Chúa Nhật XXIV - TN – C
Bữa tiệc ân sủng
Nét đẹp của Ki-tô giáo chính là tình yêu thương. Nếu tông đồ Gioan nói “Thiên Chúa là tình yêu”, thì Đức Giê-su cho biết, Người “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’.
Tình yêu của Thiên Chúa còn được Đức Giê-su mô tả như là một thứ tình yêu của sự chậm giận và hay thứ tha, của sự bao dung và lòng thương xót. Và, không để mọi người phải nghe những lời truyền dạy đó một cách mơ hồ, Ngài đã diễn tả bằng nhiều dụ ngôn rất sát thực với đời thường. Một trong những dụ ngôn đã khiến cho nhiều người phải thổn thức về sự bao dung và lòng thương xót của Thiên Chúa, đó là “Dụ ngôn người cha nhân hậu”.
**
Qua ngòi bút điêu luyện của thầy thuốc Luca, dụ ngôn đó đã được ghi lại như sau: “Một người kia có hai con trai”.
Hai cậu quý tử ư! Vâng, quả là đẹp đôi theo quan niệm của chúng ta thời nay. Thế nhưng, thật đáng tiếc đối với gia đình này. Một trong hai người con đã làm cho vẻ đẹp này tan nát.
Đó là người con thứ. Chẳng biết anh ta mắc chứng gì mà lại yêu sách đòi người cha chia gia tài. Vâng, rất lễ phép, anh ta nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”.
Phần tài sản con được hưởng ư! Tất nhiên là được rồi. Thế nhưng, đòi chia ngay bây giờ, quả là không ổn.
Tại sao? Thưa, là bởi, Theo luật Do Thái, việc này, mà người đòi lại là “con thứ” trong gia đình, thì quả đó là một hành động hiếm thấy, nếu không muốn nói là phạm luật. (x. Đnl 21, 17). Còn với quan niệm Việt Nam, thì đó là một hành động bất hiếu, muốn cha mình chết sớm.
Ấy thế mà, người cha vẫn không một lời càm ràm. Ông ta làm theo đúng lời thỉnh cầu của người con thứ. Chuyện kể rằng: “người cha đã chia của cải cho hai con”.
Được chia gia tài rồi, “ít ngày sau, người con thứ gom tất cả rồi trẩy đi phương xa”. Đi phương xa mở công ty hay lập doanh nghiệp! Thưa không, “Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”.
Với lời mô tả này, có thể nghĩ rằng, cậu ấm nhà ta có nét ăn chơi cũng không kém cạnh chàng bạch công tử ở miền tây nam bộ, khi xưa.
Và, nếu quả là như thế, thì, như lời Kinh Thánh nói, người con thứ đã để cho “Đôi chân nó đi vào cõi chết, nó thẳng đường bước tới âm ty” (Cn 5, 5).
Thật vậy, chàng ta đã đối diện với cái chết… “chết đói”. Người con thứ chết đói vì tài sản được chia đã “ăn tiêu hết sạch”, đồng thời “lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp”.
Và, như người xưa có nói “đói đầu gối phải bò”, người con thứ, đói quá, nên anh ta đã “bò” đến một trang trại xin ở đợ. Chủ của anh ta là “một người dân trong vùng, người này sai anh ta ra đồng chăn heo”.
Bên đàn heo, trong cơn đói quằn quại, anh ta “ước ao lấy đậu muồng heo ăn nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho ăn”...
Chìm trong tủi nhục, anh ta “hồi tâm và tự nhủ: biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta lại ở đây chết đói!”
Trong một cơ thể bắt đầu rên rỉ vì đói khát, anh ta nghĩ, hay là: “…Ta đứng lên đi về cùng cha, và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.
Chỉ xin “làm công”, chẳng lẽ cha mình không cho sao! Và rồi, trong niềm tin vào lòng thương xót của người cha: “anh ta đứng lên đi về”.
Còn người cha ư! Rất bao dung. Ở nhà, người cha vẫn trông mong và hy vọng một ngày nào đó, con ông sẽ hồi tâm trở về mái nhà xưa. Ông chỉ nghĩ đến đứa con, mà không nghĩ đến hành động trịch thượng của nó.
Quả thật, sự trông mong và hy vọng của ông đã thành sự thật. Cậu quý tử đã về. Và, lúc “anh ta còn ở xa, thì người cha đã trông thấy”.
Ôi, một tấm thân tiều tụy, sau bao năm “lãng du” nay trở về trong “điêu tàn”… Chạnh lòng thương, tấm lòng người cha tràn ngập sự độ lượng. Và rồi, ông, chính ông ta, đi bước trước. Ông ta đã “chạy ra ôm cổ anh ta hôn lấy hôn để”.
Thật tuyệt vời! đó là một “nụ hôn” của lòng thương xót. Lòng thương xót của người cha đã làm cho người con nức nở nghẹn ngào, nghẹn ngào với những lời thống hối xót xa: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”. (x.Lc 15, 21).
Không! Không đời nào… Con ta vẫn là con ta… Vâng, đó là sự thật. Sự nhân hậu và độ lượng của người cha, đã biến tâm hồn cô đơn buồn nản của ông, trở thành một tâm hồn “chan chứa tình thương”.
Nỗi buồn của tang tóc đã được biến thành niềm vui. Hôm đó, người cha đã vui, vui vì “…con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (x.Lc 15, 24).
***
Thiên Chúa, qua hình ảnh người cha, Người đúng là Đấng “Chẳng trách cứ luôn luôn. Không oán hờn mãi mãi”.
Với cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, qua dụ ngôn này, ngài gọi Chúa là Đấng “kém trí nhớ”. Người cha (hình ảnh Chúa Giêsu), không nhớ tội cũ của con, ông không thèm nghe lời thú tội để hạch hỏi tội con, trái lại, đã ra lệnh cho tôi tớ “mau đem áo đẹp nhất mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi bắt con bê đã vỗ béo làm tiệc để chúng ta ăn mừng”.
Thánh Phao-lô, một người cũng đã nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, đã có lời nhận định, rằng: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người” (x.1Tim 1, 16).
Với lòng đại lượng, Thiên Chúa, Người quên tức khắc, quên vô điều kiện, chỉ cần kẻ hối nhân hồi tâm, hối cải trở về, và “từ nay đừng phạm tội nữa”.
****
Trở lại dụ ngôn, với ba nhân vật điển hình, điển hình cho cuộc sống của mỗi chúng ta.
Vâng, rất có thể, trong một khoảnh khắc nào đó của cuộc đời, ta là một trong ba nhân vật đó.
Là người cha ư! Ta sẽ phải sống như thế nào? Thưa, nhà thần học Henri Nouwen khuyên: “Luôn phải chiến đấu để được giải thoát khỏi những ‘sự yếu đuối’ cố hữu, thể hiện qua tính cách của hai anh em, hầu có thể trải nghiệm sự tăng trưởng tâm linh mà trở thành người cha hy sinh, sẵn sàng ban cho và sẵn lòng tha thứ” (nguồn: internet).
Là người con thứ ư! Biết đâu là vậy! Biết đâu, trong sự bồng bột của tuổi trẻ, với tính kiêu ngạo cố hữu mà nguyên tổ để lại, chúng ta khước từ “ngôi nhà” Giáo Hội với đầy tín điều cổ hũ, để đến một miền đất xa lạ, miền đất của những thứ chủ nghĩa lệch lạc, sống buông thả với viện dẫn đó là giá trị của sự tự do v.v…
Nếu chúng ta lầm lạc với những ảo tưởng đó. Hãy coi đó như là một tai nạn trong sự lựa chọn của đời mình. Vâng, đừng để chủ nghĩa “chủ bại” ngự trị trong tâm hồn ta, để rồi buông xuôi tất cả, với lập luận “tay lỡ nhúng chàm”. Hãy nhớ, Đức Giê-su có nói: “Trên trời… ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn”.
Cuối cùng, nếu tôi là người con cả thì sao? Thưa, thứ nhất, đừng ganh tỵ với những gì người em được hưởng. Người cha (là Đức Giê-su), “chẳng lẽ… lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của (ông ta) sao?” (x.Mt 20, 15).
Thứ hai, đừng oán hờn. Tại sao phải oán hờn người cha về việc “chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để ăn mừng”.
(Ô hay! Người cha đã “chia già tài cho hai con”, lý do gì “anh hai” lại vu oan cho cha mình như thế). Vâng, chúng ta luôn ganh tỵ với ơn phước Chúa ban cho người này nhiều hơn người kia.
Hãy để một phút hồi tâm để nhận ra chính mình là ai… là ai trong ba nhân vật trong dụ ngôn. Và đừng nghĩ rằng, những lời chia sẻ nêu trên chỉ là một mớ “lý thuyết trừu tượng”, khó thực hiện trong đời sống của mình.
Không… đó chính là lời Đức Giê-su khuyên dạy. Đó chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng soi đường ta đi”.
Lịch sử cứu độ cho ta biết, đã có rất nhiều “đứa con hoang đàng” thời đại hậu Giê-su, trở về, cũng nhờ những lời truyền dạy này. Một Phan-xi-cô Assisi như là điển hình. Và một ông thầy Trần Duy Nhiên khiến ta phải ngạc nhiên.
Vâng, sau khi nghe linh mục Hoàng Đắc Ánh đọc dụ ngôn “người cha nhân hậu”, vị cố giáo sư đã thú nhận rằng, “Tôi choáng váng. Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quì xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi. Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha và lắp bắp: ‘Lạy Cha xin Cha tha tội cho con…’ Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng… Nước mắt cứ chực trào. Lâu thật lâu, tôi nghe: ‘Cha tha tội cho con…’ và tôi oà lên khóc…”
Đức Giê-su (hình ảnh người cha), luôn đứng chờ đợi chúng ta nơi ngôi nhà tạm, trong mỗi thánh đường. Ngài, vẫn lớn tiếng mời gọi “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 3, 20).
Vâng, đó là một bữa tiệc, không chiêu đãi bằng thịt con bê, nhưng là bằng Mình Máu Thánh Đức Ki-tô.
Nói cách khác, đó là một “bữa tiệc ân sủng”, ân sủng và lòng thương xót”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn