. Như xưa, Thiên Chúa đến gặp Dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành, thì ngày nay, Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Hội Thánh cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn phối. Ngài ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để họ vác thập giá theo Ngài, để họ chỗi dậy mỗi khi sa ngã, để họ tha thứ cho nhau, mang gánh nặng cho nhau, “phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21), và yêu thương nhau với một tình yêu siêu nhiên, tế nhị và phong phú. Trong khi họ vui hưởng tình yêu và cuộc sống gia đình, Ngài ban cho họ, ngay từ đời này, được nếm trước hạnh phúc Nước Trời.”

* Tình yêu là yếu tố nền tảng làm nên hạnh phúc gia đình, song tình yêu không phải là yếu tố pháp lý cấu tạo hôn nhân. Nghi thức làm nên hôn nhân Kitô giáo là việc đôi nam nữ bày tỏ sự tự do ưng thuận kết hôn trước sự chứng hôn của Hội Thánh. Dấu chỉ cốt yếu của bí tích Hôn Phối là lời ưng thuận kết hôn và việc kết hợp vợ chồng sau đó ; song chỉ cần bày tỏ lời ưng thuận kết hôn thì đã đủ để cho bí tích thành sự. Các nghi thức trao nhẫn, ký sổ chỉ là kỷ niệm để nhắc nhớ, có thể bỏ qua. (3)

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly”. (Mt 19,6)

Câu Lời Chúa này luôn nhắc nhở những đôi bạn, bất kỳ tuổi này, nhìn lại đời sống của mình. Chúng ta đã sống với người phối ngẫu của mình như thế nào? Yêu thương, nâng đỡ, che chở, bảo vệ ... người bạn đời ra sao? Và trong việc giáo dục con cái, người làm cha, làm mẹ, có chu toàn bổn phận của mình chưa? Có là người bảo vệ các ơn gọi hay không? Một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng thật sâu sắc đối với người Kitô hữu.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...

                                                       Nguyễn Thái Hùng


+++++++++++++

(1) https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-03/su-diep-dtc-phanxico-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-on-goi.html

2,3.http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/tusachgiaolygp/GLDuTong/Bai21.htm



 




 



 

 
 Tags: nvmn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây