TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cánh Tay Uy Quyền

Thứ tư - 05/05/2021 10:54 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   993
Biểu tượng của cánh tay chỉ rõ về uy quyền và sức mạnh.
sangtao[2]
sangtao[2]

Cánh Tay Uy Quyền

 

Biểu tượng của cánh tay chỉ rõ về uy quyền và sức mạnh. Có hai khía cạnh về uy quyền và sức mạnh. Khía cạnh thứ nhất, cánh tay biểu dương sức mạnh của bạo lực, bàn tay sắt, sát thủ hoặc bàn tay nhơ bẩn, nhúng sâu vào tội ác. Khía cạnh thứ hai, cánh tay cũng biểu hiện sáng tạo, tính quảng đại, nâng đỡ, cứu giúp và ban phước lành. Cũng thế, có hai cách thế sử dụng vương quyền, và đôi khi sử dụng cả hai chiều kích khác nhau để xác định vương quyền.

Cánh tay của kẻ dữ.

Thuộc về sức mạnh của ma quỷ: Ma quỷ có một sức mạnh gây rối loạn, làm mờ ám tâm trí, suy yếu về tinh thần, dẫn dụ bằng xảo trá, cai trị bằng bàn tay sắt. Cánh tay của ma quỷ được nói đến trong Thánh Kinh, có một sức mạnh siêu phàm: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.” (Ep, 6, 11 – 12).

Thuộc về thế giới trần tục: Con người đôi khi quy hướng về của cải, danh vọng, địa vị, quyền hành ở đời này một cách thái quá, đánh mất đi tính người trong chữ con. Lấy những điều thuộc về ma quỷ làm lẽ sống, dùng quyền lực tối tăm để thỏa mãn hưởng thụ, làm nguyên nhân đau khổ cho người khác. Luôn có những người mất hết tính người, nên sự đắm mình hơn nữa vào trong thế giới trần tục luôn là mối nguy hiểm, khi hằng ngày luôn bị lôi kéo bởi những quảng cáo và phô trương. Tỉnh thức và cầu nguyện là một phương thế để tránh mối hiểm nguy của tục hóa làm mất cõi thiêng trong con người.

Quyền lực của kẻ mạnh: “Luôn luôn phải bảo vệ kẻ mạnh chống lại kẻ yếu” (Nietzsche). Thiên về sức mạnh, quyền uy luôn phải được bảo vệ bằng bạo lực, nhưng thực chất sức mạnh của kẻ mạnh luôn tiềm ẩn sự suy yếu ngay trong chính nó và sức mạnh có ngày tự tiêu hủy. Chính vì vậy, quyền của kẻ mạnh không luôn luôn thắng, chỉ nhất thời và những kẻ yếu xu thời theo nó. Thánh Phaolô nói về quyền lực của kẻ mạnh được sánh ví như cuộc chiến nội tâm (Rm 7, 14 – 25). Cuối cùng vẫn thắng được nó nhờ sức mạnh của Chúa Kitô: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24 - 25).

Cánh tay của kẻ quy phục: Luôn thấy khi khống chế hay bắt giữ một người, người bị khống chế luôn được kêu gọi “đưa hai tay lên đầu” hoặc còng tay người bị bắt giữ. Hành vi này nói lên những điều cơ bản: Quy hàng không điều kiện, biểu lộ thua cuộc trong cuộc chiến, quy phục hoàn toàn kẻ chiến thắng. Theo biểu tượng của lý trí, là chịu khuất phục, bỏ cuộc đấu lý, phó mặc ý muốn cho kẻ thắng. Trong cuộc sống, có nhiều sự quy phục khác nhau, như trong nghiện ngập, buông theo cuồng vọng, bỏ mặc cho đam mê, buông thả cho xác thịt… Rất nhiều hình thức khác nhau để đánh mất chính mình.


Cánh tay của Thiên Chúa.

Cánh tay sáng tạo: Chính bàn tay Thiên Chúa đã làm nên trời đất (Is 66,2), cánh tay uy quyền và sức mạnh vĩ đại của Người đã tạo thành càn khôn (Ge 32,17). Trong quan niệm của người Do Thái, Thiên Chúa dùng bàn tay uy quyền của Người để giải thoát họ ra khỏi đất Ai Cập, cũng chính bàn tay ấy sáng tạo nên con người và muôn loài. Vì vậy, khi nói về bàn tay Thiên Chúa sáng tạo là cũng muốn nói đến Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, mời gọi tín thác hoàn toàn nơi Người.

Cánh tay biểu lộ quyền năng: “Chúa giơ cánh tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51). Cánh tay Thiên Chúa mang hai chiều kích, dẹp tan và nâng dậy. Chính vì thế, trong nội tâm mỗi người để Thiên Chúa làm việc, tội lỗi bị phá hủy và nâng dậy sự yếu đuối của con người. Thánh Phaolô nói về sức mạnh của Thiên Chúa “ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." (2Cor 12, 8). Đức Trinh Nữ Maria cảm nghiệm trong lịch sử Dân do Thái của mình từ bao đời: “Thiên Chúa lật đổ kẻ kiêu căng” để xác tín trong niềm phó thác “xin vâng” của ngài.

Cánh tay chữa lành: Nhiều lần Chúa Giêsu dùng cánh tay của Ngài chữa lành khỏi ma quỷ, bệnh tật và ban phúc lành. Cánh tay là để nối kết, trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người, con người chịu nhiều đau khổ do hậu quả của tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Người để đập tan xiềng xích tội lỗi, biểu trưng bằng hai cánh tay giang ra tên Thập Giá. Tội lỗi bị tiêu diệt,con người được cứu thoát.

Cánh tay biểu lộ công lý và luật pháp. Người viết thập giới trên hai tấm bia (Xh 31, 18; Đnl 9, 10), Chúa Giêsu lấy ngón tay viết trên đất trong vụ án người phụ nữ ngoại tình. (Ga 8, 6). Cậy dựa vào Thiên Chúa để sống đời sống công chính, vì Chúa sẽ dùng “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32). Cường bạo áp đặt công lý sẽ thất bại, bởi vì kẻ dùng “gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26, 52). Thiên Chúa ra tay vào đúng thời, đúng lúc của Người (Gv 3, 11).

Cánh tay biểu lộ Chúa Thánh Thần. Tất cả công trình tạo dựng, chữa lành, giải thoát, công lý… đều biểu lộ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Để thấy thành quả của Chúa Thánh Thần hoạt động nơi con người, Thánh Phaolô gợi ý nhìn vào hoa trái: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ “ (Gl 5, 22). Người được đầy tràn Chúa Thánh Thần là người luôn tràn đầy ơn phúc như Đức Maria, sống cuộc đời luôn “Tụng ca Thiên Chúa, đã làm cho tôi những điều trọng đại”. (Magnificat).

Để kết luận, trong tâm tình phó thác và thưa lên theo Thánh Vịnh 31: “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín.”

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây